(Sóng trẻ) - Tháng 7 về, giữa cái nắng bỏng rát của miền Trung, có một người đàn ông lặng lẽ cúi đầu bên từng phần mộ, kiên nhẫn thắp nhang, lau bụi, thay từng chiếc bát hương nứt vỡ. Suốt nhiều năm qua, ông Lê Đức Tuấn (Đà Nẵng) - người con của một liệt sĩ - đã đi qua hàng ngàn ngôi mộ vô danh, thực hiện một hành trình đặc biệt: không để ai bị quên lãng.

Sinh ra và lớn lên trong nỗi mất mát vì chiến tranh, hình bóng người cha liệt sĩ luôn khắc sâu trong tâm trí ông Tuấn, đặc biệt trong những ngày tháng 7 linh thiêng. Ông tâm sự: “Hồi nhỏ tôi nghe ông nội kể lại, cha tôi trước khi hy sinh từng có nhiều nguyện ước, trong đó, nguyện ước lớn nhất là được thấy quê hương sạch bóng quân thù. Giờ đây, khi được hưởng cuộc sống thái bình, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của hai chữ 'hy sinh' mà cha tôi và đồng đội đã đánh đổi. Càng nghĩ, tôi càng dặn lòng mình phải làm một việc gì đó để vui lòng người cha đã ra đi vì nghĩa lớn”.
Ban đầu, khi lặn lội từ Đà Nẵng đến “vùng đất thiêng” Quảng Trị, ông Tuấn cùng con trai chỉ viếng quanh khu tượng đài trung tâm, thắp hương chung như bao người. Nhưng rồi, ông cảm thấy như có một điều gì đó chưa trọn. “Tôi về mà thấy không yên. Tại sao mình lại chỉ thắp một phần trong khi còn hàng vạn người khác đang nằm đó? Thế là tôi quyết phải đi hết, thắp hết. Phải đi hết mới thấy lòng mình thanh thản”, ông bộc bạch.

Nghĩ là làm, từ năm 2018, ông Tuấn bắt đầu hành trình “không giống ai”: mỗi dịp tháng 7, ông thu xếp công việc, cùng con trai dành một tuần đến viếng hương tại các nghĩa trang lớn như Trường Sơn, Đường 9, Thành cổ Quảng Trị và cả những nghĩa trang nhỏ rải rác khắp miền Trung, miền Nam. Riêng tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi quy tụ hàng vạn mộ phần, ông thường mất tới 3 ngày để đi hết từng khu, từng hàng mộ, từng ngóc ngách.
Không chỉ thắp hương, ông Tuấn còn tranh thủ lau dọn, chỉnh trang từng phần mộ, thay bát hương mới nếu thấy hư hỏng. Có lần, tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, ông phát hiện 4 ngôi mộ không có bát hương, 3 bát khác đã nứt vỡ. Ông lặng lẽ thay tất cả, không cần ai nhắc nhở. Với ông, đó đơn giản là cách để “ngôi nhà” của các liệt sĩ thêm phần sạch sẽ, ấm cúng mỗi mùa tri ân.
“Những ngày đầu, đi bộ nhiều nên tôi gần như kiệt sức, chân đau ê ẩm, tối về phải nhờ con xoa bóp mới ngủ được. Nhưng sáng hôm sau lại cố dậy sớm, sửa soạn tiếp tục hành trình. Cứ thế, đi mãi rồi thành quen. Giờ đây, việc thắp hương lên từng phần mộ vào ngày 27/7 đã trở thành thông lệ không thể thiếu của tôi”, ông chia sẻ.

Tháng 7, khi đất trời giao mùa từ hạ sang thu, nắng vẫn oi ả, mưa thì ào ạt, vội vã. Thế nhưng, mỗi dịp “hành hương” về Quảng Trị, ông Tuấn vẫn kiên nhẫn đốt từng tờ giấy, thắp từng nén hương và bước chậm rãi giữa nghĩa trang tĩnh lặng. Trong không gian linh thiêng ấy, ông lặng thầm chăm chút từng phần mộ liệt sĩ, những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, như một cách tri ân sâu sắc tới những “ngọn lửa thiêng” không bao giờ tắt.

Từ nỗi đau mất cha, ông Lê Đức Tuấn chọn hành động thay cho nước mắt - như một cách dâng trọn lòng thành kính và mong cha an lòng nơi cõi vĩnh hằng. Không chỉ đều đặn viếng hương tại các nghĩa trang, ông Tuấn còn phát tâm hỗ trợ kinh phí cùng chính quyền địa phương để trùng tu, sửa sang mộ phần, đúc đại hồng chuông tại các nghĩa trang liệt sĩ.
Với ông, mỗi lần được viếng hương trong mùa tri ân là một niềm vui sâu sắc, là hạnh phúc khi tâm nguyện được thực hiện trọn vẹn. Ông còn dí dỏm gọi đó là “Tết của riêng mình”, bởi cũng tất bật chuẩn bị mâm lễ, trái cây, như thể đón năm mới cùng những người đã khuất, để mộ phần liệt sĩ thêm ấm cúng trong những ngày tháng 7 nghĩa tình.
Chính vì thế, ông Tuấn chẳng nề hà bất cứ việc gì, từ việc tự tay chuẩn bị lễ vật, bày biện tươm tất, liên hệ với ban quản lý nghĩa trang để sắp xếp thời gian cho các đoàn viếng hương, đến lặng lẽ lui cui bên từng phần mộ, thắp từng nén nhang giữa cái nắng bỏng rát của “chảo lửa” Quảng Trị.
Ít ai biết, để có đủ kinh phí, ông âm thầm tích góp hơn 10 triệu đồng mỗi năm cho việc chuẩn bị lễ vật và hương khói vào dịp 27/7. Là con liệt sĩ, ông được hưởng chế độ ưu đãi, nhưng chưa bao giờ giữ riêng cho mình. Toàn bộ khoản hỗ trợ ấy, ông đều dành để cùng địa phương đúc đại hồng chuông, tu bổ Công viên nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong, tổ chức các đoàn tri ân, tất cả chỉ với mong muốn góp phần giữ gìn sự trang nghiêm, ấm áp nơi những người đã khuất yên nghỉ.

Mỗi nén nhang được thắp lên là cả một quá trình chuẩn bị đầy tâm huyết: từ quê nhà Hòa Vang (Đà Nẵng), ông mang theo vòng hoa, mâm lễ đủ đầy với bánh trái quê hương như bánh ít, trái cây, thịt heo quay và đặc biệt là đặc sản bánh tráng Túy Loan - như một “thức quà quê” gửi đến các bậc cha anh đã yên nghỉ với niềm tin “dương sao âm vậy”.

Điều đặc biệt, ông không đi một mình. Con trai ông luôn đồng hành, không chỉ để phụ giúp mà còn để hiểu và tiếp nối. “Tôi không muốn việc mình làm kết thúc cùng thế hệ mình. Nếu ai cũng hiểu giá trị của tri ân, đất nước này sẽ không quên những người đã ngã xuống”, ông nói. Với ông, đây không phải là việc làm theo phong trào hay lời kêu gọi. “Nó là căn cốt, là máu thịt của tôi”.
“Nhưng tôi vẫn chưa thấy mãn nguyện”, ông trầm giọng. “Còn nhiều phần mộ cô đơn chưa ai ghé thăm, còn nhiều nghĩa trang nhỏ vắng người viếng. Tôi chỉ mong có thêm người đồng hành, để mỗi ngôi mộ đều có nhang khói, có người gọi tên”.
Tháng 7 này, như mọi năm, ông lại chuẩn bị lễ vật và lên đường. Những bước chân không mỏi ấy vẫn tiếp tục, lặng lẽ mà bền bỉ. Mỗi nén nhang, mỗi cái cúi đầu là một lời tri ân với quá khứ, với những người đã hóa thân thành sông núi, để đất nước được rạng rỡ trong hòa bình.
Người đẹp Thái Lan đăng quang Miss World 2025
(Sóng trẻ) - Tối ngày 31/5, đêm chung kết Miss World 2025 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế HITEX, thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Đại diện Thái Lan - Opal Suchata Chuangsri đã xuất sắc đăng quang ngôi vị cao nhất của cuộc thi.
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ
(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.