Về làng Bá Giang, hỏi thăm người dân về Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm thì ai cũng biết bởi ông là một “lão làng” trong nghệ thuật chơi diều truyền thống. Đặc biệt, ông cũng chính là người đưa những nét đẹp của cánh diều sáo Việt Nam đến với quốc tế.

Đến với làng Bá Giang, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội vào một ngày đầu thu - nơi được biết đến là cái nôi của nghệ thuật chơi diều sáo, chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ ông Nguyễn Hữu Kiêm (77 tuổi) - một nghệ nhân dành gần cả cuộc đời mình để gìn giữ “thú vui” dân dã này. Ở đây, chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng những cánh diều sáo mộc mạc mà còn như được trở về với những ký ức tươi đẹp của tuổi thơ.

Cha cho con cánh diều 

Như ông cho cha thuở nhỏ 

Cha mở đường cày giữa mênh mông đồng cỏ 

Cánh diều con bay lên!

Bộ sáo gia truyền bóng nước sơn Nam 

Reo qua tuổi thơ ông 

Reo qua tuổi thơ cha 

Và im lặng một thời kháng chiến… 

Cha bồi hồi nhìn cánh diều chao lượn 

Âm thanh nào lắng xuống hồn con?

Thừa hưởng truyền thống chơi diều của gia đình, Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm đã được “tắm mình” trong tiếng sáo diều vi vu từ thuở ấu thơ. Làm “bạn” với cánh diều khi mới chỉ là một cậu bé 9 tuổi, ông đã sớm tự làm cho mình những con diều, con sáo mang dấu ấn riêng của bản thân.

 

Theo lời ông Kiêm thì chiếc diều sáo của Việt Nam gắn liền với truyền thuyết giữa người trần gian và người hạ giới. Truyền thuyết kể rằng, ngày xửa ngày xưa, khi trời và đất còn giao hoà với nhau, vạn vật sống trong cảnh thanh bình, yên vui hạnh phúc. Mỗi khi ở dưới hạ giới có lễ hội thì các nàng tiên vẫn xuống du hội cùng với người dưới trần gian. Bỗng một ngày trời long đất lở, trời đất mịt mù, tối tăm, cảnh vật và con người thì cực khổ. Bầu trời thì cứ cao lên mãi, cách xa với mặt đất, cắt đứt “cầu nối” giữa trời và đất. Điều đó gây bao nỗi nhớ thương giữa những người hạ giới và những nàng tiên trên trời. Chính vì vậy mà cánh diều xuất hiện, trở thành sợi dây liên lạc giữa trời và đất. 

Đầu tiên chỉ là những cánh diều đơn lẻ được thả lên trời, sau đó người ta gắn vào đó những ống tre, ống trúc phát ra tiếng kêu. Nó như là tiếng gọi mời bầy tiên trên trời xuống trần gian chơi. Dù đây chỉ là một truyền thuyết nhưng cho thấy những cánh diều sáo được ra đời một cách rất đặc biệt. 

Cũng theo lời ông Kiêm, ở Việt Nam, cánh diều thường chỉ xuất hiện ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Diều chính là biểu tượng cho cao và thấp, cho mưa ẩm ướt và khô ráo. Đặc biệt, nó cũng rất gần gũi, tồn tại và phát triển song song với sự lớn mạnh của nền nông nghiệp lúa nước. 

Đối với làng Bá Giang, những cánh diều luôn gắn liền với đời sống của người dân nơi đây. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng biết đến “thú vui” này. Tuy nhiên, ông Kiêm nhấn mạnh đây không phải là làng nghề mà đây chỉ đơn thuần là một làng có truyền thống làm diều, chơi diều và tổ chức các lễ hội thả diều.

“Vào ngày rằm tháng Ba âm lịch hàng năm, làng Bá Giang chúng tôi thường tổ chức lễ hội thả diều. Các nhà văn hóa học đánh giá đây là lễ hội thả diều có quy mô lớn nhất và truyền thống lâu năm nhất ở Việt Nam”, nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm chia sẻ.

(Biên tập, kỹ thuật dựng: Hải Ly, thực hiện: Hoài Lan)

Ông Kiêm cho biết, vật liệu làm diều của Việt Nam từ xưa đến nay đều là từ tre. Tre đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi từ khung diều, sáo diều, dây diều đến nạt buộc đều làm bằng tre. “Tuy nhiên, để làm được một chiếc diều chất lượng đòi hỏi người thợ phải chọn tre một cách khéo léo. Ví dụ như làm khung diều thì phải dùng tre ta, tre gai bởi nó rất cứng nhưng cũng rất dẻo. Khi gặp gió to, nó sẽ có độ đàn hồi tốt”.

Bên cạnh đó, cũng là sử dụng tre nhưng khi làm sáo diều, ta dùng những cây tre già và phải chặt vào mùa đông (tức là vào tháng Chín, tháng Mười âm lịch). Sau đó, phơi khô khoảng ba tháng, đến khi khô kiệt nước thì có thể đem tre ra để làm sáo diều. Còn dây diều được làm từ những cây tre bánh tẻ, chẻ từng thanh một và tước ra. Tiếp theo, cuộn chúng lại rồi cho vào một nồi to và thêm muối. Sau 8 tiếng luộc, thành phẩm nhận được là những sợi tre mềm, tạo nên sợi dây diều nhẹ và bền. 

“Tôi luôn tâm niệm rằng làm diều không thể nào thiếu sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Mỗi chiếc diều làm ra đều phải trải qua quá trình đo đạc kỹ lưỡng, kể cả buộc những mối dây cũng phải thật chặt chẽ. Ví dụ, khi thực hiện công đoạn dán áo diều, nếu một bên mình phết hồ mỏng thì nó sẽ nhẹ hơn so với bên được phết hồ dày. Điều này sẽ làm mất đi sự cân bằng của con diều. Chính vì vậy, tôi luôn phải thật cẩn thận vì trong làm diều chỉ cần sai một li là con diều có thể bị lệch và nó sẽ không bay được cao”, ông Kiêm tâm sự.  

Ông Kiêm cho rằng thành công của một người thợ làm diều là nằm ở tiếng sáo bởi cái tâm và hồn cốt của người làm sẽ được thể hiện qua mỗi con sáo: “Người hấp tấp sẽ tạo ra con sáo kêu mọng, còn người chậm chạp thì chắc chắn làm ra con sáo rệu rã. Bản thân tôi phải tập trung cao độ, đặt hết sự nhiệt huyết, đam mê của mình vào con sáo để làm sao khi nghe, nó phải thật vui tươi. Bởi đó mới được gọi là sáo diều”.

So với trước đây, diều sáo đã được cải tiến rất nhiều từ chất liệu cho đến quy trình làm để phù hợp với xu thế. Nếu như ngày xưa, những con diều ông Kiêm làm đều dài đến 3m, mỗi lần mang đi đâu cũng rất khó thì thời điểm hiện tại, chúng đã được ông “nâng cấp” thành những con diều hiện đại hơn, có thể thu gọn lại. Ngoài ra, nhờ sự phát triển của công nghệ nên con sáo bây giờ có thể đánh bóng và sơn nhiều màu. Điều đó làm con sáo trở nên đẹp mắt và thu hút người chơi hơn. 

Là một người yêu thích nghệ thuật dân gian, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm thích đưa vào cánh diều của mình những hình ảnh của làng quê Việt Nam và tranh Đông Hồ. “Với tôi, giữa cánh diều và văn hóa dân gian của người Việt luôn có sự hòa quyện với nhau. Vì vậy, khi chơi diều, tôi không thể tách chúng ra khỏi những nét đẹp truyền thống đó được”. 

Với mong muốn cánh diều sáo truyền thống Việt Nam được “bay xa” ra khắp năm châu, ông Kiêm đã cộng tác cùng với những người bạn bên Đức có cùng sở thích chơi diều để tổ chức Festival diều quốc tế ở Vũng Tàu. Năm 2012, ông vinh dự được mời tham gia hội thi thả diều quốc tế lớn nhất hành tinh ở Pháp. Ở đây, ông có cơ hội thể hiện những nét đẹp độc đáo của chiếc diều sáo Việt Nam cho bạn bè thế giới. 

“Tôi vẫn nhớ như in năm đó, tôi mang theo hai chiếc diều sáo để trình diễn trước đại diện của 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhìn diều lên cao, tiếng sáo kêu du dương và trầm bổng, tôi thấy tự hào vô cùng. Một kỷ lục gia người Ireland phải trầm trồ và thốt lên rằng diều của Việt Nam thật tuyệt vời, từ nay trong Festival diều quốc tế không thể thiếu Việt Nam. Việc chứng minh cho thế giới thấy được tiếng sáo diều hay và độc đáo như thế nào chính là điều mà tôi cảm thấy hãnh diện nhất”, ông Kiêm bồi hồi nhớ lại. 

Ít ai biết rằng, trong giới chơi diều, ông Kiêm là người đầu tiên được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân với những đóng góp to lớn trong việc gìn giữ văn hóa diều truyền thống. Đây cũng chính là động lực thôi thúc ông tiếp tục lưu giữ và phát triển “đứa con tinh thần” này. 

“Tôi mơ ước một ngày nào đó, diều sáo sẽ được nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, tôi và những người bạn cùng đam mê chơi diều đang bắt đầu thực hiện thủ tục để biến nguyện vọng của mình trở thành hiện thực. Tôi đảm nhiệm vai trò thu thập những tác phẩm, bài báo nước ngoài viết về cánh diều sáo Việt Nam”, ông Kiêm hy vọng. 

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN