(Sóng trẻ) - Gần 15 năm cống hiến ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang, dù luôn phải tác nghiệp ở miền biên viễn còn nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ anh Đức cảm thấy lo lắng và vất vả như lần tác nghiệp trong trận bão lũ những ngày đầu tháng 9 vừa qua. Dẫu vậy, anh phóng viên ở miền biên viễn ấy cũng đã nỗ lực bám trụ đến cùng tác nghiệp và giúp đỡ đồng bào trong mùa mưa lũ về. 

 

Anh Nguyễn Minh Đức hiện là Phóng viên của Trung tâm văn hoá thông tin du lịch huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Là người dân tộc Tày, nhà anh ở huyện Bắc Quang, đầu ngõ tỉnh Hà Giang. Năm 2010, anh Đức quyết định xa nhà, vượt 250km từ Bắc Quang lên Mèo Vạc “cắm bản” tác nghiệp.

Mèo Vạc là một huyện vùng cao núi đá thuộc tỉnh Hà Giang. Anh Đức chia sẻ rằng từ khi lên Mèo Vạc, anh được sống và kết nối gần gũi hơn với núi rừng, bản làng. Anh từng có những quãng thời gian rong ruổi trên từng quả núi, ngọn đồi ngắm nhìn, ghi hình và viết lách về Hà Giang quê hương anh. Nhưng những quảng thời gian đó trở nên hiếm hoi hơn khi vào mùa mưa lạnh, bão lũ về. 

Ở những vùng sâu vùng xa như Mèo Vạc, điều kiện kinh tế, giao thông rất khó khăn, nhất là vào thời điểm mưa lũ xảy ra. Có những điểm sạt lở cách xa trung tâm huyện, đường đi lại bị cuốn trôi nên không thể tiếp cận được. Hệ thống giao thông vùng cao đã sạt lở đồng nghĩa với việc đi lại sẽ bị tê liệt. Hành trình tác nghiệp của anh phóng viên càng trở nên gập ghềnh, chông gai hơn.

Là một phóng viên “cứng” của Trung tâm văn hoá thông tin du lịch huyện Mèo Vạc cũng như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Giang, anh Đức thường đảm nhận các nhiệm vụ đưa tin nhanh ở những điểm nóng cần có sự ứng biến cao. Dù 15 năm tôi luyện ở Mèo Vạc với địa hình, thời tiết và điều kiện đầy thách thức, lắm lúc anh Đức vẫn có những tâm tư, nghĩ suy khó giải bày…

 

Trong những ngày mưa lũ, để có những thước phim hay hình ảnh chân thực nhất, anh Đức luôn phải cập nhật tình hình thời tiết ở các địa bàn xã, thị trấn 24/24 để nắm bắt thông tin. Sau đó xem xét những địa điểm bị ảnh hưởng lớn nhất, mỗi lần như thế anh lại cấp tốc lên kế hoạch, di chuyển đến tác nghiệp và giúp dân. 

“Như rạng sáng ngày 9/9, trên địa bàn có rất nhiều nơi bị thiệt hại, thậm chí đã nghe tin có một cháu bé người dân tộc Mông mới 4 tuổi ở thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn bị lũ cuốn trôi khi đang trên đường đến trường. Bản thân cảm thấy rất xót xa khi nghe tin cháu đã ra đi mãi mãi. Lúc đó tôi chỉ muốn đến ngay địa điểm cháu bị lũ cuốn. Tuy nhiên để đến được điểm đó phải vượt qua 5-6 điểm mưa lũ nữa, nước chảy siết nên không thể tiếp cận. Đến bây giờ tôi vẫn còn đau xót khi nghĩ đến trường hợp đó” - Anh Đức xúc động.

Cũng trong sáng đó, anh Đức cũng đã “nhờ” thêm một anh Phó Giám đốc Trung tâm của mình lên bản, cùng nhau thực hiện ghi hình tại một điểm lũ. Anh Đức tâm sự rằng cơ quan neo người nên phải nhờ cả lãnh đạo đi cùng, vì một số anh em đồng nghiệp còn theo sát các lãnh đạo huyện đến chỉ đạo công tác khắc phục tại địa bàn khác. 

Anh Đức nhớ lại: “Tuyến đường tôi và anh Phó giám đốc đến là tuyến đường Quốc lộ 4C trên con đường Hạnh Phúc huyền thoại. Thời tiết mưa to, để có những hình ảnh chân thực nhất chúng tôi phải lội xuống dòng nước chảy xiết, có chỗ sắp ngập đến bụng”. Trận bão lũ lần này thực sự khó quên với anh Đức và các đồng nghiệp ở Trung tâm văn hoá thông tin du lịch huyện Mèo Vạc. Phải hoàn thành công việc trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm, trải qua những giây phút vượt lên chính mình, bao niềm cảm xúc dồn nén để tác nghiệp, giúp dân.

Với anh Đức, công việc của một phóng viên cũng như nhiệm vụ của một quân nhân. Anh luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình. Đã rất nhiều lần đi sản xuất tin, bài gửi về VTV nhưng hôm nay, khi nhận được lời đề nghị từ phía VTV, lúc đầu còn do dự vì đây là bản tin trực tiếp, thời điểm lên sóng mưa rất to. Điều kiện trang thiết bị, máy móc, đường truyền ở vùng sâu vùng xa không ổn định. Đặc biệt, quãng đường di chuyển đến những điểm nóng về bão lũ rất xa, mưa lớn, trên đầu toàn những cung đường nguy hiểm, vách đá cao dựng đứng có nguy cơ ập xuống bất cứ lúc nào. Thế nhưng bằng tình yêu và sự tâm huyết với nghề, anh đã vượt lên tất cả, số livetream “Sau bão số 3: Mưa lớn, ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng” có điểm trực tiếp ở Mèo Vạc, Hà Giang với sự xuất hiện của phóng viên Minh Đức. 

Hơn một thập kỷ gắn bó với đồng bào miền biên viễn, anh Đức đã được chứng kiến hằng trăm trận mưa bão, gió lốc, lũ quét.... Khi ở dưới xuôi phóng viên tác nghiệp có đội ngũ ekip với nhiều người cùng di chuyển, thực hiện hay có nhiều loại phương tiện hỗ trợ khác thì vùng cao trái ngược hoàn toàn. “Muốn đến phản ánh hình ảnh chính xác nhất thì bản thân phải đi bằng xe máy, thậm chí phải đi bộ 3-4 giờ đồng hồ để tiếp cận hiện trường. Như thế mới có thể đưa tin kịp thời hay ghi lại một cách chân thực, cảm xúc nhất những ảnh hưởng của thiên tai đến đời sống nhân dân các dân tộc vùng cao biên giới. Nhiều lúc bản thân muốn bỏ cuộc vì còn có gia đình, vợ con ở nhà…”

Đã rất nhiều lần nghe tin mưa lũ về, ở nhà anh cũng bị ảnh hưởng nhiều. Anh đã rất lo lắng vì không có sóng để liên lạc với mẹ già, vợ con. “Ở nhà như thế tôi rất muốn đi về. Tuy nhiên nghĩ lại, mình về thì ai sẽ cùng đồng nghiệp lăn lộn trên này để phản tình hình mưa lũ, giúp dân. Nghĩ thế rồi tôi lại thôi, giấu lo lắng vào trong để tiếp tục tác nghiệp cùng anh em”.

Ở từng ngóc ngách bản làng nơi Mèo Vạc xa xôi, từng ngày từng giờ luôn có một anh phóng viên chăm chỉ đưa tin, giúp dân. Anh Đức chất phát và đầy trách nhiệm. Tôi nhớ nụ cười đôn hậu của anh hôm đầu năm tôi lên Lũng Chinh (Mèo Vạc, Hà Giang) tình nguyện. 

Anh phóng viên ấy luôn lạc quan, cố gắng và yêu lấy cái nghề mình đã chọn. Bởi anh luôn có cơ quan, đơn vị, đồng nghiệp và gia đình luôn quan tâm, động viên, có dân bản luôn tin tưởng, yêu thương. Và anh luôn có núi rừng, Tổ quốc bên canh, đồng hành. Với anh, đó chính là động lực để anh yên tâm công tác, nỗ lực vượt qua nhiều gian truân nơi miền biên viễn mà bám trụ cống hiến. 

Vội vã kết thúc cuộc trò chuyện, anh Đức lại tiếp tục lên đường, băng đèo vượt suối đến những điểm nóng ở sâu trong bản làng đưa tin, giúp dân. Những phóng viên, nhà báo miền biên viễn như anh Đức cứ thế bám trụ tác nghiệp. Hành trình của họ cứ nối tiếp nhau, lặng lẽ mà ý nghĩa vô cùng.

Đừng bỏ lỡ
Trung thu trong đôi mắt ngàn sao

Trung thu trong đôi mắt ngàn sao

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Tết Trung thu trong tín ngưỡng người Việt được xem là Tết của trẻ em. Nhưng, tại nhà X1, ngõ 17 Hoàng Ngọc Phách, phóng viên được chứng kiến một cái Tết Trung thu đặc biệt. Tết Trung thu của những đứa trẻ mang hình hài “trưởng thành”.

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

XEM THÊM TIN