Sĩ tử 2007 “cân não” điều chỉnh nguyện vọng
(Sóng trẻ) - Chỉ còn chưa đầy bốn ngày nữa, cổng đăng ký nguyện vọng xét tuyển sẽ chính thức đóng lại. Nhiều học sinh lớp 12 đang gấp rút rà soát, điều chỉnh lại thứ tự nguyện vọng để phù hợp với phổ điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố năm nay.
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT lần đầu tiên được triển khai dựa trên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 24/2024, kỳ thi được tổ chức với mục tiêu đánh giá chính xác năng lực học tập của học sinh, căn cứ vào chuẩn đầu ra và mục tiêu của chương trình mới. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục ở Việt Nam, được giới chuyên môn đánh giá cao về ý nghĩa và tác động.
Việc thay đổi hình thức thi kéo theo nhiều biến động trong phổ điểm giữa các khối. Điều này buộc không ít học sinh phải tính toán kỹ lưỡng hơn, cân nhắc từng nguyện vọng để vừa giữ được ước mơ vừa đảm bảo cơ hội trúng tuyển an toàn.
Sử dụng chứng chỉ IELTS để quy đổi điểm xét tuyển, Phạm Yến Vân (học sinh trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Hải Phòng) chia sẻ: “Năm nay, phổ điểm môn Toán và Tiếng Anh biến động khá lớn. Dù đã sử dụng phương thức quy đổi điểm IELTS để đăng ký vào các trường đại học top đầu, mình vẫn lo lắng trước mức điểm chuẩn cao của năm ngoái nên đã đăng ký gần 40 nguyện vọng để chắc chắn hơn. Hy vọng năm nay điểm chuẩn sẽ giảm, để mình có cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước”.
Ngoài Vân, nhiều thí sinh cũng phải điều chỉnh lại chiến lược xét tuyển của mình. Bạn Phạm Quốc Kiệt (học sinh tại trường THPT Nguyễn Du, Hải Phòng) cho biết: “Ban đầu, mình đặt nguyện vọng 1 vào ngành Kỹ thuật của Đại học Bách Khoa Hà Nội, tuy nhiên sau khi điểm thi được công bố thì mình đã phải cân nhắc lại nguyện vọng và quyết định hạ xuống những ngành thấp điểm hơn ở trường. Ngoài ra, mình cũng có xét học bạ vào trường Đại học Giao thông Vận tải, nếu điểm chuẩn giữ ổn định như năm ngoái, mình khá tự tin với khả năng trúng tuyển của mình”.

Việc điểm thi và phổ điểm có sự biến động đã khiến không ít học sinh phải tính toán lại lộ trình của mình. Thay vì chỉ giữ nguyên kế hoạch ban đầu, nhiều bạn buộc phải cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng để tìm phương án an toàn hơn, hạn chế rủi ro trượt đại học. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng điều chỉnh nguyện vọng, bạn Phạm Phương Linh, học sinh trường THPT Kim Liên (Hà Nội) là thí sinh vẫn giữ nguyện vọng ban đầu của mình. Linh cho biết bạn đã ước lượng được khoảng điểm của mình và sắp xếp nguyện vọng một cách hợp lý, phù hợp với khả năng. Do vậy, khi biết điểm chính thức, nguyện vọng của bạn không có sự thay đổi.
Thí sinh này chia sẻ thêm: “Trong kỳ tuyển sinh 2025, với nhiều phương thức xét tuyển và quy đổi điểm khác nhau từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học, em phải nghiên cứu kỹ thông tin tuyển sinh để xây dựng chiến lược hợp lý. Ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT, em còn tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, thi IELTS và nộp hồ sơ xét học bạ để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường top đầu. Do mỗi phương thức có cách quy đổi và tiêu chí riêng, em phải tìm hiểu kỹ thông tin để sắp xếp nguyện vọng hợp lý, tránh trùng lặp và tối đa hóa khả năng trúng tuyển”.

Việc điều chỉnh nguyện vọng là bước cuối cùng nhưng cũng là quan trọng nhất trước khi cánh cửa tuyển sinh khép lại. Sự thay đổi phổ điểm năm nay khiến nhiều thí sinh phải tính toán kỹ hơn, song cũng mở ra cơ hội để các bạn lựa chọn ngành nghề và ngôi trường phù hợp với năng lực thực tế. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc cập nhật thông tin và chuẩn bị kỹ lưỡng trong bối cảnh tuyển sinh thay đổi, giúp thí sinh tối ưu cơ hội trúng tuyển và hạn chế rủi ro.