Ở Việt Nam, làng nghề là một trong những đặc thù của các vùng nông thôn. Đây là một hoạt động kinh tế phi nông nghiệp bao gồm nghề thủ công, các hoạt động phục vụ sản xuất vừa và nhỏ. 

Ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP quy định ngành nghề nông thôn được chia thành 7 nhóm, bao gồm: 1) Làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (xay xát lúa gạo, sản xuất bột thô, làm bún, bánh, bảo quản rau quả; chế biến lâm sản, thủy sản, chủ yếu là các nghề làm thủy sản khô, mắm ruốc, nước mắm...); (2) Làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (chạm khắc...); (3) Làng nghề xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; (4) Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; (5) Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; (6) Sản xuất muối; (7) Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Tháng 11/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia, cả nước ta có 4575 làng nghề đang hoạt động, 1951 làng nghề được công nhận. Trong đó có 1062 làng nghề mới và 889 làng nghề truyền thống. Đa số các làng nghề tập trung ở các tỉnh thành miền Bắc. TP. Hà Nội có số làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động được công nhận nhiều nhất với 313 làng, tiếp đến là các tỉnh: Thái Nguyên 263 làng, Thái Bình 117 làng, Ninh Bình 75 làng, Nam Định 72 làng, Nghệ An 173 làng... Cơ cấu làng nghề phân theo vùng như sau: Đồng bằng sông Hồng 783 làng (chiếm 40,7%), Trung du miền núi phía Bắc 478 làng (chiếm 24,8%), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 415 làng (chiếm 21,5%), đồng bằng sông Cửu Long 228 làng (11,8%), Tây Nguyên 17 làng (chiếm 0,9%), Đông Nam bộ 5 làng (chiếm 0,3%). 

Phát triển kinh tế làng nghề đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống của nhân dân khi giải quyết vấn đề việc làm cho hơn 11 triệu lao động, khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn. Mô hình kinh tế này đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương...

Tuy nhiên, không thể phủ nhận hệ quả nặng nề mà các làng nghề gây ra trong quá trình phát triển, đặc biệt là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của cộng đồng.

Mặc dù số lượng làng nghề rất lớn nhưng công tác bảo vệ môi trường chưa được chú trọng. Rất ít làng nghề có hệ thống xử lý rác thải như: chất thải khí, chất thải rắn và nước thải. Trong khi đó, số lượng rác thải ở mỗi loại hình làng nghề xả ra môi trường rất lớn, tác động trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí trong khu vực dân sinh. 

Với số lượng rác thải khổng lồ như trên, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, bền vững sẽ gây ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. 

Thực tế cho thấy, rác thải từ các làng nghề chưa có biện pháp xử lý mang tính triệt để. Nhiều làng nghề có lưu lượng nước thải lớn, không qua hệ thống xử lý mà trực tiếp thải ra môi trường. Các kênh, rạch, mương vốn là nơi tiêu thoát nước mưa, bỗng trở nên bít tắc vì nước thải không lưu thông. Lâu dần, chúng mang tên “những dòng nước chết”. Cùng với đó, môi trường không khí bị bủa vây bởi các khí thải như SO2, NO2, hơi axit và kiềm. Các chất này phát sinh từ việc các hộ sản xuất dùng than làm nhiên liệu, sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Trong đó, nhóm làng nghề tái chế kim loại, nhựa có thải lượng ô nhiễm lớn nhất. Đồng thời, các chất thải rắn đổ bừa bãi khắp nơi làm môi trường bị ô nhiễm, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi hoặc gây nhiễm độc theo dây chuyền thực phẩm, gây tác động xấu tới đa dạng sinh học và chất lượng môi trường sống.

Trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ: chỉ có 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường, tỉ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chỉ ở mức 20,9%. Điều đáng báo động, cả nước có 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, khu vực miền Bắc có 34 làng nghề (72,3%), khu vực miền Trung có 11 làng nghề (23,4%), khu vực miền Nam có 2 làng nghề (4,3%).

Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các làng nghề gióng lên hồi chuông mạnh mẽ cảnh báo về môi trường làm việc (môi trường vi khí hậu) không đảm bảo. Trên thực tế, đa phần các hộ sản xuất trên cùng diện tích đất sinh sống của gia đình, xen kẽ trong khu dân cư. Vì tính phân tán của các nguồn thải nên việc tập trung xử lý còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, điều kiện lao động bị hạn chế như: diện tích nhà xưởng chật hẹp, trang thiết bị sản xuất lạc hậu. Nhiều làng nghề chỉ quan tâm về lợi ích kinh tế mà chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và bảo hộ lao động. Khi đó, các hộ sản xuất vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân của ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.

Ô nhiễm môi trường làng nghề gây ra nhiều hệ lụy tới sức khỏe cộng đồng. Do môi trường đất, nước, không khí đều bị ô nhiễm nên số người dân mắc bệnh rất lớn. Đa phần là các bệnh như: đường hô hấp, đau mắt, bệnh ngoài da, tiêu hóa, phụ khoa… Đối với phụ nữ, ảnh hưởng sức khỏe ngày càng rõ rệt như rối loạn phụ khoa, đau thần kinh. Riêng với trẻ em, tỷ lệ viêm đường hô hấp lên tới 80-90%. Ngoài ra, các lao động thường xuyên làm việc trong điều kiện không đảm bảo dễ mắc các bệnh mang tính nghề nghiệp: bệnh bụi phổi, ung thư, thần kinh, cột sống,...

Theo nghiên cứu của Viện Bảo hộ lao động, sức khỏe dân cư ở các làng nghề tái sinh kim loại bị ảnh hưởng nhiều nhất. Kết quả điều tra sức khỏe tại làng tái sinh chì Đông Mai Hưng Yên cho thấy: Triệu chứng chủ quan về hô hấp tức ngực, khó thở chiếm 65,6%, suy nhược thần kinh chiếm 71,8%, đa khớp mãn chiếm 46,9%, tỷ lệ hồng cầu giảm chiếm 19,4%, tỷ lệ HST giảm chiếm 44,8% kết quả về tỷ lệ hồng cầu và HST thông qua xét nghiệm máu và ALA niệu cho 32 đối tượng trong làng và 5 trường hợp nhiễm độc chì trong đó có 3 trẻ em. Tại làng nghề Văn Môn: Bệnh đường hô hấp chiếm 64,4%, suy nhược thần kinh 54,5%, bệnh ngoài da 23,1%. Tại làng nghề Vân Mai, Bắc Ninh: Bệnh đường hô hấp chiếm 44,4%, bệnh da liễu 68,5%, bệnh đường ruột 58,8%.

Có thể thấy, nếu chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà không chú trọng bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm thì không thể phát triển bền vững làng nghề. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 577/QĐ-TTg phê duyệt Đề án BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã đề cập đến danh mục và mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng trên cả nước.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Dự thảo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, 6 nhóm giải pháp, 25 chỉ tiêu, mục tiêu đến năm 2030; 5 quan điểm, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, năm 2030, phải từng bước ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; đặc biệt là môi trường làng nghề.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường làng nghề, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, việc quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, thay đổi trong suy nghĩ là nền móng vững chắc dẫn tới thay đổi trong hành động.

Xem chi tiết toàn bộ tuyến bài tại: Bế tắc xử lý vấn đề ô nhiễm làng nghề

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN