(Sóng trẻ) - Hằng năm, ngày 20/11 là dịp để tôn vinh những thầy cô giáo, trao những lời chúc tốt đẹp, gửi lời cảm ơn chân thành đến những người đã và đang trong công cuộc trồng người. Trong công cuộc đó, nổi bật lên một số thầy cô giáo sẵn sàng dành phần lớn thời gian, tâm huyết dạy miễn phí cho các học sinh ở bất kì độ tuổi, hoàn cảnh nào miễn là họ có nhu cầu và cần sự giúp đỡ.
Đều đặn mỗi thứ ba hằng tuần, tại tầng 3 khu tập thể cũ trên phố Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), các cụ ông, cụ bà từ độ tuổi U70, U80 và thậm chí U90 tập trung để cùng nhau học lớp tiếng Anh của chị Phùng Hải Yến.
Lớp học tiếng Anh miễn phí của chị Yến được mở từ đầu những năm 2019, mỗi buổi học kéo dài 2 tiếng đồng hồ từ 9 giờ sáng - 11 giờ trưa. Dù rằng các học viên đều đã có tuổi nhưng lớp vẫn luôn duy trì được không khí sôi nổi.
Không khí nhiệt huyết và sôi động đó đều bắt nguồn từ người “truyền lửa”, người chịu trách nhiệm hướng dẫn, giảng dạy những tiết học cho các học viên U90 - chị Phùng Hải Yến.
Chị Yến năm nay 30 tuổi, là một nhân viên văn phòng, với niềm yêu kính người già, cùng sự nhiệt tình học tập của các học viên đặc biệt, chị quyết định làm giảng viên tại lớp học tiếng Anh miễn phí dù công việc khá “dày đặc”.
“Đối với bản thân mìnhh, khi giảng dạy cho những cụ ông, cụ bà lớn tuổi, cảm giác giống như một người cháu đang hướng dẫn ông bà. Điều đó thực sự có một ý nghĩa rất lớn, tạo cho mình cảm giác gần gũi với các cụ để tạo ra một môi trường mà những học viên lớn tuổi cảm thấy vui và cảm thầy tuổi già của họ ý nghĩa hơn”.
Chia sẻ về quá trình truyền tải bài giảng, chị Yến cho biết: “Trong thời gian đầu dạy các cụ hơi khó khăn bởi tuổi lớn và cũng là lần đầu tiếp xúc với tiếng Anh dẫn đến phát âm cũng như học từ vựng còn khá khó khăn. Nhưng với sự kiên trì, dần dần buổi đầu học được 2-3 từ và về sau học được 5-10 từ là bình thường, đây chính là thành quả nỗ lực của các cụ”.
Trải qua 4 năm giảng dạy, chị Hải Yến cùng các học viên đã có với nhau nhiều kỉ niệm, chị nhớ lại: “Dạy cho các cụ có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ nhưng mình nhớ nhất vào một hôm Hà Nội mưa ngập, gió lớn ấy vậy khi đến lớp các cụ vẫn có mặt đầy đủ. Lúc đó mình nghĩ các cụ sẽ nghỉ ở nhà bởi tuổi cao, sức yếu đi lại sẽ nguy hiểm nhưng không, tất cả đều đến lớp học dù người ai cũng ướt sạch cả. Thực ra những kỉ niệm khi đứng lớp hầu hết toàn là sự nỗ lực của các cụ đã tạo ra thành những ấn tượng đặc biệt”.
Bên cạnh sự nỗ lực và nhiệt huyết của các học viên lớn tuổi, các cụ còn luôn giữ cho bản thân một cảm xúc vui vẻ, một tinh thần phấn khởi khi đi học, chia sẻ với phóng viên, bà Viết Thị Xuân (71 tuổi) cho biết: “Khi đến lớp, tôi luôn mặc những bộ áo dài, những bộ trang phục đẹp vì điều này thể hiện sự tôn trọng cô giáo và bản thân tôi cũng thấy vui khi mình được mặc những bộ đồ đó”.
Đứng lớp giảng dạy, chị Yến chỉ hi vọng tạo ra một lớp học mà các học viên của mình có nhiều niềm vui và có cơ hội rèn luyện trí nhớ nhằm tránh những bệnh về tuổi già: “Mong muốn lớn nhất nhất của mình là các cụ nhiều sức khỏe để theo học lớp, có thêm nhiều ý nghĩa và niềm vui tuổi già”.
Nữ tu Maria Đặng Thị Nụ ở Giáo họ Thụ Ðiền thuộc Giáo xứ Tràng Quan xã Đông Động, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ai cũng gọi sơ Đặng Thị Nụ bằng cái tên trìu mến: "Mẹ Nụ", bởi người mẹ đặc biệt này đã cưu mang, chăm sóc hơn 30 mảnh đời bất hạnh trong suốt hơn 10 năm qua.
Chia sẻ về cuộc đời mình và cơ duyên xây dựng “mái ấm Têrêsa”, sơ Nụ cho biết bản thân đi tu từ năm 21 tuổi. Khi ấy mẹ chính là người động viên, dạy bảo và hướng sơ theo con đường hiến dâng mình cho Chúa.
Những năm sau đó, sơ được theo học ngành Xã hội học ở một trường Đại học tại Sài Gòn. Chính những điều được học khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ những hoàn cảnh khó khăn mà bản thân mắt thấy, tai nghe trong cuộc sống đã thôi thúc người phụ nữ này phải hành động giúp đỡ những phụ nữ nghèo, yếu đuối, bị bỏ rơi.
Vào cuối năm 2010, sơ Nụ được linh mục xứ Giáo xứ Tràng Quan và mọi thành phần trong Giáo họ Thụ Điền xin về phục vụ giúp đỡ họ giáo. Về đây, sơ Nụ bày tỏ muốn được phục vụ họ giáo và cũng muốn có một nếp nhà nhỏ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ý nguyện được mọi người ủng hộ, đồng ý cho sơ mượn một miếng đất là cái ao tù của họ đạo. Vận động các mạnh thường quân đóng góp, một thời gian sau, sơ Nụ đã xây dựng khu nhà đơn sơ rộng gần 100m2 để sinh hoạt và làm việc bác ái.
Kể từ khi thành lập đến nay, mái ấm đã cưu mang 34 mảnh đời bất hạnh. Trong đó có 16 phụ nữ độc thân, bại liệt, khuyết tật ở độ tuổi 40 - 100 tuổi. Số còn lại là các em bé mồi côi, hoàn cảnh gia đình khó khăn từ 3 - 18 tuổi. Đa phần là những trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi, nhiều em cha mất, mẹ bị tâm thần không đủ khả năng nuôi dưỡng nhờ mọi người gợi ý đã gửi đến mái ấm sơ Nụ để nuôi dưỡng.
Về với sơ Nụ các em đều được đi học văn hóa giống như các bạn cùng trang lứa khác. Ngoài ra, các em còn được Sơ Nụ dạy đánh đàn, dạy nghề may và dạy hát hợp xướng thánh ca trong nhà thờ. Ở đây, sơ còn dạy cho các em về con chữ, nhận thức, kĩ năng để sau khi thoát ly gia đình có thể tự lập và tỉnh táo trước những cám dỗ ngoài xã hội.
“Trong quá trình dạy cho các con sơ cũng ít khi gặp thấy khó khăn, có em học nhanh, học tốt cũng có em học kém, chưa nhanh nhưng cái quan trọng là mình phải làm sao để tập cho các con cách sống bởi bây giờ học ăn, học nói, học gói, học mở chứ không chỉ là học chữ.
Em nào học chữ kém thì mình cũng không đặt nặng vấn đề để cho các em phải khổ tâm về vấn đề đó, mình nghĩ giáo dục phải toàn diện mới là điều quan trọng nhất”.
Những chùm quả ngọt đầu tiên của sơ Nụ sau hơn 10 năm cực nhọc nuôi nấng mái ấm đã gặt hái được là 5 em đang học Cao đẳng, Đại học, 4 em đang học bậc phổ thông, một số em đã thoát ly được khỏi mái ấm để tự trang trải được cuộc sống riêng.
“Sơ cảm thấy vui khi các em lớn lên, các em trưởng thành, tốt nghiệp cấp ba mà không bị những tác động xấu bên ngoài ảnh hưởng điều đó là sự thành công đối với sơ, do vậy sơ cũng rất là vui và vô cùng an tâm” - Sơ Nụ chia sẻ cảm xúc khi trải qua 10 năm gắn bó và xây dựng mái ấm.
Mái ấm của sơ Nụ ngày càng được biết đến rộng rãi, những người có hoàn cảnh khó khăn tìm đến xin giúp đỡ nhiều hơn. Điều kiện vật chất còn thiếu thốn, diện tích chỗ ở còn hạn hẹp, không gian sinh hoạt bị thu nhỏ nên sơ Nụ phải dựng thêm mái tôn ở ngoài để thêm chỗ ngủ cho các cụ già và trẻ nhỏ, bếp ăn, nhà tắm cũng ở khuôn viên sân.
“Khởi đầu công việc với đôi bàn tay trắng, không có gì cả, mình chỉ cố gắng giúp đỡ mọi người sống bác ái yêu thương theo tâm tình của Chúa. Gặp nhiều trăn trở mà không thể chia sẻ cùng ai, tự khuyên nhủ bản thân cố gắng vượt qua”. - Đây có lẽ là điều mà sơ Nụ lo ngại nhất thời điểm hiện tại".
Khi được hỏi về món quà mà Sơ Nụ muốn nhất khi sắp tới ngày 20/11, Sơ Nụ vui vẻ nói: “ Món quà hành phúc nhất đối với sơ là các em biết vâng lời, khi nuôi các em trong mái ấm sơ chỉ mong các em ngoan ngoãn, mạnh khỏe, đấy là điều mà sơ cảm thấy hành phúc nhất”.
Bằng tình yêu thương và lòng kiên trì, suốt 15 năm qua cô Đoàn Thị Hoa (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) đã gây dựng và duy trì trung tâm dạy nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, tạo cơ hội cho gần 500 trẻ em khuyết tật trên khắp mọi miền tổ quốc.
Chia sẻ lý do thành lập trung tâm, cô Hoa cho biết ý tưởng nảy sinh trong những chuyến đi từ thiện từ Nam ra Bắc, khi cô nhận thấy nhiều người khuyết tật dù tự ti nhưng đều mong muốn có một cái nghề để chủ động nuôi sống bản thân, không tạo gánh nặng cho xã hội.
Bởi vậy, sau một thời gian dài ấp ủ, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa thành lập ngày 4/4/2010 theo quyết định số 04/QĐ – GDTE của Tổ chức hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi (OSEDC) Việt Nam, tiền thân là cơ sở dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa hoạt động từ tháng 8 năm 2007. Từ 15 học viên khuyết tật đầu tiên vào học năm 2007, qua hơn 15 năm hoạt động, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã có gần 500 người khuyết tật được nuôi, dạy thành nghề, tìm được việc làm ổn định, có thu nhập.
Ở trung tâm, cô Hoa thường nhận những trẻ em bị khuyết tật vận động, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, cô Hoa không chỉ là người dạy nghề mà còn tận tình chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ cho các em, cô sẵn sàng hỗ trợ nơi ăn, chỗ ở miễn phí.
Dạy nghề cho người lành lặn đã khó, theo cô Hoa, hướng dẫn cho người khuyết tật lại càng khó hơn. Sau khi thử nghiệm và tham khảo nhiều phương pháp, cô Hoa cho rằng, nghề làm giấy thủ công là nghề phù hợp với sức khỏe và thể trạng của người khuyết tật nhất.
Cô Hoa tâm sự: "Công việc hướng dẫn này đòi hỏi tính nhẫn nại cao vì các em ở đây tiếp thu bài rất chậm. Mình phải tìm hiểu rõ tính cách, năng lực của từng em để phân chia, sắp xếp việc học, thực hành và làm việc cho phù hợp, đạt hiệu quả. Đối với các em, không chỉ dạy mà còn phải biết dỗ đúng cách, biết động viên kịp thời vì nhiều em rất hay dỗi, rồi học trước quên sau,... thực sự đây là một công việc vất vả và đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên trì rất lớn của người thầy. Ở trung tâm, tôi thường dạy các em làm ra những sản phẩm như con giống, bưu thiếp, khung tranh bằng giấy... Những mặt hàng đạt chất lượng sẽ được chuyển đến các cửa hàng trên phố cổ, công ty du lịch đặt mua và phân phối giúp".
Để có được nơi dậy nghề cho các trẻ em kém may mắn, cô Hoa từng bị coi là “khùng” khi quyết định bán đất để thành lập trung tâm, cô Hoa còn phải vận động sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình.
Nhưng thật may mắn, về sau đã có có những tấm lòng vô lượng của các nhà hảo tâm, công ty đã đến để chia sẻ, giúp đỡ lớp học những lúc khó khăn. Đó chính là nguồn động viên tinh thần, vật chất lớn lao thôi thúc cô Hoa gắn bó và kiên trì dạy dỗ, giúp các em có một tương lai ổn định hơn.
Trải qua vô vàn những khó khăn để duy trì trung tâm, bản thân là vừa là người mẹ, vừa là người thầy, người cô hướng dẫn dạy nghề cho các em, cô Hoa chỉ hi vọng các em học sinh khuyết tật ở khắp mọi miền tổ quốc biết đến và đăng ký theo học tại trung tâm học nghề, sau một thời gian có thể trở về gia đình, tự mở cửa hàng để nuôi sống bản thân.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.