Dù đã mở cửa đón tiếp khách tham quan hơn 1 tháng, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đến nay vẫn nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ người dân trong nước và du khách quốc tế. Với sự đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh và chất lượng nội dung, bảo tàng như một cây cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế hệ đi trước và thế hệ trẻ ngày nay.
Tại bảo tàng, nhiều hiện vật được trưng bày ở vị trí chính giữa khu vực tham quan như: những chiếc máy bay, xe tăng, những khẩu súng hay lá cờ kháng chiến... Trong đó, chiếc máy bay MiG - 21 mang số hiệu 4321, chiếc máy bay MiG - 21 mang số hiệu 5121, xe tăng T54B mang số hiệu 843 - đồng hành cùng những vị anh hùng trong những dấu mốc huy hoàng của lịch sử dân tộc - đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Đặc biệt, chiếc máy bay MiG - 21 mang số hiệu 4321 được trưng bày ngay chính giữa lối vào là loại máy bay chiến đấu phản lực tiêm kích một người lái do Liên Xô cũ sản xuất năm 1965, viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chiếc máy bay này gắn với tên tuổi nhiều phi công nổi tiếng trên chiến trường Việt Nam. Trên thân máy bay có 5 ngôi sao màu đỏ, ghi nhận 5 lần bắn rơi máy bay Mỹ. Đặc biệt, Phạm Tuân - người thứ ba sử dụng chiếc MiG này - trong trận đánh đêm 27/12/1972 đã bắn rơi B - 52, “pháo đài bay” được coi là bất khả xâm phạm của không quân Mỹ.
Chứng kiến tận mắt và lắng nghe những chiến công lừng lẫy của chiếc MiG - 21 mang số hiệu 5121, bạn Diệu Thảo (18 tuổi, Hà Nội) không giấu được sự xúc động dù bản thân đã được học, được lắng nghe rất nhiều giai thoại về “chứng nhân” lịch sử này. Diệu Thảo chia sẻ: “Mình cảm thấy tự hào và hãnh diện với những chiến công mà Trung tướng Phạm Tuân, Đại tá Vũ Đình Rạng và Đại tá Đinh Tôn đã lập nên trên bầu trời Hà Nội năm ấy. Mình chắc chắn sẽ khắc ghi hình ảnh, câu chuyện về chiếc máy bay này để lan tỏa câu chuyện hào hùng trong lịch sử nước nhà đến với mọi người”.
Ở cùng khu vực thuộc giai đoạn lịch sử những năm 1954 - 1975 là cỗ xe tăng T54B mang số hiệu 843, đã “chạm” tới nhãn quan và trái tim của khách tham quan. Bạn Khánh Huyền (17 tuổi, Hà Nội) tỏ ra trầm trồ, thích thú khi quan sát và lắng nghe thuyết minh viên kể câu chuyện về chiếc xe huyền thoại đã húc đổ cổng Dinh Độc lập năm 1975. “Mình rất choáng ngợp và bất ngờ vì chiếc xe tăng to hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng của mình”, Khánh Huyền cảm thấy may mắn khi được tận mắt chứng kiến một trong những bảo vật của quốc gia.
Giữa bộn bề của thời đại công nghệ số với những áp lực bủa vây, bảo tàng lịch sử như một nhịp cầu nhỏ mang sứ mệnh giúp người dân được sống chậm lại với những khoảnh khắc oanh liệt, huy hoàng. Bước qua “cây cầu” ấy, quá khứ với hiện tại, thế hệ cha ông với thế hệ trẻ ngày nay và mai sau sẽ không còn khoảng cách về tính cách, về tâm hồn. Mỗi hiện vật như một nhân chứng thầm lặng, kể lại câu chuyện của thời gian, khơi gợi trong mỗi người cảm xúc tự hào và trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc.
Trong hành trình khám phá lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhiều bạn trẻ đã tìm thấy sự gắn kết sâu sắc giữa bản thân và những câu chuyện, giá trị lịch sử. Khi đến với nơi đây, bạn Hải Nam (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) và Trực Nhật (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Việt Pháp) đều cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc.
Với Hải Nam, bạn ấn tượng với sự đầu tư quy mô lớn, công phu của bảo tàng. “Ở đây, mình thấy bảo tàng có đầy đủ các giai đoạn lịch sử của đất nước cùng với nhiều hiện vật mà từ trước đây mà chúng ta chỉ được xem qua sách vở hay tranh ảnh”, Hải Nam chia sẻ. Hải Nam nhận thấy rằng, bảo tàng không chỉ thành công trong việc truyền tải những câu chuyện lịch sử mà còn tạo ra sự gắn kết con người ở mọi thế hệ: “Tại đây, mình còn được gặp gỡ những người cựu chiến binh. Trong đó có những người còn là đồng đội của những nhân vật mình được học, được đọc, được nghe”.
Với Trực Nhật, chàng trai trẻ ấn tượng với sự rộng lớn và hiện đại của bảo tàng: “Mình rất thích việc bảo tàng sử dựng nhiều công nghệ hiện đại như sa bàn tái hiện chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ dựa trên công nghệ 3D Mapping để người xem có những trải nghiệm chân thực, dễ hiểu hơn. Mình thấy đây chính là điểm mấu chốt cho thấy sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại ở đây”.
Có thể thấy, bảo tàng đã giúp lịch sử “chạm” giới trẻ nhiều hơn nhờ cách thức truyền tải đầy mới mẻ, sáng tạo. Chia sẻ về vai trò của bảo tàng trong việc giáo dục lịch sử, cô Phạm Nguyệt - giáo viên Lịch sử trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng), nhận định: “Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có thể coi là một cuốn sử 'sống' về nghệ thuật quân sự dựng nước và giữ nước từ thời Hùng vương tới tận ngày nay. Những giá trị lịch sử dân tộc đã được thu gọn trong 'túi hồ lô' có thể giúp người Việt Nam và bạn bè thế giới có thể tìm hiểu nhanh nhất, ngắn gọn nhất, rõ ràng nhất, tường tận nhất về chiều dài và bề dày lịch sử của nước ta. Đối với thế hệ trẻ, bảo tàng sẽ giúp các bạn tiếp cận lịch sử theo hướng thuyết phục nhất, dễ tiếp cận, dễ nhớ”.
Cô cũng nhấn mạnh: “Việc sử dụng công nghệ hiện đại trong bảo tàng lịch sử chính là cách để lịch sử sống mãi, giúp thế hệ trẻ tiếp cận lịch sử theo hướng của khoa học hiện đại. Khi mang ngôn ngữ của công nghệ hiện đại thổi hồn vào những sự kiện lịch sử truyền thống sẽ giúp cho các sự kiện ấy không còn bị gắn mắc khô khan, lạc hậu mà càng thêm sống động, có sức hút mãnh liệt”.
Theo cô Phạm Nguyệt, những trải nghiệm thực tế này không chỉ khơi gợi lòng tự hào dân tộc mà còn giúp người trẻ hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy giá trị cốt lõi của dân tộc.
Trong thời đại số ngày nay, khi mọi thông tin đều có thể tiếp cận nhanh chóng qua mạng xã hội nhưng bảo tàng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong việc giáo dục về lịch sử. Những hiện vật lặng thầm hay những câu chuyện được kể lại bằng cách gần gũi và cảm xúc ấy đã thực sự “chạm” tới trái tim những người trẻ.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ ký ức, mà đó còn là nguồn cảm hứng để cho thế hệ ngày hôm nay tiếp bước phát triển đất nước tốt đẹp hơn. Đó là cách mà quá khứ, hiện tại và tương lai đã và đang được kết nối để cùng hướng đến một tương lai rạng rỡ dựa trên nền tảng vững chắc của truyền thống dân tộc Việt Nam ta.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.