Từ ngàn đời nay, dân tộc ta luôn gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp. Trong đó, ngày giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất, thể hiện lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với các vị Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

Vào ngày này, người dân từ mọi miền Tổ quốc cùng hướng về Đền Hùng - nơi thờ cúng Vua Hùng - để dâng hương tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân. Đền Hùng, tọa lạc tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, được coi là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn và lâu đời nhất.

Chia sẻ với phóng viên Sóng trẻ, bạn Đinh Thị Hoài Linh (19 tuổi, sinh viên trường Đại học Thương Mại) bày tỏ niềm tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Tổ. Hơn thế, bạn cũng rất nhiều lần may mắn được hòa mình vào không khí thiêng liêng của Lễ hội Đền Hùng của quê hương mình. 

Hoài Linh cho biết, mỗi lần đặt chân tới đền Hùng, điều đọng lại trong ký ức của cô bạn là không khí và tinh thần của người dân nơi đây. “Điều tuyệt vời nhất của ngày lễ là tinh thần của mọi người từ già, trẻ hay gái, trai đều vui vẻ, thích thú tham quan trải nghiệm và khám phá lịch sử của đất nước. Bên cạnh đó, không gian của cảnh vật, núi rừng và các lăng đền toát lên vẻ uy nghiêm khiến mình cảm thấy rất tự hào”, Hoài Linh giải thích thêm. 

Đối với Linh, ngày giỗ Tổ tại đền Hùng không chỉ là những ký ức đáng nhớ, mà đó còn là niềm tự hào quê hương. Khi Lễ hội diễn ra, Hoài Linh có mong muốn được trở về cũng như rủ những người bạn mới của bản thân đến với quê hương mình tham quan, trải nghiệm những hoạt động văn hoá giải trí, các di sản văn hoá ở vào những ngày lễ lớn như hôm nay.

Hòa chung không khí thiêng liêng ấy, ở khắp các địa phương trên dải đất hình chữ S, ngày giỗ tổ Hùng Vương cũng được tổ chức long trọng và trang nghiêm. Tại các đền, chùa, các khu di tích lịch sử đều tấp nập người dân đến tưởng niệm và tri ân sâu sắc với tổ tiên của mình.

Ở Hà Nội, người dân Thủ đô bày tỏ lòng thành kính với các bậc cha ông bằng việc dâng hương lễ chùa. Mặc dù trời mưa dày hạt nhưng tại chùa Trấn Quốc (Tây Hồ), người dân vẫn diện áo dài đến thắp hương, vãn cảnh từ sớm. 

Chung không khí đó, trên thế giới, những người con xa quê cũng không khỏi bồi hồi khi đến dịp đặc biệt này. Bạn Nguyễn Đức Anh (hiện là du học sinh đang sinh sống và học tập tại Cộng hòa Liên bang Đức) chia sẻ rằng ngày giỗ Tổ với bạn vẫn là một ngày lễ linh thiêng. “Đó là ngày mà mọi người tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nhìn ngắm quê hương và các hoạt động dân gian qua màn hình nhỏ, mình có đôi chút tiếc nuối và nhớ về quê hương”, Đức Anh xúc động bày tỏ.

Với du học sinh Đức, việc ghi nhớ những ngày lễ lớn, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc khi xa quê là một biểu hiện đẹp của đạo lí "Uống nước nhớ nguồn". “Vì chưa có điều kiện trở về quê hương nên đây cũng là một cách thích hợp để mình tôn vinh và tri ân sự đóng góp của tổ tiên cũng như tất cả những người đã làm nên nền văn hóa, lịch sử của chúng ta”, Đức Anh cho hay.

Năm nay, ngày nghỉ Lễ giỗ Tổ Hùng Vương rơi vào giữa tuần nên kỳ nghỉ của học sinh, sinh viên và các cán bộ, công nhân viên chức chỉ gói gọn trong 1 ngày. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ khó có thể trở về quê hương. Tuy nhiên, lí do này không làm cản trở những tâm tư, suy nghĩ vẫn luôn hướng về quê cha, đất Tổ của các bạn. 

Là một người con đất Tổ sinh sống và học tập xa quê, bạn Nguyễn Đỗ Yến Nhi (sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) luôn bày tỏ niềm tự hào về quê hương Phú Thọ, nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Yến Nhi tâm sự ngày giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm gợi lại trong bạn nhiều cảm xúc. “Mình luôn yêu mảnh đất mang nhiều ý nghĩa lịch sử này và thấy thật may mắn khi được sinh ra tại đây. Dù hiện tại đang sống xa quê nhưng lúc nào tớ cũng nhớ về ngày giỗ Tổ, nhớ về Phú Thọ”.

Giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày lễ thiêng liêng, trọng đại của dân tộc Việt Nam tổ chức nhằm tưởng nhớ các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Cho đến ngày nay, bằng nhiều cách thể hiện khác nhau, thế hệ trẻ vẫn tiếp tục lưu giữ những nét đẹp văn hóa ấy, tiếp nối truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân ta bao đời nay.

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN