(Sóng trẻ) - Nghề báo luôn gắn liền với những trải nghiệm thú vị nhưng không kém phần vất vả. Song hành với vinh quang nghề nghiệp là những nhọc nhằn, trăn trở trong từng tác phẩm, và đối với các nữ nhà báo, phóng viên, khó khăn còn nằm ở những định kiến trái chiều về giới tính trong nghề.
Không phải ngẫu nhiên nghề báo được coi là nghề vất vả cả về trí tuệ và thể lực. Với nhiệm vụ cốt lõi là phản ánh thực tế xã hội, đem thông tin đắt giá đến cho bạn đọc, không ít người làm báo phải làm việc không giới hạn thời gian, dấn thân vào những “điểm nóng” để thu thập dữ liệu, điểm màu cho bức tranh xã hội đầy tính chân thực.
Chính vì tính thực tế vốn có nên từ xưa đến nay, nhiều người quan niệm: “Phụ nữ không nên lựa chọn ngành báo vì đây là một ngành nghề nguy hiểm”. Dẫu vậy, không để những định kiến giới tính giới hạn bản thân, phóng viên Thạch Thảo cùng bộ ảnh “Tắc biên” đã xuất sắc đoạt giải vàng hạng mục ảnh phóng sự tại Giải thưởng Truyền thông châu Á WAN-IFRA.
Chia sẻ về những khó khăn trong nghề, chị Thảo cho biết mỗi nghề đều có những vất vả riêng. Đối với phụ nữ khi đến với báo chí chắc hẳn sẽ chịu thiệt thòi đôi chút so với đồng nghiệp nam. “Khó khăn lớn nhất đối với các phóng viên nữ là về thể lực bởi khả năng sử dụng và tốc độ di chuyển các dụng cụ nặng nề ảnh hưởng khá lớn đến việc bắt trọn từng khoảnh khắc”, nữ phóng viên Zing News tâm sự.
Cũng theo chị Thạch Thảo, bên cạnh khó khăn, các phóng viên, nhà báo nữ vẫn có những lợi thế nhất định về thể chất và tâm lý. “Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên nữ tinh tế và dễ dàng tiếp cận tâm lý nhân vật hơn các đồng nghiệp nam. Những bất lợi cũng được họ chuyển thành lợi thế, dù thân hình không phù hợp để khuân vác nhưng khi đi tác nghiệp, dáng người nhỏ nhắn sẽ tạo điều kiện tốt cho việc di chuyển”.
Không thể phủ nhận, phụ nữ làm báo vất vả hơn nam giới trong nhiều khía cạnh từ thể lực đến vai trò trong gia đình, song hầu hết phóng viên nữ không để năng lực bị giới hạn trong định kiến chân yếu tay mềm, thậm chí còn khéo léo tận dụng những ưu thế sẵn có của giới nữ để hỗ trợ trong việc nắm bắt, tiếp cận tâm lý nhân vật. Theo BTV Nguyễn Ngân (ban Thời sự VTV), số lượng nhà báo nữ tại các cơ quan báo chí là rất lớn, cũng như bao đồng nghiệp khác, họ phải dấn thân vào các phóng sự điều tra. Những khó khăn về thể lực chưa thể chứng minh nghề báo không dành cho phụ nữ.
Ngoài bị so sánh về mặt thể lực với các đồng nghiệp nam, nhà báo nữ còn đối mặt với định kiến phải hy sinh cho gia đình và cần đánh đổi thời gian làm việc để quay lại với vai trò nội trợ. Áp lực từ những ý kiến tiêu cực của xã hội khiến bản thân một số nhà báo nữ có tư tưởng sẽ không theo nghề lâu dài, ngại hy sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi sự đánh đổi đều có thể mang lại trái ngọt.
Vừa giữ vai trò người vợ đảm đang, vừa là nhà báo điều tra xuất sắc, BTV Nguyễn Ngân thừa nhận để có được những thành tích ấn tượng trong lĩnh vực báo chí cần phải đánh đổi và hy sinh nhiều điều trong cuộc sống, đây là quy luật chung không chỉ ở nghề báo mà ở tất cả mọi ngành nghề.
“Vì công việc bận rộn nên đôi khi tôi không có nhiều thời gian dành cho bạn bè và người thân như mong muốn. Một số ngày đặc biệt của người thân trong gia đình có thể sẽ phải vắng mặt vì dở công việc”, chủ nhân giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39 chia sẻ.
Thời gian tác nghiệp để cho ra đời một tác phẩm xuất sắc có thể là vài tuần, nhưng cũng không loại trừ trường hợp kéo dài đến vài tháng. Trong suốt quá trình sản xuất, cân nhắc từng câu từ đến hình ảnh, không ít phóng viên bị mài mòn về thể lực hay thậm chí là sự nhiệt huyết ban đầu. Sắp xếp thời gian một cách hợp lý là giải pháp tốt nhất để cân bằng giữa nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân song không phải người làm báo nào cũng đáp ứng được điều đó.
Sở hữu thế mạnh ở thể loại phóng sự điều tra, nhà báo Nguyễn Ngân không tránh khỏi cảm giác xa cách với gia đình khi phải tác nghiệp xa nhà trong thời gian dài. Tuy nhiên nữ nhà báo cũng có cách giải quyết riêng, không chỉ xuất phát từ bản thân mà còn cần sự giúp đỡ từ những người xung quanh: “Tùy từng thời điểm mà mình sẽ cân bằng công việc, sắp xếp thời gian hợp lý để ở bên gia đình. Bên cạnh đó sự sẻ chia và thông cảm của người trong nhà cũng là yếu tố không thể thiếu”.
Tuy gánh vác trách nhiệm cao cả đối với công chúng, luôn phải nhiệt huyết, dấn thân để đem lại những tác phẩm có giá trị song đội ngũ phóng viên, nhà báo vẫn vướng phải “định kiến nghề báo” trong nhiều năm qua. Gông xiềng định kiến kìm hãm họ từ giới tính đến năng lực phản ánh trung thực khiến việc xoá bỏ quan điểm tiêu cực xung quanh nghề báo trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Thực tế cho thấy, những nhà báo được cấp giấy phép hành nghề đều là những cá nhân đủ phẩm chất, năng lực của một cây bút sắc bén. Vậy nên sự khác biệt về giới tính không thể đánh giá năng lực chuyên môn của từng người trong nghề. “Mắt sáng - lòng trong - bút sắc” (nhà báo Hữu Thọ) được coi như 3 yếu tố cơ bản của một người làm báo, việc phù hợp với nghề hay không là do nhiều yếu tố cùng quyết định chứ không chỉ riêng giới tính.
Những năm gần đây, báo chí là khối ngành thu hút nhiều thí sinh nữ, một phần bởi định kiến giới trong nghề báo đã dần được thay đổi thông qua các chiến dịch của các tổ chức, đoàn thể sinh viên. Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một minh chứng điển hình, theo PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng - Trưởng khoa PT-TH, số lượng sinh viên nữ trong năm 2021 chiếm 80% trong khối ngành đào tạo báo chí của trường.
Sức hút từ nghề báo đối với các sĩ tử nữ đã và đang phá vỡ những định kiến trong nghề. Theo những người làm báo lâu năm, đây là một công việc không hề nhàm chán mà có thể trau dồi bản thân qua từng ngày bằng nhiều cách thức khác nhau, những tri thức và sự nhạy cảm về xã hội lớn theo từng tác phẩm là thành tựu lớn nhất mà người làm báo nhận được.
BTV Nguyễn Ngân cho biết: “Nghề báo đang dần phá bỏ định kiến nên ai yêu nó sẽ được đền đáp xứng đáng bằng tình cảm của người dân; độc giả hoặc khán giả”. Thông qua sự đam mê, lòng nhiệt thành, những nhà báo nữ đã chứng minh chất riêng trong nhiều tác phẩm có giá trị - “đứa con tinh thần” giúp họ phá vỡ mọi định kiến trong nghề.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.