(Sóng trẻ) - Khi yêu thương cộng hưởng với định kiến và thiếu kiến thức, nhiều bậc phụ huynh vô tình hoặc cố ý tìm đủ cách chữa bệnh cho con em thuộc cộng đồng LGBT bằng nhiều hình thức khác nhau. Đằng sau những hành động "vì yêu thương" ấy, mầm mống rạn nứt gia đình đã bắt đầu, và nhiều bạn trẻ phải gánh chịu những hệ lụy đau đớn, cả về thể chất lẫn tinh thần.  

z5994933302663_8808b4783216cf57869f767a90e8ac31.jpg

“Ngày ấy, mẹ tôi liên lạc chì chiết từ hôm này qua hôm khác, nhẹ thì khuyên bảo, nặng thì dọa nạt. Bố tôi thì suốt ngày uống rượu, buồn bã, khóc vì tôi… ‘khác người’. Nếu tôi không chịu yêu con trai, gia đình sẽ từ mặt, coi như không có. Rồi nửa năm trôi qua tôi không về nhà…”

5.jpg
“Gã lang thang” Linh Hải Dương từng có một kí ức đẫm máu và nước mắt để được sống đúng với bản ngã trước khi có được hạnh phúc như hiện tại.

Đó là lời tự sự đẫm nước mắt của “Linh Hải Dương” - một người chuyển giới nam nhớ lại kí ức về những ngày đầu “come out” (tiết lộ xu hướng tính dục của bản thân) với gia đình. Song, đây không phải câu chuyện của riêng Linh mà là thực tế đầy cay nghiệt của bộ phận nhiều người thuộc cộng đồng LGBT khi bị chính người thân và gia đình kì thị, tìm mọi cách để chữa trị, làm họ “thoát khỏi” và “trở lại bình thường” bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trên thế giới, ước tính có khoảng 2-34% cá nhân thuộc cộng đồng thiểu số về giới và tính dục đã và đang phải trải qua những nỗ lực có tổ chức nhằm ngăn cản họ chấp nhận hoặc thể hiện bản dạng giới không trùng khớp với giới tính sinh học. Những phương thức này được gọi dưới nhiều tên khác nhau như "liệu pháp chữa trị chuyển đổi" (conversion therapy - CP), "nỗ lực thay đổi xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới" (SOGICE), hoặc "liệu pháp tái định hướng". Dù mang nhiều tên gọi, tất cả đều chung mục tiêu biến đổi bản chất con người, can thiệp vào quyền tự do định hình bản dạng và xu hướng tính dục vốn thuộc về cá nhân.

Một khảo sát với 15.611 người thuộc cộng đồng thiểu số tính dục ở Trung Quốc cho thấy khoảng 5.7% báo cáo từng được một chuyên gia y tế đề xuất hoặc điều trị. Tại Việt Nam, dù chưa có báo cáo đầy đủ về việc thực hành cưỡng chế xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới, nhưng các chuyên gia đều nhất trí đây là hiện tượng phổ biến (theo báo cáo của Viện ISEE). Cụ thể, cha mẹ Việt Nam được đánh giá là “thủ phạm” trực tiếp và gián tiếp gây ra các tổn thương lên con em thuộc cộng đồng LGBT. Điều này dẫn đến những hành vi như nhốt con trong nhà, cấm giao tiếp với người khác hoặc ép kết hôn theo chuẩn mực dị tính. 

z5994933289526_e3b04052bd4b5049eccd344ec3f1f533.jpg

Anh H. (28 tuổi, chuyển giới nữ, song tính) từng được phụ huynh đưa đi chữa trị tại một phòng khám với chẩn đoán bị “bệnh đồng tính”, H. nhớ lại: “Bố mẹ dẫn tôi tới một số phòng khám, bệnh viện thì có một chỗ, sau khi thăm khám sơ sài với vài nét viết nguệch ngoạc thì họ bảo là bình thường về mặt về mặt sinh lý, không có vấn đề gì cả. Khám không ra bệnh nhưng họ khẳng định rằng “đồng tính” chữa được và họ đã từng chữa thành công. ‘Thành công’ mà họ nói là một số người ngày xưa cũng đã từng như thế và bây giờ thì có vợ có con. Tôi nhận ra họ chẳng quan tâm đồng tính hay chuyển giới là gì, chỉ khẳng định là họ chữa trị được, và moi tiền bố mẹ tôi thế thôi.” 

Lược đồ tình hình kiểm soát liệu pháp chữa trị chuyển đổi (conversion therapy - CP) trên toàn thế giới. 

Tuy nhiên, theo Công văn 4132/BYT-PC năm 2022 về chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới, Bộ y tế khẳng định không coi đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) là một bệnh, không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này. Chế định là một chuyện, nhưng thực tế lại là chuyện khác khi nhiều gia đình lầm tưởng rằng đồng tính, song tính hay chuyển giới là một "rối loạn" cần được chữa trị. Nhiều bậc cha mẹ, do thiếu kiến thức và bị ảnh hưởng bởi các quan niệm xã hội lạc hậu, vẫn ép con cái mình tham gia các phương pháp "điều trị" không có cơ sở khoa học. Họ đưa con đến các cơ sở y tế với hy vọng "chuyển đổi" xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của con, bất chấp việc điều này gây tổn hại nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe của người trong cuộc. 

z5994933290026_0968282cb6c4e5fb3ff313740a4690f0.jpg
Một bệnh viện tâm thần hàng đầu vẫn tự hào về việc "chữa trị" xu hướng đồng tính, cho rằng nhiều người nhầm lẫn về giới tính của mình. Điều này cho thấy không chỉ có cha mẹ, mà cả các tổ chức xã hội cũng có thể là “đồng phạm" trong việc can thiệp vào xu hướng tính dục của con trẻ.

Một số phụ huynh còn tin rằng việc con mình thuộc cộng đồng LGBTIQ+ là do lệch lạc về tâm linh. Dựa trên niềm tin tôn giáo, họ xem đây như là một hình phạt từ tổ tiên hoặc lời nguyền từ chúa trời. Một số tôn giáo tại Việt Nam vẫn còn cái nhìn tiêu cực về cộng đồng này, nên những nỗ lực “thay đổi bản dạng giới” như trừ tà hoặc làm lễ đổi vận vẫn có thể diễn ra nhưng chưa được ghi nhận đầy đủ. 

Với mục tiêu nhằm "chuyển hóa" xu hướng tính dục hay bản dạng giới, các hình thức tâm linh mê tín dị đoan này thường khoác lên mình lớp vỏ thần bí của nghi lễ tôn giáo, xem bói, trừ tà, hay sử dụng các sản phẩm thiêng liêng. Người thực hiện có thể là các thầy cúng, pháp sư hay những người được cho là sở hữu năng lực siêu phàm, luôn được kỳ vọng sẽ tác động đến cõi vô hình và thay đổi bản chất con người.

Đây là câu chuyện của P. khi lần đầu come out với bố mẹ, ngay lập tức P. được đem đi trừ tà, bởi bố mẹ chị cho rằng con gái bị “ma ám”. “Từ lời giới thiệu của một người họ hàng cuồng tín, bố mẹ biết mình mời một bà pháp sư đến làm lễ. Tất cả chỉ để có thể khiến mình trở nên bình thường, hoặc là uốn nắn lại cái xu hướng tính dục của mình”, P. ngậm ngùi. 

Việc cầu viện thế giới tâm linh như thể niềm tin cuối cùng, đặc biệt khi ý niệm về tôn giáo và những giá trị thiêng liêng đã in sâu vào nhận thức người Việt Nam. Năm 27 tuổi, cùng với P., H.V.K (chuyển giới nữ, đồng tính nam) - một người trong cộng đồng thuộc dân tộc Thái, cũng được mẹ dẫn tới gặp thầy cúng. 

K. nhớ lại: “Một ngày mẹ bảo đi cùng đến chỗ này, chở đến nơi thì mới biết đó là gặp một thầy bói. Ông thầy xem tử vi, bát tự sinh thần, rồi lên đồng hay làm một nghi lễ gì đó. Sau đó, ông ấy bắt đầu vẽ bùa và làm phép lên lá bùa. Trong lúc xem bát tự, thầy hỏi mẹ về mong muốn, và mẹ nói rằng: "Cháu nó không thích con gái, làm sao để thích con gái?"

Sau khi làm phép, ông thầy yêu cầu mẹ K. mang lá bùa về và đốt để cho con  uống, đồng thời dặn rằng năm sau quay lại. Trước đó, K. đã đi "đốt bùa" hai lần, đến lần thứ ba thì chỉ làm phép. Theo K. chia sẻ, mẹ chị đã đưa đi gặp nhiều thầy khác nhau, phải đến 2-3 người. Lần nào bà cũng hỏi tương tự: "Sao từ trước đến giờ cháu không có bạn gái" và nhờ thầy làm phép giúp. Cứ sau mỗi chuyến “gặp thầy”, hai mẹ con lại bay cả triệu bạc tiền cúng dường, chưa kể tiền mua thuốc đau bụng sau mỗi lần “uống bùa”. 

Theo khảo sát của Viện ISEE, ngoài can thiệp y tế và lợi dụng tâm linh, thực tế người đồng tính phải trải qua nhiều hơn hai hình thức “trị bệnh”. Các hình thức phổ biến của hành vi này bao gồm: thuyết phục cưỡng ép, kiểm soát hành vi và đe dọa bằng lời nói. Khái niệm cưỡng ép “ngầm” từ cha mẹ được minh hoạ rõ nét hơn qua việc ám chỉ đến các giá trị truyền thống và mong muốn của gia đình, tạo thêm áp lực về trách nhiệm nối dõi tông đường và sự chấp nhận của xã hội. 

Chị T. (25 tuổi, phi nhị nguyên giới, đồng tính nữ) cũng từng bị bố cưỡng ép như vậy. “Vào khoảng thời gian lúc mình học năm nhất đại học, mình bắt đầu mặc áo phông, bỏ hết váy, và mình bắt đầu để tóc [undercut] cạo hết một nửa đầu. Phản ứng từ bố mẹ rõ nhất mà mình có thể thấy được, đó là bố mình cứ nhắc đi nhắc lại về một hình tượng người phụ nữ chuẩn nhất đối với bố là như thế nào. Đó là một người con gái để tóc dài, phải nết na dịu dàng, và thân hình phải mảnh mai. Thân hình của mình không được mảnh mai, tóc cũng không dài, thời gian đầu mình khá bị tổn thương bởi điều đấy”, T. cho biết.

z5994933289477_e5966afa388a40fc839ac3fac15015fb.jpg

 

6.jpg

 

Các nghiên cứu tại Canada và Mỹ đã cho thấy rõ những hậu quả tiêu cực lâu dài của các liệu pháp “chuyển đổi giới tính” đối với cộng đồng LGBTQ+. Kết quả cho thấy, so với những người không trải qua các liệu pháp này, những ai từng trải qua liệu pháp chuyển đổi có xu hướng tự kỳ thị và cảm thấy tiêu cực về bản dạng giới của mình, đồng thời có mức độ trầm cảm và ý định tự tử cao hơn. Đặc biệt, thanh thiếu niên và người trẻ đã qua các liệu pháp này có khả năng tự tử cao gấp đôi người bình thường. 

Đối với người chuyển giới, phi nhị nguyên giới và đa dạng giới ở Trung Quốc, các thực hành chuyển đổi bản dạng giới (GICP) được cho thấy có mối liên hệ với nguy cơ gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần, ý định và hành vi tự sát, và sử dụng chất kích thích. Tại Hàn Quốc, khoảng 9.3% người thuộc cộng đồng thiểu số tính dục đã từng được khuyên nhưng chưa trải qua nỗ lực thay đổi xu hướng tính dục, trong khi đó 2.5% đã trải qua điều trị chuyển đổi giới  bằng can thiệp y tế. Cả hai nhóm này đều có khả năng báo cáo tiền sử các triệu chứng trầm cảm và nỗ lực tự sát cao hơn so với những người chưa từng. 

Dù chưa có thống kê nhưng tại Việt Nam, thực tế nhóm PV đã ghi nhận khả năng tự tử xuất hiện nhiều lần trong câu chuyện của các nhân vật được phỏng vấn. Sau mỗi lần bị mẹ đưa đi gặp thầy làm phép, ý nghĩ tự tử lại lóe lên trong đầu H.V.K. Chị cho biết bản thân vài lần muốn nhảy cầu, cùng vô số lần tự cứa dao lam vào tay để tự giải thoát. Mỗi lần như thế, chỉ đến khi máu rỉ đẫm trên sàn nhà kèm theo cơn đau day dứt buốt óc, chị mới dừng lại. “Có một cái cầu gần nhà, và lúc đi ngang qua em chỉ muốn điên lên rồi nhảy xuống thôi. Em thật sự cảm thấy như chẳng ai hiểu mình, chẳng ai lắng nghe mình. Em chỉ nghĩ đến việc phải làm thế để được giải thoát, để cắt đi nỗi đau trong lòng mình”, K. kể. 

Cưỡng chế “chữa đồng tính” không chỉ để lại những tác động tâm lý đau đớn cho các cá nhân tại thời điểm tiếp xúc mà còn để lại nhiều hậu quả lâu dài. Anh N.H.H (22 tuổi, phi nhị nguyên giới, toàn tính) sau một thời gian dài “đối đầu” với gia đình, đã mắc phải nhiều triệu chứng căng thẳng cả về tâm lý lẫn sinh lý. Nhiều đêm dài quằn quại với từng cơn tăng nhu động ruột, trào ngược axit khiến cuộc sống của H. hoàn toàn đảo lộn. 

“Đến khi được người thân chấp nhận, mình những tưởng đã được tự do, nhưng không… Vài khoảnh khắc không thở nổi vì đột ngột sợ hãi hoặc lo lắng cao độ, nhớ lại khoảnh khắc đấy là mình lại vật vã. Đến giờ vẫn vậy, nhất là mỗi lần stress. Đi khám thì mình bị chẩn đoán mắc thêm vài bệnh về tiêu hóa”, H. nghẹn ngào.

Cũng từng muốn tự tử sau mỗi cuộc cãi vã với mẹ, anh Linh “Hải Dương” may mắn hơn khi ý nghĩ này chỉ đến 1 lần và may mắn thoát ra kịp, anh kể: “Anh đã từng muốn tự tử, một lần duy nhất trong đời anh muốn tự tử. Mẹ anh tổng động viên, liên lạc mỗi ngày nói anh "phải thay đổi". Đến ngưỡng, anh mang dao vào nhà vệ sinh định cứa tay nhưng em gái và người yêu phát hiện nên không có chuyện gì xấu xảy ra.”

z5994933300361_86c5a33696ac7c902dada2e07fe01a03.jpg

Các nạn nhân tuy có câu chuyện, hoàn cảnh và hệ quả sau mỗi lần “chữa bệnh” khác nhau, nhưng tựu chung, họ đều từng ít nhất một lần gặp gián đoạn về chính xu hướng tính dục và bản dạng giới của chính mình. Nhiều người trong số họ từng nghi ngờ chính bản thân, rằng liệu mình có thuộc cộng đồng LGBT hay không khi các tác nhân trong - ngoài dồn dập liên tục: từ cha mẹ, thầy cô, đến cả những người bạn thân thiết. 

Về mặt kinh tế, những tác động của liệu pháp chuyển đổi lên sức khỏe tinh thần và hiệu suất làm việc có thể khiến mỗi cá nhân chịu thiệt hại lên đến 83.366 đô la Mỹ suốt đời, cùng với việc mất đi 1,61 năm chất lượng sống. Do những tác động tiêu cực liên quan đến chuyển đổi chữa trị, nhiều hiệp hội quốc gia và quốc tế như Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ 5 (2009), Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (2020), và Liên Hợp Quốc (2020) đã đưa ra tuyên bố phản đối việc tiếp tục thực hiện hành vi vô nhân tính này. 

Hành trình vượt qua nỗi đau của các nạn nhân liệu pháp chuyển đổi là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với xã hội. Những tổn thương sâu sắc và toàn diện về tâm lý, mất mát về chất lượng sống và cả thiệt hại kinh tế là cái giá quá đắt cho một phương pháp phản nhân đạo. Khi các hiệp hội y khoa và nhân quyền hàng đầu trên thế giới đã chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX, điều đó phản ánh một trách nhiệm chung – rằng đây không chỉ là câu chuyện của cộng đồng LGBT mà còn là của cả xã hội.

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN