(Sóng trẻ) - Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp báo, ở tuổi 87, cựu phóng viên chiến trường Phạm Việt Tùng vẫn giữ trọn ngọn lửa nghề, với tâm niệm: “Báo chí không phản ánh sự thật, khác nào tự bẻ cong ngòi bút mình”

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí  Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), phóng viên Sóng trẻ vinh dự có cuộc trao đổi với Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng về mối quan hệ giữa báo chí - sự thật qua những trải lòng, suy tư của ông.

PV: Điều gì đã đưa ông đến với con đường trở thành một “người chép sử bằng hình” cho đến việc gắn bó với nghiệp làm phim tài liệu, đặc biệt là phim tài liệu về lịch sử suốt nhiều thập kỷ?

NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng: Tôi sinh ra trong thời kỳ dân tộc trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khi ấy, thế hệ thanh niên chúng tôi luôn đau đáu một khát vọng về một đất nước phải được độc lập. Để thực hiện điều đó, con đường ngắn nhất là làm cách mạng, làm báo chính là làm cách mạng. Giữa cuộc sống thiếu thốn, kham khổ, ký ức ám ảnh nhất với tôi là mỗi lần mở cửa ra lại thấy cảnh đồng bào gục chết vì đói. Dù lúc đó còn quá nhỏ để hình dung mình sẽ theo đuổi nghề quay phim, nhưng trong tôi đã sớm hình thành một khát vọng: bằng cách nào đó, phải nói lên sự thật - sự thật khốc liệt mà chiến tranh đã để lại cho dân tộc.

Sau này, tôi bắt đầu công việc với vai trò là một công nhân ánh sáng, thực hiện công việc sắp xếp và bố trí ánh sáng sao phù hợp để quay phim trong một đoàn phim ở Hà Nội. Quãng thời gian đó trở thành nền tảng quý giá, giúp tôi làm chủ kỹ thuật ánh sáng và quay hình - những kỹ năng không thể thiếu khi bước vào nghề quay phim chiến trường. Tôi từng bôn ba khắp các mặt trận ác liệt như: Quảng Bình, Quảng Trị, địa đạo Củ Chi... Khi đồng đội cầm súng, tôi cầm máy quay. Vũ khí của tôi là những cuộn phim, ghi lại chân thực hình ảnh đất nước trong “thời hoa lửa”.

PV: Tác nghiệp trong điều kiện mưa bom bão đạn luôn rình rập, khi rơi vào tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, điều gì đã giúp ông liều mình để ghi lại những thước phim lịch sử quý giá?

NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng: Thời chiến, những người làm báo chúng tôi đều tình nguyện ra mặt trận, dấn thân theo lý tưởng của Bác Hồ. Khi ấy, ai cũng xác định: đi là không biết ngày trở về, không biết sống chết ra sao. Nhưng tất cả đều tự hào vì mình là “con cháu cụ Hồ”, và nếu có hy sinh vì lý tưởng lớn, thì nó cũng là cái chết vẻ vang của một người lính - một liệt sĩ. 

Đến giờ tôi vẫn thường nửa đùa nửa thật: “Không biết vì sao mình còn sống đến hôm nay”. Đã có những thời khắc cận kề hiểm nguy, tôi chỉ biết gào lên: “Hồ Chủ tịch muôn năm!” như một cách tự trấn an giữa bom rơi đạn nổ. Chiến tranh là thế. Người làm báo, người quay phim như tôi chỉ góp một phần rất nhỏ, nhưng luôn cố gắng làm được điều gì đó cho đất nước, dẫu phải đối mặt với súng đạn trên đầu, với đói khát, bệnh tật và biết bao gian khổ không tên. 

PV: Trong thời chiến, máy móc - thiết bị chưa phát triển, gặp nhiều khó khăn tác nghiệp. Khi ấy người quay phim đã phải làm như thế nào để vừa đảm bảo được chất lượng máy quay vừa có thể ghi lại được những thước phim chất lượng nhất? 

NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng: Tác nghiệp nơi chiến trường luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn và hiểm nguy. Trong bối cảnh công nghệ chưa phát triển, chất lượng thiết bị dễ bị ảnh hưởng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Quá trình ghi hình thời chiến vì thế đòi hỏi sự bền bỉ, linh hoạt và thích ứng cao. Tôi hiểu rằng, để thiết bị có thể phục vụ hiệu quả trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy, người làm báo không chỉ cần biết sử dụng, mà phải thực sự làm chủ nó, thành thạo đến mức nhuần nhuyễn. Chỉ khi ấy, thiết bị mới có thể phục vụ tốt nhất cho công việc ghi hình trong hoàn cảnh đầy khắc nghiệt ấy.

Khi cầm máy quay, người quay phim luôn phải tự đặt ra câu hỏi: “Mình đang quay gì và phục vụ cho điều gì?” Giữa dòng chảy hỗn độn của xã hội, người quay phim không chỉ là người ghi nhận hình ảnh, mà còn là người gạn lọc thông tin, chọn lựa khoảnh khắc có giá trị để truyền tải đến nhân dân. Đó chính là sứ mệnh của người làm báo - vừa là chứng nhân, vừa là người kể chuyện bằng hình ảnh.

Không ít lần, có những thước phim tôi cứ ngỡ đã hoàn hảo, nhưng cuối cùng lại không được sử dụng. Trái lại, có những đoạn tưởng như hỏng, ngẫu nhiên, về sau lại trở thành chất liệu quý trong bản dựng cuối cùng. Chính điều đó cho thấy trong hoàn cảnh chiến tranh, mỗi khung hình, mỗi chi tiết được ghi lại đều mang giá trị tư liệu đặc biệt - không chỉ cho báo chí, mà còn cho lịch sử.

PV: Từng chứng kiến biết bao cảnh đời giữa chiến tranh, có kỷ niệm đau thương nào về số phận con người thời chiến để lại trong ông những ký ức không thể nguôi ngoai?

NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng: Cũng như tôi, nhiều người ra mặt trận khi tuổi đời còn rất trẻ, mang trong mình biết bao hoài bão cho tương lai. Thế nhưng, tất cả đều gác lại mục đích cá nhân để cống hiến cho lý tưởng chung của dân tộc. Trong những lần đi tác nghiệp, giữa những người trẻ - trai và gái không tránh khỏi những rung động tình cảm. Nhưng trong hoàn cảnh chiến đấu khốc liệt, sống nay chết mai, những cảm xúc ấy buộc phải giấu kín. Tình yêu thời chiến chỉ là ánh mắt trao nhau vội vã, là món quà chưa kịp gửi, chứ hiếm khi vượt qua giới hạn.

Một trong những ký ức khiến tôi day dứt nhất là câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc - câu chuyện mà có lẽ ai cũng từng nghe, nhưng tôi lại có cơ hội chứng kiến phần nào bằng chính trải nghiệm của mình. Năm 1968, khi đang tác nghiệp tại trận địa Vĩnh Linh, nơi từng hứng chịu những đợt bom ác liệt nhất của không quân Mỹ, tôi đã gặp các cô trên đường đi quay phim. Nhưng khi quay trở về, tôi bàng hoàng biết tin cả 10 cô gái đều đã anh dũng hy sinh. Đó là một trong những nỗi đau không thể nguôi trong ký ức về chiến tranh của tôi.

PV: Là một trong những người may mắn được cầm máy quay theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó kỷ niệm nào trong quá trình tác nghiệp cùng Người khiến ông ấn tượng sâu sắc dù nhiều năm đã trôi qua ? 

NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng: Một trong những niềm vinh dự lớn nhất trong hành trình làm báo của tôi là được cầm máy quay theo chân Bác Hồ. Thời ấy, đất nước còn chia cắt, người dân miền Nam mong muốn được thấy hình ảnh của Bác nhưng điều kiện còn hạn chế. Nhận thấy điều đó, anh em trong đoàn quay phim chúng tôi ngỏ ý muốn thực hiện những thước phim ngắn về Bác. 

Tôi nhớ mãi ngày hôm ấy, muốn có thước phim đẹp, một anh trong đội quay đã ngỏ ý mời Bác mặc trang phục mới mà chúng tôi chuẩn bị trước thay cho phong cách giản dị của Bác. Thế nhưng, khi nghe lời đề nghị, Bác từ chối và căn dặn: “Các chú hãy quay những gì Bác có, phản ánh đúng về cuộc sống của Bác”. Đối với người quay phim, chúng tôi luôn khao khát ghi lại những khung hình đẹp và độc đáo, nhưng báo chí qua hình ảnh không chỉ cần góc máy ấn tượng mà phải chân thực, phản ánh đúng bản chất sự thật. Qua câu chuyện hôm ấy, đó là lời dạy đắt giá đã khắc sâu suốt quá trình làm nghề của tôi. 

PV: Thưa ông, báo chí, đặc biệt là báo hình phải làm gì để “phản ánh đúng cuộc sống” và tránh được sự chủ quan, tô vẽ hình ảnh? 

NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng: Tôi nghĩ khi làm báo cần đặt mình vào vị trí của khán giả để lắng nghe, quan sát bằng con mắt khách quan. Người quay phim không chỉ cầm máy, mà còn phải biết mình đang truyền tải điều gì, cho ai và vì mục đích gì. Nếu quay về người nông dân, thì không thể dàn dựng họ trong bộ quần áo bảnh bao, phải ghi lại khi họ đang lao động lấm lem bùn đất, mồ hôi nhễ nhại. 

Đặc biệt, người quay phim phải gạt bỏ những nhu cầu cá nhân, loại bỏ ý muốn cá nhân vào tác phẩm báo chí của mình. Phải làm việc với tinh thần tập trung khách quan, phải làm chân thực.  

PV: Vậy theo ông, nhà báo hay phóng viên hiện trường có vai trò như thế nào trong việc lưu giữ và phản ánh về lịch sử? 

NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng: Là một phóng viên hiện trường cách mạng với trách nhiệm phải ghi lại trung thực nhất những gì diễn ra trong cuộc chiến. Khi ấy, tôn trọng sự thật chính là tôn trọng nhân dân, tôn trọng lịch sử. Đặc biệt, tôi còn là người có mặt ở chiến tuyến, ghi lại khoảnh khắc lịch sử thì việc truyền tải chính xác qua hình ảnh rất quan trọng. Theo tôi, lịch sử chỉ có một, không ai có quyền sửa đổi lịch sử, báo chí cần là người giữ gìn điều ấy giúp thế hệ sau có nhận thức đúng đắn về quá khứ. Người phóng viên hiện trường phải là một nhân chứng trung thực, truyền tải lại những gì đã diễn ra với tinh thần công tâm nhất. Chỉ khi làm được như vậy, báo chí mới thật sự xứng đáng là “người thư ký trung thành” của thời đại.

PV: Được biết, sau khi nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục vai trò nhà báo cách mạng, làm sáng tỏ một số sự thật lịch sử qua bộ phim tài liệu “Chuyện thật trưa 30/4/1975”. Điều gì đã thôi thúc ông kiên trì đi đến cùng để đấu tranh cho sự thật, dù không ít lần đối diện với hiểm nguy và áp lực? 

NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng: Trong quá trình làm nghề, tôi luôn nhớ lời răn dạy của Bác Hồ: “Việc gì khó nhưng vì quyền lợi của nhân dân thì phải làm.” Phấn đấu vì sự thật, chống lại dối trá và bất công chính là phẩm chất mà tôi học được từ Bác, thúc đẩy tôi kiên trì làm sáng tỏ những khúc mắc lịch sử. 

Để tìm lại được sự thật lịch sử, vợ chồng tôi nhiều lần cãi vã bởi sự lo lắng của bà cho tôi. Vốn là một người phóng viên hiện trường từng chứng kiến và ghi lại những thước phim chân thực nhất về lịch sử khiến tôi không thể im lặng. Cùng với tinh thần đấu tranh cho sự thật, như lời Bác Hồ căn dặn, là cách để bảo vệ quyền lợi nhân dân và gìn giữ truyền thống cách mạng. Chính niềm tin vào sự thật và trách nhiệm của một nhà báo đã thôi thúc tôi tiếp tục, dù đối mặt với muôn vàn. 

Như tôi đã nói, lịch sử vốn là lịch sử, không ai có thể nhúng tay vào lịch sử. Dù đã nghỉ hưu từ năm 1996, tôi vẫn kiên trì điều tra để làm sáng tỏ sự thật. Dù trong thời đại nào, người làm báo vẫn phải nói lên sự thật và bền bỉ đi đến cùng đấu tranh vì tính khách quan. Báo chí nếu không phản ánh sự thật, khác nào nhà báo tự bẻ cong chính ngòi bút của mình. 

PV: Nhân kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), với vai trò là một trong những "cánh chim đầu đàn" của nền báo chí nước nhà, ông có điều gì muốn chia sẻ về báo chí ngày nay và với các nhà báo trẻ?

NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng: Ngày trước, tôi và anh em theo nghề báo tác nghiệp trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, khó khăn. Thế nhưng, chúng tôi vẫn cố gắng ghi lại những khoảnh khắc sự thật, vì tin rằng mỗi khung hình đều là chứng nhân lịch sử.

Đến hôm nay, lớp trẻ có điều kiện hơn rất nhiều, từ công nghệ hiện đại đến thiết bị môi trường tác nghiệp cũng an toàn hơn. Tuy nhiên chính trong điều kiện thuận lợi ấy, càng không được phép chủ quan. Để làm ra một tác phẩm báo chí tốt, điều cốt lõi vẫn là sự chuẩn bị kỹ càng, từ góc máy, ánh sáng, âm thanh cho đến việc linh hoạt xử lý những tình huống ập đến bất ngờ. Đã làm báo, nhà báo không thể sáng vác ô đi, tối vác về cho có mặt.

Đỉnh cao của người làm báo là đưa đến sự thật. Nếu vì bất kỳ lý do gì mà bóp méo, can thiệp vào sự thật, thì không chỉ nguy hiểm cho nghề mà còn nguy hiểm cho xã hội. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng đã chia sẻ những câu chuyện đầy xúc động và tâm huyết trên hành trình “chép sử bằng hình ảnh”. Kính chúc ông luôn mạnh khỏe và tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các thế hệ làm báo hôm nay trong việc gìn giữ, tôn trọng và bảo vệ sự thật!

Đừng bỏ lỡ
Người đẹp Thái Lan đăng quang Miss World 2025

Người đẹp Thái Lan đăng quang Miss World 2025

Tin nổi bật4 tuần trước

(Sóng trẻ) - Tối ngày 31/5, đêm chung kết Miss World 2025 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế HITEX, thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Đại diện Thái Lan - Opal Suchata Chuangsri đã xuất sắc đăng quang ngôi vị cao nhất của cuộc thi. 

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

XEM THÊM TIN