Cách trung tâm Thủ đô chỉ khoảng 2km, men theo lối nhỏ sâu hun hút qua những bãi chuối dưới chân cầu Long Biên, xóm Phao hiện lên biệt lập với phố thị. Chỉ với cái tên “Phao” cũng đủ hình dung ra cuộc sống trôi nổi, phiêu dạt của người dân nơi đây. Họ đa phần là những người không còn quê hương, không giấy tờ tùy thân, làm đủ các nghề để bươn chải kiếm sống rồi bị dòng đời xô đẩy, trôi dạt về nơi bãi giữa sông Hồng.

Con xóm ngụ cư nghèo dưới chân cầu Long Biên có khoảng gần 30 ngôi nhà được dựng lênh đênh trên mặt nước. Những căn nhà được dựng tạm bợ bằng mảnh tôn; sàn và tường nhà là những thanh tre, gỗ vụn ghép lại. Sống tại đây là những kiếp người “trôi nổi" từ nhiều nơi đưa đẩy về từ khắp các tỉnh thành: Quảng Bình, Thanh Hoá, Nam Định, Lạng Sơn,... Mỗi người một hoàn cảnh nhưng dường như ai cũng có một điểm chung là nghèo nên mới tha hương về khúc sông này để sinh sống.

“Nghèo thì mới phải sống khổ sống sở như thế này chứ, có ai có của ăn của để mà chịu kiếp sống lênh đênh. Những người ở đây đều từng trải qua khó khăn, éo le trong cuộc sống nên mới lang bạt về đây mưu sinh, có người bỏ xứ đi; có người bị chồng đánh ôm con chạy đến đây hay cũng có người bị con cái ruồng bỏ nên sống ở nơi này”, bà Đào Phương Nga một cư dân của xóm chia sẻ.

Cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với chữ 3 “không": không điện, không nước, không giấy tờ tuỳ thân. Người dân dùng nước sinh hoạt bằng những chiếc giếng tự đào. Nước giếng khoan đẩy lên bị nhiễm sắt, nhiễm phèn nhiều, họ phải sử dụng những bình lọc nước tự chế để làm sạch nguồn nước. Nói là bình lọc nước nhưng thực ra chỉ là những thùng phi xanh chứa cát và than, nước giếng khoan chảy qua chảy lại hai, ba lượt là thành nước sạch để dùng.

Để có điện sinh hoạt, ngoài sử dụng bình ắc quy, người dân con xóm nhỏ này còn bắc thêm những tấm pin năng lượng mặt trời trên nóc nhà, hay ngoài cửa chỗ có nhiều ánh sáng để tích điện. Những tấm pin “căng mình” cả ngày hứng nắng tích cóp lại được chút điện cũng giống như kiếp sống người dân oằn mình vất vả mưu sinh.

Nhiều hộ dân ở đây thuộc diện di cư tự do, không có đất đai, nhà cửa, hộ khẩu nên không thuộc diện quản lý của UBND phường Ngọc Thuỵ. Việc không có giấy tờ tùy thân khiến cuộc sống người dân gặp đủ khó khăn, ốm đau cũng khó có thể khám chữa bệnh vì không có bảo hiểm y tế. Bệnh tình có trở nặng cũng không dám đi viện điều trị vì không có khả năng chi trả. Việc đi học của con trẻ cũng trở nên khó khăn vì không có giấy tờ.
Thế hệ này lại nối tiếp thế hệ kia, những đứa trẻ sinh ra ở vùng sông nước phải lớn lên cùng với cái nghèo, cùng việc không có giấy tờ tùy thân như cha mẹ. Điều này đồng nghĩa với việc có thể giấc mơ được học hành của các em cũng có thể phải tạm gác lại.

Những phận đời trôi dạt về nơi xóm Phao, nhiều người gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng. Không giấy tờ, cũng chẳng có lễ nghi cưới hỏi, chỉ là gá nghĩa với nhau rồi cùng sinh sống. Thế hệ con trẻ tiếp theo lại đau đáu với một nỗi lo không thể đến trường. Trong xóm ngụ cư bãi giữa sông Hồng có hơn 30 đứa trẻ, có bé từ khi sinh ra đã sống tại đây, có bé theo bước chân của gia đình xô đẩy đến xóm.

Đi xuống những bậc thang bằng đất do người dân tự đào, băng qua tấm gỗ được bắc tạm bợ sẽ tới nhà của em Đỗ Ngọc Bích. Nhà em có tất cả 4 chị em gái. Người chị cả đã lên lớp 11, Ngọc Bích là em thứ 3 và đang học tiểu học. Thấy người lạ, em cùng em gái nhỏ hơn 2 tuổi tíu tít chạy ra chào.

Căn nhà của các em được dựng tạm bợ bằng những tấm bìa carton và gỗ ép ọp ẹp. Đồ dùng trong nhà không có mấy thứ giá trị ngoài chiếc tủ lạnh cùng cái tivi đời cũ. Trên bức tường là những tấm bằng khen của các em nhỏ được xếp thẳng hàng, ngay ngắn. “Chị ơi, giấy khen của em treo trên tường kia kìa. Em thích đi học lắm, em học giỏi là sẽ có giấy khen về treo ở khắp nhà", em Bích vừa nói vừa hí hửng khoe sách vở học tập cùng giấy khen trong nhà. 

Cô bé Ngọc Bích là con của cô con gái út bà Đinh Thị Mai. Nói thêm về trẻ con trong xóm, bà Mai ngậm ngùi, nhiều trẻ em ở bãi lớn lên đã mang trong minh sự thiệt thòi của số phận đã không có giấy khai, cơ hội đến trường cũng thấp. Cũng may, trong xóm có ông Được - trưởng xóm Phao đã đứng ra giúp các hộ gia đình làm giấy tờ để cho các cháu đi học.

Ông Nguyễn Đăng Được nay đã ngoài 70 tuổi, dáng người nhỏ, gương mặt khắc khổ, đôi mắt luôn nheo lại. Ông là một trong những người đầu tiên bám trụ nơi bãi giữa ven sông Hồng và đã trở thành "người đỡ đầu”, khai sinh cho 40 đứa trẻ trong hành trình tới trường ở xóm ngụ cư này.

Với mong muốn các cháu được tiếp cận con chữ, ông đã bỏ thời gian công sức đi về tận Nam Định, Thái Bình và nhiều tỉnh thành khác để xác minh quê quán, lấy giấy chứng nhận địa phương nơi bố mẹ các bé từng sinh ra và lớn lên. Chia sẻ về câu chuyện của đời mình, đôi mắt ông bỗng nhiên chùng xuống, khuôn mặt chứa đầy nét khổ tâm: “Con gái tôi trước đã mất ở vùng sông do đuối nước nên tôi coi những việc tốt làm cho bà con ở đây như để trả món nợ đời".

Ngỡ tưởng kiếp sống lênh đênh của người dân xóm Phao sẽ mãi như thế, nhưng thông tin Hà Nội phê duyệt đề án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã khiến cho người dân nơi đây không khỏi bất an, lo lắng. Câu hỏi của tất cả những người lao động nơi đây là một khi đề án ấy được thực hiện thì con xóm ngụ cư sẽ đi về đâu, cuộc sống của người dân cùng ước mơ vẫn đang dở dang của lũ trẻ liệu có được chắp vá thành hình.

“Người ta nói rồi, an cư thì lạc nghiệp. Thế nhưng hiện tại cứ sống thấp thỏm như thế này thì đến bao giờ người dân xóm này mới an cư được. Nếu không ở đây thì chúng tôi cũng chẳng biết sẽ tha hương đi đâu nữa, bao nhiêu hộ dân xóm nghèo này cũng sẽ biết nương tựa vào đâu”, ông Được, trưởng xóm Phao bộc bạch khi được hỏi về câu chuyện quy hoạch đô thị sông Hồng.

Được biết, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt vào tháng 4/2022. Theo dự thảo, quy hoạch này trải dài 40 km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín). Diện tích bao phủ gồm 11.000 ha thuộc địa giới 13 quận huyện (55 phường xã) gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm.

Nguồn: VNexpress
Nguồn: VNexpress

Các bãi sông được định hướng phát triển thành khu đô thị mới hiện đại là mong mỏi đã lâu của rất nhiều người dân Thủ đô nhưng lại là nỗi trăn trở của không ít người lao động nghèo bám trụ hai bên bờ sông Hồng. Dù vẫn chỉ là đồ án, chưa chính thức đưa vào thực hiện nhưng một khi nơi bãi giữa sông Hồng thực sự bị quy hoạch, người dân xóm Phao sẽ mất đi nơi ở.

Không nhớ quê quán, gia đình của bản thân, trôi dạt đến xóm ngụ cư này đến nay đã 15 năm, ông Phạm Quang Đắc (65 tuổi) chỉ mong mình có một chốn nương thân để có thể yên ổn làm ăn. Thế nhưng kể từ khi có thông tin về đồ án quy hoạch, ông luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm. “Nhiều nhà sẽ lại tha hương thôi nếu không còn xóm Phao này nữa. Chúng tôi còn có sức khỏe, còn đi làm thuê, làm mướn được nhưng có những nhà đằng kia chỉ độc hai ông bà già ở với nhau, không con không cái thì họ đi đâu sống được”, ông Đắc nói.

Nỗi lo về nơi ăn chốn ở là nỗi niềm chung của tất cả những lao động nghèo đang bám víu vào hai bên bờ sông Hồng. Đa số họ là những người di cư bất hợp pháp, có những người không còn người thân, họ hàng hay quên luôn cả gốc gác, xuất xứ của bản thân. Chưa kể trong số họ có không ít người già, trẻ nhỏ; cuộc sống của những phận đời ấy sẽ ra sao nếu một mai những xóm ngụ cư, khu ổ chuột của Thủ đô không còn nữa?

Xem chi tiết toàn bộ tuyến bài tại: Bám trụ tại Thủ đô 

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN