(Sóng trẻ) - Bạn đã bao giờ lạc lối trong website/ cửa hiệu với đa dạng các kiểu mẫu quần áo vừa hợp mốt vừa hợp túi tiền lại dễ dàng sở hữu chỉ với vài thao tác? Đó chính là mánh lới mà thời trang nhanh đang lợi dụng nhằm tối đa hoá lợi nhuận bất chấp tiếng kêu cứu tuyệt vọng đến từ môi trường.
Thời trang nhanh (Fast fashion) là hình thức kinh doanh phổ biến trên thế giới từ những năm 1990 và du nhập vào Việt Nam trong khoảng hơn 10 năm đổ lại đây. Các thương hiệu thời trang nhanh bằng mọi cách rút ngắn tối đa quy trình sản xuất xuống chỉ còn khoảng 2 tuần cho một mùa mẫu mới nhằm đem đến những sản phẩm hợp mốt nhất trong thời gian nhanh nhất với mức giá rẻ nhất cho thị trường.
Với doanh thu lên đến 2,5 nghìn tỷ USD/năm, ngành công nghiệp thời trang nhanh có đang phát triển với quy mô lớn, tốc độ nhanh chóng. Bên cạnh những cái tên “máu mặt” như H&M, Zara, Fashion Nova hay Boohoo hay gần đây nhất phải kể đến sự ăn nên làm ra của Shein với doanh thu năm 2020 của công ty là hơn 10 tỷ đô la, tốc độ tăng trưởng đều vượt 100% mỗi năm trong 8 năm qua.
Tìm hiểu về nguyên do dẫn tới sự “bành trướng” này, có thể nhận thấy các thương hiệu thời trang nhanh giữ chân người tiêu dùng bằng sự nghiện ngập. Người tiêu dùng lạc trong mê cung của rất nhiều lựa chọn với mức giá rẻ từ đó nhầm lẫn giữa khái niệm “cần” và ”muốn”.
Đồng thời, các thương hiệu “ăn liền” lợi dụng truyền thông, các nền tảng MXH mà cụ thể là các KOL, KOC (người có sức ảnh hưởng) tạo ra thật nhiều nội dung mua sắm giá rẻ như Shopee haul, Shein haul. Bằng việc đánh trúng vào tâm lý của nhóm khách hàng mục tiêu gen Z (thế hệ gồm những người sinh từ cuối những năm 1990 đến năm 2010) các thương hiệu này tạo ra hiệu ứng tâm lý FOMO – Fear of missing out (nỗi sợ bị lãng quên) để từ đó dẫn dắt khách hàng liên tục mua sắm, liên lục thay thế, vứt xó đồ cũ nhằm thoả mãn nhu cầu tức thời của người dùng.
Nhà thiết kế thời trang Aime Linh Vương nổi tiếng với những sản phẩm tái chế, nâng cấp quần áo cũ với thông điệp tuyên truyền về bảo vệ môi trường và thời trang bền vững chia sẻ: “Không chỉ là những hành vi quảng cáo vô tội vạ của một bộ phận người có sức ảnh hưởng, nhu cầu mua sắm những món đồ rẻ, chất lượng thấp của người tiêu dùng vẫn còn rất nhiều. Có cầu thì vẫn còn cung, suy cho cùng trách nhiệm thuộc về sự lựa chọn của cá nhân.”
Không thể phủ nhận rằng sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang nhanh đã đem đến nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp. Thế nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, đằng sau những mẫu thời trang hợp thời với mức giá hợp túi tiền là cả một vấn nạn về môi trường. Và liệu sự đánh đổi đó có thực sự xứng đáng?
Chia sẻ quan điểm, Bim Nguyễn, Stylist, Fashion Blogger, nhà sáng tạo nội dung trên Tiktok với hơn 100k người theo dõi về chủ đề thời trang, đặc biệt là thời trang bền vững cho biết: “Để đạt đến mức độ “nhanh” đòi hỏi phải hy sinh nhiều thứ, trong đó có thể kể đến là đạo đức và môi trường. Tôi rất không ủng hộ việc này”
Bản chất của thời trang “ăn liền” là sản xuất ồ ạt, liên tục “ăn theo” các xu hướng thời trang với giá thành rẻ. Điều này tạo ra vô vàn hệ luỵ, đặc biệt là với môi trường.
Một trong những ưu tiên của thời trang nhanh chính là giá cả phải chăng. Điều này đồng nghĩa với việc các xưởng gia công phải sử dụng chất liệu vải kém bền, không thân thiện với môi trường. Khi người tiêu dùng đắm chìm những mẫu thiết kế được ra mắt quanh năm, họ yêu cầu sự hài lòng ngay lập tức từ đó quyết định xuống tiền mua một sản phẩm giá rẻ với vòng đời cực ngắn. Quần áo bai dão, xù lông, biến dạng chỉ sau vài lần mặc là điều dễ thấy ở các sản phẩm thời trang nhanh. Nhưng với mức giá rẻ mạt, các “thượng đế" sẵn sàng vứt đi và lại tiếp tục tìm các món đồ thay thế hợp mốt hơn.
Văn hoá mua sắm độc hại này khiến lượng rác thải trong môi trường gia tăng đáng kể trong những năm trở lại gần đây, có tới 10,5 triệu tấn quần áo bị vứt bỏ hoặc tiêu huỷ mối năm. Trong số đó, chỉ chưa đầy 1% đó được tái chế thành quần áo mới. Số còn lại sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp sau đó đốt và thải ra lượng khí độc hại gây hiệu ứng nhà kính. Nếu nhu cầu thời trang nhanh tiếp tục gia tăng với tốc độ hiện tại, thì lượng carbon trên toàn cầu sẽ tăng đến 26% trước năm 2050. Lượng carbon tăng lên đáng kể như vậy có thể dẫn biến đổi khí hậu nghiêm trọng.
Đáng quan ngại hơn, thời trang nhanh đã rút ngắn tối đa quy trình sản xuất nhằm tối đa hoá lợi nhuận. Và tất nhiên, việc rút ngắn “vô tội vạ” này gây nên khủng hoảng lớn cho môi trường.
Polyester- loại sợi được sử dụng phổ biến nhất trong quần áo, được làm từ nhựa và không bao giờ bị phân hủy hoàn toàn, hiếm khi được tái chế, mất nhiều năm để phân hủy, gây hại tới động vật hoang dã.
Bên cạnh đó còn là vấn đề ‘lơ là“ trong việc xử lý chất thải. Đặt doanh thu, lợi nhuận lên hàng đầu, các nhà máy dệt cắt giảm bớt các khâu xử lý, xả thải trực tiếp nhiều chất độc hoá học xuống sông. Hơn thế còn giết chết các loài động vật dưới nước, bức tử các con sông, phá hủy môi trường sống của chúng mà còn khiến cho hàng tỷ người có nguy cơ thiếu nước sạch.
Không chỉ vậy, ngành công nghiệp thời trang nhanh còn bị lên án gay gắt bởi tính tàn phá và gây cạn kiệt nguồn tài nguyên.
Với mục đích tối đa hoá lợi nhuận, các doanh nghiệp sử dụng lượng vải khổng lồ được tổng hợp từ bột gỗ, các chất hoá học giá rẻ tràn lan khiến suy yếu trầm trọng nguồn tài nguyên đất, rừng. Ước tính có 2 tỷ chiếc quần jeans mỗi năm được ra đời trên thế giới, một chiếc cần tới 7.000 lít nước để sản xuất. Đối với áo thun, con số này là 2700 lít - tương đương lượng nước cần cho một người dùng trung bình trong 900 ngày. Có đến hơn 70 triệu cây xanh bị chặt phá mỗi năm để phục vụ cho ngành công nghiệp này.
Mẹ thiên nhiên thực sự đã khóc trước sự tàn phá của thời trang nhanh. Lượng rác thải từ thời trang đã đạt mức báo động với 350.000 tấn tại Anh, 10,5 triệu tấn tại Mỹ mỗi năm. Tại bãi rác lớn nhất thủ đô Accra của Ghana (một quốc gia Châu Phi) có tới 60% là rác thải quần áo. “Ngành may mặc là nơi gây ra ô nhiễm nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu hỏa” - hãng bán lẻ đồ sang trọng Eileen Fisher đưa ra nhận định. “Thảm họa Fukushima hóa chất” ở Indonesia chính là ví dụ tiêu biểu hơn bao giờ hết cho thấy sức công phá dữ dội của thời trang nhanh. Với hàng trăm nhà máy dệt hoạt động dọc bờ sông, dòng sông Citarum xấu số đã trở thành 1 trong những dòng sông ô nhiễm nhất thế giới. Những con số biết nói trên đã phần nào cho thấy hậu quả của sự đánh đổi đã đặt ra.
Cựu Cán bộ điều phối công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững, tổ chức phi chính phủ Việt Nam, Vũ Duy Thành cho biết: “Vấn đề cốt lõi nằm ở tư duy của từng cá nhân. Đủ tỉnh táo phân tích được mất, nhận thức được tầm ảnh hưởng của cá nhân mình với cộng đồng, với môi trường. Sự thay đổi này đòi hỏi một tiến trình nghiêm túc, kiên nhẫn và có sự tham gia một cách thực chất từ các bên liên quan, như vậy mới có thể tạo ra sự thay đổi bền vững từ nhận thức tới hành động.”
Kì 1 đề tài "Môi trường lên tiếng trước làn sóng thời trang hiện đại''. Đón đọc các kì tiếp theo tại trang thông tin điện tử Sóng Trẻ News.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.