Trên con phố Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), ngày ngày vẫn có một người thầy giáo nhiệt huyết, sáng tạo, nỗ lực đưa thư pháp tới gần hơn với giới trẻ. Không ai khác, đó là chân dung thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng - bút danh Ngẫu thư, trưởng thành từ cái nôi nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ sông Hồng. Người thầy trẻ lớn lên với những câu chuyện cổ tích, những bài hát ru của bà. Từ đó, trong tâm trí của người thầy giáo trẻ đã nuôi lớn tình yêu với thư pháp và mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống này.
Làm nghề từ tình yêu với những nét bút thư pháp
- Thưa thầy, cơ duyên nào đã đưa thầy đến với nghệ thuật thư pháp?
Đam mê dành cho thư pháp tự nhiên như một điều thường tình trong cuộc sống. Tôi thích và chơi như một thú chơi giải trí. Khi chơi, tôi cảm nhận được sự thoải mái trong đó. Vì vậy, tôi chơi hàng ngày, hàng giờ.
Dần dần tôi nhận thấy nhiều giá trị quý báu từ thư pháp. Thứ nhất, tinh thần tôi thoải mái và thư giãn hơn. Thứ hai là nâng cao thẩm mỹ, trí tưởng tượng khi tôi hình dung các con chữ. Cuối cùng là hiểu sâu hơn về nội dung của chữ viết trong cuộc sống thường ngày, trong văn chương.
Khi bắt đầu có những người yêu thích chữ của mình, tôi cảm thấy vui vì mình đã lan tỏa những giá trị của mình tới mọi người. Vì vậy, cứ làm, cứ sáng tạo theo một vòng chơi - sáng tạo - lưu truyền. Lặp đi lặp lại từ ngày này qua tháng khác, bẵng đi cũng đã hơn hai chục năm.
- Được biết, thầy từng có thời gian học tập tại Trường Đại học Sư phạm TP. HCM. Thầy có thể chia sẻ đánh giá của mình về sự liên quan trong tìm kiếm cảm hứng của chuyên ngành ấy với thư pháp?
Thời Đại học, tôi vào Sài Gòn học, may mắn được gặp gỡ với sư phụ người Việt, sư phụ người Hoa. Tôi học khoa Ngữ Văn nên không liên quan trực tiếp đến thư pháp nhưng tìm được sợi dây kết nối giữa văn chương - thư pháp.
Những nhà thư pháp hay người thầy giáo dạy văn học đều làm công việc có tính chất nghệ thuật. Đồng thời, tôi có thể hình dung, liên tưởng trong đầu mình phong cách của tác phẩm, của thế giới. Có thể nói, ở những góc nhìn khác nhau, văn học là một phương tiện bổ trợ cho thư pháp và ngược lại.
- Trong suốt hành trình gắn bó với thư pháp, đâu là dự án hay kỷ niệm để lại cảm xúc đặc biệt cho thầy nhất?
Một trong những dự án đáng nhớ với tôi đó là “Triển lãm và giao lưu giữa thư pháp Á Đông và nghệ thuật Graffiti phương Tây”. Điều đặc biệt nhất của triển lãm là được tổ chức lần đầu tiên tại Nhà thái học của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Không gian của Văn Miếu trước đây từng tổ chức nhiều triển lãm nhưng thường là ở các khu bên ngoài, đối với triển lãm giao lưu giữa thư pháp và Graffiti, các tác phẩm được đưa vào tận bên trong, nơi cụ Chu Văn An giảng dạy trước đây. Khu Nhà thái học được xây dựng trên nền cũ của trường Quốc Tử Giám xưa, nơi tôn vinh thầy giáo Chu Văn An, người thầy đạo cao đức trọng của dân tộc Việt Nam và ba vị vua có công khởi lập và phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nền giáo dục Việt Nam. Chính vì vậy, khi có cơ hội trưng bày các tác phẩm ở Khu Nhà thái học, đó là một niềm vinh hạnh, tự hào của những người tổ chức.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, tôi đang phối hợp cùng Văn Miếu - Quốc Tử Giám để thực hiện chương trình “Tinh hoa Đạo học”. Khi làm chương trình, tôi cảm thấy yêu thêm thư pháp, yêu thêm tiếng Việt và thêm kính trọng vai trò của người thầy nói riêng hay những người làm giáo dục nói chung. Khi “nằm” trong hành trình ấy, hiểu thêm về vị thế của người thầy đại biểu như thầy Chu Văn an, tôi càng yêu nét nhà đơn sơ mộc mạc của nhà thầy đồ thời xưa - nơi in những bước chân đầu tiên của các sĩ tử trong hành trình trưởng thành, sau này dù là tiến sĩ, hay là quan trong triều.
“Tinh thần đạo học” - Trở về lớp học xưa
Là người trực tiếp tham gia thực hiện dự án “Tinh họa đạo học”, thầy đã làm gì để giúp thư pháp xuất hiện trong Tour đêm sẽ để lại dấu ấn cho người tham gia trải nghiệm khác hẳn so với việc chiêm ngưỡng thư pháp vào ban ngày?
Đối với buổi sáng, Văn Miếu vẫn hoạt động bình thường, còn chương trình “Tinh hoa Đạo học” được tổ chức vào buổi tối, cảm xúc và không gian đều lắng xuống. Đó là một điều thuận lợi cho những người làm chương trình để đem đến những trải nghiệm mới lạ về nghệ thuật thư pháp
Những bố trí về không gian, ánh sáng, âm nhạc giúp cho du khách như bước qua một cánh cổng thời gian, trở về 1.000 năm trước. Trong “Tinh hoa Đạo học” có ngôi nhà thầy đồ - nơi du khách được trực tiếp tương tác, làm và viết thư pháp.
Đối với nhà thầy đồ, các bạn được trực tiếp được trải nghiệm bằng da, bằng thịt, bằng lời nói, cảm xúc của mỗi ngày mỗi giờ khác nhau. Vào mỗi buổi khác nhau, chúng tôi sẽ đưa những câu chuyện mới lạ hơn để kể cho các bạn tham quan về Văn Miếu, về thư pháp.
Khi được nhìn thấy thầy đồ viết chữ, đang uống trà, nói chuyện… tôi nghĩ đó là một trải nghiệm thú vị với người tới tham dự. Trong một ngôi nhà mái lá, có bàn tre, vườn cây…, các bạn được nhìn lại hình ảnh của người thầy đồ xưa sống động, không chỉ qua báo chí, phim ảnh như trước.
Không chỉ vậy, khi tiến lại gần, các bạn được nghe thầy đồ giảng. Nhiều câu hỏi được thắc mắc như “Không gian thầy Chu Văn An ở và dạy học ngày xưa có những điều đặc biệt như thế nào?” hay “Tại sao thầy không đi thi, không ra làm quan mà thầy lại có nhiều học trò như vậy?”... Tất cả câu chuyện đều được gửi gắm, đan xen trong quá trình vừa thực hiện viết thư pháp vừa thuyết minh cho du khách.
- Những câu chuyện thầy thường kể với người trải nghiệm là gì?
Tôi thường giới thiệu về lịch sử thư pháp Việt Nam, hình thức thể hiện qua các thời kỳ, phân loại thư pháp. Về thư pháp, chúng ta có thư pháp Hán, thư pháp chữ Nôm, thư pháp chữ Quốc ngữ.
Bắt đầu từ việc viết trực tiếp tại không gian tham quan, du khách được trải nghiệm để hiểu các cụ ngày xưa đi học như thế nào. Trong viết một con chữ có cứng có mềm, đại diện cho cuộc sống, sự hài hòa ra sao, có bay bổng, có lãng mạn như thế nào. guồn cảm hứng đấy chỉ là về giáo trình , còn nguồn cảm hứng sâu sắc là bản thân tôi - một người giáo, dạy văn, người thầy muôn đời của mình là thầy Chu Văn An ở đây vàgần như đang là đại biểu kể lại những câu chuyện của thầy. Tôi không còn coi đó là một việc làm mà là một nhiệm vụ được Văn Miếu chọn, được thầy Chu Văn An chọn, kết nối với những người trẻ.
“Ôn cố tri tân” - Kể chuyện xưa theo cách nay
- Như thầy chia sẻ, hiện đại cũng là kế thừa. Vậy sự kết hợp của chữ quốc ngữ và nghệ thuật thư pháp của thầy có phải là một sự kế thừa?
Nghệ thuật thư pháp chữ Quốc ngữ ở Việt Nam đã xuất hiện khoảng gần một thế kỷ. Chúng ta có thể thấy những con người tiêu biểu ở giai đoạn đầu của thư pháp chữ Quốc ngữ như là nhà thơ Vũ Hoàng Trương, nhà thơ Đông Hồ. Tôi cũng không phải thế hệ Gen Z gần đây, cũng không phải là thế hệ đầu nhưng may mắn được tiếp cận với vẻ đẹp thư pháp trong khoảng thời gian phát triển cần có.
Vẻ đẹp thư pháp của thời các cụ ngày xưa rất đơn sơ mộc mạc bởi nó chưa có kế thừa nhiều. Nếu có, chỉ là bây giờ viết chữ quốc ngữ và vẫn dùng bút lông, còn ngày xưa là dùng bút lông để viết chữ Hán. Vốn là một người yêu thích thơ cổ, yêu thích vẻ đẹp thư pháp chữ Hán, tôi ứng dụng nhiều hơn các kỹ thuật vào quá trình chuyển đổi sang thư pháp chữ Quốc ngữ. Quan điểm của tôi là vẫn giữ được cái chất của thư pháp chữ Hán.
Trọng tâm trong các tác phẩm của tôi sẽ đi từ ý, hàm ý của con chữ. Tôi viết nhiều về thiền, ngộ, đạo, trà, văn chương nên thường lựa chọn sự phối màu quen thuộc và gần gũi. Khi có hứng thú với một con chữ, tôi phải ấp hủ nó ở trong đầu, nghĩ xem nghĩa gốc, nghĩa bóng của từ đó là như thế nào, những cái trải nghiệm về đời sống của mình với chữ cái sao. Tôi từng có những bức không bao giờ trở lại trong đời, cực kỳ khó, khoảnh khắc trời cho. Dù phác thảo lại ít giây sau đó nhưng không thể tìm lại cái hồn của con chữ ấy.
- Hoạt động bảo tồn và lưu truyền không chỉ dành cho các bạn trẻ ở trong nước, vậy thầy có dự định gì để đưa việc bảo tồn nét đẹp này ra quốc tế?
Tôi có kết hợp với một số đơn vị làm các buổi workshop cho khách du lịch. Tôi sẽ dành thời gian để dạy cho các bạn một buổi để hiểu về bút nghiên giấy mực, về giấy dó và về kẻ đẹp của thư pháp.
Đồng thời, thông qua mạng xã hội, các bạn yêu cái nghệ thuật thư pháp hoặc làm nghệ thuật Graffiti ở phương Tây hoặc có điều kiện du lịch sang Việt Nam có thể tìm đến tôi và giao lưu trong 1-2 buổi. Bên cạnh đó, tôi thường viết những tác phẩm trên giấy nho nhỏ, trưng bày ở các cái cửa hàng ở trên phố để giới thiệu tới du khách nước ngoài.
- Vậy theo thầy dự đoán xu hướng phát triển của thư pháp trong tương lai như thế nào?
Thứ nhất, chúng ta đang lưu giữ cái vẻ đẹp, truyền thống của Á Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng, ở một hình thức mới, một diện mạo mới. Như vậy là mạch nguồn của dân tộc vẫn đang chảy.
Thư pháp cũng phải phát triển theo dòng trạng của thời gian. Các giá trị tinh thần vẫn được truyền thừa nhưng mà cách thức thể hiện đương nhiên phải thay đổi. Thư pháp của thầy đồ là thư pháp cho đại chúng, viết cho những người dân. Vì vậy, đối với dòng chảy của thư pháp, tôi mong tất cả những giá trị tinh thần của người xưa vẫn được giữ gìn nhưng luôn vận động để diện mạo mới, hình thức mới phù hợp với người đương đại.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.