(Sóng trẻ) - Cuộc cách mạng của podcast đang tạo ra nhiều thay đổi lớn trong lĩnh vực thông tin, trong đó có cả những bất cập đáng quan ngại.
Khi podcast trở nên phổ biến, một thay đổi dễ nhận thấy là sự chuyển dịch trong cách công chúng tiếp nhận thông tin. Không còn là khán thính giả thụ động trước các phương tiện truyền thông, họ có xu hướng trở nên chủ động hơn trong việc lựa chọn nội dung đáp ứng sở thích, nhu cầu và thị hiếu của bản thân.
Nghiên cứu về podcast của KS&R (một công ty tư vấn chiến lược và nghiên cứu tiếp thị tại Mỹ) vào tháng 3 vừa qua chỉ ra rằng podcast đang thay thế phương tiện truyền thông truyền thống ở mọi thế hệ. Cụ thể, hơn một phần tư Gen Z và hơn một phần ba Millennials nghe podcast hằng ngày. Bên cạnh đó, kể từ khi bắt đầu nghe podcast, 28% trong số họ ít xem TV hơn và 24% cho rằng đã sử dụng mạng xã hội với tần suất thấp hơn.
Ngoài ra, theo số liệu đưa ra bởi Statista, tính đến tháng 10 năm 2023, trên toàn thế giới đã có hơn 3 triệu podcast với tổng số gần 180 triệu tập. Con số này đang không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây, trở thành nguồn tài nguyên khổng lồ cho mọi tệp thính giả có thể chọn lọc theo mong muốn những nội dung thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận thông tin của mình.
Hòa nhịp theo xu hướng này, nhiều tờ báo có tiếng trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã cho ra mắt các chuyên mục Podcast với nội dung hấp dẫn, phủ rộng mọi lĩnh vực nhằm đa dạng hóa phương thức truyền tải thông tin và thu hút nhiều hơn sự quan tâm của công chúng.
Điển hình như chuyên mục podcast The Daily của New York Times. Ra mắt vào tháng 2 năm 2017, các số của The Daily được đăng tải với tần suất 5 ngày/tuần với thời lượng từ 20 - 30 phút/ngày. Nội dung của chuyên mục này không chỉ xuất hiện trang web chính thức của tờ báo, mà còn đồng thời được phát sóng trên các nền tảng chia sẻ âm thanh như Apple Podcasts, Spotify và cả Youtube.
Tại Việt Nam, podcast cũng là chuyên mục được nhiều cơ quan báo chí như VnExpress, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… ưu tiên đầu tư. Điều đáng nói, không chỉ đơn thuần đưa tin nóng trong ngày, các chuyên mục này còn mở rộng chia sẻ nội dung về nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống và các chủ đề được nhiều người quan tâm.
Ví dụ, các sản phẩm podcast của VnExpress được chia thành nhiều tiểu mục như Tài chính cá nhân (chuyên gia hướng dẫn cách quản lý tài chính cá nhân từ cơ bản tới chuyên sâu), Nghề tương lai (phân tích xu hướng nghề tương lai giúp học sinh hiểu nhu cầu thị trường, trang bị kỹ năng trước khi chọn trường) hay Thầm thì (bác sĩ giải đáp những vướng mắc về "chuyện chăn gối")... Hay Báo Thanh Niên sản xuất những chương trình podcast xoay quanh Gen Z và Showbiz, góp phần giúp trang báo thu phục nhiều hơn lớp công chúng trẻ.
Trước yêu cầu đặt ra với báo chí là phát triển đa loại hình, đa nền tảng, các sinh viên báo chí đã sớm được làm quen với quy trình làm ra các sản phẩm podcast ngay tại trường đại học.
Hoàng Xuân Mỹ (sinh viên chuyên ngành Báo phát thanh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết đã tiếp xúc với việc sản xuất podcast tại trường học cũng như trong quá trình thực tập tại cơ quan báo chí: “Mình được hướng dẫn về quy trình để sản xuất ra một sản phẩm podcast hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, khai thác thông tin, đi lấy tin đến việc hoàn thiện nội dung, thu âm và cả giai đoạn hậu kỳ - dựng âm thanh, ghép hình ảnh”.
Theo Xuân Mỹ, trong thời điểm hiện tại, podcast là một lợi thế lớn của báo chí bởi lượt người nghe đang có xu hướng nhiều hơn so với lượng người xem. Đối với những khán thính giả không tiện xem hay đọc tin tức, chẳng hạn như khi di chuyển hoặc làm việc, sản phẩm nghe sẽ là lựa chọn tối ưu của họ. Do đó, nữ sinh này cũng ý thức cần phải học hỏi, trau dồi các kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến podcast nói riêng và báo chí nói chung để bắt kịp xu hướng làm báo mới hiện nay.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà podcast mang lại, song chính sự phát triển mạnh mẽ của loại hình âm thanh này cũng kéo theo một số vấn đề đáng quan ngại.
Sự bùng nổ của mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng mở như TikTok, tạo điều kiện cho tất cả mọi người có thể trở thành podcaster (người sáng tạo nội dung podcast) với đa dạng nội dung, hình thức thể hiện. Với những điều kiện này, ngày càng xuất hiện nhiều video podcast gán mác “chữa lành”, “truyền cảm hứng”... nhưng có nội dung phản cảm, sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực, thậm chí tục tĩu. Đáng nói, những podcast này lại thu hút lượng tương tác khủng, trong đó có không ít khán giả bày tỏ sự ủng hộ, yêu thích đối với nội dung tiêu cực đó.
Bên cạnh đó, ưu điểm cập nhật thông tin nhanh chóng của podcast cũng đặt ra một số vấn đề về tính xác thực. Anh Nguyễn Thế Quang (24 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Khi cần tìm hiểu về một vấn đề, mình sẽ chọn sử dụng podcast để tiếp cận cũng như để có cái nhìn tổng quan đối với vấn đề. Tuy nhiên, mình sẽ kiểm chứng và làm dày thêm những thông tin ấy thông qua sách”.
Theo anh Quang, podcast có ưu thế trong việc truyền tải thông tin nhanh chóng. Thế nhưng, xét về độ sâu và tính chính xác của nội dung, podcast khó có thể sánh bằng các cuốn sách xuất bản đã trải qua quá trình biên tập và phê duyệt nghiêm ngặt.
Mặt khác, sự bùng nổ về số lượng kênh và người sáng tạo nội dung đồng thời khiến công tác phê duyệt gặp nhiều khó khăn, tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm bản quyền, "ăn cắp" chất xám diễn ra ngày càng phổ biến. Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019) đã có những quy định cụ thể về bảo hộ quyền tác giả cho các sản phẩm dạng âm thanh (Điểm b Khoản 1 Điều 14), song trên thực tế, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với podcast tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Tháng 6/2022, nam podcaster Topu Kể Chuyện Đời đã lên tiếng tố cáo một vài fanpage có hành vi sao chép trái phép nội dung từ các sản phẩm podcast của mình. Cụ thể, những câu chuyện, tâm sự và trải lòng của Topu đã bị các trang này "ăn cắp trắng trợn", đăng tải nguyên văn mà không hề xin phép hay ghi nguồn.
Podcast đang trở thành một xu hướng truyền thông mới, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, trong bối cảnh công nghệ hiện đại phát triển nhanh chóng. Theo Thạc sĩ Lê Tuấn Anh (chuyên gia về Phát thanh - Truyền hình, từng là Biên tập viên - Phát thanh viên tại nhiều đài phát thanh và truyền hình lớn trên cả nước), podcast không chỉ mang lại giá trị tinh thần sâu sắc mà còn là một công cụ báo chí linh hoạt, phù hợp với các nhu cầu đa dạng của người nghe.
Một trong những yếu tố góp phần vào sự phát triển của podcast là tính tiện lợi, cho phép người nghe theo dõi nội dung trong khi thực hiện các hoạt động khác như tập thể dục, lái xe hay làm việc nhà. Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ các nền tảng như Spotify, Apple Podcast, chất lượng âm thanh của podcast hiện đã đạt đến mức tương đương với nhạc số, mang lại trải nghiệm chân thực và sống động hơn cho người nghe.
Podcast cũng góp phần tạo ra sự hồi sinh cho phát thanh trong lòng giới trẻ, khi những đài phát thanh truyền thống đang dần mất đi sức hút. Các đài phát thanh trên toàn thế giới hiện đang tận dụng podcast như một kênh riêng biệt với nội dung được tùy chỉnh, đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau.
Podcast không chỉ phát triển về nội dung mà còn mở ra những cơ hội thương mại mới. Thính giả podcast thường có trình độ giáo dục và điều kiện kinh tế cao hơn, điều này thu hút nhiều nhãn hàng đưa quảng cáo vào podcast. Điều đáng chú ý là, người nghe podcast không cảm thấy khó chịu với các quảng cáo, thậm chí ở nhiều nước, văn hóa “donate” (ủng hộ tài chính) cho người sáng tạo nội dung đã hình thành. Điều này mở ra tiềm năng tài chính to lớn cho các nhà sản xuất podcast, đặc biệt ở các quốc gia phát triển.
Podcast cũng có tuổi thọ nội dung dài hơn các phương tiện truyền thông khác, khi khán giả có thể nghe lại các tập cũ sau nhiều năm. Điều này tạo ra giá trị bền vững cho các quảng cáo được tích hợp vào nội dung, bởi âm thanh có khả năng tạo ấn tượng sâu sắc và giúp người nghe ghi nhớ lâu hơn.
Bên cạnh những tiềm năng phát triển, podcast cũng đối mặt với thách thức về tính kiểm chứng của thông tin. “Trong môi trường số mở như podcast, thông tin chưa được kiểm chứng có thể dễ dàng lan truyền, tạo ra nhận thức sai lệch cho công chúng. Điều này đặt ra yêu cầu về trách nhiệm cao hơn trong việc sản xuất nội dung podcast. Khi đưa thông tin lên podcast, cần phải có trách nhiệm phê duyệt cẩn thận để đảm bảo sự chính xác và minh bạch”, Thạc sĩ nhấn mạnh.
Các nền tảng như Spotify cung cấp công cụ phân tích chi tiết về lượt nghe, thời gian nghe, đối tượng khán giả và mức độ tương tác, giúp các nhà sản xuất podcast đánh giá hiệu quả của nội dung. Nếu thấy tỷ lệ rời bỏ cao ở đầu mỗi tập, họ có thể điều chỉnh nội dung để phù hợp hơn với mong muốn của công chúng.
Cũng theo Thạc sĩ Tuấn Anh, việc khảo sát và tương tác với khán giả một cách thường xuyên là điều cần thiết để tối ưu hóa nội dung, giúp các nhà sản xuất podcast tiếp cận đúng đối tượng và đáp ứng đúng nhu cầu.
Thạc sĩ khuyến nghị người nghe nên lựa chọn podcast có nguồn tin đáng tin cậy, đặc biệt là các podcast từ cơ quan báo chí để đảm bảo tính chính xác. Tuy nhiên, mỗi cá nhân nên cân nhắc chọn lựa podcast phù hợp với sở thích và nhu cầu của mình. Đối với những người quan tâm đến các chủ đề “chữa lành”, các podcast cá nhân có thể mang đến sự gần gũi và thoải mái hơn, giúp họ tìm thấy sự thư giãn và bình yên.
Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ, podcast đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều người. Dù còn nhiều thách thức về kiểm chứng thông tin, nhưng podcast vẫn là một công cụ truyền thông hiệu quả và đầy sáng tạo, mở ra cơ hội mới cho cả người làm báo và khán giả trong tương lai.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.