(Sóng trẻ) - Được biết đến như "nữ hoàng linh trưởng", voọc chà vá chân nâu đại diện cho sự đa dạng sinh học và là biểu tượng của sự bảo tồn môi trường. Tuy nhiên, tình trạng bảo tồn loài vật này đang đối diện với nguy cơ báo động do sự suy giảm diện tích sống và hoạt động săn bắt, buôn bán bất hợp pháp.
Khi có dịp ghé thăm Vườn quốc gia Cúc Phương, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp hùng vĩ của khu rừng – nơi không chỉ giữ được nét hoang sơ vốn có mà còn trở thành ngôi nhà chung của nhiều loài động thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Dọc theo tuyến đường chính, chúng tôi được lắng nghe những câu chuyện thú vị và đầy cảm xúc từ các hướng dẫn viên – những kiểm lâm viên tận tâm của Vườn quốc gia Cúc Phương. Càng đi sâu vào khu rừng, vẻ đẹp kỳ bí của thiên nhiên nơi đây càng khiến chúng tôi thêm say mê. Những "bảo vật" mà Cúc Phương gìn giữ đưa chúng tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, đặc biệt là hình ảnh voọc chà vá chân nâu – một biểu tượng độc đáo – cùng câu chuyện về số phận mong manh của chúng, để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng khó quên.
Trong cuộc trò chuyện với các chuyên gia tại đây, hình ảnh những cá thể voọc chà vá chân nâu bị thương, thậm chí không ít trường hợp tử vong do săn bắn, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nhiều cá thể may mắn được cứu hộ nhưng không còn khả năng trở lại môi trường tự nhiên. Thực trạng đáng báo động này là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về việc cấp thiết phải bảo vệ loài “nữ hoàng linh trưởng” nói riêng và động vật hoang dã nói chung tại nước ta.
Ở ngoài tự nhiên, loài này được dự đoán là sẽ bị suy giảm quần thể hơn 50% trong vòng 35 năm đến trong vòng 3 vòng đời sinh sản (mỗi vòng đời sinh sản khoảng 10-12 năm) bởi sự suy giảm về diện tích vùng sống và nạn săn bắt, buôn bán bất hợp pháp.
Báo cáo cập nhật từ Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (FFI) cho biết, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã nâng mức đe dọa của loài chà vá chân nâu lên Cực kỳ Nguy cấp, do những mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với sự tồn tại của loài này trong tự nhiên. Tại Việt Nam, Sách đỏ đã xếp loài này ở mức Nguy cấp (EN), và theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, voọc chà vá được xếp vào Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB, nghiêm cấm săn bắt, buôn bán dưới mọi hình thức.
Theo chân các bộ Vườn Quốc gia Cúc Phương, chúng tôi được nghe những câu chuyện đầy ám ảnh về số phận bi thương của các loài linh trưởng, đặc biệt là voọc chà vá chân nâu. Hình ảnh những cá thể bị thương do trúng đạn, bị cụt tay, cụt chân vì dính bẫy của "những kẻ săn mồi", và không bao giờ có thể trở về với rừng xanh đã để lại nỗi đau khó nguôi trong lòng mỗi người chứng kiến.
“Tham gia cứu hộ động vật hoang dã nhiều lần, tôi thực sự cảm thấy những loài vật này rất đáng thương. Có những cá thể bị cụt chân, cụt tay, và khi được cứu hộ, chúng gần như không còn cơ hội để trở về tự nhiên, mãi mãi phải sống trong điều kiện nuôi nhốt,” ông Phạm Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn Quốc gia Cúc Phương, chia sẻ đầy xúc động về những lần thực hiện cứu hộ.
Theo báo cáo “Lựa chọn bảo tồn trước sức ép từ phát triển: Trường hợp Voọc chà vá chân nâu trên Bán đảo Sơn Trà,” các mối đe dọa lớn đối với việc bảo tồn voọc chà vá chân nâu đến từ các dự án phát triển làm thu hẹp diện tích rừng đặc dụng và những bất cập trong chính sách quản lý, bảo vệ rừng. Thêm vào đó, áp lực từ gia tăng dân số, nạn mất rừng do thiên tai, cháy rừng, và vi phạm lâm luật cũng làm suy giảm đáng kể quần thể loài. Đáng nói, tuy được xếp vào loại “Cực kỳ nguy cấp” trong Danh lục Đỏ của IUCT, hoạt động buôn bán bất hợp pháp các loài này vẫn diễn ra ở mức báo động.
Thống kê từ Tổ chức Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho thấy, từ tháng 1/2010 đến tháng 12/2020, hệ thống theo dõi tội phạm động vật hoang dã đã ghi nhận 80 vụ bắt giữ với tổng cộng 684 cá thể voọc chà vá. Trong đó, voọc chà vá chân đen chiếm tới 82% với 46 vụ (560 cá thể), voọc chà vá chân xám bị bắt 10 vụ (69 cá thể), và voọc chà vá chân nâu bị bắt 20 vụ (50 cá thể). Những con voọc không xác định loài chiếm 1% với 5 cá thể trong 5 vụ bắt giữ.
Mặc dù Chính phủ nhiều quốc gia đã ban hành hàng loạt quy định nghiêm ngặt, bao gồm lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã và hình phạt tù dành cho các hành vi vi phạm, hoạt động này vẫn tiếp diễn một cách ngang nhiên vì lợi nhuận khổng lồ. Con đường buôn bán bất hợp pháp này bắt nguồn từ các tỉnh miền Nam và miền Trung Việt Nam, nơi gần với các khu vực phân bố chính của nhiều loài động vật hoang dã. Từ đây, các loài bị săn bắt và buôn bán trái phép được vận chuyển ra phía Bắc, qua biên giới Trung Quốc, nơi giá trị của chúng tăng cao đáng kể khi được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.
Một trong những trung tâm lớn của hoạt động này là tỉnh Bình Phước, miền Nam Việt Nam, nằm sát biên giới Campuchia và cách Khu Bảo tồn Đa dạng Sinh học Seima không xa. Tại miền Trung, các tỉnh Kon Tum và Gia Lai được xem là "điểm nóng" buôn bán của cả ba loài voọc chà vá, trong đó voọc chà vá chân nâu chủ yếu có nguồn gốc từ Khu bảo tồn quốc gia Nakai-Nam Theun (Lào) và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Việt Nam). Ở miền Bắc, Hà Nội trở thành một hành lang thương mại quan trọng, kết nối với các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng và dẫn đến biên giới Trung Quốc.
Hàng loạt phương thức tinh vi để đưa thú rừng “vượt biên” đã diễn ra phức tạp thông qua các đường dây vận chuyển lắt léo, ma mãnh. Nguồn thú rừng sau khi được tuồn lậu qua các cửa khẩu, lại tiếp tục được các con buôn phân phối “độc quyền” bằng xe khách, xe tải,... để đưa tới các nhà hàng, bàn nhậu trên cả nước, thậm chí là cả nước ngoài. Họ hoàn toàn phớt lờ mọi cảnh báo về sự hủy hoại môi trường, nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật được ghi nhận trong Sách đỏ, cũng như coi thường luật pháp và sự nguy hiểm của chính mình để thực hiện những hành vi man rợ.
Sự tồn tại của “thế giới ngầm” tàn sát động vật hoang dã là một tội ác không thể chối cãi, nhưng đáng buồn thay, nó lại được thúc đẩy bởi sự tiêu thụ vô trách nhiệm của một bộ phận người tiêu dùng. Trong thời kỳ chiến tranh, các loài động vật hoang dã, bao gồm cả voọc chà vá chân nâu, từng bị biến thành "bia tập bắn" để luyện súng cho quân đội (Nguồn: The Time is Now: Survival of the Douc Langurs of Son Tra, Vietnam). Ngày nay, cuộc sống của chúng vẫn không yên ổn khi liên tục bị săn bắn để phục vụ các mục đích như làm thuốc truyền thống, ngâm rượu, làm cảnh, hay lấy da nhồi bông.
Ông Đỗ Đăng Khoa, Cán bộ Chương trình cứu hộ linh trưởng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, cho biết: "Khi săn bắt các loài linh trưởng, người dân sẽ bắn các bạn linh trưởng bố mẹ để làm dược phẩm, dược liệu; còn các bạn nhỏ sẽ làm thú cưng."
Đáng chú ý, không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào khẳng định hiệu quả chữa bệnh từ các bộ phận của voọc chà vá chân nâu. Theo ông Hoàng Quốc Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh: "Theo văn hóa của một số cộng đồng, họ cho rằng voọc có giá trị dược liệu, tăng cường sức khỏe nên bắt về ngâm rượu. Nhưng quan điểm này hoàn toàn sai lầm, loài voọc không có giá trị gì về dược liệu."
Cùng quan điểm này, trong cuốn Từ điển Động vật và Khoáng vật làm thuốc, TS. Võ Văn Chi đã chỉ rõ: Người ta săn bắn voọc để lấy thịt làm thực phẩm, lấy xương nấu cao như các loại cao khỉ; mà công dụng của cao khỉ nếu so với cao trăn, cao hổ cốt, cao ban long… thì độ oai phong, lẫm liệt kém xa. Rõ ràng, những quan niệm sai lầm về tác dụng của voọc hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Các thông tin như “não voọc bài thải độc tố” hay “bào thai voọc giúp cải lão hoàn đồng” chỉ là lời đồn đại vô căn cứ. Thậm chí, những hành vi dã man như mổ bụng, lột da voọc khi chúng còn sống để “tăng hiệu quả” là minh chứng rõ ràng cho sự tàn bạo của con người đối với loài vật này.
Có thể nói “thế giới ngầm” giết hại động vật hoang dã chính là tội ác nhưng sự tiêu thụ vô trách nhiệm của một bộ phận người tiêu dùng cũng không thể nằm ngoài tội ác này. Trong thời kỳ chiến tranh, rất nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có những loài voọc chà vá chân nâu vô tội bị biến thành bia tập bắn để luyện súng cho quân đội (Nguồn: The Time is Now: Survival of the Douc Langurs of Son Tra, Vietnam). Những quan niệm sai lầm này không chỉ đe dọa sự tồn vong của loài mà còn vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Trong cuốn Từ điển Động vật và khoáng vật làm thuốc, TS. Võ Văn Chi ghi: “Người ta săn bắn voọc để lấy thịt làm thực phẩm, lấy xương nấu cao như các loại cao khỉ; mà công dụng của cao khỉ nếu so với cao trăn, cao hổ cốt, cao ban long… thì độ oai phong, lẫm liệt kém xa.” Rõ ràng, thông tin không hề có những đoạn “khen” rằng bào thai, não, thịt xương của voọc có tác dụng bài thải độc chất hay cải lão hoàn đồng, như người ta đồn đại và tin tưởng. Văn bản càng không có đoạn đề cập đến chuyện muốn dùng voọc cho tốt thì phải lột da róc thịt, mổ bụng lấy bào thai lúc con vật còn sống… như lâu nay người ta vẫn xuống tay một cách bạo tàn với dòng giống loài voọc. Những quan niệm sai lầm này không chỉ đe dọa sự tồn vong của loài mà còn vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Hiện nay, trước tình trạng nguy cấp, nhiều chương trình bảo tồn voọc chà vá chân nâu đã được triển khai. Voọc chà vá đã được bảo vệ ở Việt Nam kể từ khi luật bảo vệ động vật đầu tiên được ban hành vào năm 1992 (số 18 HDBT). Hiện nay loài này được bảo vệ ở mức cao nhất theo Nghị định 06/2019 ND-CP-Nhóm IB. Săn bắn, buôn bán, quảng cáo và chiếm hữu cá nhân là vi phạm pháp luật và bị xử phạt theo Nghị định Bộ luật Hình sự 35/2019/ND-CP và Bộ luật Hình sự (số 100/2015/QH13, được sửa đổi bởi số 12/2017/QH14).
Thương mại quốc tế cũng bị hạn chế bởi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Voọc chà vá chân nâu còn được liệt kê trong Phụ lục I CITES, một danh sách bao gồm các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. Việc buôn bán các loài trong danh sách này cần có giấy phép đặc biệt để vận chuyển xuyên biên giới các bộ phận cơ thể (ví dụ như mẫu để nghiên cứu khoa học) hoặc các cá thể còn sống (ví dụ cho mục đích nhân giống để bảo tồn).
Đóng vai trò then chốt trong việc nghiên cứu và bảo tồn voọc chà vá chân nâu, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) thực hiện nhiều hoạt động như nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và vận động chính sách để bảo vệ loài linh trưởng này.
Về vấn đề y tế, bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng bày tỏ rõ ràng sự quan tâm
Ngoài bán đảo Sơn Trà, voọc chà vá chân nâu còn được ghi nhận tại nhiều khu bảo tồn và vườn quốc gia trải dài từ Nghệ An đến Kon Tum. Cụ thể, loài này được ghi nhận tại các Vườn quốc gia như Pù Mát (Nghệ An), Cúc Phương (Ninh Bình), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Bạch Mã (Huế), Sông Thanh (Quảng Nam), Chư Mom Ray (Kon Tum) và các khu bảo tồn thiên nhiên như Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Đăk Krong (Quảng Trị), Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị), Sao La (Quảng Nam), Ngọc Linh (Kon Tum), Bà Nà – Núi Chúa và nhiều khu rừng đặc dụng khác ở Quảng Nam.
Xem chi tiết 3 kỳ tại đây:"Nữ hoàng linh trưởng" trước nguy cơ tuyệt chủng
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.