Sau ba hồi chuông điện thoại, cô Khuyên nhấc máy, chào hỏi tôi với giọng chân chất, mộc mạc. Nhận ra người đã được giới thiệu từ trước đó, cô xởi lởi kể chuyện với tôi: “Hôm nay mình cũng vừa đưa một học sinh lớp 3 đi khám. Trẻ con vùng cao bệnh tật nhiều lắm, mà đường xuống bệnh viện thì xa xôi, trắc trở”. Sùng A Túa bị tim bẩm sinh, để đưa em xuống Hà Nội chữa bệnh, cô đã đăng bài kêu gọi ủng hộ từ 1 tuần trước, dành cuối tuần để đi khám cùng em. Vất vả là thế, nhưng với cô Khuyên, không gì là không thể khi nói đến học trò của mình.
Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê Phú Thọ, song từ nhỏ, cô Khuyên đã mang trong mình một tình yêu đặc biệt với núi rừng Tây Bắc. Qua những thước phim tài liệu, qua lời kể của người đi xa, hình ảnh những bản làng heo hút, những đứa trẻ vùng cao thiếu thốn đã gieo vào lòng cô bé Khuyên một khát khao cháy bỏng: “được đến đó, được dạy học, được sẻ chia, được thắp sáng ước mơ cho các em”. Ước mơ ấy lớn dần theo năm tháng, trở thành động lực thôi thúc cô gái trẻ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đến với miền đất hứa.
“Gia đình, bạn bè ai cũng can ngăn”, cô Khuyên kể, “họ lo tôi vất vả, không chịu nổi cuộc sống khó khăn nơi rừng thiêng nước độc. Nhưng tôi đã quyết tâm rồi, dù có phải ăn sắn, ngủ màn trời, tôi cũng phải lên Tây Bắc dạy học”. Và cô đã làm được.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp, cô Khuyên lên đường, bắt đầu hành trình gieo chữ của mình tại trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Nậm Manh (Mường Tè, Lai Châu).
Nhớ lại cảnh tang hoang sau trận thiên tai những năm đầu lên vùng Tây Bắc, cô Khuyên không khỏi xót xa: “Mái nhà của trường bị lật tung, mọi thứ bên dưới đều bị cuốn đi”. Trong khi nhiều đồng nghiệp tìm chỗ trú an toàn, cô “ôm chặt đống chăn màn và giáo án, quyết tâm không rời xa chúng”.
Cũng trong những năm đầu tiên giảng dạy tại điểm trường PTDTBT THCS Nậm Khao, nữ giáo viên đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cải tạo môi trường học tập. Để bổ sung nguồn thực phẩm cho học sinh, cô Khuyên đã triển khai một dự án trồng rau, huy động học sinh tham gia vào từng khâu: một nhóm bỏ những viên đá thừa, nhóm khác thu gom phân xanh, và nhóm cuối quét dọn vệ sinh khu vực bản để lấy phân bón.
Cô chia sẻ: “Nhiều người bảo rằng không thể trồng được rau vì họ chưa biết cách sử dụng phân chuồng hay phân xanh”. Tuy nhiên, khi rau bắt đầu phát triển, những hoài nghi ấy dần tan biến. Sau đó, việc gia tăng trồng rau cũng được lan tỏa tới nhiều thầy cô và người dân địa phương.
Đến tháng 8/2016, được lãnh đạo đề nghị, cô lại khăn gói đến trường PTDTBT THCS Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) công tác. Cô nhớ lại: “Thời điểm đó, học sinh thường không đến trường, thậm chí có em còn trốn học”. Việc giáo dục ở đây giống như một cuộc chiến, khi cô phải chật vật với thói quen của học sinh và tình trạng thiếu hụt sự quan tâm từ phụ huynh.
Cô Khuyên chia sẻ: “Cứ đầu năm học, tôi phải nhận diện từng học sinh và thuyết phục các em quay trở lại trường. Đôi lúc, học sinh còn bỏ trốn khi thấy tôi đến”. Hành trình đón học sinh về trường của cô Khuyên thường kéo dài 4 tiếng, có em phải đi bộ hàng chục cây số. “Từ điểm trường gần nhất đến nhà em cũng 4-5 cây số, bản xa nhất cách 25 cây”, cô cho biết.
Một lần, khi thấy học sinh nghịch ngợm, cô quyết định phạt bằng cách yêu cầu các em đứng ngoài cửa lớp. Thậm chí, cô phải nhắc nhở các em rằng: “Nếu không học, các em sẽ không có tương lai”. Dù gặp phải những khó khăn trong việc duy trì kỷ luật, cô vẫn kiên trì và áp dụng nhiều phương pháp giáo dục khác nhau để giữ các em ở lại lớp.
Dù công việc không dễ dàng, cô Khuyên luôn giữ vững niềm tin vào nghề. Cô chia sẻ: “Ngày nghỉ, nếu không có học sinh, tôi cảm thấy buồn chán. Chính các em là nguồn động lực của tôi”. Mỗi ngày đến lớp là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội để cô giáo này mang lại niềm vui và tri thức cho học sinh vùng cao.
Xuyên suốt quá trình công tác giảng dạy tại trường PTDTBT THCS Pa Ủ, cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên luôn mong muốn thay đổi tư tưởng của học sinh nơi đây. Nữ giáo viên chia sẻ: “Tôi không thể thay đổi tất cả, nhưng muốn các em nhìn vào tấm gương của mình để tự thay đổi”. Để khuyến khích học sinh, cô đặt ra nhiều mục tiêu và phần thưởng như cho những em ngoan học giỏi cơ hội đến Hà Nội tham quan và thưởng bánh kẹo từ các nhà hảo tâm.
Nói về cơ duyên đến với thiện nguyện, cô Khuyên nhắc tới chị Ngô Thị Hồng Nhung - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tình nguyện Trẻ. Nữ giáo viên vùng cao chia sẻ: "Từ thời học cấp 3, tôi đã mong muốn tham gia các hoạt động thiện nguyện, thậm chí còn có ý định lập nhóm. Tuy nhiên, lúc đó ý thức của tôi về hoạt động xã hội chưa phát triển nhiều. Sau khi lên đại học ở vùng cao, tôi cũng không có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động. May mắn thay, khi đi làm, tôi gặp chị Nhung. Hai chị em trò chuyện và từ đó, chị Nhung kết nối tôi với nhiều đơn vị và các nhà hảo tâm."
Theo đó, cô Bùi Thị Minh Khuyên đã kết nối với các dự án để quyên góp kinh phí cho học sinh chữa bệnh và xây dựng trường lớp. Ngoài ra, cô còn trở thành tình nguyện viên cho chương trình phòng chống tai nạn đuối nước, nhằm nâng cao nhận thức cho các em học sinh.
Xót xa trước hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn của các em học sinh, cô Khuyên tâm sự: “Chỉ có khoảng 10% học sinh có sách vở, quần áo đầy đủ”. Thậm chí, nhiều em phải đối mặt với gia đình có cha mẹ nghiện ngập, và điều kiện học tập không đảm bảo.
Cô luôn tìm cách kết nối với các nhà hảo tâm để cải thiện cuộc sống cho học sinh. Nữ giáo viên đã nỗ lực đưa học sinh đến điều trị bệnh tại các cơ sở chất lượng. Trong đó có 2 em phẫu thuật hàm ếch tại Hà Nội vào năm 2019.
Năm 2021, khi chế độ hỗ trợ cho học sinh dân tộc Dao bị cắt giảm, nhiều học sinh ở lại trường đã gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu ăn và bỏ học. Trong số 28 học sinh tại trung tâm, có từ 12 đến 16 em phải về nhà vào buổi trưa và không quay lại lớp học.
Cô cho biết: “Năm ấy, tôi đã kết nối với phòng giáo dục để giải quyết vấn đề này”. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại, hơn 10.000 học sinh từ các đơn vị trường đã đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ ăn uống.
Cô Khuyên cũng là một trong những tình nguyện viên đầu tiên của dự án “Phòng tin học cho em”. Cô chia sẻ: “Dạy tin học rất khó khăn vì cần có tiết thực hành và học sinh phải sử dụng máy tính”. Dù nỗ lực kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà tài trợ, cô vẫn gặp hoài nghi. Cô nhớ lại: “Khi xin máy tính, nhiều người thắc mắc tại sao cần, trong khi nhiều điểm trường khác còn thiếu bàn ghế”.
Tới tháng 9/2023, chương trình “Phòng tin học cho em” chính thức khởi động. Cô Khuyên cho biết: “Tôi đã lắp đặt thành công 6 phòng tin học tại trường, trong khi toàn tỉnh Lai Châu có 8 phòng. Tổng cộng, chương trình đã hỗ trợ được 200 phòng tin học trên toàn quốc”.
Với cô, “lòng tâm huyết của giáo viên vùng cao là yếu tố quan trọng hàng đầu”. Cô Khuyên nhấn mạnh: “Nếu giáo viên không thực sự yêu nghề và không có mong muốn thay đổi cuộc sống của học sinh và người dân thì họ sẽ không thể kiên trì làm việc”.
Nhìn lại 17 năm gắn bó với vùng cao, cô Khuyên không ngừng ấp ủ những hoài bão vì các em nhỏ nơi đây. “Tôi mong các em không chỉ xuất sắc về học vấn mà còn biết sống lương thiện và tự lập để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. “Tôi tin rằng, với tình yêu và sự kiên trì, tôi sẽ mang lại điều tốt đẹp cho các em”, nữ giáo viên Lai Châu bộc bạch.
Trao tặng 10.000 bộ trang phục giữ nhiệt cho trẻ em và người dân khó khăn tại miền núi phía Bắc
(Sóng trẻ) - UNIQLO Việt Nam vừa phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng 10.000 bộ trang phục giữ nhiệt cho trẻ em và người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Sơn La, Yên Bái và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tọa đàm "Hộp ký ức 4.0": Lưu trữ những mảnh ghép lịch sử
(Sóng trẻ) - Chiều 15/11, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã tổ chức thành công toạ đàm "Hộp ký ức 4.0" nhằm hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11).
Triển lãm sự kiện Đồng ta khơi gợi ký ức "Hình đồng đất Việt"
(Sóng trẻ) - Chiều 15/11, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chính thức khai mạc triển lãm đặc biệt với tên gọi “Đồng ta” nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 100 sự kiện khảo cổ học.