Bước ra từ căn bếp chật chội nhỏ hẹp chất đầy đồ dùng tại khu tập thể số 11 Vọng Đức, ông Nguyễn Công Việt (92 tuổi) chỉ vào những vết nứt dưới sàn nhà, vết ố trong góc tường. Trong khoảng không gian chật hẹp, ẩm mốc, với những mảng tường bong tróc ít ai nghĩ rằng đây là nơi ở của một người trong mấy thập kỷ qua. Khu tập thể do Cu Ba xây dựng, cư dân sống tại đây là thế hệ công nhân làm tại nhà máy Điện cơ được phân nhà ở vào những năm 1970-1971. Ngoài ra, có một phòng được dùng để cho thuê. Sống hơn 50 năm trong khu tập thể, ông Việt chứng kiến từng sự thay đổi của khu nhà. 

Sống cùng toà nhà với ông Việt, bà Hà Thị Nõn (75 tuổi) cũng chịu cảnh ngộ tương tự. Vội vàng lấy thau, chậu ra hứng nước mưa, bà Nõn tranh thủ lau lại sàn nhà. Bà cho biết cứ gặp trời mưa lớn, căn nhà của bà lại thấm dột, những mảng tường trên trần cứ dần mà bong ra rất nguy hiểm. Lối lên cầu thang nhỏ hẹp, hàng lang là nơi người dân tận dụng để tủ đồ, có khi là cả khu bếp núc. Mỗi dãy nhà chỉ có một phòng vệ sinh chung rất bất tiện. Bên trong nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước, cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Tương tự như nơi ông Việt, bà Nõn sinh sống, những bức tường loang lổ, trần nhà ẩm thấp, hệ thống dây điện chằng chịt cũng là tình trạng của một số khu tập thể cũ ở khu vực Giảng Võ, Huỳnh Thúc Kháng,... Tại khu nhà C1 - Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh), quận Ba Đình, Hà Nội, theo ghi nhận của PV khu nhà chung cư này đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp, xập xệ. Nhiều nơi tường cũ đã mọc lên những lớp rêu, có nơi bong tróc lộ ra cả những lõi sắt hoen rỉ. 

Ông Vũ Ngọc Thái (68 tuổi), người dân sinh sống tại khu tập thể Giảng Võ cho biết: “Sống trong những căn phòng thế này, tôi cảm thấy vô cùng bất an. Tường trần thì đã nứt toác, kết cấu chịu lực yếu. Mưa thì ẩm mốc, rét thì gió lùa. Ai cũng mong được an cư lạc nghiệp nhưng sống thế này thì khó mà ổn định được”. 

Phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu, nhưng không phải ai trong những khu tập thể, toà chung cư xập xệ cũng sẵn sàng di dời để chính quyền tu sửa bởi nhiều lý do khác nhau. Theo như chia sẻ của những người thuê nhà tại khu tập thể số 11 Vọng Đức, vì giá cho thuê rẻ, với mức thu nhập ít ỏi nên nhiều người chấp nhận “bám trụ” tại nơi đây. Ở lại đồng nghĩa với việc người dân phải cơi nới thêm “chuồng cọp”, làm vách, lan can,... khiến cho các chung cư cũ ngày càng xuống cấp, mất an toàn. 

Còn tại khu tập thể Giảng Võ, hệ thống cột dầm chịu lực của toà nhà đã bị nứt nhiều căn nhà đã bị nghiêng, nhiều biển báo nguy hiểm “mọc lên” để cảnh báo người dân. Theo ông Thái chia sẻ trong khu tập thể có 30 hộ dân, trong đó nhiều hộ dân đã chấp nhận di dời trước cảnh báo của chính quyền. Nhiều chính sách được đưa ra để hỗ trợ người dân di dời sang chỗ ở mới như đền bù, hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng hoặc cấp nhà ở tạm. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ dân chưa chấp nhận yêu cầu chuyển đi, cố “bám trụ” ở lại để thuận lợi cho việc kinh doanh. 


Bà L (52 tuổi) - người phụ trách trông xe ở tầng trệt khu chung cư Giảng Võ do dự chưa muốn chuyển đi vì công việc kinh doanh đang thuận lợi. Chung cư là tụ điểm tập trung của nhiều hàng quán nên nguồn thu từ việc trông giữa xe khá cao. Việc chuyển đi sẽ khiến bà L hay một số cư dân khác mất đi nguồn lợi kinh tế lớn.

Còn những người dân như ông Thái vẫn mong muốn cơ quan chức năng quan tâm, có những dự án triển khai mang tính khả thi và lộ trình rõ ràng để người dân tái định cư chỗ khác để cải tạo tòa nhà. 

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, TP Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ (2 - 5 tầng), tập trung trong 76 khu với khoảng 1.300 nhà còn là nhà riêng lẻ, chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960-1994. Trong đó 4 quận nội thành có tới gần 1.000 nhà chung cư. Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân.

Trong khi đó, công tác cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ đã được Hà Nội triển khai từ lâu, song đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn khi chỉ 1% trong tổng số 1.500 chung cư, tập thể cũ được cải tạo sau 20 năm thực hiện kế hoạch. Mặt khác, mật độ dân cư tại những khu vực này tăng nhanh kéo theo đó là nhu cầu xây dựng tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu. Dưới sự tác động của con người và thời gian, hệ thống kỹ thuật ở các chung cư đều cũ nát. Các hệ thống ống nước, điện trạm đều do dân tự cải tạo lại gây nguy hiểm và mất mỹ quan. Mặc dù đây là vấn đề bức thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cư dân, tuy nhiên công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vẫn là bài toán khó giải.

Theo luật sư Nguyễn Đăng Thái (công ty luật Trung Quân), quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận. Chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Họ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới. Luật sư cũng thông tin thêm về quy định năm trường hợp buộc phải phá dỡ chung cư. 

Dù đã có nhiều chính sách, luật đưa ra nhằm hỗ trợ công tác cải tạo xây dựng mới các khu chung cư, nhà tập thể cũ ở Hà Nội. Nhưng để đạt được sự đồng thuận di dời của 100% hộ dân còn rất khó khăn. Câu hỏi về việc đến bao giờ Hà Nội mới giải quyết được vấn đề về những nhà ở chung cư xập xệ vẫn khó có câu trả lời. 

Xem chi tiết bài viết tại: Kiếp người "chui lủi" giữa lòng Thủ đô

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN