(Sóng trẻ) - Sau 3 năm nghỉ hưu, NSND Thanh Ngoan trở lại với vai trò mới tại Trung tâm Bảo tồn Nghệ thuật Biểu diễn Truyền thống Việt Nam. Ở tuổi 59, bà vẫn tiếp tục cống hiến hết mình, giữ trọn tình yêu với nghệ thuật dân tộc.

Trong buổi chia sẻ với phóng viên Sóng trẻ, NSND Thanh Ngoan xúc động kể lại hành trình theo nghề, những quan điểm về sân khấu Chèo cùng lời gửi gắm đến thế hệ trẻ yêu nghệ thuật. Lắng nghe những chia sẻ của bà, chúng tôi thấy được nỗi trăn trở của một nghệ sĩ gạo cội, luôn tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống.

 

PV: Thưa NSND Thanh Ngoan, được biết bà sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật Chèo. Liệu đây có phải cơ duyên đưa bà đến với nghề?

NSND Thanh Ngoan: Tôi sinh ra và lớn lên trong một môi trường có truyền thống hoạt động nghệ thuật Chèo sôi nổi. Ngay từ thuở nhỏ, Chèo đã ngấm vào tôi như một lẽ tự nhiên, một thói quen, một phần không thể tách rời của cuộc sống. Việc được tiếp xúc sớm với nghệ thuật Chèo, được chứng kiến những người thân cống hiến cho bộ môn nghệ thuật này, đã ươm mầm trong tôi niềm yêu thích với Chèo.

Có thể nói, đó là một cơ duyên. Môi trường ấy đã cho tôi cơ hội đến với nghệ thuật một cách tự nhiên, sớm hơn và có định hướng rõ ràng hơn so với những người khác.

PV: NSND Thanh Ngoan là một tượng đài trong làng Chèo, đồng thời là người giáo viên truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ. Vậy trên hành trình học tập và trưởng thành, đâu là người thầy đã để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong lòng bà?

NSND Thanh Ngoan: Thế hệ của tôi may mắn được sinh ra giữa nôi Chèo nghệ thuật và mọi người xung quanh đều có tình yêu với loại hình này. Khi bước chân vào trường, tôi may mắn được thế hệ nghệ nhân gạo cội truyền dạy tinh thần Chèo. Mỗi người lại “đóng đinh” ở một dạng vai, để lại cho tôi những dấu ấn riêng. NSND Tống Năm Ngũ dạy hát hề, NSND Minh Lý hướng dẫn hát đào, NSƯT Xuân Mai truyền dạy về đào huế, thầy Bùi Trọng Đang chỉ bảo cách hát nam và những làn điệu đường trường, còn cô Lệ Hiền giúp tôi rèn luyện kỹ thuật hát sắc.

 

PV: Điểm đặc biệt nào ở Chèo đã khiến bà gắn bó với bộ môn này suốt bao năm qua?

NSND Thanh Ngoan: Đi sâu tìm hiểu, tôi thấy nghệ thuật Chèo có rất nhiều làn điệu. Mỗi khi dựng một vở diễn ở các địa điểm khác nhau, tôi lại thấy có những nhân vật đại diện cho vùng miền đó. Trong Chèo có những nhân vật liên quan đến hát Quan họ, hát Văn, hát Xẩm,... Và chính từ những văn hóa, làn điệu của các loại hình nghệ thuật đó đã làm giàu cho Chèo. Tôi vẫn nhớ năm 1985, khi dựng vở “Hồ Xuân Hương”, tôi bắt đầu học Ca trù để diễn nhân vật chủ quán. Những làn điệu đó đã đi vào con người tôi một cách tự nhiên. Và như vậy, một người nghệ sĩ Chèo không chỉ học mỗi Chèo. 

Với tôi, Chèo là loại hình nghệ thuật thuần Việt nhất, nó là nghệ thuật sân khấu. Tôi nhận thấy khi làm nghệ thuật Chèo, tôi biết và học thêm được các loại hình văn hóa nghệ thuật khác.

PV: Trong Chèo, giữa kỹ thuật biểu diễn và cảm xúc của người nghệ sĩ, bà thấy điều gì quan trọng hơn?

NSND Thanh Ngoan: Chính sự hài hòa giữa kỹ thuật và cảm xúc mới làm nên giá trị của Chèo. Kỹ thuật tinh tế không chỉ là công cụ thể hiện, mà còn là nền tảng để cảm xúc của người nghệ sĩ được thăng hoa, bay bổng trong từng vai diễn. 

Ngược lại, chỉ có cảm xúc chân thật mới có thể thổi hồn vào từng động tác, từng câu hát; khiến cho câu hát ấy, động tác ấy, nét diễn ấy trở nên sống động, lay động lòng người. Có như vậy, vai diễn mà người nghệ sĩ Chèo đảm nhận, câu chuyện mà người nghệ sĩ muốn gửi đến công chúng mới có thể được lột tả một cách chân thực nhất, chạm đến trái tim khán giả. Cũng như Chèo cần được làm mới mà vẫn giữ hồn cốt dân tộc, thì kỹ thuật và cảm xúc trong Chèo phải cùng nhau phát triển, hài hòa, để nghệ thuật này vẫn trường tồn, vẫn lay động lòng người qua bao thế hệ.

PV: Các sân khấu Chèo truyền thống đang dần thu hẹp, trong khi các chương trình nghệ thuật thương mại lại phát triển mạnh. Theo bà, nghệ thuật Chèo hiện nay có còn giữ được vai trò là một phương tiện phản ánh đời sống xã hội như trước đây?

NSND Thanh Ngoan: Không thể nói rằng Chèo không hợp với thời đại. Những vở Chèo cổ, Chèo truyền thống bao gồm cả những tích từ xưa, sâu thẳm ở trong đó vẫn có tính giáo dục hiện đại bên cạnh tính dân tộc. 

Có những câu chuyện vẫn vẹn nguyên giá trị đến ngày nay. Chẳng hạn như vở “Vân dại” phản ánh hiện thực “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”; hay như câu chuyện người phụ nữ trong một gia đình không tự đánh giá được mình mà cứ nghĩ rằng mình phải có tiền, phải ăn chơi. Những câu chuyện đó vẫn còn tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Như vậy, bài học về đồng tiền trong Chèo vẫn có giá trị của nó. Tất nhiên, cũng sẽ có những vở diễn hoặc những thứ không còn phù hợp. 

 

PV: Bà có quan niệm như thế nào về sự nổi tiếng trong nghề? Một nghệ sĩ Chèo thành công có nhất thiết phải được công chúng biết đến rộng rãi?

NSND Thanh Ngoan: Bối cảnh hiện nay có thể sự nổi tiếng là một lợi thế. Có những người nổi tiếng xuất phát từ tài năng của bản thân họ. Tuy nhiên, nhiều khi một người nghệ sĩ được đông đảo công chúng biết đến chưa chắc đã là người giỏi nhất. Bởi vì công chúng liên quan đến thị hiếu và nhiều yếu tố khác ngoài tài năng của người nghệ sĩ.

Theo quan điểm của tôi, truyền thông là một trong những yếu tố giúp ích cho nghệ sĩ. Thế nhưng, công chúng không thể đánh giá một nghệ sĩ thông qua sự nổi tiếng. Chẳng hạn như những người thầy của tôi, dù ít được thế hệ trẻ biết đến, vẫn là những bậc tài danh, những tượng đài mà ngay cả thế hệ chúng tôi cũng khó có thể sánh kịp.

PV: Bà đã có những sáng tạo hay đổi mới nào trong nghệ thuật Chèo để tiếp cận khán giả hiện đại, mà vẫn đảm bảo chất Chèo trong đó? 

NSND Thanh Ngoan: Tôi thể nghiệm  ra một điều, trong Chèo, có những câu không ai nói được nhưng nhân vật hề chèo sẽ nói được. Bởi vì đó là chất dân gian đầy châm biếm, hóm hỉnh và thâm thúy của nhân vật. 

Từ đúc kết này, tôi luôn vận dụng những nhân vật mà mình đóng. Tôi đưa yếu tố hài trong những vai diễn cá tính, vai phản diện. Tôi làm cho nhân vật trở nên đáng yêu trong mắt công chúng. Và từ đó, công chúng mới có thể yêu người diễn và yêu nghệ thuật Chèo. Tôi không áp máy móc nhân vật vào mỗi vở diễn để khán giả sợ mà không muốn xem lại nữa.

Chẳng hạn như trong vở “Cả ngố”, tôi đóng một vai chửi rất ghê gớm, câu nào cũng đanh đá. Thế nhưng, người ta vẫn thấy được một người phụ nữ yêu chồng, thấy được sự hóm hỉnh trong nhân vật.

Có những người khi lên sân khấu sẽ lồng lên theo vai diễn. Cá nhân tôi, với những vai có cá tính mạnh, tôi sẽ sử dụng ngữ khí là động tác và cách đài từ nghệ thuật để nhân vật có được chiều sâu. Người xem sẽ thấy nhân vật có sự hiểm ác, ghê gớm thông qua đài từ chứ không phải sự lồng lộn, quát tháo. Đây cũng là nét diễn hiện đại phù hợp để đưa vào Chèo.

PV: Việc bà nhận trọng trách mới tại Trung tâm Bảo tồn Nghệ thuật Biểu diễn Truyền thống Việt Nam, trở lại công việc sau ba năm nghỉ hưu, có phải xuất phát từ mong muốn gìn giữ và truyền bá nghệ thuật cho các thế hệ sau?

NSND Thanh Ngoan: Thực chất điều này xuất phát từ một nỗi trăn trở sâu sắc của tôi về sự mai một nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Bản thân tôi luôn tâm niệm rằng nghệ thuật truyền thống là cội nguồn, là linh hồn của dân tộc Việt Nam và sẽ không bao giờ bị lãng quên. 

Trong suốt gần 50 năm hoạt động nghệ thuật, tôi đã có cơ hội được đi nhiều nơi trên thế giới, được chứng kiến, lắng nghe những lời ngợi ca, sự trân trọng của bạn bè quốc tế đối với nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật Chèo. Chèo đẹp và độc đáo vô cùng, tôi chưa từng thấy bóng dáng của Chèo ở bất cứ quốc gia nào khác ngoại trừ Việt Nam. 

Chính điều đó đã thôi thúc tôi nỗ lực hơn nữa trong việc bảo tồn và phát triển di sản quý báu này. Tôi mong muốn tận dụng những kinh nghiệm tích lũy được để gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật Chèo, sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ những tinh hoa mà tôi đã học hỏi suốt sự nghiệp. Bằng cách đó, tôi có thể đóng góp vào hành trình gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đây không phải là việc làm vì lợi ích cá nhân, mà xuất phát từ tình yêu và trách nhiệm đối với nghệ thuật dân tộc.

PV: Nhìn từ thành công của "Bắc Bling" (Hòa Minzy), ta thấy rõ xu hướng các ca sĩ trẻ kết hợp chất liệu dân gian vào âm nhạc hiện đại ngày càng nở rộ. Trước đó, nhiều nghệ sĩ khác như Hoàng Thùy Linh, Hà Myo cũng đã thành công với hướng đi này. Bà đánh giá các sản phẩm này như thế nào?

NSND Thanh Ngoan: Sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian và hiện đại không phải là xu hướng mới có gần đây. Trước những bạn trẻ được kể tên trên, những nhạc sĩ gạo gội như Phó Đức Phương, Văn Cao cũng đã từng không ít lần sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian trong các sáng tác của mình.

Tôi đã từng hợp tác với ca sĩ trẻ Hà Myo trong dự án âm nhạc "Dân ca Việt" của cô ấy. Tôi rất ủng hộ nỗ lực của các nghệ sĩ trẻ trong việc đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với công chúng đương đại, các bạn đã giúp âm nhạc dân gian được làm mới mình và dễ tiếp cận với khán giả trẻ hơn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phân biệt rõ giữa việc kế thừa, làm mới và sự pha trộn. Chẳng hạn như sản phẩm “Dân ca Việt” của ca sĩ Hà Myo, dù có trong đó một chút những giai điệu truyền thống, nhưng với sự kết hợp EDM đã tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới, không thể gọi là Xẩm hay Chèo thuần túy. Tôi thấy sự minh bạch trong việc định danh sản phẩm âm nhạc là điều cần thiết. 

Sản phẩm "Bắc Bling" của ca sĩ Hòa Minzy, dù chưa đạt đến độ chuẩn chỉnh của Quan họ thuần túy, nhưng đã thể hiện sự nỗ lực đáng ghi nhận khi đưa những yếu tố văn hóa vùng Kinh Bắc vào tác phẩm, góp phần quảng bá di sản văn hóa dân tộc đến gần hơn với công chúng.

PV: Bà có lời khuyên nào gửi đến các bạn trẻ đang muốn theo đuổi nghệ thuật Chèo, gắn bó với Chèo lâu dài nhưng còn e ngại về tương lai của nghề?

NSND Thanh Ngoan: Tôi hiểu những băn khoăn của các bạn trẻ về tương lai của nghệ thuật Chèo, nhất là các bạn yêu Chèo, khao khát được cống hiến hết mình cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Niềm đam mê ấy thật đáng trân trọng. Tôi mong rằng các bạn trẻ có thể giữ vững niềm đam mê, trau dồi kỹ năng chuyên môn và không ngừng sáng tạo để làm mới nghệ thuật Chèo, đưa Chèo đến gần hơn với khán giả.  

Thực tế, việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống đòi hỏi sự nỗ lực chung từ nhiều phía. Cần có sự đầu tư xứng đáng về cơ sở vật chất, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để các nghệ sĩ yên tâm cống hiến. Điều đáng mừng là Nhà nước đang ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống. Chắc chắn rằng, trong tương lai, môi trường cho nghệ thuật Chèo sẽ ngày càng tốt hơn, được đầu tư hơn để thế hệ trẻ yêu Chèo được thỏa đam mê.

Chúng ta hãy cùng tin tưởng vào giá trị trường tồn của nghệ thuật Chèo, các bạn trẻ hãy kiên trì theo đuổi đam mê của bản thân. Đừng nản lòng trước khó khăn, vì “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Thành quả xứng đáng sẽ đến với những ai không ngừng nỗ lực.

Xin trân trọng cảm ơn NSND Thanh Ngoan!

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN