Giữa chốn phồn hoa đô thị nhộn nhịp, người ta vẫn hay bắt gặp những bóng lưng đơn độc, dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, vẫn một người một gánh mưu sinh kiếm sống qua ngày…
Chúng tôi đã trông thấy những cụ ông, cụ bà tuổi già sức yếu, bàn tay run rẩy vẫn hằng ngày nặng gánh mưu sinh. Lại nhìn về những bệnh viện dưỡng lão, nơi được gọi là “mái nhà thứ hai” của những người cao tuổi. Dường như cả hai trường hợp này đều có một điểm chung: Chẳng nơi nương tựa và là đối tượng đáng chú ý nhất của An sinh xã hội.
Tuy nhiên, sự quan tâm của cộng động dành cho đối tượng NCT (người cao tuổi) lại không như kỳ vọng. So sánh với hai đối tượng cùng trong khối An sinh xã hội thì ‘Bảo hiểm’ và ‘Trợ cấp’ dành được nhiều lượt tìm kiếm hơn. Phần vì bản thân những người cao tuổi không tự tìm kiếm từ khóa này nhiều. Phần cũng vì trong số những người cao tuổi tại Việt Nam, số lượng người ở Viện dưỡng lão và đang mưu sinh, không được con cái chăm sóc khá nhiều.
Thời điểm cuối năm, khi cái Tết cận kề cũng là khi mọi người làm việc chăm chỉ hơn, kiếm thêm thu nhập để về với gia đình. Đây cũng là lúc để đề cập đến những cụ ông, cụ bà neo đơn, tự mình mưu sinh giữa thủ đô Hà Nội tráng lệ này.
Những ngày gần đây, câu chuyện của 3 cô gái đốt nhà mẹ đẻ, tranh chấp tài sản đất đai khiến người mẹ bị bỏng nặng mà qua đời đã dấy lên vấn đề muôn thuở: “Một mẹ nuôi được mười con nhưng mười con không lo nổi một mẹ”. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam đang có tốc độ già hóa nhanh, đặt ra nhiều câu hỏi và thách thức cho những cơ quan đầu ngành. Làm thế nào để chăm sóc người cao tuổi một cách tốt nhất, chế độ trợ cấp nào cho những người già phải mưu sinh,...Bài toán khó này vẫn đang được giải quyết qua từng năm.
Số lượng người cao tuổi tại Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (khoảng 11,86% dân số). Được biết, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số. Tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Việt Nam năm 2022 là 12% và đến năm 2050 là 28%. Trong khi Australia mất 72 năm thì Việt Nam mất 16 năm để chuyển từ nước sắp già sang nước đã già (tỷ lệ dân số trên 65 tuổi gia tăng).
Tại Hà Nội, theo số liệu năm 2021, số người cao tuổi là 1,2 triệu người, chiếm 15% dân số của thành phố. Tốc độ gia tăng người cao tuổi khoảng 5% và là mức cao. Trong số những người già ấy, có những người đuề huề bên gia đình, nhưng cũng không ít bóng lưng già lẻ loi, tự tìm cho mình một nơi để về.
Chúng tôi có dịp trò chuyện cùng hai cụ ông, đều đã gần 70, một mình mưu sinh tại Hà Nội. Người bán bút, người nhặt ve chai, tất cả đều gặp vấn đề chung về kinh tế.
Chúng tôi đi dọc các tuyến phố Hà Nội vào giữa đông, gió lùa lạnh thấu da thịt. Góc phố 155 Cầu Giấy, ông Tài ngồi một góc, cạnh chiếc xe đạp và bì ve chai. Hơn 10 năm qua, ông gắn bó với nghề nhặt ve chai tại thủ đô. Dù đã 69 tuổi nhưng ông vẫn cố đi làm để lo cho bản thân, không muốn phụ thuộc, làm phiền đến các con mình.
Ông Phạm Văn Tài (69 tuổi, quê tại Nam Định) có 4 người con, tất cả đều đã lập gia đình. Dù vậy, thay vì sống cùng các con, ông tự mình lên Hà Nội kiếm sống, mong muốn phụ giúp các con phần nào. Mỗi ngày đều giống nhau, ông dành hơn 10 tiếng đồng hồ để lang thang khắp ngõ ngách. Với đôi chân dị tật bẩm sinh, cộng thêm trời đông giá lạnh càng khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Khoảng 22h đêm, ông thường ngồi lại một chỗ, sắp xếp đồ ve chai và nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng có người đi qua, mua cho ông nắm xôi, gói bánh.
Khi chúng tôi bắt chuyện, ông vui vẻ trò chuyện, nắm tay chúng tôi như con cháu trong nhà. Nhìn hai bì chai lọ ngổn ngang, bán lấy tiền chưa chắc được đến 20.000 đồng. Ông Tài tâm sự: “Dạo này ve chai xuống giá, khó lắm mới bán được 40.000 đồng. Chai nhựa chỉ 2.000 đồng/1kg, bìa giấy cũng vậy”.
Như vậy, mỗi tháng thu nhập của ông chưa đến 1 triệu rưỡi, nhưng tiền trọ đã lên đến 1 triệu. Ông cho biết, tiền ăn không tốn nhiều, chủ yếu là tiền trọ. Cũng vì tiền nhà quá sức với ông nên một tháng đi làm, ông không để dành được đồng nào.
Ông thường đi nhặt đồ ở các tuyến đường như Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), đường Láng (quận Đống Đa), đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm),…
Cùng hoàn ảnh, ông Đinh Văn Diệp (68 tuổi, quê ở Nam Định) cũng lên Hà Nội bán bút mưu sinh. Ông thường bán tại ngã tư Khâm Thiên từ sáng đến tối muộn. Ông Diệp có phần “khá khẩm” hơn do bút bi là mặt hàng dễ bán, từ khi được mọi người biết đến, mỗi ngày ông bán được gần 100.000 đồng tiền bút. Dù vậy, kinh tế của ông vẫn vô cùng eo hẹp.
Ông Diệp hiện đang sống cùng chị gái và đứa cháu gái (con của em trai) bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Một nhà ba người sống trong căn phòng xập xệ, bong tróc. Mỗi tháng, ông nhận được 500.000 đồng hỗ trợ của chính quyền cho người cháu chậm phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, tiền này ông cất riêng, các khoản chi còn lại do ông gánh vác. Vấn đề kinh tế trong nhà giờ đây càng thêm nặng trĩu trên đôi vai cụ ông gần 70 tuổi này.
Dù gặp khó khăn về vấn đề kinh tế, nhưng những cụ ông này đều tự mình mưu sinh, không muốn làm phiền đến con cái. Được biết, phần trăm người cao tuổi đang đi làm hiện nay đang có chiều hướng tăng. Theo dữ liệu từ Tổng Điều tra dân số 2009 và 2019, khoảng 35% người cao tuổi vẫn làm việc tạo thu nhập. Tuy nhiên, qua cả hai cuộc tổng điều tra, sự khác biệt trong từng nhóm NCT vẫn rõ nét: càng cao tuổi thì tỷ lệ làm việc càng thấp.
Số người cao tuổi tại Hà Nội được chia thành 3 nhóm: Ở cùng gia đình, neo đơn và người cao tuổi trong viện dưỡng lão. Những người cao tuổi neo đơn phải mưu sinh kiếm sống luôn có mong muốn có thể kiếm đủ tiền để những năm tháng cuối đời được nghỉ ngơi tại Viện dưỡng lão.
Câu chuyện của bà Trần Thị Thắm (quê tại Hải Dương) càng cho thấy rõ điều đó. Bà Thắm hiện nay đã 101 tuổi, bán hàng rong và nhặt ve chai tại Chợ Đồng Xuân vào mỗi sáng sớm. Người dân nơi đây ai cũng quen thuộc hình ảnh bà và đàn chó quấn quýt tại cổng chợ. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, bà chẳng còn ước mơ gì ngoài việc tích góp đủ số tiền để vào viện dưỡng lão.
Từ 5 giờ sáng bà đã có mặt tại cổng chợ Đồng Xuân để bán hàng, nhặt chai lọ kiếm đồng ra đồng vào. Bà sống một mình, bạn đồng hành chỉ có hai chú chó. Bà tâm sự: “Có những ngày bán được thì tích góp tiền lại. Những ngày không có khách mua đành ra sông bắt ốc. Thỉnh thoảng hàng xóm cho đồ ăn, chủ trọ cũng giảm tiền nhà”.
Tuy nhiên, việc vào ở tại viện dưỡng lão lại không phải chuyện dễ dàng. Hiện nay, các viện dưỡng lão hầu hết dành cho gia đình có điều kiện gửi người thân vào. Chi phí khá cao, số lượng các Trung tâm bảo trợ xã hội (có nhận người già neo đơn và trẻ em cơ nhỡ) là khá ít. Cơ sở vật chất cũng không đảm bảo để tăng số lượng người ở. Vấn đề kinh tế để duy trì trung tâm (ngoài nguồn tiền hỗ trợ từ nhà nước) cũng là bài toán khó.
Tại các viện dưỡng lão trên địa bàn thành phố Hà Nội, có chia nhiều loại dịch vụ chăm sóc người cao tuổi như: tự ăn uống, cần người chăm sóc, cần người vệ sinh,...Mỗi loại lại có mức giá khác nhau. Phòng đơn từ 8 - 18 triệu/tháng tùy cơ sở, các phòng ở ghép 3 - 6 giường rẻ hơn, rơi vào tầm 6 - 11 triệu/tháng.
Một số Trung tâm bảo trợ xã hội nhận người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ không chi phí tại Hà Nội khá ít ỏi. Thường thấy là Trung tâm bảo trợ xã hội I, II và III. Để vào trung tâm cần phải tuân thủ một số điều kiện về đối tượng được bảo trợ. Chính vì vậy, những cụ ông, cụ già đang mưu sinh, có con cái sẽ không thuộc đối tượng được ở theo chính sách.
Nhiều Trung tâm thậm chí rơi vào hoàn cảnh “hết chỗ”, không đủ cơ sở vật chất để nhận thêm người cao tuổi và trẻ em cơ nhỡ. Có thể thấy rằng, với bà Thắm - người có mong muốn an nghỉ tuổi già tại viện dưỡng lão thì ước này khó mà hoàn thành.
Nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như chính sách xã hội đối với người cao tuổi luôn là nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Nhiều chính sách cũng như giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi cũng đang được triển khai.
Theo phân loại mà Ủy ban Kinh tế và xã hội Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc (UNESCAP) sử dụng, khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% đến 9,9% tổng dân số thì dân số được coi là “già hóa”. Tương tự, 10% đến 19,9% gọi là dân số “già”; 20% đến 29,9% gọi là dân số “rất già” và từ 30% trở lên gọi là dân số “siêu già”.
So sánh thời gian quá độ từ giai đoạn “già hóa” sang “già” của Việt Nam với các nước khác trên thế giới, nhận thấy Việt Nam có tốc độ già hóa nhanh hơn nhiều lần.
Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng tăng theo. Dù một bộ phận người lao động mong muốn nghỉ hưu sớm, nhưng chúng ta cũng không thể không lưu ý một thực tế đã được Tổng cục Thống kê công bố là có khoảng 35% người cao tuổi (từ 60 trở lên) ở nước ta vẫn đang làm việc. Trong số này đa phần là những người không có lương hưu và trợ cấp xã hội. Ðiều đó không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của lương hưu trong bảo đảm an sinh đối với người cao tuổi, mà còn cho thấy đâu mới là giải pháp đúng cho vấn đề này.
Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống bảo trợ xã hội tương đối phát triển, tuy nhiên cần tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận hệ thống bảo trợ xã hội của người cao tuổi, mở rộng phạm vi áp dụng của hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia và chương trình trợ giúp xã hội.
Hiện nay, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có các mức trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng.
Trong đó: (1) là người cao tuổi thuộc hộ nghèo; không có người có người thân phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; từ 60 - 80 tuổi được hệ số 1,5. Trường hợp (2) là người cao tuổi thuộc hộ nghèo; không có người thân phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; đủ 80 tuổi trở lên được hưởng hệ số 2,0.
Ngoài trợ cấp, cần phải nhìn nhận rằng nhiều người cao tuổi có khả năng và mong muốn làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu, đồng thời cần trao cơ hội hoạt động kinh tế cho người cao tuổi. Việc xây dựng thêm nhiều Trung tâm bảo trợ cũng sẽ giúp những người neo đơn có được nơi vui sống bình yên khi về già, khi ấy, giấc mơ được ở viện dưỡng lão của nhiều cụ ông, cụ bà đang mưu sinh ngoài trời đông Hà Nội cũng sẽ có cơ hội trở thành hiện thực.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.