(Sóng trẻ) - “Tình nguyện là nguyện cho đi tình cảm gửi đến cộng đồng, xã hội. Với mình, việc làm tình nguyện xuất phát từ mong muốn và khát vọng cho đi của bản thân” - Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Anh Quân về hành trình 6 năm mang máu đến với người bệnh.

Nguyễn Anh Quân - Chàng trai trẻ sinh năm 1999 trên mảnh đất Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội. Bắt đầu với công tác tình nguyện từ khi còn là sinh viên năm nhất, tới nay, anh đã vận động được hơn 10.000 đơn vị máu thành công. Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng nhiều thành tích ấn tượng, năm 2021, anh đã được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội máu Hà Nội. 

Trong cuộc trò chuyện với nhóm phóng viên, anh Quân đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình theo đuổi giấc mơ tình nguyện với sứ mệnh nối dài hy vọng cho những bệnh nhân cần máu.

PV: Chào anh, cảm ơn anh đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn này.

PV: Anh có thể chia sẻ về hành trình trở thành một tình nguyện viên (TNV) tham gia công tác tuyên truyền vận động hiến máu của mình, hành trình ấy có gì đặc biệt?

Đối với bản thân mình, công việc tình nguyện là việc làm hết sức ý nghĩa. Đặc biệt, với TNV tham gia công tác tuyên truyền vận động hiến máu thì ý nghĩa này còn lớn hơn rất nhiều. Bởi, mỗi đơn vị máu thành công chính là hy vọng sống của những người bệnh. Đây cũng chính là động lực đã thôi thúc bản thân mình tham gia vào hoạt động này như một cách để cống hiến cho cộng đồng, xã hội.

Nói về điều đặc biệt trên hành trình hoạt động với vai trò là một TNV “nhà máu”, với mình, mỗi ngày trôi qua đều là một ngày đặc biệt. Bởi suốt quá trình hoạt động, mình đã có cơ hội được chia sẻ sức khỏe, nguồn sống, cơ hội sống dành cho những người kém may mắn.

PV: Chắc hẳn trong suốt 6 năm làm tình nguyện, anh gặp rất nhiều khó khăn, đã bao giờ anh có ý định bỏ cuộc chưa? 

Tình nguyện có nghĩa là nguyện cho đi tình cảm, công sức đến với cộng đồng, xã hội. Với mình, việc làm tình nguyện xuất phát từ chính mong muốn và khát vọng cho đi của bản thân. Bởi vậy, dường như không có bất cứ khó khăn nào khiến mình cảm thấy muốn chùn bước hay bỏ cuộc.

Tuy nhiên, cũng đã từng có một vài khoảnh khắc khiến mình cảm thấy mệt mỏi khi phải cố gắng cân bằng giữa học tập - công việc - hoạt động sao cho vừa có thể học tập tốt, làm việc hiệu quả nhưng cũng có nhiều thời gian tham gia các hoạt động Hội.

PV: Trong xã hội vẫn tồn tại những cái nhìn không mấy thiện cảm về những TNV khi đi tuyên truyền vận động hiến máu. Thậm chí, có nhiều TNV bị nhầm thành nhân viên tiếp thị, đa cấp,... Anh nghĩ sao về điều này? 

Mình cũng thừa nhận rằng không ít người có những cái nhìn không mấy thiện cảm, họ cho rằng các TNV tham gia công tác tuyên truyền, vận động với mục đích đánh bóng tên tuổi, vụ lợi,... hay rất nhiều góc nhìn tiêu cực khác. Đây đều là những yếu tố không thể tránh khỏi. 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình hàng năm sẽ có khoảng 2% dân số thế giới tham gia hiến máu nhân đạo. Tuy nhiên ở Việt Nam, con số này mới chỉ đạt 1,8%, thấp hơn trung bình của thế giới. Chính vì vậy, vai trò của TNV vận động hiến máu là rất quan trọng.

PV: Vậy, bằng cách nào anh vượt qua những điều không tích cực ấy để khẳng định giá trị của bản thân mình?

Trước những tình huống như vậy, trước tiên mình luôn phải cố gắng giữ vững niềm tin, xác định được đúng mục tiêu và ghi nhớ rằng “máu có thể chờ người bệnh nhưng người bệnh không thể chờ máu”. Bản thân mình cũng ý thức được công việc đang làm là vì sự sống của người bệnh, vì những giá trị cao quý và tốt đẹp nên không thể vì những định kiến hay đánh giá của bất kể cá nhân nào mà dừng lại.

PV: Có nhiều bạn trẻ muốn được thử sức với công việc tuyên truyền, vận động hiến máu nhưng bị gia đình ngăn cấm. Nếu bản thân anh rơi vào trường hợp này, anh sẽ làm gì?

Như mình đã đề cập ở trên, còn khá nhiều người hiểu lầm về công việc chúng mình đã và đang làm. Muốn thay đổi sự đánh giá của xã hội, trước tiên chúng ta phải thay đổi cái nhìn nhận của chính những người xung quanh ta trước, như gia đình, bạn bè… 

Mình tin rằng, tất cả các bậc cha mẹ ai cũng muốn con mình làm điều tốt và mang những giá trị cao đẹp đến với cuộc đời. Chính vì vậy, hãy cứ sống với hoài bão, đam mê của bản thân, những thành quả nhân đạo gặt hái được chính là sự tự hào không chỉ của riêng cá nhân mà còn là của cả gia đình, người thân TNV đó.

PV: Hiện nay trên toàn địa bàn TP Hà Nội, số lượng TNV tham gia công tác tuyên truyền vận động hiến máu là rất lớn. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, anh đã làm thế nào để dẫn dắt Hội, hướng đến mục tiêu cao nhất là đem đến những đơn vị máu thành công cho người bệnh?

Hiện tại, Hội máu Hà Nội gồm 79 câu lạc bộ (CLB), đội nhóm tuyên truyền viên và 4 CLB chuyên môn với quy mô là các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Chúng mình chia ra thành nhiều chi hội quản lý các đội tuyên truyền viên, các câu lạc bộ. Trong mỗi CLB lại có đội trưởng, đội phó và ban chủ nhiệm. 

Bên cạnh các hoạt động mang tính chuyên môn là tuyên truyền vận động hiến máu, Hội cũng tổ chức rất nhiều sân chơi bổ ích để những TNV có cơ hội được thể hiện tài năng, cá tính, giao lưu kết nối và học hỏi lẫn nhau. 

Ngoài ra, Hội máu Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng mềm cho các TNV như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm truyền thông - sự kiện,... Đây đều là những kiến thức thiết thực, giúp ích cho quá trình học tập và làm việc.

PV: Trong tương lai xa hơn, anh có dự định sẽ tiếp tục đồng hành với Hội máu hay lựa chọn dừng lại để tập trung vào công việc cá nhân?

Hiện tại mình cũng đã đi làm và chuyển sang hoạt động quản lý tại Hội chứ không còn hoạt động trực tiếp nữa. Trong thời gian tới, khi Hội máu có tìm được những nhân tố xuất sắc, phù hợp với vai trò của mình hiện tại thì mình sẽ dừng lại. Tuy nhiên, nếu vẫn còn cơ hội, mình sẽ vẫn tiếp tục đồng hành và cống hiến cho Hội máu Hà Nội nhiều nhất có thể.

PV: Vậy, anh có lời khuyên nào dành cho những bạn TNV của Hội máu để giúp họ có thêm động lực trong công tác tình nguyện, đem về những đơn vị máu tiềm năng cho người bệnh?

Có một câu nói mình vô cùng tâm đắc là: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Chính vì vậy mình mong rằng nếu còn cơ hội, các bạn hãy cứ cho đi, khi đó sẽ có những may mắn và cơ hội đến với các bạn. Đồng thời cống hiến cho cộng đồng cũng là cơ hội và trách nhiệm của người trẻ, nhất là công tác vận động hiến máu nhân đạo, giúp đỡ cho những bệnh nhân kém may mắn.

Tất cả các bạn TNV cũng đều xuất phát như mình, từ một người yêu tình nguyện, đam mê đem những điều tốt đẹp đến cho đời. Mình tin trong tương lai, bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết, các bạn chắc chắn sẽ tiến xa hơn, có thể góp sức mình đem về những đơn vị máu cho những người đang thực sự cần.

PV: Cảm ơn anh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN