(Sóng trẻ) - Bên cạnh công việc cộng tác viên online, sinh viên còn là nguồn nhân lực tiềm năng nằm trong mạng lưới của nhiều hệ thống công ty dược phẩm. Không qua đào tạo bất cứ một trường lớp nào về y dược, nhưng họ vẫn tự tin nhấc máy và tư vấn cho hàng nghìn bệnh nhân tiểu đường.
Nếu như vị trí cộng tác viên online biến sinh viên thành “con mồi”, thì những sinh viên làm công việc như “thầy thuốc điện thoại” lại là “người đi săn”. Công việc mang lại nguồn thu nhập khủng nhưng lại nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân. Khi đảm nhận vị trí, sự việc không chỉ nằm ở vấn đề đạo đức mà đã chạm đến ranh giới của pháp luật.
Bạn N.T.N.H là sinh viên năm nhất của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn tại Hà Nội. Sau thời gian học trên trường, vì còn khá nhiều thời gian rảnh nên H đã tìm kiếm công việc làm thêm nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt. Đang là sinh viên, chưa có nhiều kinh nghiệm và chỉ có thể làm việc bán thời gian nên khi tình cờ nhận được thông tin tuyển dụng vị trí chăm sóc khách hàng của công ty NutriZaBet, H cảm thấy đây là một công việc rất phù hợp với mình.
Theo lời H, sau khi vượt qua vòng phỏng vấn, H được phân vào một nhóm nhỏ có vài chục người. Ngoài ra, H được biết có rất nhiều nhóm nhân viên khác lên đến hàng trăm người, nhóm nhân viên của H chỉ thuộc dạng cấp thấp nhất.
Khi làm việc ở đây, các nhân viên ở mọi giới tính, mọi độ tuổi đều trở thành “dược sĩ” có chuyên môn cao. Những sản phẩm của công ty này được gắn mác Đông y, lành tính và an toàn cho sức khỏe. Mặc dù loại sữa chỉ có tác dụng hỗ trợ, nhưng trong quá trình quảng cáo và tiếp thị, người tư vấn phải liên tục nâng tầm công dụng của sản phẩm để nhiều khách hàng lầm tưởng đây như một loại thuốc có thể chữa bệnh tiểu đường.
“Chỉ cần đối phương nhấc máy, bọn mình sẽ liên tục nói như một 'cái máy' về công dụng thần thánh của thuốc. Trước hết là vài câu hỏi về tình trạng của bệnh nhân, mình hỏi tạo cảm giác yên tâm cho người ta thôi chứ thực ra mình cũng không nắm bắt được các triệu chứng. Sau đấy, mình sẽ nhìn vào kịch bản có sẵn về các loại thuốc như: không phải tiêm, không có tác dụng phụ, rất nhiều người sử dụng và đã khỏi bệnh,...” H chia sẻ.
Sau khi thấy bệnh nhân “bùi tai”, các nhân viên sẽ tìm cách bán hàng số lượng lớn, đủ sử dụng từ 3 đến 6 tháng với giá thành lên tới cả chục triệu đồng. Việc lừa dối ngang nhiên kéo theo doanh số của các đội nhóm bán hàng tại tập đoàn vô cùng ấn tượng, lên đến cả trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, thông tin về những khách hàng đã sử dụng sản phẩm sữa hạt NutriZabet này lại rất khó có thể xác minh. Đáng buồn thay, chính các bạn sinh viên lại góp phần thực hiện hành động lừa đảo, dối trá.
Vậy, đối với hành vi trên, các bạn sinh viên đã thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật và có thể phải đối diện với mức xử phạt hành chính từ từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm với mức phạt cải tạo không giam giữ 3 năm.
Trên thực tế, có nhiều sinh viên đủ thông tin để nhận biết rằng việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Nhưng, mức thu nhập cao, công việc đơn giản đã khiến những người trẻ bị hấp dẫn như một “ma lực”. Bên cạnh đó, các công ty “siêu lợi nhuận” này luôn có cách dụ dỗ các bạn sinh viên thiếu bản linh, thiếu kinh nghiệm.
Trao đổi với PV, nhân vật H tâm sự, khi làm công việc này một thời gian, cô dần cảm thấy rất mệt mỏi và áy náy khi liên tục phải lừa dối. Khi nghĩ đến hậu quả về sức khỏe của các bệnh nhân từng tư vấn, H hối hận: “Lúc ứng tuyển vào công việc này mình cũng chỉ nghĩ đơn giản là tư vấn hay chăm sóc khách hàng thôi. Khi nhận ra đây là một công việc gian dối, mình cũng đã có ý định dừng lại. Nhưng bản thân mình lúc đó không có kinh nghiệm, không biết làm gì, thêm cả những ràng buộc hợp đồng nên mình cũng đắn đo rất nhiều. Tuy nhiên, sau khi nghĩ đến bố mẹ, ông bà mình cũng có thể sử dụng phải những sản phẩm này thì mình quyết tâm nghỉ hẳn”.
Ngoài thị trường hiện nay, có hàng trăm công việc tương tự như “thầy thuốc điện thoại” nhắm đến sinh viên như một “con mồi” tuyển dụng, dụ dỗ tham gia vào công ty với những lời mời chào có cánh như “việc nhẹ lương cao”. Đối với chúng, đây chính là đối tượng dễ dụ dỗ và yếu thế nhất, không có khả năng phản kháng, lên tiếng.
Còn với những bạn trẻ đang chật vật quá trình đi tìm việc, cần phải tỉnh táo trước cám dỗ mang tên “việc nhẹ lương cao”. Trao đổi với báo Giáo dục & Thời đại, bà Lê Thị Thu Huyền - Giám đốc Công ty IGARTEN Egroup khẳng định: “Không bao giờ có việc nhẹ, lương cao. Trước khi nhận việc dễ mà lại nhiều tiền, sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ công việc đó là gì. Khi đến nộp hồ sơ xin việc, nếu họ yêu cầu đặt cọc hay ứng tiền trước thì 100% là chiêu trò lừa đảo. Nếu có người mượn/thuê giấy tờ cá nhân thì chắc để lừa người khác bằng danh nghĩa của mình”.
Vì vậy, sinh viên nên trau dồi đủ kiến thức và kỹ năng của bản thân để từ đó tìm những việc làm uy tín, đặc biệt công việc phù hợp với ngành học. Khi làm việc, cần thực hiện giao kết lao động có sự chứng nhận của pháp luật và thăng tiến theo đúng quy trình, thời gian làm việc thực tế.
Chi tiết bài viết xem tại: https://khanhhuyenajc40.wixsite.com/my-site
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội
(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.
Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá
(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác
(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.