(Sóng trẻ) - Mang vết thương của chiến tranh trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu quốc, cựu chiến binh Lê Văn Nhân quyết tâm nối tiếp con đường tri thức, phục vụ non sông, đất nước.

Ông Lê Văn Nhân sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Cố đô Ninh Bình. Khi vừa tròn 18 tuổi, ông xung phong lên đường nhập ngũ và tham gia Cách mạng. Trong giai đoạn 1971-1972, ông Nhân đảm nhận vị trí tiểu đội trưởng của Đại đội 2, trực thuộc Tiểu đoàn 15, sư 2 (phiên hiệu là C2, D15, F2). 

Năm 1971, ông cùng đồng đội hành quân vào Nam đánh giặc, hoạt động ở chiến trường Nam Lào, Tây Nguyên và Liên khu 5. Đến năm 1972, ông tham gia nhiều cuộc kháng chiến oanh liệt: Chiến dịch Đắk Tô Tân Cảnh, trận đánh Kon Tum thuộc chiến dịch Bắc Tây Nguyên (6/1972), trận đánh càn Tam Quan tại Bình Định (8/192) và trận đánh bên cầu sông Vệ thuộc tỉnh Quảng Ngãi (9/1972).

Bước chân vào trận địa kháng chiến đồng nghĩa với việc xác định không rõ ngày trở về, thế nhưng, người lính trẻ và đồng đội luôn giữ ý chí lạc quan và niềm tin mãnh liệt vào ngày đất nước thống nhất.

Trong trận đánh bên cầu sông Vệ (thuộc thị xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) tháng 9/1972, ông không may bị thương nặng ở chân. Vết tích chiến tranh ấy đánh dấu một bước ngoặt trong đời người con của cách mạng.

“Vết thương này, tôi cảm thấy tự hào nhiều hơn. Đây là dấu ấn của một thời chiến đấu hết lòng, cùng đồng đội tham gia kháng chiến, phụng sự cho dân tộc Việt Nam”, ông Nhân bày tỏ.

Trên chiến trường, bên cạnh đường đi lại khó khăn, ông luôn phải thích nghi với thời tiết thay đổi vô cùng khắc nghiệt. Trong sinh hoạt của quân đội, ông Nhân cùng các chiến sĩ luôn hoạt động cẩn trọng trong việc ăn uống, ngủ nghỉ để tránh bị địch phát hiện.

Kể lại kỉ niệm khó quên thời bấy giờ, cựu binh Lê Văn Nhân cho biết: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong suốt quá trình chiến đấu. Thời đó, mọi thứ không được đầy đủ, tiện nghi như bây giờ nhưng chúng tôi luôn luôn giữ tâm thế sẵn sàng chiến đấu, không run sợ”. 

“Mặc lên mình màu áo lính, từng giây từng phút cùng đồng đội trên chiến trường đều là những kỉ niệm đẹp đối với tôi. Những năm tháng vẻ vang đó, giờ đây có tiền tôi cũng không thể nào mua lại được”, ông Nhân không giấu được niềm hạnh phúc khi nhắc lại những thăng trầm trong cuộc đời hoạt động Cách mạng.

Tháng 9/1974, ông Nhân được đưa về Đoàn 554 chữa trị vết thương. 3 tháng sau, ông lựa chọn ôn luyện đại học. Bằng sự nỗ lực không ngừng, ông đã thành công đỗ vào trường Văn hóa quân khu 3 thuộc thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, thành phố Hòa Bình. Thời gian sau đó, ông xuất sắc được phong làm Trung đội trưởng và tiếp tục theo học ở Học viện Kỹ thuật quân sự (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Năm 1976, ông được Đảng và Nhà nước trao tiếp cơ hội học tập tại Liên Xô để phát triển hơn ở lĩnh vực kinh tế - chính trị. 5 năm sau đó, sau khi xuất sắc tốt nghiệp bằng Đại học tại một ngôi trường danh giá, ông Nhân trở về Việt Nam và tiếp tục đóng góp những giá trị tích cực cho xã hội.

Với tinh thần không ngừng rèn luyện để tiếp thu kiến thức mới, người cựu binh gốc Cố đô Ninh Bình luôn tâm niệm: “Chỉ có học tập mới giúp chúng ta thành công. Tôi thường tự tạo động lực để thúc đẩy bản thân phải tìm đến con đường học vấn và không bao giờ được bỏ cuộc. Muốn thành công thì buộc tôi phải học tập thật nhiều. Tôi học để bản thân trở nên tốt hơn, để làm việc, tham gia công tác xã hội và giúp đỡ Tổ quốc. Hoàn cảnh càng khó khăn, càng cần phải học tập để phát triển”.

“Thời của tôi được đi học đầy đủ như vậy là cả một sự cố gắng không hề nhỏ. Dù là ‘thời chiến’ nhưng học thức là điều mà chúng tôi luôn muốn tìm tòi, học hỏi bởi nhiều điều trong cuộc sống, không đi học, không thể biết hết được. Vậy nên, tôi vẫn thường hay nói học để mở mang tầm mắt là như thế”, cựu binh Lê Văn Nhân chia sẻ thêm. 

Những ngày đầu lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của đất nước, người lính Lê Văn Nhân không khỏi lo lắng: “Khi ấy, tôi lo chứ! Tuy nhiên, trong suốt quá trình chiến đấu cùng các chiến sĩ, tôi càng cảm thấy tự hào hơn khi mình tham gia bộ đội và được góp công sức cho quê hương”.

Hồi tưởng lại những năm tháng khó khăn, vất vả, ông Nhân bày tỏ: “Đảng và nhà nước là động lực chiến đấu lúc bấy giờ của toàn quân ta; mang lại độc lập, tự do là sứ mệnh của chiến sĩ chúng tôi”.

Đối với mỗi người lính, điều tự hào nhất trong cuộc đời họ có lẽ là được khoác trên mình sắc xanh hào hùng của quân đội, được tham gia chiến trường và góp một phần công sức để bảo vệ Tổ quốc. Đối với họ, mỗi thành quả đạt được đều là những dấu ấn riêng trong cuộc đời kháng chiến mà khó có thể quên. 

“Tôi vẫn nhớ như in những giây phút được trao những tấm huân chương ấy, cảm xúc của tôi tự hào lắm”, ông Nhân nghẹn ngào chia sẻ.

Với nhiều đóng góp giá trị, người cựu chiến binh vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, phần thưởng cao quý như Huân chương kháng chiến Hạng nhất (1975), bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2010), huân chương Lao động Hạng III (2012) và nhiều bằng khen, giấy khen khác của Bộ Công thương và thành phố Hà Nội. 

Sau 42 năm tham gia Cách mạng, ông Nhân được Đảng và Nhà nước tạo cơ hội được nghỉ chế độ hưu trí vào tháng 8 năm 2013. Sau đó, ông tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội tại địa phương như làm Bí thư Chi bộ 9, Trưởng ban công tác mặt trận và Chi hội trưởng Khuyến học từ tháng 11/2013 đến nay.

Đừng bỏ lỡ
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

XEM THÊM TIN