(Sóng trẻ) - Thủ đô Hà Nội - Mảnh đất ngàn năm văn hiến, anh hùng và hòa bình luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho các văn nghệ sĩ. Đặc biệt, trước và sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đã để lại vô vàn tác phẩm, đa dạng thể loại từ âm nhạc, hội họa đến phim ảnh, nhiều tác phẩm đã vượt thời gian sống mãi trong lòng người dân Hà Nội.

"Tiến về Hà Nội": Khúc ca khải hoàn của người Hà Nội

Trong không khí hừng hực của kháng chiến, Văn Cao đã sáng tác nên bài ca quân hành bất hủ “Tiến về Hà Nội” Ra đời năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn đang diễn ra ác liệt, tác phẩm này không chỉ là một khúc hát cổ vũ tinh thần mà còn là lời tiên tri về chiến thắng của dân tộc. Với giai điệu hào hùng, mạnh mẽ, “Tiến về Hà Nội” đã khắc họa rõ nét hình ảnh của những đoàn quân giải phóng hiên ngang tiến vào Thủ đô, mang theo khát vọng tự do và hòa bình.

“Trùng trùng quân đi như sóng

Lớp lớp đoàn quân tiến về

Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.

Với tình yêu dành cho âm nhạc nói chung và âm nhạc về Hà Nội riêng, cô Lê Thị Vân - người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Thành đã chia sẻ những cảm xúc tự hào, hân hoan mỗi khi giai điệu bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao được cất lên.

"Người Hà Nội": Tái hiện ký ức những ngày toàn quốc kháng chiến

Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ khi tác phẩm “Người Hà Nội” được nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi gửi tới công chúng, nhưng mỗi khi những giai điệu trầm hùng ấy vang lên, ký ức của một Hà Nội hào hoa, anh hùng lại như được tái hiện trong tâm thức những người con của mảnh đất này với những ca từ vừa hùng tráng vừa sâu lắng:

Nếu như “Tiến về Hà Nội” là khúc quân hành hùng tráng, thì “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi lại mang một cảm xúc khác – lãng mạn và sâu lắng hơn. Được sáng tác vào năm 1947, tác phẩm này không chỉ phản ánh tinh thần kháng chiến bất khuất mà còn khắc họa chân thực đời sống người dân thủ đô trong thời kỳ chiến tranh. Với giai điệu trầm lắng, lời ca mang chất thơ đậm đà, Nguyễn Đình Thi đã vẽ nên một bức chân dung chân thực và xúc động về Hà Nội – một thành phố vừa kiên cường chống giặc ngoại xâm, vừa giữ vững bản sắc và tình yêu cuộc sống.

Trong “Người Hà Nội” Nguyễn Đình Thi không miêu tả những chiến công lẫy lừng, mà tập trung vào hình ảnh đời thường của người dân thủ đô – những con người bình dị, nhưng mang trong mình tinh thần bất khuất và tình yêu nước sâu sắc. Ca khúc này, với âm hưởng nhẹ nhàng nhưng đầy chất triết lý, như lời tri ân gửi đến những người đã và đang sống, yêu Hà Nội bằng cả trái tim.

Như cô Lê Thị Vân nhận xét, âm nhạc không chỉ là phương tiện truyền tải cảm xúc, mà còn là cách để nhớ lại một thời kỳ lịch sử oai hùng. Khi nghe những giai điệu của “Người Hà Nội” ta như nhìn thấy rõ hình ảnh của một thủ đô kiên cường, bất khuất, nhưng cũng không kém phần thanh lịch, dịu dàng. Âm nhạc đã thổi hồn vào những kỷ niệm, biến chúng trở thành bất tử.

Khi âm nhạc gặp gỡ hội họa: Một cuộc hòa quyện đầy cảm hứng

Việc tổ chức sự kiện này không chỉ là lời tri ân cho những giai điệu vang bóng của một thời, mà còn là cách để hai loại hình nghệ thuật tương tác và lan tỏa cảm hứng. Nghệ sĩ violinist Đỗ Phương Nhi, một trong những người biểu diễn tại sự kiện, chia sẻ rằng:

Sự kết hợp giữa âm nhạc và hội họa đã tạo nên một không gian nghệ thuật đậm chất hoài cổ, khiến khán giả có thể sống lại ký ức về Hà Nội qua nhiều góc nhìn khác nhau. Chị Phạm Thị Hữu, Phó phòng truyền thông của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ:

Sự kiện không chỉ là nơi gặp gỡ của những bản nhạc cổ điển và hội họa tinh tế, mà còn là cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại. Những ca khúc về Hà Nội vang lên như nhắc nhở về những giai đoạn lịch sử, về những câu chuyện mà bao thế hệ đã từng trải qua, trong khi những bức tranh tái hiện một Hà Nội đẹp, đầy sức sống, chứa đựng những dấu ấn văn hóa không thể phai mờ.

Khi âm nhạc và hội họa gặp gỡ, cả hai tạo nên một cảm xúc hoàn hảo và sâu lắng, khiến người tham dự không chỉ nghe mà còn cảm nhận được vẻ đẹp nghệ thuật từ mọi giác quan. Đây chắc chắn là một sự kiện nghệ thuật hiếm có, nơi mà những giá trị trường tồn của Hà Nội được tái hiện và tôn vinh qua cả hai loại hình nghệ thuật.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội tổ chức chuỗi triển lãm đặc sắc, mang đến cho công chúng một bức tranh sống động về chặng đường phát triển oai hùng của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Mỗi bước đi trên con đường lịch sử, Thủ đô kiêu hãnh vượt qua những gian truân, từ tro tàn chiến tranh vươn mình trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu, nơi mỗi cột mốc lịch sử đều ghi dấu công lao của bao thế hệ anh hùng.

Triển lãm mỹ thuật: Chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Một trong những triển lãm nổi bật phải kể đến là “Triển lãm mỹ thuật Chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô” do Bảo tàng Hà Nội phối hợp cùng Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức, diễn ra từ ngày 6/10 đến 30/10/2024. Với gần 300 tác phẩm, triển lãm tôn vinh vẻ đẹp con người, phong cảnh và văn hóa Thủ đô. Không chỉ là những bức tranh phản ánh sự kiên cường của Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử, các nghệ sĩ còn gửi gắm thông điệp về một nền nghệ thuật vươn lên mạnh mẽ, nơi giá trị truyền thống được tiếp nối và phát triển.

Lời chia sẻ của họa sĩ Thái Hà không chỉ thể hiện niềm tự hào cá nhân mà còn là tiếng nói chung của nhiều nghệ sĩ khác, những người đã và đang cống hiến hết mình cho nghệ thuật và cho tình yêu Hà Nội.

Ngoài ra, anh Phúc, một họa sĩ tranh sơn mài, khi được hỏi về cảm xúc khi chiêm ngưỡng các tác phẩm trong triển lãm, đã chia sẻ:

Những tác phẩm này là minh chứng cho sự gắn bó sâu sắc của nghệ sĩ với Hà Nội – một mảnh đất đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Không chỉ phản ánh những hình ảnh tươi đẹp của Hà Nội hiện tại, nhiều bức tranh còn tái hiện những khung cảnh lịch sử oai hùng của ngày Giải phóng Thủ đô, khắc sâu những khoảnh khắc hào hùng mà người dân Hà Nội đã trải qua. Từ cảnh tiến quân về Thủ đô trong buổi sáng mùa thu lịch sử đến hình ảnh những người lính bảo vệ chiến lũy, mỗi bức tranh là một khúc tráng ca của ký ức lịch sử.

Triển lãm trực tuyến: Hỡi đồng bào Thủ đô!

Những thước phim về Hà Nội không chỉ là hình ảnh mà còn là di sản văn hóa, tâm hồn và tình yêu của người dân nơi đây. Khán giả không chỉ nhìn thấy Hà Nội mà còn cảm nhận được nhịp đập của cuộc sống, sự kết nối giữa con người của từng thời đại với nhau và với lịch sử.

Đào, phở và piano: Một bộ phim về Hà Nội chất chơi

Một tác phẩm đã cháy phòng vé dịp Tết Nguyên Đán 2024 dù không được truyền thông rầm rộ - “Đào, Phở và Piano” là bộ phim điện ảnh thuộc thể loại sử thi, tình cảm. Câu chuyện chính theo chân chàng dân quân tên là Dân Vân và chuyện tình với nàng tiểu thư Hà Thành tên Thục Hương. Trong khi những người khác đã di tản lên chiến khu thì Dân và Hương quyết định cố thủ lại mảnh đất Thủ đô đã tan hoang vì bom đạn, tuy nhiên họ không phải những người duy nhất mà còn những mảnh đời khác nhau như: ông họa sĩ già, vị cha xứ, cậu bé đánh giày, vợ chồng người bán phở, ông phán Tây. Trước thời khắc sinh tử, từng con người đều không tỏ ra sợ hãi mà họ vẫn ở lại chiến đấu, tận hiến tình yêu của mình cho mảnh đất Hà Nội - nơi mà họ đã gắn bó như máu thịt.

Bộ phim đưa khán giả trở về những năm tháng hào hùng của Hà Nội, đặt trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với lối kể chuyện phi tuyến tính, tức câu chuyện không tuân theo trình tự thời gian một cách nghiêm ngặt, có thể cắt ghép thời gian để kể câu chuyện một cách không tuần tự, song, Đào, Phở và Piano vẫn có cốt truyện rạch ròi, có cao trào và mở nút thắt.

Phép đối lập giữa cái tình và cái đẹp là một điểm sáng của bộ phim. Cái tình ở đây là tình yêu, tình cảm giữa những con người và tình yêu với đất nước. Những con người ở những tầng lớp khác nhau nhưng đặt trong chiến sự căng thẳng, họ như thể có chung một con tim, cùng hướng về nhau và hướng về tổ quốc. Cái đẹp được thể hiện ở trong ba chữ trong tên phim: đào, phở và piano - là những đồ vật rất đỗi quen thuộc nhưng lại được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong phim, một cách rất đời thường. Cái đẹp ấy thể hiện được cái chất của Hà Nội, không vội vàng, dung dị nhưng thanh lịch, lãng mạn. Bối cảnh phim dựng ở một không gian khá hẹp với những ngôi nhà cũ tái hiện lại một số địa điểm trên phố cổ Hà Nội như: Hàng Đậu, Bốt Hàng Đậu, Yên Ninh…

Dù không được truyền thông rầm rộ nhưng bộ phim nhận được sự ủng hộ của rất nhiều khán giả ở mọi độ tuổi, chính vì thế mà bộ phim sẽ được chiếu trên Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, để tất cả người dân đều có thể thưởng thức được tác phẩm điện ảnh kinh điển này.

Hà Nội trong mắt ai: Thước phim tua chậm về Hà Nội xưa

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Tuần phim tài liệu Hà Nội trên nền tảng số VTVGo diễn ra từ ngày 4/10 đến 10/10/2024 nhằm mang tới những trải nghiệm thú vị mới cho khán giả. Tuần phim bao gồm 20 tác phẩm, trải dài từ những năm 1980 và có sự phong phú về mặt nội dung, khai thác nhiều chủ đề về lịch sử, khảo cổ, các ngôi chùa ở Hà Nội, điều tra phá án…

18.png
Trong số 20 phim được công chiếu, bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” được chú ý nhiều bởi khán giả.

"Hà Nội trong mắt ai" là một bộ phim tài liệu đặc biệt của Việt Nam được đạo diễn bởi Trần Văn Thủy, sản xuất vào năm 1982 nhưng phải đến năm 1987 mới được công chiếu rộng rãi. Đến năm 1988, bộ phim đã giành giải Bông sen vàng hạng mục phim tài liệu Liên hoan phim Việt Nam cùng ba giải đạo diễn, biên kịch và quay phim xuất sắc. Cho đến hàng thập kỷ sau, đây vẫn được xem là một trong những phim tài liệu kinh điển của điện ảnh Việt Nam.

Đạo diễn Trần Văn Thủy đã chọn cách rất riêng kể về Hà Nội. Đó là cách đan xen những tinh hoa của trời đất và biết bao cái tài hoa, kiệt xuất của người Việt, làm nên cái hồn vía của mảnh đất Thăng Long; xen lẫn một Hà Nội tự tin về nền văn hiến của mình, một Hà Nội thấp thoáng những ưu tư về sự đổi thay và những tiếc nuối về sự còn, mất. Tác phẩm không chỉ gói được cái hồn vía của mảnh đất ngàn năm văn hiến mà nó còn là những chất vấn sâu sắc về bảo tồn những giá trị quá khứ của Hà Nội.

Kết nối thế hệ qua từng thước phim

Những tác phẩm phim điện ảnh hay tài liệu về lịch sử, cách mạng đều được đón xem bởi nhiều tầng lớp nhân dân ở mọi thế hệ. Những thước phim ấy đã xóa đi khoảng cách về không gian, thời gian, đem quá khứ hiện ra ngay trước mắt khán giả. Đặc biệt, những thước phim, tư liệu lịch sử đóng vai trò kết nối các thế hệ lại gần với nhau, giúp cho tất cả chúng ta hiểu về cuộc sống, cuộc đấu tranh và khát vọng hòa bình của những thế hệ trước. Những thước phim chân thực không chỉ cung cấp kiến thức mà còn gợi mở những cảm xúc sâu sắc, tạo ra sự kết nối giữa những người trẻ và di sản văn hóa của ông cha. Khi thế hệ trẻ xem phim tài liệu, họ không chỉ học được lịch sử mà còn cảm nhận được sự gắn bó, lòng tự hào về dân tộc, từ đó hình thành một cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống hiện tại và tương lai.

Bài học rút ra từ những tác phẩm cũng rất cần thiết cho thế hệ tương lai, chính những người trẻ ngắm nhìn những khung cảnh trong quá khứ và ngẫm ra nhiệm vụ của bản thân đối với thủ đô Hà Nội. Thế hệ trẻ không còn trải qua khó khăn trong chiến tranh nhưng trong thời bình họ cần phấn đấu, rèn luyện làm sao để có thể thừa kế ý chí của thế hệ trước, tiếp tục gìn giữ nét văn hóa đẹp đẽ của Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật5 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN