(Sóng trẻ) - Đằng sau thành công của nhiều sân khấu chèo chuyên nghiệp là sự cống hiến lặng thầm của anh Quang Biên (42 tuổi, Hà Nội). 20 năm miệt mài với nghề chỉ huy vở diễn, anh đã “thổi hồn”, tạo nên những vở chèo in đậm dấu ấn trong lòng khán giả.

Chẳng biết tự lúc nào, tình yêu nghệ thuật truyền thống - chèo đã lặng lẽ “gieo" và "nảy mầm” vào trái tim người chỉ huy sau này. Đó có thể là khoảnh khắc anh ngồi giữa khoảng sân đình và lắng nghe tiếng đàn nguyệt sâu lắng, là khi giọng ca trữ tình nơi diễn viên được xướng lên, hoặc cũng có thể là tiếng trống giòn giã quyện với tiếng cười giòn tan của khán giả... 

Mang trong mình tình yêu chèo từ bé, ngay khi tốt nghiệp THPT, anh Quang Biên (42 tuổi) quyết định theo học trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh (Hà Nội). Chia sẻ về cơ duyên với chèo, anh bộc bạch: “Ngày còn nhỏ, các đoàn chèo thường xuyên về làng tôi biểu diễn. Hình ảnh người diễn viên nhiệt huyết trong mỗi vở chèo đọng lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Cũng từ đây, niềm đam mê loại hình này nảy sinh và đâm chồi đến hiện tại”.

Xuất phát điểm là diễn viên, anh Biên có nền tảng vững chắc về hát, múa, giải phóng hình thể,... Không dừng lại ở đó, năm 27 tuổi, anh được bổ nhiệm thêm vị trí chỉ huy đêm diễn với tác phẩm đầu tay là “Nắng quái chiều hôm” (2009).

So với diễn viên, chỉ huy đêm diễn là vai trò vất vả hơn nhiều. Công việc này đòi hỏi cái nhìn tổng thể, quán xuyến, xử lý mọi việc trước, trong và sau đêm diễn. “Cương vị chỉ huy góp phần quan trọng làm nên sự thành bại của đêm diễn. Tôi có trách nhiệm làm thế nào để tạo nên một sân khấu hoàn chỉnh nhất giúp diễn viên được thăng hoa, khán giả được hứng khởi”, anh Biên cho hay.

Mang trên vai trọng trách to lớn, người chỉ huy phải đối mặt với nhiều áp lực, trăn trở. Một trong số đó là phải nhắc nhở mọi người hoàn thành đúng tiến độ công việc, dù là tiền bối hay hậu bối. Bởi vậy, cẩn trọng trong lời nói, hành động là hết sức cần thiết.

Chỉ huy đêm diễn không phải công việc được khán giả “nhớ mặt đặt tên”, bởi nhà hát chèo còn cả ngàn công việc "không tên" như vậy. Người làm phục trang phải lo từng bộ trang phục sao cho diễn viên mặc lên đẹp nhất, tự tin nhất. Người làm đạo cụ cần chỉn chu trong từng tờ giấy, mảnh khăn, bàn ghế để hỗ trợ diễn viên tốt nhất trên sân khấu. Bộ phận âm thanh, ánh sáng cũng làm nên thành công của vở diễn khi “ánh sáng là bộ mặt, âm thanh là cổ họng”.

Chia sẻ đến đây, người đàn ông tuổi ngoài tứ tuần xúc động: “Tôi luôn dành một sự tôn vinh, trân trọng những con người đứng đằng sau cánh gà. Để có một đêm diễn bùng nổ, các diễn viên được tỏa sáng hết mình thì không thể không kể đến sự cống hiến thầm lặng của đội ngũ này. Họ lao động miệt mài, quên ăn, quên ngủ nhưng không được khán giả ‘chỉ mặt điểm tên’. Những gì đẹp đẽ và hào nhoáng nhất, họ ‘nhường’ lại nơi diễn viên”.

Hiện nay, việc ghi nhận công lao của những cá nhân đóng góp cho tác phẩm thể hiện rõ ràng qua việc đưa tên họ vào phần giới thiệu. Theo anh, hàng ngũ làm việc phía sau sân khấu cần được tôn vinh nhiều hơn nữa từ các đồng nghiệp, chuyên gia, và đặc biệt là nhận được sự khích lệ, ủng hộ từ khán giả. Đồng thời, nên xem xét trao tặng huy chương, xét tặng danh hiệu nhằm thể hiện sự trân trọng đối với cống hiến của họ trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.

Thế nhưng, lớp người hùng lặng lẽ như anh Biên đến với chèo không phải vì “lớp sơn” ấy: “Với chúng tôi, trải qua hàng chục năm đằng đẵng gắn bó với chèo, thứ tình yêu ấy như máu mủ ruột rà, ngấm sâu vào da thịt, không thể tách rời. Chưa bao giờ chúng tôi có suy nghĩ quay lưng với chèo, vì chẳng khác nào quay lưng với nghệ thuật đất nước”. 

Vượt lên dòng chảy của thời đại, nhiều bạn trẻ ngày nay có niềm yêu thích chèo và theo đuổi bộ môn nghệ thuật này một cách nghiêm túc. “Lớp trẻ cực kì dũng cảm! Phải có tình yêu to lớn đến nhường nào mới dám dấn thân vào hành trình ẩn chứa muôn vàn chông gai này. Tôi chỉ mong sao, các bạn ấy được làm nhiều, rèn nhiều để chứng tỏ mình, hoàn thiện mình. Phải luôn có niềm tin, vì chắc chắn rằng đến một lúc nào đó, nghệ thuật truyền thống sẽ lại lên ngôi!”, anh nhấn mạnh.

Riêng với khán giả trẻ, anh Biên cho rằng, nên để họ tiếp xúc với chèo càng sớm càng tốt bởi điều này góp phần hình thành ấn tượng mạnh mẽ từ ban đầu và khơi nguồn say mê: “Bạn trẻ hiện tại có nhiều lựa chọn, nhưng nếu tạo điều kiện để các bạn ấy tiếp cận nhiều hơn nữa với chèo, chắc chắn sẽ hiểu và yêu thêm. Thực tế đã có những dự án sân khấu học đường, đưa chèo về các trường học để diễn cho các em học sinh xem hay nói chuyện, giảng dạy về chèo… Đây là hướng đi hiệu quả và cần phát huy hơn nữa trong tương lai”, anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, mỗi loại hình nghệ thuật đều có một tệp khán giả nhất định. Từ nhiều năm nay, những người hoạt động chèo đã xác định lượng khán giả chính của mình đến từ nông thôn. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn, vẫn có đối tượng khán giả riêng. Điều này được chứng minh qua tình trạng bán vé khởi sắc của các vở chèo mới. Có thể thấy, công tác tuyên truyền trên đa nền tảng dần trở nên quan trọng trong thời đại số như hiện nay.

Anh Biên quan niệm, mỗi sân khấu chèo cần là sân khấu khuyến giáo, là bài học lớn về cách đối nhân xử thế, về nhân tình thế thái. Nội dung chèo đề cao tính Nhẫn - Trung - Hiếu, đều là phẩm giá con người Việt Nam hướng tới. Dùng chuyện xưa để soi tỏ chuyện nay, chúng ta thấy được những phẩm hạnh ấy vẫn còn nguyên giá trị trong từng huyết quản. Và đó cũng là tôn chỉ, sứ mệnh mà người làm chỉ huy vở diễn như anh Biên theo đuổi suốt cuộc đời.

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN