40 năm gắn bó không phải là một quãng thời gian ngắn, nhất là với một người làm nghệ thuật. Vậy cơ duyên nào khiến một họa sĩ được đánh giá cao như bà quyết định tạm biệt bút giấy màu vẽ để đến với hành trình của chiếc kéo và những mảnh vải?

Những mảnh vải đầu đời xuất hiện như một cơ duyên với tôi vào những năm đôi mươi, khi tôi vẫn đang theo học tại trường Mỹ thuật. Vẫn còn nhớ, ngày ấy là vào một dịp nghỉ hè, tôi có cơ hội lên chơi nhà một cô bạn thợ may. Những mảnh vải vụn nhiều màu sắc thừa ra từ các bộ quần áo cô bạn may cho khách khi ấy đã thu hút tôi ngay lần đầu nhìn thấy. Tôi vu vơ ghép thử các mảnh vải rời rạc lên một miếng bìa. Hồi đó thành quả còn ngây ngô, buồn cười nhưng lúc mang về nhà khoe với gia đình, mọi người cũng khen lạ và bảo tôi làm tiếp. Mất ba ngày, bức tranh vải đầu tiên trong cuộc đời tôi ra đời như vậy. Tôi vẫn nhớ như in hình bóng thành phố Nam Định quê tôi trong bức tranh vải đầu đời ấy. Thành quả ban đầu còn đơn sơ nhưng những sắc vải chắp vá khi ấy lại khiến tôi say đắm và đam mê đến thế cũng 40 năm rồi.

Từng là một sinh viên Mỹ Thuật, được đào tạo và làm quen với đa dạng chất liệu vẽ tranh nhưng cuối cùng, bà lại lựa chọn dừng chân và gắn bó với chất liệu vải. Điều gì đặc biệt ở chất liệu vải cuốn hút bà đến vậy?

Mỗi người họa sĩ khi đã chọn cho mình một chất liệu gắn bó cả sự nghiệp, nghĩa là họ đã chấp nhận cả những thuận lợi cũng như khó khăn, thử thách mà chất liệu đó đem lại. Để am hiểu được một chất liệu, không có con đường nào khác ngoài lao động.

Với chất liệu vải cũng vậy. Dễ thấy, chất liệu vải khác xa bút màu. Người vẽ tranh thông thường khi tìm kiếm chất liệu chỉ cần hết màu xanh thì đi mua màu xanh, hết màu đỏ thì đi mua màu đỏ. Thế nhưng với tranh vải thì không như thế được. Tất cả những họa phẩm, những sắc vải sinh ra đã là mặc định. Với mỗi họa tiết mình chỉ mua được một mảnh vải, may mắn lắm thì được hai. Một khi vô tình cắt hỏng thì mình không thể mua lại được họa tiết đó. Vì vậy, quá trình làm việc với vải nhiều lúc vô cùng căng thẳng. Mỗi một đường kéo cắt xuống đều phải cẩn trọng, từ suy nghĩ về nội dung và bố cục của bức tranh phải được chuẩn bị chu đáo.

Bắt đầu với một chất liệu hiếm người sử dụng để sáng tạo thành tranh, vậy với bà đâu là công đoạn khó nhất trong quá trình tìm hiểu và vận dụng vải?

Công đoạn tốn nhiều thời gian, công sức nhưng có lẽ là quan trọng hơn cả, đó là tìm cho được những họa tiết phù hợp với đề tài mình đang theo đuổi. Thế giới vải vụn vô cùng phong phú. Cho nên khi làm, thí dụ chỉ cần một chi tiết cho bãi cỏ, cho đống rơm, tôi sẽ phải ngồi chọn những mảnh vải có sắc độ, họa tiết tương đồng rồi rút đi hết những sợi ngang chỉ để lại những sợi dọc. Từ những sợi dọc ấy, tôi cắt ngắn lại thành những mẩu vải dài độ một phân đến một phân rưỡi, rồi chồng xếp các lớp bé tí lên nhau để tạo thành độ xốp của một thảm cỏ hoặc một mái rơm. Chính vì công việc hết sức tỉ mẩn như vậy, mỗi ngày tôi đều dành 15 - 17 tiếng trong ngôi nhà của mình để ướm thử, tìm tòi và lao động với vải.

Chất liệu vải luôn có giới hạn trong việc thể hiện cảm xúc và nói lên những điều mình muốn nói. Vì thế, trong quá trình tìm kiếm, để có được họa tiết phục vụ đúng nhu cầu của mình là vô cùng khó khăn. Nhiều khi, tôi phải nương vào những họa tiết mình đã có rồi để liên tục điều chỉnh bố cục tranh. Do vậy, tranh của tôi chưa bao giờ vẽ phác thảo trước đó. Trong quá trình sáng tạo, tôi và những sắc vải cùng đồng hành với nhau, tự điều chỉnh để hòa hợp lẫn nhau. Trong trường hợp chưa kịp tìm được những mảnh vải có họa tiết ưng ý, tôi thường xếp gọn tác phẩm đó lại và bắt đầu thực hiện những tác phẩm sau. Cho nên những tác phẩm tranh vải này luôn được hoàn thành gối sóng nhau, tức là cùng một lúc tôi làm vài bức tranh, trong khi đó vẫn phải quán xuyến xem bức nào còn thiếu họa tiết nào. Khi mà đã tìm được những họa tiết ấy, thực sự niềm vui ập đến không lời nào diễn tả hết được. Bao giờ cũng thế, khó khăn luôn đi song hành với thuận lợi. Những thử thách khi mình vượt qua được, bao giờ nó cũng đem lại cho bản thân niềm hứng khởi rất lớn. Đó cũng là điều thú vị bất ngờ mà càng tìm hiểu, càng gắn bó tôi càng đắm chìm trong thế giới đa dạng mà vải mang lại.

Một bức tranh thường thu hút bằng đường nét và màu sắc. Nếu đường nét trong tranh vải là sự độc đáo khi được ghép từ những mảnh vải vụn khác nhau, vậy có phải cũng cần có cách “pha màu” đặc biệt dành cho tranh vải không?

Để tạo nên màu sắc cho bức tranh, thông thường các họa sĩ sử dụng những bảng palette để pha màu. Nhiều màu sắc với những trạng thái, sắc độ khác nhau được hình thành từ đó. Nhưng với tranh vải thì không làm thế được. Tôi thường “pha màu” cho vải bằng kỹ thuật chồng lớp: hai mảnh vải độc lập, khi dán chồng lên nhau sẽ ra một màu sắc mới.

Màu này vẫn thấy chưa ổn thì mình lại tiếp tục chồng xếp mảnh vải thứ ba, thứ tư,... làm sao để tạo được hiệu ứng mảnh vải phía dưới tương hỗ cho mảnh vải phía trên, giữ lại họa tiết của những mảnh vải đã dán đằng trước. Nhiều lúc vải chồng lên tới 4-5 lớp, những bức tranh có một lớp vải đứng độc lập là rất ít, nhờ vậy mà tôi tạo được chiều sâu cho tranh. Qua những sắc độ đậm nhạt khác nhau, không gian như được mở rộng và chân thực hơn, có xa có gần. Đây đều là những kỹ thuật tôi tự đúc kết cho mình sau 40 năm mày mò cùng sắc vải.

Với kinh nghiệm làm việc và sáng tạo tranh trên một chất liệu độc đáo và mới lạ như vải gần 40 năm, bà đã đúc rút được những điều gì cho bản thân trong quá trình vận dụng chất liệu này?

Trước tiên là về chất liệu của vải. Ngoài kia có vô vàn loại vải khác nhau tuy nhiên có một vài chất liệu mà tôi thường tránh khi làm tranh có thể kể tới như cotton. Bởi khi cotton tác dụng với keo thì nó sẽ bị mất màu và khô cứng. Chất liệu thứ hai không nên sử dụng là vải tơ tằm nguyên chất bởi màu sắc của vải sẽ chuyển thâm khi bôi keo lên. Cuối cùng là chất vải có độ co giãn lớn không có khả năng dán lên tranh. Những điều này không ai dạy, đều là bản thân phải tự tìm tòi ra bằng kinh nghiệm đôi khi là từ cả những thất bại.

Không chỉ lưu ý đến màu sắc, hoa văn, họa sĩ tranh vải cũng cần phải chú ý đến độ dày của vải. Trong các bức tranh, có những chỗ mịn màng, có những chỗ lại sần sùi. Những chi tiết ở gần bao giờ cũng được thể hiện bằng những mảnh vải có chất liệu mỏng nhẹ, phần trung gian thì là những mảnh vải dày hơn một chút. Sự phối hợp giúp cho các mảnh vải có thể đứng cạnh nhau được là một công việc đòi hỏi kinh nghiệm và niềm đam mê thực sự.

Dường như chất liệu vải khá phù hợp để sáng tạo nên các bức tranh phong cảnh khi cho phép người họa sĩ phối cảnh đa dạng hơn. Liệu có phải vì vậy mà đề tài được họa sĩ Thanh Thục tìm đến nhiều là tranh phong cảnh không?

Thú thực, chất liệu vải rất hợp với đề tài phong cảnh, tuy nhiên tôi không chỉ làm phong cảnh tĩnh. Mà bên cạnh đó, tôi cố gắng phối những bức tranh vải có câu chuyện ẩn trong nếp cảnh. Ví dụ như làm một nếp nhà tranh với không khí hạnh phúc trong một gia đình nhỏ, hay những bữa cơm đạm bạc ngày xưa với mâm gỗ và hạnh phúc giản đơn của thời ông bà ta. Trong hành trình tiếp theo và sau nữa, tôi luôn mong muốn đa dạng hóa đề tài để đưa tới cho công chúng sự gần gũi và những cảm nhận có hồn nhất thông qua tranh vải. Và để đưa tranh vải thử sức và phá cách ở nhiều đề tài mới lạ hơn nữa. Với tôi, tranh vải có nhiều tiềm năng không chỉ nên đóng khung ở một đề tài nào.

Thông thường, người họa sĩ hay chọn một “mảnh đất hứa” cho cảm hứng sáng tạo của mình. Nhớ đến tranh vải Thanh Thục người ta lại nhớ nhiều về những góc Hà Nội đầy mới mẻ, sống động. Phải chăng Hà Nội chính là “mảnh đất hứa” trong con mắt sáng tạo của bà?

Tôi sinh ra ở Nam Định. Đến tuổi hoa niên tôi mới được đặt chân đến vùng đất Hà Nội xinh đẹp này. Nơi đây là nơi đã chứng kiến tất cả những thăng trầm, vui buồn và cả sự trưởng thành trong gần nửa cuộc đời tôi. Do đó với Hà Nội, tôi có một niềm yêu rất đặc biệt.

Kì lạ là với mỗi ai đã gắn bó với miền đất này cũng lại có trong lòng một Hà Nội của riêng mình và sẽ thể hiện tình yêu ấy bằng nhiều cách khác nhau. Với riêng tôi, tôi muốn mang Hà Nội đến với những bức tranh bằng nhiều sắc vải có phần tương đối khác biệt. Bởi Hà Nội của chúng ta đã có quá nhiều bức tranh đẹp, quá nhiều bức ảnh đẹp, cho nên mỗi lần cầm kéo và cắt về Hà Nội, tôi luôn gặp phải áp lực rất lớn. Tôi đã phải trăn trở, phải đi lại ở những con đường, ở những góc phố tôi yêu không biết bao nhiêu lần. Hà Nội luôn mang lại những cảm xúc mới mẻ trong tâm hồn nghệ thuật của người gắn bó nơi đây. Tôi vẫn sẽ còn làm, còn yêu và còn nói về Hà Nội trong rất nhiều tác phẩm của mình nữa.

Yêu và sáng tạo nhiều tranh vải về Hà Nội như vậy, có bao giờ bà nung nấu ý định sẽ có một triển lãm riêng về Hà Nội chưa?

Tôi đã từng làm triển lãm chung và triển lãm cá nhân, nhưng riêng về đề tài Hà Nội, cả hội Mỹ thuật Hà Nội cũng chỉ mới làm được một triển lãm. Lúc nào cũng vậy, làm riêng một triển lãm về một miền đất nào đó luôn là một thử thách lớn với chính bản thân người họa sĩ. Để thực hiện một triển lãm riêng về Hà Nội, tôi đã dành khoảng thời gian bốn năm để chuẩn bị. Riêng về đề tài Hà Nội, để có cho mình một phòng tranh, lại toàn là tranh vải thì thực sự rất gian nan. Vậy nên, tôi vẫn đang cố gắng từng ngày để đưa ước mơ của mình thành hiện thực. Tôi luôn tin rằng khi chúng ta đã thực sự yêu quý, đam mê và dồn tâm lực vào một việc gì đó, rồi chúng ta cũng sẽ gặt hái được quả ngọt.

(Biên tập, kỹ thuật dựng: Ngân Hà, thể hiện: Thúy Hằng)

Lựa chọn một con đường hoàn toàn khác biệt so với các họa sĩ đương thời, có bao giờ bà cảm thấy cô đơn trên hành trình làm bạn với vải của mình?

Thực lòng, đó là cảm giác thường xuyên xuất hiện trong tôi. Khi mà bản thân đã có tương đối các tác phẩm theo ý mình, công việc tiếp theo tôi muốn thực hiện là mang chúng đến với mọi người. Khi đưa tranh vải đến các triển lãm, tôi luôn mong nhận được những lời nhận xét từ đồng nghiệp và những người yêu nghệ thuật. Nhưng nhiều khi, họ lại đánh giá tranh vải theo hệ quy chiếu của tranh vẽ thông thường.

Bởi lẽ, chất liệu vải mang những đặc thù riêng, việc tìm cho mình một họa tiết, một gam màu phù hợp để đi được với các mảnh vải khác, để nói lên được những điều mình muốn nói trong một tác phẩm đã là điều không dễ dàng. Thao tác đơn giản của người vẽ tranh thông thường là chuyển một màu từ gam nóng sang gam lạnh, với người làm tranh vải thì đó là cả một vấn đề. Tôi không chỉ vẽ, tôi phải tìm tòi. Và những cuộc đi tìm như vậy chứa đựng vô vàn thách thức. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy chơi vơi, bất lực. Thí dụ có những bức tranh hoàn thành đến 70-80% rồi, nhưng mà còn một cái bờ đá, vạt nắng mà tôi muốn mang lại trong tác phẩm của mình thì lại không có họa tiết phù hợp. Ra chợ không có. Ra các hiệu may cũng không có, lang thang hết ngày nọ sang ngày kia cũng không tìm được. Những nỗi vất vả này rất khó để chia sẻ với những người xung quanh. Khi đó, cảm giác cô đơn và bất lực ập đến. Tuy nhiên theo đuổi một điều gì cũng cần ta buộc phải từng bước vượt qua khó khăn. Khi đủ đam mê, ta sẽ vượt qua được những nỗi sợ ấy.

Trong hành trình theo đuổi và lan tỏa tình yêu với tranh vải qua những tác phẩm của mình, sợi dây liên kết để những người yêu tranh tìm đến tác phẩm của bà là gì?

Tôi luôn muốn gửi gắm tình yêu của bản thân đối với tất cả những cảnh đẹp trên dải đất hình chữ S này vào tranh vải và chia sẻ đến mọi người. Mọi người đã rất quen thuộc với những chất liệu làm ra cái đẹp của hội họa và nhiếp ảnh. Nhưng vải chắc chắn sẽ đem lại những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Chính vì vậy, tôi là người rất chăm chỉ tổ chức triển lãm. Khi làm triển lãm, tôi cũng may mắn được những người yêu nghệ thuật đón nhận và biết đến. Nhờ đó, tôi có thể đem tranh vải đến với những người yêu cái đẹp.

Ngoài ra, tranh vải cũng đặc biệt được các bạn nước ngoài yêu mến bởi họ rất thích những món đồ handmade. Nhiều nhà sưu tầm nước ngoài đã đến và nói rằng họ đã đi khắp thế giới mà chưa nhìn thấy những bức tranh như thế này bao giờ. Họ chỉ gặp chất liệu vải trong mỹ thuật ứng dụng như rèm cửa, khăn bàn,... thông thường, chứ để vải có được tiếng nói của nghệ thuật tạo hình thì họ chưa từng được thấy. Những lúc đó, tôi thấy rất vui vì những kết quả, những cố gắng của mình đã được mọi người đón nhận.

Trong khoảng thời gian khó khăn của dịch bệnh, công việc với những sắc vải của bà có bị ảnh hưởng?

Cũng may mắn rằng công việc của tôi hoàn toàn là làm tĩnh và sau 40 năm thì tôi đã tích lũy cho mình được một kho họa phẩm rất lớn. Đến bây giờ, tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm đi chọn vải và dùng vải. Mặc dù trong khoảng thời gian dịch bệnh tôi không đi được nhiều nơi để chọn vải, nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì nhịp độ làm việc, tiếp tục ra đời các tác phẩm mới để cuối năm nay có thể tổ chức một buổi triển lãm tranh vải với chủ đề Hà Nội.

40 năm gắn bó chắc chắn là một hành trình đầy cảm xúc. Vậy đâu là cảm xúc lớn nhất mà bà có được trong suốt chặng đường dài này?

Tranh vải đem đến cho tôi nhiều niềm vui, sự đam mê, bất ngờ nhưng cũng nhiều vất vả và gian nan. Nhưng trên tất cả, tôi vẫn cảm thấy thực sự may mắn. May mắn khi có cơ hội được tìm đến những sắc vải, may mắn khi được làm những công việc tôi yêu mỗi ngày trong suốt 40 năm qua. Khi làm tranh, nó có một sự hấp dẫn mạnh mẽ. Khi đã thực sự yêu, thực sự sống với nó thì tất cả những khó khăn đều trở thành niềm vui. 40 năm tuy không ngắn, nhưng có lẽ vẫn là chưa đủ, bởi tôi sẽ còn yêu công việc này, con đường này dài hơn nữa.

Cảm ơn những chia sẻ của bà rất nhiều!

Xem chi tiết bài viết tại đây.

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN