Thiên nhiên kêu cứu

Một hành trình dài với vòng đời liên hoàn từ công xưởng ra bãi rác, thời trang nhanh đã và đang trở thành một xu hướng thịnh hành với nhiều tác động ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới môi trường sinh thái. Vòng đời của rác thải càng ngày càng co hẹp lại còn rác thì cứ chất chồng theo cấp số nhân. Có lẽ cái gì nhanh thì đều là những sản phẩm chưa tốt vì bị ép phải “chín”.

Không trực tiếp tham gia vào hoạt động gây nên ô nhiễm môi trường như khí thải nhà máy, nước thải công nghiệp hay hiệu ứng nhà kính, thời trang nhanh là con dao hai lưỡi, phần đem tới sự thỏa mãn cho con người, phần lại thầm lặng làm nên những cái chết “sặc sỡ” cho hệ sinh thái. 


Thuộc top 10 ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng nhất trên thế giới, áo quần nói riêng và thời trang nói chung đem đến nhiều hậu quả nặng nề cho thiên nhiên hơn ta tưởng. Dựa trên những tiêu chuẩn về cái đẹp thời thượng và nhu cầu hợp thời, thời trang nhanh sinh ra để đáp ứng mong muốn chính đáng đó của người tiêu dùng. Mô hình làm hài lòng khách hàng này nghe thì có vẻ như vô hại nhưng khi nhìn vào tác động đến môi trường của thời trang nhanh thì đây lại là một vấn đề to lớn trên toàn cầu.

Tốc độ sản xuất cao với các dây chuyền liên tục thích ứng, các thương hiệu thời trang nhanh không chỉ sản xuất những thiết kế phổ biến một cách nhanh chóng, mà còn định hình khuynh hướng cho người tiêu dùng với tốc độ tương đương để tạo tiền đề cho các xu hướng mới. Và Shein - đế chế thời trang tỷ đô của Trung Quốc là một trong những hình mẫu thành công trong phân khúc thời trang giá rẻ hái ra tiền này.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất thời trang nhanh, Fashion Blogger Hiền Nhi cho rằng, về cơ bản thì thị trường tiềm năng này có thể đáp ứng được nhiều yếu tố hấp dẫn như giá rẻ, đa dạng mẫu mã, hợp mốt,... thỏa mãn tâm lý chung của khách hàng là muốn trở nên thời thượng, bắt kịp xu hướng. Sự phát triển nhanh chóng khiến mọi người bị cuốn vào vòng xoáy của trào lưu. Fast Fashion (Thời trang nhanh) nhiều mẫu mã, giá rẻ thì ai cũng thích nhưng cực kỳ gây hại cho môi trường vì chất thải từ quần áo bỏ đi được xử lý trong nhà máy hay tại các bãi rác là không hề nhỏ.


“Ung nhọt” trong lòng đất mẹ

Các nhà khoa học cho rằng thời trang nhanh tạo nên những hậu quả nghiêm trọng, góp phần gây ô nhiễm, lãng phí tài nguyên và lỗi thời theo kế hoạch. Do vật liệu rẻ tiền và phương pháp sản xuất mà hàng may mặc kém chất lượng rất khó phân hủy trong thời gian ngắn và không thể tái chế vì hơn 60% chúng được làm từ chất liệu tổng hợp không thân thiện với môi trường. 

Theo ông Nguyễn Hữu Thủy - Phó trưởng bộ môn Kỹ thuật môi trường của Đại học Kiến trúc Hà Nội, đa số các sản phẩm thời trang nhanh được sản xuất bằng vật liệu polyester. Vật liệu này đòi hỏi phải khai thác rất nhiều dầu và được tổng hợp ra từ dầu mỏ để tạo ra sợi vải và từ sợi vải đó người ta phải thực hiện rất nhiều công đoạn đòi hỏi phải trải qua quá trình luộc rất tốn năng lượng, hoặc là tốn rất nhiều nước để dệt, nhuộm… Tất cả những thứ ấy sẽ đòi hỏi một lượng tài nguyên vô cùng lớn.

“Sau khi sử dụng xong, cuối vòng đời của nó sẽ là chất thải và những chất thải của thời trang nhanh đa số là vải, mà những loại vải này khá giống nylon vì nó được tổng hợp thông qua quá trình polyme hóa nên quá trình phân hủy của nó khá lâu. Thông thường khi đưa tới bãi chôn lấp, vải tổng hợp phải mất vài trăm năm để có thể phân hủy ở một mức độ nhất định chứ không thể phân hủy hoàn toàn. Còn nếu đốt thì chúng sẽ tạo ra khí thải, tạo ra khí nhà kính cùng nhiều chất ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống con người và động vật hoang dã. Khi vòng đời ngắn ngủi của chúng kết thúc, tất cả sẽ chỉ là rác thải bị hoang hóa tại các bãi rác trong nhiều thế kỷ”. ông Thủy chia sẻ thêm. 

Theo số liệu từ Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), năm 2018, 11,3 triệu tấn hàng dệt may đã được đưa vào các bãi chôn lấp và 3,2 triệu tấn được đốt, thải ra một lượng lớn khí nhà kính. Một nghiên cứu khác do thương hiệu Labfresh công bố cho thấy, 57,1% chất thải thời trang từ 15 quốc gia trên khắp EU được đưa vào các bãi chôn lấp. Nó chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu do năng lượng được sử dụng trong sản xuất, chế tạo, vận chuyển và phân hủy. Tại Anh, có tới 350.000 tấn quần áo (ước tính trị giá 140 triệu bảng Anh) đã qua sử dụng đổ vào bãi rác mỗi năm ở nước này. 


Có thể thấy sự phổ biến của thời trang nhanh trong cuộc sống - trên mạng xã hội và trong tủ quần áo của mỗi người. Bằng những việc như sử dụng các vật liệu độc hại, lãng phí nước để sản xuất hàng dệt may và bỏ qua các quy trình an toàn tại nơi làm việc như một phương tiện để có được lao động giá rẻ, ngành công nghiệp thời trang nhanh đã gây phương hại đến môi trường trong suốt hàng thập kỷ qua. Ngành may mặc đạt kỷ lục khi có lượng khí thải carbon bằng với tất cả các ngành công nghiệp sản xuất khác. 

Thực tế, thời trang nhanh đã và đang thải ra môi trường hàng triệu tấn rác thải, hàng nghìn khối nước bẩn nhiễm hóa chất và lượng khí độc metan có thể gây chết người trong tích tắc. Tại các “vựa” gia công trên thế giới như Bangladesh, Trung Quốc, Việt Nam,... những tác động của thời trang đến đời sống là điều dễ có thể bắt gặp bằng mắt thường. Bụi vải, nước nhuộm cùng vải vụn từ các công xưởng sẽ được đào thải trực tiếp ra môi trường bằng nhiều hình thức. Qua mạng lưới đầu mối cửa hàng rộng khắp, chúng lại chuyển tiếp tới tay người tiêu dùng qua một vài lần sử dụng, thậm chí là không dùng đến vì lỗi mốt và kết thúc cuộc đời chóng vánh của mình ngoài bãi phế liệu. Dùng thì ít mà nằm ngoài bãi rác thì nhiều, công xưởng, lái buôn, người tiêu dùng thì cười nhưng môi trường thì đang khóc.

Để sản xuất một chiếc áo phông có thể cần dùng tới 2.700 lít nước và một chiếc quần jean có thể cần dùng tới 3.781 lít. Khoảng 20% lượng nước thải trên thế giới là kết quả trực tiếp của quá trình nhuộm và xử lý vải. Trên thế giới, uớc tính có khoảng 1,2 tỷ tấn carbon được thải ra chỉ riêng từ ngành thời trang nhanh mỗi năm. Với các số liệu cùng chu kỳ tuần hoàn như hiện tại, cái giá của thời trang nhanh chính là sự nóng lên toàn cầu.


Ngoài những tác động về môi trường, thời trang nhanh còn tham gia vào quá trình lạm dụng sức lao động của con người.  90% quần áo trên thế giới được sản xuất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình như một phương tiện để có lao động giá rẻ. Người dân trên toàn thế giới thực tế đang không được hưởng môi trường sống công bằng do thời trang nhanh cùng những hệ lụy tiêu cực của nó.

Chạy theo xu thế và những hệ lụy mà vô vàn loại mốt mang lại, chúng đang dần ăn mòn hành tinh với tốc độ chóng mặt. Tác động lên mọi mặt của môi trường cùng đời sống của con người, thời trang nhanh đang “tích cực” hủy hoại môi trường tự nhiên trong nhiều thế kỷ tới bằng những trào lưu chỉ tồn tại trong vài tháng. Lợi bất cập hại, vậy điều gì có thể thay đổi bộ mặt lấm lem của thời trang đương thời?

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN