Đối lập với những tấm lòng vàng luôn dang tay giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn là những cá nhân, tổ chức cố tình tích trữ áo phao và các nhu yếu phẩm cần thiết nhằm trục lợi khi nhân dân sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”.
Theo ghi nhận của PV Sóng Trẻ, hiện nay giá áo phao trên thị trường dao động từ 45.000 - 60.000 đồng và có 6 size tương ứng với từng hạng cân. Tuy nhiên khi lũ lụt hoành hành tại các tỉnh miền Bắc, nhu cầu tìm mua áo phao bắt đầu tăng mạnh. Tình trạng khan hiếm áo phao xảy ra khi các xưởng sản xuất không đáp ứng kịp. Từ đó, mức giá 90.000, 135.000 VNĐ, thậm chí là 200.000 VNĐ đã xuất hiện “nhan nhản” và tạo nên nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận.
11 giờ đêm ngày 12/9, nhóm PV Sóng Trẻ theo chân Đoàn từ thiện của anh Trần Hữu Hợi (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) tới một quán tạp hóa được cho là xuất hiện tình trạng “thổi giá” áo phao tại xã Đông Phong (Yên Phong, Bắc Ninh). Khi được hỏi, bà D. (chủ quán tạp hóa) không ngần ngại đưa ra mức giá là 1.000.000 VNĐ cho 5 chiếc áo phao (tức 200.000 VNĐ/chiếc), tăng gần gấp 4 lần so với giá trên thị trường.
Dù đoàn từ thiện đã trình bày rõ mục đích mua để đi cứu trợ đồng bào đang ngập lụt tại Bắc Giang nhưng đáp trả lại là thái độ dửng dưng của bà chủ quán tạp hóa. Thậm chí sau khi nhận được câu hỏi tại sao giá áo phao lại tăng cao đột ngột như vậy, bà D. lập tức phản ứng mạnh, khẳng định xung quanh khu vực này chỉ còn mình bà có hàng, nếu không mua cũng khó tìm thấy ở chỗ khác.
Áo phao là “cần câu cơm” đối với gia đình bà D. nhưng nó cũng chính là chiếc “phao cứu sinh” duy nhất đối với đồng bào bà con đang vật lộn ngày đêm trong mưa lũ. “Không ai đưa dao hay súng ép bạn mua, cũng không ai bắt đoàn chúng tôi 11 giờ đêm phải đi gom đồ nhưng tất cả mọi người đều tự nguyện làm vì nghĩa tình đồng bào. Thật sự, tôi đã đứng hình khi thấy những người chung một nước, chung một miền lợi dụng cảnh hoạn nạn của nhau để trục lợi. Nếu không muốn hoặc chưa có khả năng hỗ trợ thì cũng nên bán đúng giá. Không có tình nghĩa cũng phải có đạo đức kinh doanh”, anh Hợi, trưởng Đoàn thiện nguyện chia sẻ.
Không những “thổi giá”, nhiều cá nhân, tổ chức còn cố tình đầu cơ tích trữ áo phao, tạo ra sự khan hiếm trên thị trường nhằm nâng khống giá lên cao gấp nhiều lần so với bình thường. Chị Nguyễn Phúc An (32 tuổi, Ninh Bình) sau khi nhận thấy tình hình mưa lũ có nhiều diễn biến phức tạp đã quyết định ra các quán tạp hóa gần nhà mua áo phao phòng trừ bất trắc.
Chấp nhận mua áo phao với giá cao nhưng chị An lại nhận về cái kết không thể ngờ tới. Cụ thể, khi tới mua áo phao tại một quán tạp hóa thuộc đường Nam Thành, phố Phúc Trung (phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), chị An và phía chủ quán tạp hóa đã đồng ý giao dịch 440.000 VND cho 4 chiếc áo phao size người lớn, (tức 110.000 VND/chiếc). Tuy nhiên khi chuẩn bị chuyển khoản, phía chủ quán đã từ chối bán vì lý do vừa nhận được tin nhắn có khách đặt sỉ số lượng lớn với mức 100.000 VND/chiếc để đi cứu trợ. Tưởng chừng câu chuyện đã đi đến hồi kết nhưng phía chủ quán lại “thổi giá” lên 150.000 VND/chiếc và “nhử” chị An mua hàng.
Sau khi thẳng thừng từ chối đề xuất trên, chị An tâm sự về câu chuyện “mua hụt” áo phao của mình: “Bản thân tôi sẵn sàng nhường áo phao cho bà con đang ở vùng bị ngập lụt vì hoàn cảnh gia đình tôi chưa thật sự cần thiết. Nhưng vấn đề tôi bức xúc là phía tạp hóa có đủ số lượng để cung cấp cả bán sỉ và lẻ, nhưng vẫn cố thổi giá áo phao để bán lẻ lấy lãi. Trong khi đó, mức giá đầu tiên 110.000 VND/chiếc tôi chấp nhận mua cũng không phải con số nhỏ. Tôi cảm thông vì hiện tại số lượng áo phao đang khan hiếm nhưng cũng không nên biết tâm lý người dân như vậy để hét giá đến mức vô lý, đẩy người khác vào đường cùng ngõ cụt”.
Cũng từ khi áo phao trở thành “của hiếm” được mọi nhà săn đón, hàng loạt chiêu trò lừa đảo đã ra đời. Điển hình là việc nhiều người tự nhận có xưởng sản xuất áo phao, sau đó kinh doanh qua mạng với giá rẻ hơn thị trường. Ở mức độ đơn giản nhất, nhóm đối tượng này sẽ yêu cầu khách hàng cọc trước và biến mất sau khi nhận tiền. Tinh vi hơn, chúng sẽ cung cấp mã QR để thanh toán qua một đường link giả mạo, khiến người mua bị mất toàn bộ số tiền đang có trong tài khoản ngân hàng.
Không từ bất kỳ một thủ đoạn nào, lũ sâu mọt ấy sẵn sàng chà đạp lên xương máu đồng bào, biến lòng tốt và những nghĩa cử cao đẹp của nhân dân trở thành công cụ để thỏa mãn tham vọng vật chất tầm thường.
Trục lợi chưa hết “nóng”, “phông bạt” lại lên ngôi. Trong những ngày tháng đồng bào miền Bắc đang rất cần sự chung tay góp sức để vực lại cuộc sống thì trên mạng xã hội lại bày ra những bài toán khắc nghiệt về lòng người.
Không ai có nghĩa vụ phải từ thiện, nên thật khó để cảm thông cho những người bị “áp lực” phải từ thiện cho người yếu thế. Và cũng không biết từ bao giờ, nghĩa cử cao đẹp ấy lại trở thành cuộc đua “phông bạt” để đánh bóng tên tuổi cá nhân.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tung toàn bộ 12.028 trang sao kê số tiền 527,8 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ lên mạng xã hội. Bước đi không ai ngờ tới này khiến nhiều cá nhân, tổ chức bị bóc trần có hành vi khai khống, cố tình “phông bạt” bằng cách chỉnh sửa thêm nhiều số “0” vào biên lai chuyển tiền.
Khoảng cách từ chuyển khoản tới sao kê xa đến đâu tùy thuộc vào mức độ “phông bạt” của từng cá nhân, tổ chức. Có thể từ 10 nghìn “hô biến” thành 100 triệu, 500.000 nghìn che số thành 500 triệu hay 1 triệu “photoshop” thành 20 triệu. Mỗi người có một phương thức khác nhau nhưng đều hướng về một mục đích chung đó là làm màu.
Việt Anh Pí Po, TikToker sở hữu 1,3 triệu người theo dõi là một trong số ít nghệ sĩ dám xin lỗi và thừa nhận "phông bạt" tiền từ thiện. Cụ thể, anh thừa nhận bản thân đã sai và chấp nhận bị chỉ trích khi chuyển khoản từ thiện 1 triệu đồng tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng trước đó lại công bố ảnh chụp màn hình giao dịch (đã che số tiền chuyển khoản) giống như hàng chục triệu đồng.
Nguyễn Phương Thảo (22 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội), một fan cứng của Việt Anh Pí Po tâm sự: “Hơn 3 năm mình theo dõi, Việt Anh PiPo luôn xây dựng hình tượng một người trẻ sống cống hiến, sáng tạo những nội dung (content) lan tỏa năng lượng tích cực về tình yêu động vật nên chưa bao giờ mình nghĩ anh sẽ “phông bạt”. Ý nghĩ đầu tiên của mình sau khi sự việc bung bét đó là: Hóa ra, sự nổi tiếng vẫn nặng hơn hai chữ đồng bào”.
Theo tôi, không hẳn là như vậy. Về bản chất, nam TikToker sinh năm 1995 có chuyển khoản tiền ủng hộ, nhưng sự “phông bạt” nảy sinh khi anh chàng có tâm lý muốn nhận nhiều hơn những thứ mà mình cho đi. Cho nên, sống “phông bạt” không khó vì muốn nhận nhiều hơn những gì cho đi là tâm lý của con người nhưng dám sống đúng, sống thật với giá trị mà mình mang đến cho cộng đồng mới là điều đáng nể.
Cầu sinh cung. Nhu cầu “phông bạt” kéo theo các dịch vụ fakebill (làm giả hóa đơn chuyển khoản) mọc lên như nấm. Bảng giá đa dạng, phương thức đơn giản, chỉ cần 2 phút là bạn có thể sở hữu chiếc bill “trong mơ” của mình. Đáng nói, các dịch vụ này không hề “khom lưng, luồn cúi” mà ngang nhiên hoạt động, tổ chức mua bán trên các hội nhóm Facebook.
Luật sư Lê Hồng Hiền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Trong nhiều trường hợp, người trực tiếp photoshop (chỉnh sửa) để làm giả giấy tờ và người sử dụng tài liệu đó đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, trong từng trường hợp cụ thể, hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, hành động trên có dấu hiệu vi phạm nghị định 15/2020/NĐ-CP về việc cung cấp, chia sẻ những cái thông tin sai sự thật lên trên mạng xã hội. Mức xử phạt về hành vi này đối với cá nhân là từ 5-10 triệu đồng và tổ chức là từ 10 - 20 triệu đồng”.
Yagi đi qua, thứ để lại là một “màn kịch” bi hài về tình người. Những bộ mặt "xấu xí" thường ngày ẩn dưới lớp mặt nạ, khoảnh khắc hoạn nạn đã được phô bày trọn vẹn. Đáng buồn hơn đáng trách nếu chỉ vì một bộ phận “con sâu làm giàu nồi canh” mà hình ảnh đồng bào Việt Nam ta bị xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Ai trong chúng ta đều tồn tại phần “tối” lẫn “sáng” nhưng tôi hy vọng tình thương của bạn đủ lớn để chiến thắng sự ích kỷ của bản thân, để thắp lên “phần sáng”, đẩy lùi “phần tối” trong người mình những lúc đồng bào hoạn nạn.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.