Anh Sùng A Cải, một người con của vùng đất Yên Bái, đã dành trọn tâm huyết và nỗ lực suốt nhiều năm để thực hiện đam mê trồng 1 triệu cây xanh góp phần cải thiện môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Ấp ủ những khát khao và mong muốn này, người thanh niên 32 tuổi vẫn thường xuyên tổ chức các dự án trồng cây xanh trên nhiều tỉnh của Tổ quốc. Hành trình của chàng trai người Mông này là một câu chuyện đầy cảm hứng về tình yêu thiên nhiên và ước muốn phát triển kinh tế “xanh" giúp bảo vệ môi trường.
Sùng A Cải bắt đầu cảm nhận được sự cần thiết của việc trồng cây từ khi còn học cấp 2. Thời điểm này, quê hương Yên Bái của anh thường xuyên phải đối mặt với những trận lũ bão, lũ quét và sạt lở. Những thiên tai này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản mà còn khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2006, cả bản anh đã trải qua cảnh đói kém khi mùa màng bị mất trắng do thiên tai. Những ký ức về thời điểm đó, khi mỗi người trong gia đình chỉ có một gói mì tôm để sống qua ngày, đã khắc sâu trong tâm trí anh và trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ để anh tìm kiếm giải pháp bền vững cho vấn đề này.
Từ lớp 6, Sùng A Cải đã phải đi học xa nhà, sống trong các trường nội trú. Tại đây, anh nhận thấy rằng cây cối có thể là một giải pháp để giảm thiểu tác động của thiên tai. Theo anh, cây cối đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đất và nguồn nước, giúp giảm thiểu tác động của thiên tai. "Anh nghĩ có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiên tai ngày càng xảy ra khốc liệt hơn, trong đó nguyên nhân chính là do mưa lớn dài ngày trên đất dốc, đồi núi trọc và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho thời tiết diễn biến thất thường. Trồng cây là một trong những giải pháp khắc phục tốt nhất”, anh Cải chia sẻ.
Tuy nhiên, việc vận động mọi người trồng cây tại thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn. A Cải bộc bạch, người dân địa phương bấy giờ thiếu nguồn vốn, thiếu cây giống và kiến thức về việc trồng cây lâu năm. Họ chủ yếu trồng cây ngắn ngày để có thu nhập nhanh chóng, trong khi anh hướng tới việc trồng những loại cây lâu năm để vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển kinh tế bền vững. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Sùng A Cải vẫn không bỏ cuộc mà tự mình mua cây giống, vận động và thuyết phục người dân tham gia trồng cây.
Trong quá trình học đại học, anh quyết định biến việc trồng cây trở thành mục tiêu lâu dài của mình. Anh bắt đầu trồng cây và vận động mọi người cùng tham gia. Ban đầu, mọi người còn do dự và lo lắng về khả năng trồng và chăm sóc cây. Nhưng sau một thời gian, nhận thấy hiệu quả của việc trồng cây, anh và người dân trong bản đều rất vui mừng. “Một số gia đình đã bước đầu thu hoạch được từ những rừng cây mà họ trồng, vừa có sinh kế, vừa tái tạo lại môi trường.”, anh A Cải vui vẻ nói.
Sùng A Cải đã thực hiện nhiều dự án trồng cây như "Happy Sharing", "Ươm mầm trên rẻo cao", “Earth Green" và nhiều dự án nhỏ không tên khác. Từ những dự án cá nhân, anh đã trồng và vận động người dân trồng được hơn 900 nghìn cây xanh, hết năm nay, anh hy vọng sẽ đạt được mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh. Anh nhấn mạnh rằng điều quan trọng không chỉ là số lượng cây trồng mà còn là việc chăm sóc để cây rừng có thể phát triển lâu dài và mang lại lợi ích thực sự cho môi trường và cộng đồng.
Việc trồng cây nghe nhiều thì tưởng dễ nhưng cũng có không ít khó khăn. “Suốt 8 năm trồng cây, có những lúc vì khó khăn mà mình nản vô cùng. Một số khu đất trồng mãi không thành công và những cây mình trồng đôi khi bị chết khiến mình xót lắm”, anh Cải kể lại. Nhưng được sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè, anh vẫn kiên trì tiếp tục.
Theo lời chia sẻ, gia đình của anh ban đầu có phản đối gay gắt nhưng sau khi thấy sự tâm huyết của anh cũng ủng hộ và giúp đỡ anh trong việc trồng cây. Bố mẹ anh ban đầu lo lắng vì anh chọn trồng những cây gỗ lớn, có thể mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm để phát triển. Nhưng khi thấy anh kiên trì và tâm huyết, họ dần dần ủng hộ và giúp đỡ. Khi gặp những khó khăn về tài chính, anh thường dành học bổng của mình đạt được để mua cây giống và thực hiện các dự án trồng cây. Anh cũng tham gia nhiều cuộc thi để kiếm thêm chi phí cho đam mê này.
Với khát khao cao đẹp và nỗ lực của mình, Sùng A Cải đã nhận được nhiều giải thưởng như nhân vật của cuộc thi Sống đẹp lần 3 của Báo Thanh Niên, giải Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng năm 2022, giấy khen của huyện Đoàn Văn Chấn (Yên Bái)... Nhưng đối với anh, thành tựu lớn nhất là thấy đời sống của người dân được cải thiện và môi trường sống xung quanh được bảo vệ. Theo Sùng A Cải, ba yếu tố giúp anh tiếp tục ước mơ “phủ xanh" đồi trọc là sự quyết tâm, niềm vui tinh thần và động lực từ sự cải thiện đời sống của người dân. “Mỗi khi thấy người dân có bữa ăn đủ đầy hơn, mình cảm thấy mình đã đi đúng hướng và đó chính là động lực lớn nhất để mình tiếp tục hành trình này”, anh tự hào.
Với A Cải, trồng cây gây rừng là niềm đam mê anh đã theo đuổi anh từ khi còn nhỏ đến tận bây giờ. Anh chia sẻ rằng: “Trồng cây là một tâm nguyện của mình, mình muốn thông qua việc làm này để lại một giá trị nhỏ cho cuộc đời”. Rõ ràng, đây là một hành động tình nguyện tích cực đáng được lan tỏa tới nhiều người. A Cải vẫn lựa chọn hành động một cách âm thầm, lặng lẽ, không cần nhiều người biết đến, không cần nhiều sự trợ giúp, mặc dù có đôi lần anh cũng cảm thấy tủi thân, khó khăn.
Trong giai đoạn đầu, việc trồng cây gặp nhiều trở ngại. Kinh nghiệm chưa nhiều, nên trong tâm trí của chàng trai đam mê trồng cây vẫn tồn tại nhiều phân vân, nghi hoặc về chính bản thân mình. “Cái gì nhanh quá cũng không tốt”, A Cải lo sợ rằng khi lan tỏa hoạt động trồng cây đến nhiều người, anh sẽ không đủ khả năng quản lý và bảo đảm số lượng, chất lượng cây trồng. Anh cho rằng, nếu không thể quản lý và bao quát tốt, việc trồng cây tràn lan sẽ không đạt được mục tiêu lâu dài, cây lại dễ chết. “Khi trồng quá nhiều cây mà không rõ kiến thức về thuộc tính của cây hay không bảo đảm được điều kiện chăm sóc thì cây sẽ chậm phát triển hoặc tệ hơn là còi cọc và chết. Ví dụ cây quế là một trong tứ đại danh dược của Việt Nam và hiện nay được trồng tràn lan ở nhiều nơi. Nếu không hiểu rõ về đặc điểm sinh thái của cây quế sau này quế trưởng thành vỏ sẽ mỏng, ít dầu và giá trị kinh tế thấp.” – A Cải giải thích.
Chính vì lý do này, dù rất cần những người bạn đồng hành, A Cải vẫn lo ngại rằng mọi người chưa đủ tâm huyết, đam mê và ít nhiều vẫn ngại khó khăn, sẽ khó hoạt động lâu dài. Bởi vậy, anh quyết định đi những bước đầu tiên của dự án một mình, chậm mà chắc, với mong muốn bảo đảm từng cây trồng dù số lượng ít vẫn có điều kiện sống tốt và sự chăm sóc đầy đủ để tạo ra giá trị lâu dài. Niềm đam mê này được anh thầm lặng thực hiện trong suốt 5 năm.
Chứng kiến sự tâm huyết hằng ngày của A Cải, nhiều người bạn đã động viên và khuyên anh nên lan tỏa hành động tới nhiều người. Nhờ sự giúp đỡ tận tâm và những lời động viên của bạn bè, người thân xung quanh mình, chàng trai dân tộc Mông đã dũng cảm khuyến khích mọi người cùng trồng cây. Dần dần, anh liên tiếp thành lập những dự án trồng cây từ không tên tuổi tới có tên tuổi, với quy mô lớn nhỏ khác nhau. “Trộm vía, những lo lắng mà mình suy tư chưa xảy ra và mình rất hy vọng nó sẽ không bao giờ xảy ra” – A Cải cười. Hiện tại, cùng với sự hỗ trợ của những người bạn đồng hành, A Cải đang quản lý khá tốt các dự án trồng cây. Số lượng cây trồng từ khi bắt đầu một mình nay đã tăng lên nhanh chóng và gần đạt tới mục tiêu 1 triệu cây xanh.
Dù có những thành viên chỉ đồng hành trong một thời gian ngắn vì những lý do cá nhân, nhưng nhìn lại hành trình trồng cây cùng nhau, A Cải luôn biết ơn những nỗ lực của các thành viên và thấm thía sức mạnh của tập thể đã giúp dự án đạt được những thành tựu như hôm nay.
Với tổng diện tích đất khoảng 33 triệu ha (trong đó đất rừng chiếm khoảng 14 triệu ha), Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có mùa mưa và mùa khô rõ rệt, lại có đa dạng các loại đất khác nhau như đất phù sa, đất đỏ bazan, đất feralit,... Tất cả những đặc điểm này đều là điều kiện thuận lợi cho việc trồng những loại cây lâu năm. Cây lâu năm từ lâu đã là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho Việt Nam. Về mặt xã hội, các cây lâu năm là nguồn sinh kế chính cho hàng triệu hộ nông dân, góp phần mang lại các bản sắc riêng cho từng vùng miền. Về mặt môi trường, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và vùng đồi núi hiểm trở, cây lâu năm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giữ đất, điều hòa khí hậu và duy trì hệ sinh thái rừng. Vì vậy, cây lâu năm đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển bền vững của cả đất nước.
Nhờ những chính sách khuyến khích trồng cây gây rừng, diện tích cây lâu năm có phần tăng nhẹ qua các năm. Tuy nhiên, con số chỉ tăng khoảng từ 2 - 3%/năm. Do đó, việc trồng thêm những cây lâu năm là vô cùng cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững về mọi mặt của đất nước. Đây cũng là điều chàng thanh niên Sùng A Cải dành nhiều thời gian nghiên cứu và tìm hiểu.
Việc trồng cây lâu năm đòi hỏi thời gian dài và các quá trình chăm sóc tỉ mỉ nên gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu, A Cải bị nhiều người ngăn cản nhưng anh vẫn kiên quyết với suy nghĩ và lập trường của mình. Hàng ngày, anh vẫn đều đặn trồng kết hợp cây lâu năm và cây ăn quả ngắn ngày như: lim, quế, mỡ, keo, chuối, lá dong, thảo quả, sa nhân,.... Theo anh: “Trồng cây ngắn hạn với mục tiêu vài năm thu hoạch luôn thì giá trị cây mang lại sẽ thấp. Việc trồng những cây gỗ lớn, cây lâu năm có thể bây giờ chưa thu hoạch ngay được nhưng những cây này sẽ giúp phát triển lâu dài, thế hệ mai sau sẽ được hưởng thành quả. Bên cạnh đó, việc này còn định hướng đến việc phát triển du lịch sinh thái, phát triển giá trị cộng đồng và lúc đó người dân sẽ có ý thức bảo vệ rừng hơn”. Thông qua việc trồng cây lâu năm, Sùng A Cải muốn hướng đến xây dựng một hệ sinh thái cây xanh, nơi con người vừa sống hoà mình với thiên nhiên vừa có thể bảo tồn môi trường.
Về các dự định sắp tới, Sùng A Cải đặt mục tiêu ít nhất phải đạt được 30.000 cây tự trồng và 100.000 cây vận động người dân trồng trong năm nay. Anh chia sẻ, cũng trong năm nay, dự án sẽ bước đầu lên kế hoạch trồng cây tại các vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, A Cải đã và đang định hướng tái cơ cấu các dự án để phát triển song song các giá trị từ rừng và các giá trị liên quan đến đời sống con người. Những nguồn lợi thu được từ việc trồng cây, thu hoạch cây hoặc số tiền đóng góp từ các nhà hảo tâm sẽ được trích ra một phần để hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được đi học, ươm những “mầm non tương lai" vì tương lai phát triển của đất nước.
Hành trình của Sùng A Cải không chỉ là câu chuyện về việc trồng cây mà còn là những nỗ lực thiết thực cho việc phát triển cuộc sống bền vững cho thế hệ tương lai. Những nỗ lực của anh đã và đang góp phần bảo vệ môi trường, tạo nên sinh kế cho nhiều người dân tại các khu vực miền núi phía Bắc.“Mỗi người một cây” là khẩu hiệu mà chàng trai Sùng A Cải thường nói với mọi người. “Triệu người triệu cây, mỗi ngày một cây, 365 ngày 365 cây”, chàng trai người Mông ấy đã biến ước mơ thành hiện thực bằng sự kiên định và lòng nhiệt huyết, kết nối những trái tim cùng chung tay vì một tương lai xanh tươi hơn.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.