Được xem là vựa tái chế nhựa lớn nhất cả nước, làng Minh Khai (hay còn gọi là làng Khoai, thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) hoạt động với hàng nghìn hộ dân làm nghề tái chế phế liệu. Tưởng chừng chỉ là thứ bỏ đi, thế nhưng rác thải lại trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây, giúp họ kiếm kế sinh nhai. Thậm chí, nhiều người “đổi đời” cũng nhờ rác.

Ngay từ cổng vào làng Minh Khai, trải dài trước mắt chúng tôi đã là hàng loạt các khu phân loại cùng các xưởng, nhà máy tái chế của người dân hoạt động hết công suất. Trước mỗi nhà xưởng là những bịch nilon, kiện hàng xếp thành từng khối, cao hơn đầu người. Đây đều là số rác thải đã qua sử dụng được người dân phân loại và là nguyên liệu chính để sản xuất ra những mặt hàng tái chế.

Trong các xưởng tạo hạt nhựa, số lượng lớn công nhân cùng máy móc làm việc liên tục. Ở đầu mỗi dây chuyền, khoảng 3 công nhân nữ làm công việc phân loại những bịch nilon đã qua sử dụng và đẩy chúng vào máy nghiền. Hầu hết mọi công đoạn tiếp theo sẽ được máy móc xử lý như việc nung chảy nhựa, tạo sợi, tạo hạt... 

Rác thải nhựa len lỏi vào từng ngóc ngách của làng Minh Khai. Mọi không gian trống đều được người dân tận dụng triệt để, dùng làm nơi chất những phế liệu hay rác thải chờ được phân loại. Sau quá trình tái chế, những sản phẩm đầu ra tại đây rất đa dạng, từ túi nilon, bao tải, bạt cho đến các sản phẩm làm từ nhựa nguyên sinh như rổ, cốc, chậu...

Được biết, từ những năm 80 của thế kỷ trước, Minh Khai là ngôi làng chuyên thu mua, buôn bán phế liệu nhựa. Đến năm 1998, UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định thành lập làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, mục tiêu chính hướng đến nhằm xây dựng địa điểm phát triển theo hướng kinh tế cá thể. Cho đến nay, làng nghề đã có hơn 20 năm hoạt động và được xem là ngôi làng tái chế rác thải nhựa lớn nhất cả nước.

Theo số liệu từ Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hưng Yên, trên địa bàn làng Minh Khai hiện đang có 780 cơ sở, hộ gia đình tham gia thu mua, sản xuất, tái chế và sơ chế phế liệu nhựa; trong đó có 75 cơ sở tái chế theo công nghệ tạo ướt, 705 cơ sở thu mua, sản xuất từ nguyên liệu sạch. Phần lớn các hộ dân tại đây đều tham gia vào khâu sơ chế, tạo hạt rồi xuất khẩu cho các cơ sở, công ty thu mua khác.

“Hiện nay, làng Minh Khai có khoảng gần 1000 hộ gia đình, trong đó có hơn 90% hộ dân đang làm nghề tái chế rác thải nhựa, gần 800 cơ sở và gần 100 doanh nghiệp tư nhân, nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này”, ông Nguyễn Hồng Vương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh cho biết.

 

Không mấy bất ngờ khi nhiều người gọi làng Khoai là “bãi rác quốc tế”, bởi lẽ rác thải nhựa dùng trong công đoạn tái chế tại nơi đây có nguồn gốc từ nhiều địa phương khác nhau. Bên cạnh việc thu nhặt trực tiếp từ Hưng Yên, làng Minh Khai còn thu gom rác ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Rác được đưa về địa phương có nguồn gốc nhiều nhất từ các bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn hay từ các làng nghề như Triều Khúc (huyện Thanh Trì), Phụng Thượng (Phúc Thọ)... 

Không chỉ vậy, để phục vụ hoạt động tái chế, các xưởng sản xuất tại đây còn mua lại nguyên liệu từ các đơn vị nhập khẩu rác nhựa của các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á.

Chia sẻ thêm với phóng viên về hoạt động thu mua, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của người dân, ông Nguyễn Hồng Vương cho biết: “Toàn bộ nhựa ở làng Khoai, người dân không đủ điều kiện nhập khẩu nên đã mua lại của các công ty hoặc đơn vị lớn đủ điều kiện. Tại Việt Nam, rác thải được Nhà nước quản lý rất nghiêm ngặt nên không có chuyện cá nhân nhập được rác từ nước ngoài về. Thay vào đó, các chủ sản xuất sẽ mua lại của những người đi nhập về Việt Nam rồi tái chế thành các hạt nhựa và bán lại cho đơn vị khác”.

Tại một hộ sản xuất với quy mô khá lớn, chúng tôi nhận được câu trả lời từ một chủ xưởng tạo hạt nhựa: “90% nguyên vật liệu (túi nilon đã qua sử dụng) được nhập được nước ngoài và 10% là rác thải nhựa của Việt Nam. Sau khi nhập từ bên ngoài, toàn bộ nilon sẽ được công nhân phân loại và tiến hành sản xuất”.

Làng Minh Khai chỉ là một trong số rất nhiều ngôi làng chuyên về hoạt động tái chế tại Việt Nam. Một số làng nghề thuộc các địa phương khác hoạt động với quy mô lớn phải kể đến như làng nghề Tràng Minh (Hải Phòng), Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội), Triều Khúc, Trung Văn (Hà Nội)…

Sống với nghề gần 2 thập kỷ, giờ đây đối với người làng Minh Khai, rác thải nhựa tựa như một “thành trì kiên cố” để bảo vệ miếng cơm manh áo của các hộ gia đình tại làng nghề tái chế này. Công việc tái chế rác thải nhựa đã tạo cơ hội việc làm cho gần 7000 lao động không chỉ ở nơi đây mà còn là các địa phương khác. 

Làm công việc xếp và cắt những tấm bạt thành phẩm, mỗi ngày bà Lê Hữu Thi (53 tuổi) kiếm về khoảng 200 ngàn đồng tiền công. Biết rằng công việc vất vả, mức lương cũng không quá cao nhưng đây là công việc chính, giúp bà mưu sinh. “Tôi không phải dân làng này, chỉ đến đây để làm thuê thôi. Làm nghề này vất vả lắm, bụi bặm đầy người, mỗi ngày kiếm được 200 ngàn đồng, bao bữa cơm trưa”, bà Thi chia sẻ. 

Trong xưởng tái chế nhỏ hẹp, gần chục loại máy móc chen chúc nhau, thở ra những luồng khói nồng nặc mùi nhựa khiến không khí làm việc trở nên vô cùng ngột ngạt. Giữa một “rừng” túi nilon đã qua sử dụng là 3 công nhân đang ngồi cặm cụi. Công việc chính của họ ở đây là phân loại những bao bì, vật dụng bằng nhựa đã qua sử dụng thành từng nhóm để đổ vào máy nghiền, tạo hạt. 

“Những chồng túi nilon này vốn dĩ là rác, được thu nhặt về từ các địa phương khác. Tại đây chúng tôi sẽ phân loại thành từng dòng nhựa khác nhau. Làm nghề này người dân nhiều hộ phất lên trông thấy. Ngoài đầu làng nhiều nhà 3,4 tầng, có xế xịn là chuyện bình thường”, bà Phạm Thị Ngọ (49 tuổi), một công nhân làm trong xưởng tái chế chia sẻ.

Vòng đời của rác được “hồi sinh” thành những chiếc túi nilon đựng thức ăn, vật dụng, chai nhựa hay bàn ghế. Tuy nhiên, đối với những người công nhân trực tiếp tham gia vào công đoạn sơ chế nguyên liệu, đây là công đoạn gây ra ô nhiễm và ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều nhất. Tiếp xúc với sự ô nhiễm khoảng 4 giờ/ngày với mức lương khoảng 250 nghìn đồng, sự đánh đổi về sức khỏe này phải chăng là quá lớn?

Từ khi chuyển đổi từ làng thuần nông sang làm làng nghề tái chế, làng Minh Khai cũng phải đánh đổi rất nhiều. Việc làm giàu bằng rác thải nhựa đã giúp nền kinh tế địa phương tăng trưởng, người dân có việc làm nhưng kèm theo đó là hệ lụy không hề nhỏ, nhất là khi vấn đề ô nhiễm môi trường sống tại nơi đây đang ở mức báo động đỏ.

>> Xem trọn bộ ba kỳ tại: Theo dấu rác thải

Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mở phòng trưng bày dành riêng cho "Oegyujanggak Uigwe"

Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mở phòng trưng bày dành riêng cho "Oegyujanggak Uigwe"

Tin nổi bật1 giờ trước

(Sóng trẻ) - Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc (NMK) sẽ chính thức khai trương phòng trưng bày cố định đầu tiên dành riêng cho bộ sưu tập "Oegyujanggak Uigwe" vào thứ sáu,15/11.

196 thầy cô được vinh danh trong lễ trao giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”

196 thầy cô được vinh danh trong lễ trao giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”

Tin nổi bật2 giờ trước

(Sóng trẻ) - Ngày 14/11, lễ trao giải "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” diễn ra tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Chúng ta thường ít lắng nghe hơn trong thời đại ngày nay

Chúng ta thường ít lắng nghe hơn trong thời đại ngày nay

Tin nổi bật3 giờ trước

(Sóng trẻ) - Là một hoạt động nghệ thuật trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, chuỗi workshop âm thanh “Lắng Nghe Sâu” mang đến trải nghiệm âm thanh độc đáo giúp người tham gia tương tác, cảm nhận và kết nối với không gian xung quanh.

XEM THÊM TIN