(Sóng trẻ) - Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh, hay còn được biết đến với cái tên Vinh Coba, là người tiên phong trong lĩnh vực tranh kính nghệ thuật tại Việt Nam. Với xuất phát điểm từ niềm đam mê sâu sắc với gốm sứ, ông đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu và sáng tạo, biến những ý tưởng độc đáo thành những tác phẩm mang tính biểu tượng.

Trải qua hơn 35 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã sáng tạo ra hàng loạt tác phẩm tranh kính độc đáo, góp phần tô điểm cho nhiều công trình kiến trúc, nhà thờ và khách sạn trên toàn quốc. Sự cống hiến của ông đã giúp thương hiệu Vinh Coba gặt hái nhiều giải thưởng uy tín, đồng thời khẳng định tài năng của ông trong lĩnh vực nghệ thuật thủ công.

Phóng viên: Đầu tiên, ông có thể chia sẻ cơ duyên nào đã khiến ông biết đến kỹ thuật làm tranh kính nghệ thuật không ạ?

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh: Từ bé, tôi đã rất mê đồ gốm sứ. Khi ấy, tôi thường hay tập tành làm đồ sứ và nghiên cứu sâu về nguyên liệu này. Sau này khi học đại học, tôi chọn ngành kinh tế, nhưng sau một thời gian làm việc đúng chuyên ngành, tôi nhận ra mình không phù hợp với công việc đó. Tôi nhận ra đam mê của tôi vẫn luôn gắn liền với sứ, và tôi quay lại với việc làm sứ. Tuy nhiên công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có lần tôi bị phá sản và không thể tiếp tục làm sứ nữa do không còn đủ vốn.

Khi đó, tôi quyết định chuyển hướng từ sứ sang thủy tinh. Từ đó, tôi bắt tay vào thí nghiệm để tìm cách kết hợp màu sắc của sứ vào trong thủy tinh. Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi phát hiện khi dùng màu vẽ trên sứ thông thường lên thuỷ tinh, sau đó đem đi nung thì màu sắc sẽ không bao giờ bạc đi, và điều đó đã mở ra một hướng đi mới cho tôi. Kể từ đó, tôi bắt đầu tìm tòi nghiên cứu về kỹ thuật làm tranh kính.

Đến năm 1990, nhận thấy thị trường có sự thay đổi và nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm kính, tôi đã quyết định mở xưởng sản xuất tranh đá mài kính. Đây chính là phiên bản tranh kính đầu tiên.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình nghiên cứu và những bước đột phá quan trọng mà ông đã phát hiện được trong quá trình này không, thưa ông? Ông có gặp phải những khó khăn gì trong quá trình này không ạ?

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh: Tôi cho rằng nghề kính này có liên hệ ít nhiều với nghề gốm sứ. Khi chuyển từ gốm sứ sang kính, tôi nhận thấy kính nghệ thuật vẫn là lĩnh vực mới mẻ tại Việt Nam lúc bấy giờ. Trước đó, ở Huế cũng có kỹ thuật làm tranh kính nhưng họ sử dụng sợi đồng. Tuy nhiên, con đường đó không được phổ biến. Bên cạnh đó, các nghề làm tranh kính khác thường chỉ sơn màu lên kính bằng những loại màu thông thường, nên sau một thời gian, màu sẽ bạc và trôi đi.

Cá nhân tôi lại chọn dành thời gian nghiên cứu nhiều công nghệ gia công trên kính trên thế giới để ứng dụng và tạo ra các bức phù điêu không màu. Sau đó, trong một lần thử nghiệm, tôi dùng màu men gốm ceramic để tô màu bằng cọ, dùng sợi dừa, sợi vải và nhiều công cụ khác để tạo hoa văn. Sau đó, tôi đem nung ở 700 độ để màu men gốm ceramic bám chặt vào bề mặt kính như trên đồ sứ. Ngoài ra, tôi cũng phát hiện một đặc điểm quan trọng là loại kính này có khả năng thấu quang. Ánh sáng xuyên qua lớp kính tạo nên màu sắc rất đẹp, thích hợp làm các tấm nền, tấm trần… và trông chúng đẹp không kém kính nghệ thuật trên thế giới.

Loại kính này còn có khả năng cường lực, rất khó vỡ trước tác động mạnh như gạch đá hay lửa, và có thể ứng dụng rộng rãi trong đời sống với hơn 40 ứng dụng mỹ thuật mà tôi đã nghiên cứu. Tranh kính của Vinh Coba còn có khả năng ngăn chặn các tia có hại như tia tử ngoại, giúp giảm hiệu ứng nhà kính. Nhờ các nghiên cứu này, tôi đã tạo ra một dòng kính nghệ thuật mới, bền đẹp và an toàn, phục vụ trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

Phóng viên: Thời điểm đó, việc nghiên cứu và tự tìm tòi chắc hẳn đã gặp không ít khó khăn. Trong quá trình tự mình phát triển kỹ thuật này, ông có gặp phải những trở ngại đáng kể nào không?

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh: Khó khăn thì quả là rất nhiều. Vì trước đó chưa có ai làm lĩnh vực này, và tất cả thông tin tôi có được đều chỉ là nghe nói hoặc xem qua vài tài liệu trên internet, mà thời đó internet cũng chưa phát triển như bây giờ. Tôi phải tự mày mò là chính. Khó khăn lớn nhất là tôi không có nền tảng về mỹ thuật, mà công việc này lại đòi hỏi rất nhiều kỹ năng vẽ – từ vẽ người, vẽ cảnh, đến các chi tiết tranh... Những điều này thì bản thân mình phải khắc phục thôi. Tôi vừa làm vừa tự nghiên cứu, không có thầy, và tự tìm ra một lối đi mới, cách làm mới trong nghề về tranh kính.

Phóng viên: Sau một hành trình nghiên cứu đầy thử thách như vậy, ông đã đúc kết ra các công đoạn để tạo nên một tác phẩm tranh kính như thế nào ạ? Và đâu là giai đoạn mà ông cho là quan trọng nhất, thưa ông?

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh: Để tạo ra một tác phẩm tranh kính Vinh Coba cần phải trải qua tám công đoạn chính. Đầu tiên, tôi bắt đầu bằng việc vẽ phác thảo trên giấy để tạo hình cho bức tranh. Tiếp theo, tôi sẽ sử dụng công nghệ Faren để vẽ các nét khắc đồ họa. Công đoạn thứ ba là dán đề can lên kính, sau đó là công đoạn phun cát áp lực. Sau đó là mài kính để tạo các hiệu ứng vân nhám, sần trên bề mặt.

Sau công đoạn này là công đoạn phun sơn để tạo màu cho tranh kính. Sau khi tranh được phun sơn, tác phẩm sẽ được đưa vào lò nung để tạo hình. Thời gian thực hiện mỗi tác phẩm khác nhau tùy vào độ phức tạp của bức tranh. Có những bức tranh chỉ mất vài tiếng, trong khi những bức tranh phức tạp hơn có thể kéo dài đến vài tháng.

Nếu nói về độ khó, từng công đoạn đều có “cái khó" riêng, nhưng tôi cho rằng đối với tranh kính không màu thì công đoạn thiết kế đồ họa và tạo hình là khó khăn nhất. Một bức tranh chỉ đẹp khi tạo hình được thực hiện tinh tế; thậm chí, nếu không cần màu sắc, chỉ cần tạo hình đẹp đã đủ khiến tác phẩm nổi bật.
Còn đối với tranh kính màu, công đoạn tạo màu lại đòi hỏi sự khéo léo hơn. Kỹ thuật này yêu cầu phải vẽ ngược, tức là vẽ trong khi không nhìn thấy hình vẽ ở phía dưới. Để thực hiện kỹ thuật này, trước tiên tôi cần phải thuộc lòng bức tranh. Sau đó, khi phun màu, tôi phải xác định thứ tự các mảng màu, từ đó chỉ đạo việc sơn màu của những người thợ.

Phóng viên: Sau 35 năm gắn bó với nghề, ông có thể chia sẻ những thành tựu nổi bật mà mình đã đạt được và những dự định phát triển nghề trong tương lai không, thưa ông?

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh: Năm 2008, tôi đã đăng ký bản quyền cho quy trình sản xuất tranh kính, và đến năm 2010, tôi chính thức được cấp giấy phép độc quyền. Đến năm 2021, tôi rất vui mừng khi UNESCO Việt Nam công nhận đây là một nghề mới. Đến nay, tôi đã đạt được 28 giải thưởng OCOP, với nhiều sản phẩm từ 3 đến 4 sao.
Bên cạnh đó, trong quá trình theo đuổi nghề, tôi đã không ngừng sản xuất, cải tiến và nâng cấp sản phẩm, từ những bức tranh kính đơn giản đến việc phát triển thành các vật liệu kính nghệ thuật. Hiện tại, tôi đã khám phá ra hơn 40 ứng dụng mỹ thuật công nghiệp trong cuộc sống, như bát, đĩa, ấm, chén, sàn kính, mái kính, trần và các sản phẩm tủ kính.

Ngoài ra, tôi cũng tích cực truyền đạt kiến thức cho các nghệ nhân trẻ. Hiện tại, tôi có bốn nghệ nhân làm việc dưới sự hướng dẫn của mình. Nhờ đó, tôi có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và sáng tạo những công cụ mới.

Tôi cũng mong muốn các hiệp hội đưa nghề tranh kính vào chương trình giảng dạy chính thức để phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện nay, dù được UNESCO Việt Nam công nhận, số lượng người theo nghề vẫn còn rất ít. Ước muốn lớn nhất của tôi là có thể đưa nghề này vào các trường, thu hút những bạn trẻ có năng khiếu trong lĩnh vực mỹ thuật, thiết kế và kiến trúc.

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN