(Sóng trẻ) - Đây là lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Kiều Oanh - chủ nhân căn nhà trọ 0 đồng. Nơi đây, đã trở thành điểm tựa san sẻ bớt nhọc nhằn, lo toan cho những bệnh nhân tại bệnh viện K Tân Triều. 

Từ Tâm Đường - căn nhà trọ 0 đồng của chị Oanh nép mình trong con ngõ 4 Cầu Bươu, thuộc xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội), cách bệnh viện K Tân Triều khoảng 800m. Không thu phí, không đặt ra bất kỳ điều kiện nào, ai cần giúp, chị Oanh đều sẵn lòng. Chị chỉ mong rằng nơi đây có thể giúp những bệnh nhân và người nhà vơi đi gánh nặng cơm áo, an tâm điều trị. 

PV: Xin chào chị Kiều Oanh, cảm ơn chị đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn. Thưa chị, lý do vì sao chị quyết định mở nhà trọ không đồng này?

Nguyễn Thị Kiều Oanh: Ban đầu, tôi có ý định mở một bếp ăn từ thiện. Khi đến Bệnh Viện K, chứng kiến cảnh người nhà bệnh nhân hay những người bệnh chờ kết quả vạ vật khắp nơi: ghế đá, gầm cầu thang, hành lang... không có chỗ nghỉ, nhìn cảnh ấy, tôi thương lắm. Tôi chợt nghĩ: “Phải có một nơi để họ tạm nghỉ, lấy lại sức mà tiếp tục chiến đấu với bệnh tật”.

Bản thân tôi cũng từng đồng hành cùng bố mẹ trong hành trình chữa bệnh – bố tôi đã mất vì ung thư, mẹ mới mổ thận năm ngoái. Tôi hiểu rõ hơn bao giờ hết nỗi khổ của người bệnh và người thân họ. Khi vào viện, ai cũng đứng giữa ranh giới mong manh: một là chữa được, hai là không. Người giàu đã khổ vì bệnh, người nghèo càng khổ hơn vì vừa bệnh vừa thiếu tiền.

Vậy nên, tôi không chỉ muốn chia sẻ về kinh tế, mà còn muốn tạo ra một nơi để mọi người có thể san sẻ, động viên lẫn nhau. Mong rằng nơi này sẽ giúp họ được tiếp thêm động lực, năng lượng để chiến đấu với khó khăn, bệnh tật. 

Dù bận rộn, chị Oanh vẫn luôn dành thời gian xuống khu trọ trò chuyện, động viên bệnh nhân (Ảnh: Ngọc Quyên)
Dù bận rộn, chị Oanh vẫn luôn dành thời gian xuống khu trọ trò chuyện, động viên bệnh nhân. (Ảnh: Ngọc Quyên)

PV: Việc mở nhà trọ 0 đồng có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn. Vậy chị đã duy trì và quản lý nhà trọ 0 đồng như thế nào?

Nguyễn Thị Kiều Oanh: Khi tôi quyết định mở nhà trọ này, mọi thứ đều bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất từ sơn nhà, dán tường cho đến sửa sang các đồ dùng sinh hoạt. Chỉ khi thật sự cần thiết, tôi mới thuê thợ, còn lại tất cả đều do chính tay tôi thực hiện. Điều này giúp tôi tối ưu hoá kinh phí, vì tôi không muốn chi thêm những khoản không thực sự cần thiết.

Về việc quản lý nhà trọ, tôi không đặt ra quy định nào, mà tin vào ý thức của mỗi người ở đây. Nhà trọ này dành cho những ai thực sự cần, vì vậy, tôi luôn tin rằng mọi người sẽ tự giác bảo ban, giúp đỡ nhau trong “ngôi nhà” chung. Ban đầu, điều kiện của nhà trọ khá đơn giản, chỉ có chiếu nằm và chăn gối đơn giản. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ và hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, tôi đã dần dần bổ sung thêm đệm và các vật dụng thiết yếu để cải thiện không gian sống cho mọi người.

Tôi cũng ý thức được rằng mô hình này chưa thể lâu dài, vì căn nhà này không thuộc sở hữu của tôi. Nếu chủ nhà quyết định bán, tôi sẽ phải tìm phương án khác. Hiện tại, tôi vẫn cố gắng duy trì mô hình này, bởi để tìm được một địa điểm vừa gần bệnh viện, vừa thoải mái cho mọi người là điều không hề dễ dàng. Dù vậy, tôi vẫn mong có thể duy trì và phát triển một nơi như thế này trong tương lai để giúp đỡ những người khó khăn. 

PV: Với nhà trọ miễn phí, chắc hẳn sẽ có nhiều người mong muốn được ở lại. Nếu có người muốn ở lại thêm vài ngày so với dự định ban đầu hoặc có người xin vào khi phòng đã kín chỗ, chị sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Nguyễn Thị Kiều Oanh: Tôi không quan trọng thời gian mọi người ở lại lâu hay ngắn ngày. Mọi người cứ ở đây đến khi nào khỏi bệnh thì thôi. Ai cần giúp, tôi đều sẵn lòng. 

Có hôm đêm khuya 2 giờ sáng, tôi nhận được cuộc gọi từ một người bạn: "Chị ơi, em thấy cô chú đang lang thang ngoài đường không có chỗ ở, liệu họ có thể về nhà trọ chị nghỉ tạm không?". Tôi không ngần ngại trả lời: "Được, em cứ chở họ về đây, ngày mai tính sau". Đối với tôi, bất cứ ai cần giúp đỡ đều có thể tìm đến.

Tuy nhiên, cũng có những cuộc gọi tôi phải từ chối. Đó là cuộc gọi từ những người không phải bệnh nhân, chỉ muốn đến ở để tiết kiệm chi phí. Tôi không thể thu tiền từ họ bởi vì điều này không phù hợp với mục đích của tôi. Hay có lần, một người mẹ vừa sinh con xong, muốn đến ở đây, tuy rất thương họ nhưng tôi phải từ chối vì điều kiện ở đây không phù hợp để mẹ con có thể chăm sóc nhau tốt. Hơn nữa, việc trẻ nhỏ quấy khóc sẽ ảnh hưởng đến những bệnh nhân khác vốn đang cần yên tĩnh để điều trị. Tôi đã phải nói với họ: "Em có thể ở một hai hôm, nhưng lâu dài thì không được, chị xin phép từ chối”. 

Nếu số lượng người ở quá đông, tôi cũng không thể nhận thêm được, vì không gian không cho phép. Mỗi giường chỉ có thể nằm từ một đến hai người. Mặc dù có những giới hạn như vậy nhưng mà tôi vẫn luôn cố gắng hết mình để giúp đỡ những ai thực sự cần.

PV: Chị đã bao giờ gặp phải trường hợp người mình giúp đỡ lại lợi dụng lòng tốt của mình? 

Nguyễn Thị Kiều Oanh: Lúc mới làm thiện nguyện, tôi gặp một số trường hợp giả danh bệnh nhân, kể khổ để được nhận giúp đỡ. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, vì nếu kêu gọi cho một trường hợp không đúng sẽ ảnh hưởng đến những người thực sự khó khăn. 

Trước đây, tôi đã từng bị lừa bởi người tôi cho ở nhà trọ 0 đồng này. Ban đầu, tôi chỉ muốn kết nối mạnh thường quân với người cần giúp đỡ, nên có lần đã đăng số tài khoản và điện thoại của họ sau khi nghe câu chuyện họ chia sẻ. Nhưng sau đó, tôi phát hiện họ đã không sử dụng số tiền đó để chữa bệnh. Sau khi  cắt liên lạc với tôi, họ tự tìm cách tiếp cận mạnh thường quân để xin thêm tiền. Khi nhận ra vấn đề, tôi lập tức đăng thông báo dừng kêu gọi và xóa toàn bộ bài viết liên quan. Tôi không biết họ đã nhận được bao nhiêu tiền nhưng sau lần đó, tôi càng cẩn trọng hơn.

Sau lần trót dại ấy, tôi quyết định không đứng ra kêu gọi nữa mà để mạnh thường quân tự đến tìm hiểu, tự quyết định sẽ giúp đỡ ai. Đó là bài học lớn với tôi trong hành trình làm thiện nguyện. 

PV: Là một người hoạt động từ thiện, nhưng đồng thời cũng kinh doanh, chị có sợ rằng người ta nghĩ chị làm mô hình này để “lấy danh trục lợi”? 

Nguyễn Thị Kiều Oanh: Tôi không quan tâm người ta nghĩ gì về mình. Tôi làm những gì tôi thấy đúng, thấy ý nghĩa. Nhân quả sớm muộn cũng sẽ đến với những ai làm từ thiện với mục đích xấu. Tôi không sợ gì khi mình làm đúng, dù trước đây nhiều người phản đối tôi, nói tôi "hâm", "điên" thậm chí nặng lời là "thần kinh". Họ cho rằng việc tôi mang người bệnh về sẽ lây bệnh, không an toàn,...Nhưng tôi vẫn kiên định không bận tâm ai nói gì.

Tôi không làm điều này để tìm kiếm lợi ích cá nhân. Tôi không nhận tiền của ai, chỉ muốn giúp đỡ những người gặp khó khăn, đồng thời lan tỏa hành động ý nghĩa này. Hy vọng những người có điều kiện sẽ tiếp nối để giúp đỡ được nhiều người hơn nữa. 

Nếu có mạnh thường quân muốn giúp đỡ các bệnh nhân đang ở nhà trọ của tôi, tôi luôn nói rằng: “Hãy đến trực tiếp thăm bệnh nhân, hỏi han và giúp đỡ họ”. Đôi khi chỉ là lời hỏi thăm hay một ít bánh, hoa quả, đó cũng là sự giúp đỡ. Tôi không có nhu cầu làm gì để đánh bóng hay tạo dựng hình ảnh, tôi chỉ làm những gì tôi cảm thấy đúng đắn và cần thiết.

PV: Có người cho rằng: “Bởi vì chị có tiền nên mới luôn sẵn sàng, dễ dàng giúp đỡ mọi người; còn những người khác không phải ai cũng có tiền để làm giống như chị”. Chị nghĩ như thế nào về điều này? 

Nguyễn Thị Kiều Oanh: Nếu ai đó bảo rằng: “Có tiền mới có thể giúp đỡ người khác”, vậy tôi muốn nhấn mạnh rằng đó là một sự “hiểu lầm lớn” về từ thiện. Cái tôi trao đi không chỉ là vật chất mà còn là tình cảm, sự quan tâm, chân tình từ trái tim. Một người giàu cho một hũ vàng, cũng như một người nghèo cho một hũ muối. Từ thiện không chỉ cho vật chất, đôi khi sự kết nối, những lời yêu thương, an ủi, chia sẻ chân thành với nhau cũng chính là từ thiện. 

Đối với nhà trọ hiện tại, ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là chia sẻ một phần chỗ ở của mình cho những hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, khi nhận được sự biết ơn từ mọi người, tôi mới nhận ra rằng việc mình làm thực sự có ý nghĩa. Những tình cảm chân thành ấy khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc và càng tin rằng mình đã đưa ra quyết định đúng đắn. 

Nếu bạn không có điều kiện để giúp ai đó trực tiếp, chỉ cần bạn là cầu nối giúp người đó tìm được sự trợ giúp, bạn đã làm từ thiện một cách vô cùng quý giá. Hãy sống tốt, làm điều tốt, đó chính là từ thiện!

PV: Với niềm vui, hạnh phúc nhận được từ mô hình này, liệu chị có tiếp tục thực hiện dự án/ hoạt động từ thiện nào khác trong tương lai?

Nguyễn Thị Kiều Oanh: Chia sẻ thực lòng, nhà trọ 0 đồng này là nền tảng để tôi từng bước kết nối, học hỏi và hướng đến ước mơ lớn - mở viện dưỡng lão miễn phí. 

Xuất phát từ tuổi thơ khó khăn, năm 9 tuổi, gia đình tôi bị lừa, tị nạn bên Trung Quốc. Không có thức ăn, không có nước uống, bố mẹ thường xuyên đau ốm, tôi dắt em nhỏ đi ăn xin để gia đình có cái ăn qua ngày. Khi nhận được sự giúp đỡ từ người xa lạ, tôi không chỉ cảm nhận được niềm hạnh phúc mà còn khắc sâu trong lòng sự biết ơn. Chính vì vậy, tôi luôn mong muốn khi có điều kiện sẽ mở viện dưỡng lão bởi người lớn tuổi, họ không còn khả năng lao động.

Tôi hy vọng nếu có điều kiện thì viện dưỡng lão này sẽ hoàn toàn miễn phí. Nếu không có nhà tài trợ, mô hình sẽ được chia thành 2 khu: một khu dành cho những người có điều kiện, một khu hỗ trợ những người khó khăn. Những người có điều kiện hơn sẽ đóng phí để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không có ai chăm sóc.

Mọi điều tôi làm hôm nay đều xuất phát từ những gì tôi đã trải qua. Tôi tin rằng mỗi người khi nhận được sự giúp đỡ, lòng biết ơn sẽ tạo ra sức mạnh để tiếp tục lan tỏa yêu thương. Trung tâm dưỡng lão chính là cách tôi thực hiện tâm nguyện đó. 

PV: Sau một hành trình dài trải qua nhiều biến cố như vậy, nếu được dùng 2 từ để miêu tả trọn vẹn hành trình này, chị sẽ dùng từ gì? 

Nguyễn Thị Kiều Oanh: “Hạnh phúc!”

Tôi luôn mong rằng, qua những việc làm của mình, các con sẽ nhìn vào và tự hào về mẹ. Các con của tôi cũng sẽ học được rằng khi làm việc tốt, không cần mong đợi sự trả ơn, mà cuộc đời sẽ tự mở ra những cơ hội giúp đỡ và kết nối. Ngoài ra, tôi còn muốn lan tỏa một thông điệp: Khi bạn cho đi, không phải lúc nào bạn cũng nhận lại điều gì ngay lập tức. Nhưng bạn sẽ nhận được những giá trị tinh thần, phước đức, những điều quý giá mà tiền bạc không thể mua được. 

Nhân duyên trong cuộc sống là điều không thể lý giải hết được. Từ khi tôi bắt đầu làm những việc này, cuộc sống của tôi trở nên suôn sẻ hơn. Tôi không còn gặp những “người xấu”, mà luôn gặp được những người tích cực, lạc quan. Bây giờ đi đến đâu dường như tôi cũng có người quen, đi đến tỉnh nào cũng được nhận được những lời mời đến nhà chơi, ... thành ra tự nhiên có thêm người thân, người quen khắp nơi. 

Tôi hy vọng rằng những việc tôi làm sẽ truyền cảm hứng đến nhiều nhà hảo tâm. Họ sẽ tạo ra những mô hình thực tế giúp đỡ được nhiều mảnh đời. Đôi khi, không cần phải xây dựng những công trình khang trang, chỉ cần một ngôi nhà nhỏ, đơn giản nhưng ấm áp. Điều đó cũng đã đủ để giúp đỡ những người cần. Chúng ta đâu cần phải phô trương, chỉ cần làm được những việc nhỏ bé nhưng giá trị là đủ!

Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ!

 

 

 

 

 

 

 

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN