(Sóng trẻ) - Bà Ngải chia sẻ: 'Trong chiến tranh, gặp được người cùng tỉnh đã khó, cùng huyện lại càng khó, nhưng tôi gặp lại người yêu của mình ở đỉnh Trường Sơn'.

Trở về từ chiến tranh, những ký ức hào hùng trong lòng bà Ngải vẫn nguyên vẹn, như vừa mới xảy ra. Những cuộc hội ngộ, tưởng như chỉ có trong mơ, lại đến bất ngờ và đầy xúc động. Một trong những cuộc tái ngộ ấy là với người yêu ngày xưa, giờ là chồng bà – ông Nguyễn Hoa Ngân (1946, Bắc Ninh). Cuộc gặp gỡ ấy, có lẽ, mãi mãi khắc sâu trong ký ức của bà. 

Lần đó, ông Ngân bị bom đạn và sốt rét ác tính hành hạ, đang trên đường trở về miền Bắc để chữa trị, vì không có điều kiện điều trị tại tuyến trong. Đoàn văn công Hà Bắc vừa biểu diễn xong ở trạm giao liên 34 thì bị biệt kích truy đuổi. Khi mọi người được các đơn vị hỗ trợ để rút lui an toàn, bà Ngải nghe một tiếng gọi tên quen thuộc: “Ngải ơi…”. Cả người bà như bừng tỉnh lại, bất ngờ, bà nghĩ: “Sao lại có tiếng gọi người làng mình ở đây?”.

 

Bà Ngải kể lại, trong khoảnh khắc ấy, bà hạnh phúc đến nỗi không thể kiềm chế được cảm xúc: "Tôi sướng quá, tôi hét lên: ‘Chị Trinh ơi, chị Sâm ơi, chị Thắm ơi… Làng em đây rồi, đúng người làng em ở đây rồi’…" Tiếng gọi “Ngải ơi…” vang lên lần nữa, như một tín hiệu không thể bỏ qua. Được tiếp thêm sức mạnh từ tình yêu và những ký ức, bà Ngải không ngần ngại chạy thẳng lên núi. Ông Ngân, cũng vậy, từ dưới núi vội vàng bước lên. Và trên đỉnh Trường Sơn, giữa khói lửa chiến tranh, họ gặp lại nhau, nắm chặt tay nhau trong xúc động. 

Cả hai không thể nói nên lời, chỉ biết nắm tay và khóc. “Khóc chán, lại nắm tay nhau cười…” – bà Ngải nói, đôi mắt long lanh, nụ cười hồn nhiên như những ngày xưa cũ. Đêm đó, ông Ngân quyết định ở lại cùng đoàn văn công Hà Bắc, dành thêm một ngày để chung vui với đồng đội, mặc dù ông biết rằng mình sẽ phải tiếp tục lên đường muộn hơn để điều trị.

 

"Anh ra, em vào thì bao giờ mình mới gặp nhau?" – bà Ngải băn khoăn. Lúc ấy, cả hai hẹn nhau vào ngày chiến thắng, sẽ gặp lại nhau ở miền Bắc, nơi đất nước bình yên. Dù cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua, nhưng tình yêu mà họ dành cho nhau thì mãi mãi vĩnh cửu. Sau khi kết thúc chuyến công tác, bà Ngải và ông Ngân trở về, cuối cùng họ đã gặp lại nhau, kết duyên trăm năm, sống hạnh phúc bên nhau cho đến tận hôm nay.

“Trong chiến trường, gặp người đồng hương cùng tỉnh đã khó, cùng huyện lại càng khó, nhưng tôi lại gặp được người yêu cùng làng của mình. Chúng tôi gặp nhau trong hoàn cảnh éo le nhất, nhưng cũng vì đó mà có động lực tiếp tục sứ mệnh của mình để có thể trở về gặp anh…Tôi chỉ biết nói đó là định mệnh…”, bà Ngải xúc động.

Bà Ngải bộc bạch: “Lần đó, chúng tôi đang phục vụ tiểu đoàn xe của sư 559 để chuẩn bị xuất kích vào trong chiến trường. Thì lúc bấy giờ tôi được đóng vai 1 bà mẹ 70 tuổi. Diễn xong thì cứ một đồng chí lái xe chạy lên ôm chầm lấy tôi, khóc rưng rức bảo:

-        Mẹ ơi, mẹ bao nhiêu tuổi ạ?”.  

-        Báo cáo thủ trưởng là em 18 ạ. (bà Ngải ngây thơ đáp)

-       Ôi dồi ôi, mẹ 18 mà sao mẹ giống mẹ con 70 tuổi ở nhà thế? Tôi cứ tưởng mẹ tôi ở nhà lên thăm tôi, sao mà giống thế…Tôi sướng quá, được gặp mẹ…

Thế là cứ ôm nhau khóc như thế. Rồi nói chuyện hồi lâu thế là các anh xuất kích vào trong chiến trường…”.

Nhắc đến cái Tết đầu tiên xa nhà, bà Ngải không khỏi bồi hồi với những ký ức đầy xúc động. Đó là Tết của toàn Bộ Tư lệnh tiền phương tại Savanakhet, Lào, nơi hàng trăm con người cùng quây quần trong một hội trường lớn sâu trong lòng núi, ẩn mình giữa mênh mông núi rừng để bảo đảm an toàn. Ánh đèn neon và đèn màu thắp sáng cả không gian, tạo nên một khung cảnh rực rỡ như một nhà hát lớn giữa chốn đại ngàn.

Căn hầm nhỏ ấy cũng có sân khấu, phông màn và hệ thống âm thanh hiện đại. Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ấy đọc từng vần thơ, rồi đến đội văn công Hà Bắc cất lên những khúc ca, như tiếp thêm niềm vui cho những người lính. Cùng ăn Tết lúc đó có rất nhiều anh em chiến sỹ thuộc các tiểu, trung đoàn và một số tướng lĩnh. Đặc biệt là có tướng Đồng Sỹ Nguyên - lúc bấy giờ là Tư lệnh Đoàn 559.

Dù không thể so bì với Tết quê nhà, nhưng các cán bộ, chiến sĩ đã dốc sức chuẩn bị đủ đầy bánh chưng, dưa hành, thịt kho tàu, mứt, bánh kẹo, trà… tạo nên không khí ấm cúng như ở miền Bắc. Tất cả những thực phẩm ấy đã được các đoàn xe chở vào bí mật từ cả tháng trước, mang theo hương vị Tết về tận tuyến đầu.

Đêm giao thừa, sau khi hoàn tất các tiết mục, đội văn công Hà Bắc lặng lẽ quay về lán nghỉ ngơi. Khi ấy, nhà thơ Phạm Tiến Duật bất ngờ tìm đến: “Em ơi, sau buổi hôm nay, thì một số anh ở bên ban chính trị muốn mời em đến để thăm cũng như biểu diễn…”. Nhiệm vụ của đoàn văn công là phục vụ các chiến sĩ nên bà Ngải đồng ý ngay.

Một thời gian sau, khi đoàn văn công đi biểu diễn ở các đơn vị, bà Ngải vì bị ốm nên ở lại trông lán. Nhà thơ Phạm Tiến Duật ghé thăm, tặng bà một nắm lá thuốc và mời bà xuống đơn vị để hát cho các chiến sĩ nghe, dù lúc ấy chỉ còn một mình bà trong đội. “Đi, một mình em cũng được, đi cho nó đỡ sốt…” – ông nói đầy thân tình.

Khi đến nơi, bà ngạc nhiên khi thấy các chiến sĩ đã ngồi chật lán, háo hức đợi được nghe giọng hát quan họ. “Tôi hát một lèo, 6-7 bài quan họ, tôi nhớ bài cuối cùng là người ở đừng về…”, bà Ngải cho biết.

Đêm đó, khi tiễn bà về, nhà thơ Phạm Tiến Duật hứa rằng sẽ viết tặng bà một bài thơ. Nhưng sáng hôm sau, đoàn văn công bất ngờ có lệnh vào tuyến trong phục vụ, không kịp ở lại. Bài thơ ấy, Phạm Tiến Duật không bao giờ kịp trao cho “người tình” quan họ của mình, nhưng ký ức ấy mãi còn vẹn nguyên trong lòng bà.

Nhiều năm sau khi hòa bình lập lại, bà Ngải có dịp gặp lại một nhà thơ, người đã trao tặng bà quyển "Thơ tình Trường Sơn." Gần 40 năm trôi qua, từng câu từng chữ trong bài thơ vẫn vẹn nguyên trong ký ức bà. Tiếng nói của ông, nụ cười hiền lành và những vần thơ đong đầy cảm xúc như có linh hồn, mang theo sức nặng của cả một thời hào hùng trong tâm trí bà.

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN