(Sóng trẻ) - "Đi bão" - cụm từ này có lẽ đã trở nên quen thuộc với cổ động viên Việt trong những năm gần đây. Thế nhưng, những cơn “bão” lại đang phô bày một thứ văn hóa ứng xử kém văn minh của người hâm mộ Việt Nam.

Sau chiến thắng 1-0 trước đội tuyển U23 Thái Lan, người dân cả nước đã đổ ra đường ăn mừng đội tuyển U23 Việt Nam giành Huy chương vàng bóng đá nam tại SEA Games 31.

Việc từng đoàn người đổ ra đường, tiến về trung tâm các thành phố để reo hò, cổ vũ mỗi khi đội tuyển Việt Nam chiến thắng đã không còn xa lạ. Tiếng kèn trống cùng lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trên khắp các con phố khiến mỗi người dân đều dâng trào niềm tự hào dân tộc.

Không thể phủ nhận, các chàng trai, cô gái của đội tuyển đã thổi bùng lên tình yêu bóng đá cùng sự đoàn kết trong mỗi người Việt sau những chiến thắng trên sân cỏ. Thế nhưng, sự cuồng nhiệt ấy cũng khiến không ít người lo lắng, bởi đâu đó vẫn còn những hình ảnh xấu xí khiến cuộc vui trở nên lố bịch và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Sau mỗi chiến thắng có tính chất quyết định của đội tuyển bóng đá nước nhà, “đi bão” dường như đã trở thành một thói quen của các cổ động viên. Ngay khi trọng tài thổi tiếng còi mãn cuộc, tại các thành phố lớn, mọi ngả đường lập tức trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Đó là khi “bão” bắt đầu “càn quét” đến từng con phố.

Thời điểm kết thúc trận chung kết bóng đá nam SEA games 31, bên ngoài sân vận động quốc gia Mỹ Đình, khi được hỏi “Bạn ấn tượng với cầu thủ nào nhất trong trận đấu của đội tuyển chúng ta ngày hôm nay?”, một cô gái với 2 lá cờ được dán trên má và mặc chiếc áo cờ đỏ sao vàng chỉ cười trừ “Em đi cổ vũ cho đội tuyển vui là chính thôi chứ không biết cầu thủ nào với cầu thủ nào đâu ạ.”. Ngay sau đó, cô gái này cùng những người bạn mình đã hòa vào một đám đông và hô to “Việt Nam vô địch”.

Càng về sau, những cơn “bão” mất dần đi ý nghĩa ban đầu, chỉ còn là một lý do để mọi người cùng xuống đường và hò hét.

Thông thường, “bão” được hiểu là một hiện tượng thời tiết, với đặc trưng là gió mạnh và mưa lớn. Còn với các cổ động viên, “đi bão” là cách thể hiện tình yêu bóng đá theo cách cuồng nhiệt nhất. Nhưng thực tế, trong mỗi “cơn bão” của họ, giữa cuồng nhiệt và kích động là một ranh giới rất mong manh.

Tiếng còi xe, tiếng kèn vuvuzela, tiếng trống, thậm chí tiếng gõ xoong nồi, thau chảo, mâm; hòa cùng tiếng la hét, gọi nhau, tiếng cười nói… cùng sự xuất hiện của pháo sáng, cờ hoa là thứ có thể gặp ở mọi nẻo đường sau mỗi trận thắng của đội tuyển.

Thế nhưng, khi sự cuồng nhiệt không được kiểm soát sẽ biến thành sự kích động. Khi đó, một bộ phận đã bất chấp các quy định, luật pháp và sự an toàn.

Nguy hiểm hơn, “bão” lại trở thành cơ hội cho tệ nạn xã hội len lỏi vào. Nhiều trường hợp tổ chức đua xe, lạng lách đánh võng khiến người đi đường khiếp đảm. Nhiều thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, rú ga, phóng nhanh, phanh gấp, chở quá số người quy định.

Nhiều trò chơi với hình ảnh các chiếc mặt nạ quái đản, ghê rợn làm người đi đường khiếp vía. Lực lượng chức năng Hà Nội đã phải tung toàn bộ quân số, căng mình tại các tụ điểm để đảm bảo an ninh trật tự.

Những hình ảnh đó đã làm xấu đi rất nhiều văn hóa ứng xử trong mắt du khách quốc tế.

“Bão” tan nhưng tàn dư sau đó thì chưa dừng lại. Sự cuồng nhiệt của những “cơn bão” khiến không ít người lo lắng.

Phải chăng tình yêu với trái bóng là chở 3,4 người trên 1 chiếc xe máy và phi như tên bắn, rồi nhả khói đen, nẹt pô, đánh võng để gây nguy hiểm cho người khác. Giá như tiếng còi xe, kèn trống được sử dụng chừng mực hơn thì đã không có chuyện những cổ động viên có tuổi giật mình mà ngã ra đường.

Mỗi cơn “bão” tan để lại biển rác giữa lòng các đô thị. Sau một đêm tận hưởng niềm vui chiến thắng, mặt đường lại nhuộm đỏ bởi những mảnh ruy băng, dùi trống, chuôi kèn, thậm chí cả những lá cờ to nhỏ.

 Đau lòng hơn khi thấy những mảnh vụn xe máy còn sót lại sau nhiều vụ tai nạn giao thông. Những chiếc xe cứu thương tiếp tục nhích từng bước đến với những tính mạng thoi thóp bên vệ đường, bên những mảnh vụn xe và bên những lá cờ đỏ thắm.

Dù chỉ tự phát, nhưng việc “đi bão” phần nào phản ánh văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Thay đổi nhận thức để văn minh hơn trong cách yêu và cổ vũ bóng đá là điều quan trọng nhất đối với mỗi người. 

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN