(Sóng trẻ) - 3 năm trước, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân ra đời với sứ mệnh trao cho người khuyết tật, người tự kỷ cơ hội học tập và phát triển một cách bình đẳng. “Xây dựng một mô hình học tập hạnh phúc suốt đời chính là tâm niệm của tôi”, chị Đào Thanh Hoàn, Nhà sáng lập kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Ngọc Ân bộc bạch.

Cứ 7 giờ sáng hằng ngày, tại Khu đô thị An Hưng, Quận Hà Đông (Hà Nội), liên tục có những chuyến xe đặc biệt đưa đón những đứa trẻ đặc biệt đến một trường học cũng đặc biệt không kém. Không phải cha mẹ, chính các thầy, cô giáo mới là người đồng hành trên chặng đường đến trường mỗi buổi sáng cùng các em - những đứa trẻ tự kỷ, khuyết tật. Điểm dừng của “cuộc hành trình” thường nhật này là Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân - một “ngôi trường” hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật có cơ hội hồi phục và tìm được việc làm phù hợp với khả năng.

Tìm đến Trung tâm Ngọc Ân, chúng tôi mang theo hy vọng có thể hiểu hơn và đóng góp được một điều gì đó tới một mô hình giáo dục dành cho những đối tượng bị “bỏ quên” trong xã hội: trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật. Gặp mặt và trao đổi với chị Đào Thanh Hoàn, Nhà sáng lập kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Ngọc Ân, chúng tôi được nghe chị chia sẻ những câu chuyện xoay quanh địa điểm này. Hỏi ra mới biết, chính hoàn cảnh gia đình đã thúc đẩy chị thành lập nên một ngôi nhà cho những đứa trẻ bất hạnh.

Gia đình chị Đào Thanh Hoàn (Ảnh: NVCC)
Gia đình chị Đào Thanh Hoàn (Ảnh: NVCC)

Chị Hoàn cho biết, người con trai thứ của mình bị tự kỷ. Hơn 10 năm trước, chị muốn tìm một nơi để con mình có thể học tập và phát triển, nhưng để tìm được một môi trường giáo dục chuyên biệt phù hợp là điều không hề dễ dàng.

“Tôi trăn trở nhiều và tự nhận thức bản thân phải có trách nhiệm tạo ra một không gian cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Sẽ không gò bó như một lớp học bình thường, mà là một nơi cho các em đến sinh hoạt và phát triển về lâu dài. Xây dựng một mô hình học tập hạnh phúc suốt đời chính là tâm niệm của tôi”, chị Hoàn tâm sự.

Được đến trường có lẽ đã trở thành một điều “hiển nhiên” với những đứa trẻ bình thường. Tuy nhiên, với những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ và rối loạn phát triển, đây là ước mơ có phần xa vời, huống chi là được hạnh phúc và hưởng các quyền lợi khác. Tâm huyết ngày một lớn dần, chị Hoàn mang theo nó trên hành trình tất bật qua lại Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia để tìm hiểu các thủ tục thành lập một trung tâm nhỏ cho riêng mình, nói đúng hơn là cho cậu con trai mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.

Trước đây chị đã dành nhiều năm nghiên cứu về tâm lý trẻ tự kỷ để tìm ra cách thức, phương pháp giáo dục con đúng đắn, hiệu quả. Với những nghiên cứu ấy, cộng thêm chuyên môn về quản lý giáo dục mầm non, quản lý kinh tế, quản trị nguồn nhân lực, chị gầy dựng Ngọc Ân dần trở thành một địa điểm hoạt động tích cực trong việc giáo dục trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật và mang “tiếng thơm” là một trung tâm có uy tín đối với phụ huynh.

Cái tên Ngọc Ân ra đời từ đó, mang sứ mệnh viết tiếp ước mơ cho những đứa trẻ kém may mắn.

Trên hành trình tìm hiểu và khám phá tâm lý của người con trai thứ, chị ấp ủ dự định xây dựng một kế hoạch học tập phù hợp với lứa tuổi của các em và quyết tâm dành nỗ lực tối đa để tìm kiếm những tư duy còn sót lại cho con và cho cả những đứa trẻ bất hạnh. Chị nghiên cứu và triển khai mô hình giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ và người khuyết tật tại Trung tâm Ngọc Ân.

Tuy nhiên, theo chị Hoàn, điều kiện tiên quyết nằm ở chính các bậc phụ huynh. “Tôi mong những người làm cha, làm mẹ hiểu đúng tình trạng con em mình và chấp nhận rằng đứa trẻ đó không bình thường. Khi đó mới có thể can thiệp sớm với niềm hy vọng mang lại cuộc sống bình thường cho con”, chị Hoàn bộc bạch. Nếu họ không dám thừa nhận con mình bị mắc chứng rối loạn phát triển hoặc chỉ chấp nhận sự thật đau lòng này khi đã quá muộn, sẽ rất khó để những đứa trẻ có thể phục hồi và phát triển bình thường sau này. 

Cô giáo tận tình chỉ bảo em học sinh trong “lớp học” 1-1 (Ảnh: Ngọc Thanh)
Cô giáo tận tình chỉ bảo em học sinh trong “lớp học” 1-1 (Ảnh: Ngọc Thanh)

Chị Hoàn chia sẻ, từ 18 tháng đến 6 tuổi là thời điểm can thiệp hiệu quả nhất đối với các bạn rối loạn phổ tự kỷ. Qua 6 tuổi, khi các nơ-ron thần kinh đã phát triển, hội chứng này sẽ trở thành một dạng khuyết tật. Khi đó chỉ có thể duy trì chứ khó để các em trở lại bình thường. Do đó, công tác tuyên truyền xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cha mẹ về trẻ bị rối loạn phát triển là vô cùng quan trọng.

Khi cha mẹ đồng ý chuyện can thiệp sớm, chị Hoàn suy nghĩ đến vấn đề làm sao để họ tin tưởng giao con cho mình. Chị Hoàn chứng minh chất lượng giáo dục của Trung tâm bằng chuyên môn và đạo đức của các chuyên gia, thầy cô trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, tâm lý học và công tác xã hội đang đồng hành cùng chị và Ngọc Ân. Để gặp được họ, chị cho đó là hai chữ “nhân duyên”. Biết được Trung tâm hoạt động nghiêm túc, họ liên hệ với chị Hoàn, bày tỏ mong muốn cống hiến và đưa ra một mô hình giáo dục đặc biệt chuẩn chỉ nhất. 

“Đương nhiên cái gì cũng phải xuất phát từ hai phía. Các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế về giáo dục, còn tôi sẽ tận dụng khả năng về quản lý của mình để định hướng xây dựng một mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện hoàn chỉnh”, chị Hoàn bày tỏ. 

Tuy nhiên, mức độ thành công của việc can thiệp sớm lại là một câu chuyện khác. Bên cạnh những đứa trẻ được can thiệp sớm và đã hòa nhập được trở lại với xã hội, vẫn còn nhiều em kém may mắn hơn. Gia đình và Trung tâm dù rất chuyên tâm, đầu tư thời gian và cả tài chính vào việc can thiệp sớm, nhưng sau đó các em vẫn không thể đi học được bình thường, không biết đọc, không biết viết. Đau đáu và day dứt, chị Hoàn vẫn miệt mài tìm ra giải pháp, quyết không để các em bị bỏ lại phía sau.

Tâm sự với chúng tôi, chị Hoàn cho biết, các cô giáo ở đây sẽ thường xuyên bị các học sinh “bắt nạt” nếu không có sự “rắn” mặt và độ từng trải. “Làm cái nghề này, thật ra thương các cô lắm. Ai mà tỏ ra sợ sệt sẽ bị trẻ hung hãn bắt nạt ngay, thậm chí là tác động vật lý. Các cán bộ, giáo viên ở đây vừa có phương pháp giáo dục đặc biệt, vừa có khả năng xử lý tình huống tốt thì mới có khả năng xử lý và trị liệu cho các em. Thương con rồi, tôi thương cả những người dạy con”, chị Hoàn bộc lộ niềm cảm thông với những “người lái đò” đặc biệt tại Trung tâm. 

Cũng từ đó, chị mong muốn tạo nên một cơ sở giáo dục đặc biệt chuẩn chỉ về hồ sơ giấy phép, về cơ sở pháp lý, đặc biệt là về chế độ đãi ngộ, đào tạo phát triển của các thầy cô. Tất cả tạo thành khối đại đoàn kết để trao yêu thương trọn vẹn đến người yếu thế. Đó là tâm nguyện của chị Hoàn cho Trung tâm Ngọc Ân.

Cán bộ can thiệp dạy đếm cho các em (Ảnh: Ngọc Thanh)
Cán bộ can thiệp dạy đếm cho các em (Ảnh: Ngọc Thanh)

Ở Trung tâm Ngọc Ân, điều đầu tiên các cô giáo dạy cho những đứa trẻ khuyết tật, tự kỷ là cách kiểm soát cảm xúc cá nhân. Tùy vào mức độ phát triển, các em được phân chia kèm cặp 1 - 1 hay tham gia nhóm học tập với nhiều thành viên hơn. Các cô giáo tổ chức nhiều hoạt động như tập thể dục, tô màu… tạo ra không gian vừa học vừa chơi, cũng là để rèn luyện và hình thành kỹ năng cho các em.

Tuy có nhiều cơ hội mới, song Ngọc Ân vẫn là ưu tiên đối với chị Hoàn. Chị hy vọng sẽ xây dựng mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện này ngày càng chuyên nghiệp hơn và tiếp tục cống hiến nhiều giá trị cho xã hội. “Động lực làm việc không biết mệt mỏi của tôi chính là quyết tâm tạo ra lợi ích xã hội và giá trị tốt nhất cho những người yếu thế, làm sao để họ có được môi trường học tập suốt đời, và môi trường ấy, phải là môi trường hạnh phúc”, chị Hoàn bộc bạch.

 

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN