(Sóng trẻ) - Trong thời đại phát triển công nghệ số, podcast đang dần khẳng định vị thế là một kênh truyền thông mới đầy tiềm năng và vô cùng hấp dẫn, thu hút đông đảo người nghe từ khắp nơi trên thế giới.

Podcast – một dạng phát thanh kỹ thuật số đặc biệt – lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 2004 bởi nhà báo Ben Hammersley trên The Guardian và BBC. Hammersley đã kết hợp từ “iPod” (máy nghe nhạc cầm tay của Apple) và “broadcasting” (phát thanh) để tạo ra thuật ngữ “podcast”. Đến năm 2005, từ điển Oxford chính thức đưa từ này vào danh mục từ vựng của mình, định nghĩa podcast là "tập tin âm thanh kỹ thuật số có thể tải xuống từ Internet để nghe trên máy tính hoặc thiết bị di động". Podcast thường có sẵn dưới dạng series (các chuỗi) và người dùng có thể đăng ký để tự động nhận được các tập mới.

Nhà nghiên cứu Siobhan McHugh từ Đại học Wollongong (Úc) nhận định, podcast đã vượt khỏi phạm vi phát thanh truyền thống để trở thành một thể loại kể chuyện âm thanh gần gũi, tạo mối liên hệ đặc biệt giữa người dẫn chương trình và thính giả. Tại Việt Nam, khái niệm podcast cũng được nêu rõ trong cuốn “Kỹ năng báo nói” của Đài Tiếng nói Nhân dân TP. HCM, với định nghĩa podcast là một hình thức phát thanh trên Internet được đăng ký định kỳ và có thể nghe ngoại tuyến khi không có kết nối Internet.

Podcast ra đời mở ra kỷ nguyên mới cho truyền thông. (Ảnh sưu tầm)
Podcast ra đời mở ra kỷ nguyên mới cho truyền thông. (Ảnh sưu tầm)

Podcast ngày nay đã trở thành một xu hướng nổi bật trên toàn cầu nhờ khả năng tiếp cận dễ dàng và đa dạng hóa chủ đề từ chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, giải trí, nghệ thuật… Nhiều ứng dụng phát podcast trực tuyến tích hợp dịch vụ podcast, cho phép người nghe tải xuống hoặc phát lại bất cứ lúc nào mà không cần kết nối Internet. Đa phần các podcast trên các nền tảng đều miễn phí hoặc được hỗ trợ bởi quảng cáo, một số khác áp dụng mô hình thuê bao trả phí.

Podcast không chỉ thu hút khán giả bởi nội dung phong phú mà còn nhờ cách thức triển khai sáng tạo. Nhiều podcast chất lượng cao được sản xuất với kịch bản bài bản, thu âm nghệ thuật và cách dàn dựng tinh tế. Các chương trình không chỉ dừng lại ở hình thức truyền thống mà còn đa dạng hơn, từ các buổi trò chuyện có khách mời đến những chia sẻ cá nhân của một người dẫn đơn lẻ, tạo sự gần gũi với người nghe.

"Serial" là một podcast báo chí điều tra nổi tiếng của Mỹ do Sarah Koenig dẫn dắt, có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng nghe podcast. Kịch bản của "Serial" không chỉ là lời kể lại các sự kiện mà còn bao gồm các cuộc phỏng vấn với nhân chứng, gia đình nạn nhân và chuyên gia. Điều này tạo ra một trải nghiệm sống động như một bộ phim tài liệu bằng âm thanh. 

Với âm thanh môi trường thực tế, nhịp điệu có kiểm soát và khoảng lặng hợp lý, “Serial” giúp người nghe như đang trực tiếp tham gia vào câu chuyện, từ những phiên tòa đến cuộc trò chuyện qua điện thoại. Âm nhạc nền được sử dụng một cách tinh tế, làm tăng cường cảm xúc mà không lấn át câu chuyện. Nhờ vào sự đầu tư vào âm thanh và lối kể chuyện lôi cuốn, “Serial” đã trở thành chuẩn mực cho podcast điều tra chất lượng cao, thu hút sự quan tâm rộng rãi từ công chúng.

Giọng kể của Sarah Koenig trong “Serial” thường gợi cảm xúc, tạo sự gần gũi và tò mò cho thính giả. (Ảnh sưu tầm)
Giọng kể của Sarah Koenig trong “Serial” thường gợi cảm xúc, tạo sự gần gũi và tò mò cho thính giả. (Ảnh sưu tầm)

Podcast hiện đang bùng nổ và được công nhận là tương lai của phát thanh trong kỷ nguyên số. Không giống các kênh phát thanh truyền thống, podcast cho phép người nghe chủ động lựa chọn thời gian và không gian, tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi, điều này đã giúp podcast thu hút không chỉ trong lĩnh vực giải trí mà còn trong giáo dục và truyền thông thương hiệu.

Không chỉ mang lại cơ hội cho các nhà sản xuất nội dung, podcast còn giúp xây dựng thương hiệu cá nhân và kết nối sâu sắc hơn với khán giả. Hơn nữa, ngành công nghiệp này đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về quảng cáo và tài trợ, khi nhiều thương hiệu nhận ra hiệu quả của việc truyền tải thông điệp qua nền tảng này. Với sự xuất hiện của các nền tảng phát triển như Spotify và Apple Podcasts, cùng với khả năng thích ứng với các xu hướng mới, podcast được dự đoán sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Nhiều chuyên gia nhận định, podcast là tương lai của phát thanh trong thời đại số. Alex Blumberg, đồng sáng lập Gimlet Media, cho rằng podcast là công cụ truyền thông mạnh mẽ, giúp người sáng tạo kể những câu chuyện phong phú và tạo kết nối cảm xúc sâu sắc với người nghe. Sự hấp dẫn của podcast, theo ông, chính là khả năng tạo ra những mối quan hệ gắn kết với khán giả. Các chuyên gia từ NPR (National Public Radio) cũng cho rằng podcast đang thay đổi cách thức tiêu thụ tin tức và thông tin. Đây không chỉ là một xu hướng tạm thời, mà là một phần quan trọng trong chiến lược truyền thông của thế kỷ 21.

Sự phát triển mạnh mẽ của podcast cho thấy đây không chỉ là một kênh thông tin mới mẻ, mà còn là yếu tố định hình một "văn hóa nghe" mới, đặc biệt là trong cộng đồng giới trẻ.

 

Theo Báo cáo Infinite Dial 2024 được thực hiện bởi Edison Research phối hợp cùng Audacy, Cumulus Media và SiriusXM Media, tỷ lệ người Mỹ nghe podcast đang tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tính đến tháng 1/2024, có tới 47% người Mỹ từ 12 tuổi trở lên nghe podcast ít nhất một lần mỗi tháng, tăng 5% so với năm 2023. Trong đó, nam giới có tỷ lệ nghe podcast nhỉnh hơn nữ giới, lần lượt là 48% và 45%.

Tỷ lệ công chúng từ 12 tuổi nghe podcast tại Mỹ. (Ảnh: Edison Research)
Tỷ lệ công chúng từ 12 tuổi nghe podcast tại Mỹ. (Ảnh: Edison Research)

Mặc dù xuất hiện muộn hơn so với các loại hình báo chí - truyền thông khác nhưng podcast đang dần khẳng định sức hút mạnh mẽ tại Việt Nam và trở thành lựa chọn giải trí - tiếp nhận thông tin trực tuyến phổ biến. 

Theo thống kê năm 2020, có khoảng 50 kênh podcast Việt hoạt động thường xuyên. Đáng chú ý, con số này đã tăng trưởng đột phá gấp 5 lần vào năm 2021, đạt mức 100-250 kênh mỗi tháng. Sự phát triển nhanh chóng của podcast với nội dung đa dạng, phong cách phong phú đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả.

Tốc độ phát triển thị trường podcast Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021. (Ảnh: tamannatural)
Tốc độ phát triển thị trường podcast Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021. (Ảnh: tamannatural)

Bài viết “Vietnam: a podcasting deep-dive” (Thị trường Podcast Việt Nam: Cái nhìn toàn cảnh) của tác giả Guang Jin YEO đăng tải đầu tháng 6/2023 trên podnews đã đưa ra những so sánh thú vị về tỷ lệ người nghe podcast (từ 16 tuổi trở lên) tại Việt Nam so với các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia...

Theo đó, người Việt Nam dành trung bình 82 phút mỗi tuần để thưởng thức các chương trình podcast. Tỷ lệ nam giới và nữ giới nghe podcast tương đối cân bằng, lần lượt là 51% và 49%. Nghiên cứu đồng thời chỉ ra rằng người Việt Nam đặc biệt ưa chuộng các podcast mang nội dung giáo dục và phát triển cá nhân. Tác giả nhận định điều này có mối liên hệ mật thiết với những ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa - tín ngưỡng Phật giáo và Nho giáo trong đời sống tinh thần của người dân.

 

Đỗ Thanh Mai (22 tuổi), một người trẻ thường xuyên nghe podcast bày tỏ sự ưa thích đối với các nội dung podcast phát triển bản thân và “chữa lành”. Mai thường tìm nghe các kênh podcast như Giang Ơi, Vietcetera, Web5ngay trên nền tảng Spotify và YouTube: “Mình thấy những nội dung này rất gần gũi và có sức hút lớn đối với người nghe trên các nền tảng podcast trực tuyến tại Việt Nam”.

Theo Mai, xu hướng phát triển của podcast đang dịch chuyển sang hình thức đa phương tiện với thời lượng cô đọng hơn. Thay vì tập trung vào nội dung dài, podcast ngày nay thường được kết hợp thêm video, hiệu ứng âm thanh sống động. Mai đồng thời cho rằng yếu tố then chốt tạo nên sức hút của podcast chính là tính tiện lợi và khả năng cá nhân hóa cao, giúp người nghe có thể tiếp cận, chọn lọc nội dung yêu thích mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều thiết bị khác nhau.

“Bên cạnh đó, việc cập nhật nội dung thường xuyên, đa dạng góc nhìn và phương thức thể hiện hấp dẫn cũng là những yếu tố quan trọng giúp podcast thu hút công chúng đến với loại hình nội dung số này”, Thanh Mai nhận định.

 

Xu hướng “người người làm podcast, nhà nhà nghe podcast” nổi lên như một hiện tượng không phải là không có nguyên nhân của nó. Có “muôn hình vạn trạng” những yếu tố thúc đẩy mỗi cá nhân bắt đầu hành trình làm podcast, dù cho họ coi đó là công việc chính hay là một phần hỗ trợ con đường làm nghề của mình.

Chia sẻ trong tập đầu tiên của chuỗi podcast “Chuyện đời chuyện nghề”, chị Trương Thị Huyền (CEO của một thẩm mỹ viện đồng thời là một chuyên gia định hướng và đào tạo thẩm mỹ) bày tỏ thực hiện các sản phẩm này với mong muốn truyền cảm hứng về những giá trị của ngành làm đẹp và của việc chăm sóc sắc đẹp cho bản thân. 

Nữ CEO giãi bày: “Từ lúc bắt đầu hoạt động cơ sở làm đẹp cho đến hiện tại, tôi đã tiếp xúc với nhiều học viên, họ gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn trong quá trình làm nghề. Nhận thức được mình nên làm một điều gì đó để hỗ trợ, tôi thực hiện podcast vì đây là một hình thức giúp cho tôi có thể kết nối được với nhiều người hơn - những người yêu cái đẹp, yêu bản thân và đang tìm hiểu về ngành thẩm mỹ, khiến họ có cái nhìn lạc quan hơn, hiểu được định hướng làm nghề và hỗ trợ các bạn phát triển hơn trong tương lai của mình”. 

Trong khi đó, nhiều người lựa chọn làm podcast do lý do có phần cá nhân hơn. Bày tỏ lý do khởi động chuỗi kênh podcast Karat với hơn 187 nghìn lượt theo dõi trên TikTok và Youtube, Eric Wei (chủ nhân của Karat) khẳng định: “Trước đây, tôi chưa từng có cơ hội tham gia các công việc sáng tạo hay sản xuất nội dung. Quá trình làm việc trong các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ, tư vấn và ngân hàng giúp tôi nhận ra khao khát trở thành một nhà sáng tạo nội dung của mình. Chính điều này đã thúc đẩy tôi xây dựng nên Karat”.

Eric Wei giãi bày cơ duyên đến với podcast là do đam mê của bản thân. (Ảnh: Listen Notes)
Eric Wei giãi bày cơ duyên đến với podcast là do đam mê của bản thân. (Ảnh: Listen Notes)

Thêm vào đó, trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội càng là những “đòn bẩy” quan trọng khiến podcast ngày càng phổ biến, trở thành một trong những loại hình ngự trị lĩnh vực thông tin - truyền thông.

Về phía những khán thính giả, có nhiều lý do khác nhau khiến họ lựa chọn podcast để nghe hằng ngày, một trong số đó là khả năng “chữa lành” và nguồn năng lượng tích cực được nhiều người theo đuổi loại hình này truyền tải qua các sản phẩm của mình.  

Thường xuyên tâm sự về những câu chuyện gần gũi trong cuộc sống, chị Thùy Nhung (sở hữu kênh Youtube Thuần Podcast với gần 80 ngàn lượt theo dõi) đã giúp nhiều khán thính giả có thể đồng cảm và được sẻ chia. Điển hình, số podcast “tôi đứng ở rìa của ngày mai và tự hỏi giấc mơ nào sẽ tồn tại đến bình minh?” đã thu về hơn 44 nghìn lượt nghe, trong đó không ít người bày tỏ được truyền cảm hứng, nhận ra nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống, tinh thần của họ cũng vì thế trở nên nhẹ nhàng và an lành hơn.

Khán thính giả phản hồi tích cực về nội dung được Thuần Podcast truyền tải qua sản phẩm của mình. (Ảnh: Chụp màn hình)
Khán thính giả phản hồi tích cực về nội dung được Thuần Podcast truyền tải qua sản phẩm của mình. (Ảnh: Chụp màn hình)

 

Là một thính giả trung thành của podcast, Phương Thảo (21 tuổi, Hà Nội) tâm sự: “Mình thường nghe podcast sau một ngày dài mệt mỏi hoặc vào những lúc cần được bình yên sau một chuyện nào đó. Với âm nhạc và giọng nói trầm ấm, những câu chuyện được kể trên podcast thường rất gần gũi với mỗi cá nhân nên mình có thể dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm, từ đó cảm thấy như đang được sẻ chia”.

Bên cạnh đó, nhiều người còn tìm đến podcast để tiếp nhận thông tin bởi tính tiện lợi và hiệu quả của nó. Là một diễn giả truyền cảm hứng, nhà đào tạo phát triển kinh doanh và con người, anh Phạm Thành Long từng chia sẻ trên trang cá nhân có hơn 1,9 triệu người theo dõi của mình về những lý do nên nghe podcast. 

Một số lý do được anh đưa ra là “Bạn có thể cùng một lúc làm nhiều công việc và vừa tiêu thụ content nghe những thông tin và kiến thức”, “Hoàn thành một công việc gì đó đồng thời cắm tai nghe và nghe hết một file âm thanh kiến thức, tin tức là bạn có thể gấp đôi hiệu suất học tập và làm việc”...

Diễn giả Phạm Thành Long lý giải vì sao nên nghe podcast. (Ảnh: Chụp màn hình)
Diễn giả Phạm Thành Long lý giải vì sao nên nghe podcast. (Ảnh: Chụp màn hình)

 

Kỳ tới: Sự lên ngôi của “văn hóa podcast” (Kỳ 2): Sức mạnh của làn sóng nghe trực tuyến

Đừng bỏ lỡ
EU “bật đèn xanh”cho loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer mới 

EU “bật đèn xanh”cho loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer mới 

Tin nổi bật8 phút trước

(Sóng trẻ) - Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chính thức khuyến nghị cấp phép cho thuốc Leqembi để điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn đầu. 

Conan O’Brien dẫn dắt Lễ trao giải Oscar lần thứ 97

Conan O’Brien dẫn dắt Lễ trao giải Oscar lần thứ 97

Tin nổi bật14 phút trước

(Sóng trẻ) - Conan O'Brien sẽ dẫn dắt lễ trao giải Oscar 2025, thay thế cho MC Jimmy Kimmel - người đã đảm nhận vị trí này trong 2 năm trước đó.

25 cá nhân được tuyên dương vì đã nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh

25 cá nhân được tuyên dương vì đã nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tin nổi bật51 phút trước

(Sóng trẻ) - Tổng Bí thư Tô Lâm tuyên dương và trao biểu trưng cho 25 cá nhân, đại diện tiêu biểu học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có Chính trị viên tàu Trường Sa 19.

XEM THÊM TIN