(Sóng trẻ) - Tính đến hết ngày 17/9, 329 người chết và mất tích, 1.922 người bị thương, hơn 235.000 ngôi nhà hư hỏng trên địa bàn các tỉnh/thành phố miền Bắc là những thiệt hại nặng nề sau dấu chân siêu bão. Đứng trước cơn cuồng nộ của trận bão có cường độ mạnh nhất trong 3 thập kỷ qua, chúng ta mới thấy rằng, ý chí, sức mạnh của con người Việt Nam không hề nhỏ bé.

Nhìn bầu trời quang đãng, lặng yên, sẽ chẳng ai nghĩ rằng miền Bắc vừa trải qua một siêu bão kinh hoàng nếu như không nhìn cảnh đường phố tan hoang sau bão, những ngôi nhà ướt nhẹp và ngập trong bùn đất vì lũ lụt quét qua. Với người dân vùng tâm bão, rốn lũ, “còn được sống an toàn thật sự là một điều may mắn”.

Sau 2 ngày di cư tránh bão, trở về căn trọ trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng, chị Phạm Thị Minh, 27 tuổi bàng hoàng khi nhìn thấy căn nhà của mình bị sập khu bếp, vệ sinh; đồ đạc, đất đá ngổn ngang. Chị thở phào: “May mà mình đi tránh bão”.

Sống tại Thành phố cảng suốt 27 năm qua, chưa bao giờ chị Minh chứng kiến một trận bão kinh hoàng đến vậy. Mặc dù cơn bão đã qua được 4 ngày, nhưng giọng chị khi nói chuyện vẫn run run và có chút hoang mang, sợ hãi. 

Trước bão 1 tuần, chị Minh đã sốt sắng sắp xếp, gia cố đồ đạc và chuyển qua nhà chị gái ở quận An Dương tránh bão. Nhưng ngay từ sáng ngày 7/9, gió bắt đầu rít ngày một lớn, đập mạnh như muốn hất tung mọi thứ. Dù đã được cảnh báo về độ càn quét của siêu bão Yagi, nhưng chị Minh vẫn không ngờ được nó thực sự tàn khốc đến vậy.

 

Chiều tối cùng ngày, khi bão tiến sâu vào đất liền, gió bắt đầu thét gào từng cơn. Bên ngoài cánh cửa đóng chặt là tiếng loảng xoảng của đồ đạc đổ vỡ, tiếng đổ rầm của hàng cây lần lượt bật gốc. Bên trong ngôi nhà nhỏ, chị Minh và người thân đứng ngồi không yên vì dột mái, mưa xối xả tràn vào nhà. Mất điện, mất nước, mọi liên lạc đều bị đóng băng. Nghĩ tới bố mẹ cũng đang chống chọi với cơn cuồng nộ của siêu bão ở quê (huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng), lòng chị Minh nóng như lửa đốt.

“Nhìn cơn bão dữ dội, tôi lo sốt vó vì không cách nào liên lạc được cho gia đình. Nhìn cột sóng điện thoại không có nổi một vạch, tôi như kiến bò trên chảo lửa. Chỉ trong nửa năm gần đây, gia đình tôi đã mất cả ông, bà nội - nỗi đau quá lớn nên lúc ấy trong tôi chỉ còn một ý niệm, còn gia đình là còn tất cả”, chị Minh nghẹn ngào.

Cũng giống như chị Minh, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, 22 tuổi, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cũng không lường được sự khốc liệt của hoàn lưu bão. Với gia đình chị Ngọc, 4 ngày đêm gồng mình chống dòng nước dữ là thời gian dài đằng đẵng chất đầy mệt mỏi và sợ hãi.

Cơn lũ đổ về trong đêm 9/9, nước cuồn cuộn đổ vào nhà. Dù cả gia đình chị Ngọc đã kê đồ lên cao nhưng dòng nước xiết hất tung mọi thứ. Bàn ghế, tủ kệ, máy giặt, tủ lạnh cũng chẳng còn đứng vững, trôi nổi giữa dòng nước đục ngầu. Giữa cảnh tượng tan hoang, gia đình chị Ngọc chỉ còn biết nép mình trên tầng 2 của căn nhà nhỏ bé, bất lực nhìn nước dâng tới chân và phá hủy tài sản, công sức của mình trong thoáng chốc.

“Nước cao tới 1m8. Móng ngậm nước, tường có vết nứt lớn nên rất có nguy cơ sụt lún. Bố mẹ và chúng tôi sợ đến xây xẩm mặt mày, không biết bao giờ nước mới rút”, chị Ngọc run rẩy. 

Nhấn số gọi cứu hộ, chị Ngọc và 2 em nhỏ của mình lên thuyền ra khỏi vùng rốn lũ. Nhưng dòng nước chảy xiết ào ào như thác đổ khiến con thuyền chao đảo và có thể lật tung bất cứ lúc nào.

“Những người trên thuyền phải cố bám víu vào những ngôi nhà bên đường, giữ cho chiếc thuyền đứng vững. Giữa biển nước mênh mông trắng xóa, chúng tôi hoảng loạn khi đứng giữa lằn ranh của sự sống. Nhưng sau tất cả, thật may mắn vì mọi người vẫn bình an”. Chị Ngọc kể lại với giọng điệu chứa đầy nỗi sợ hãi.

Sau siêu bão, chị Minh dọn dẹp lại căn trọ của mình, chị Ngọc và gia đình nhặt nhạnh những gì còn sót lại, dọn rửa đồ đạc chìm trong bùn đất và sình lầy. Họ thở phào và nhìn về phía bầu trời đang hửng nắng: “Hỏng đồ đạc cũng được, mất của cải cũng được, miễn là người thân bình an; vì còn người là còn tất cả”.

Nhưng xót xa hơn bao giờ hết, có nhiều mái ấm không may mắn như chị Ngọc hay chị Minh trước sự càn quét kinh hoàng của siêu bão và hoàn lưu bão. Những ngày đầu tháng 9, tưởng chừng như người dân miền Bắc được tận hưởng cái nắng thu nhàn nhạt, em thơ được vui vẻ tới trường; nhưng mong ước được sống một cuộc đời bình dị lại trở nên vô cùng xa xỉ với biết bao nạn nhân xấu số. 

 

Dù bão đã cuốn đi nhà cửa, mùa màng và để lại nhiều tổn thất nhưng không cuốn đi được tinh thần vươn lên mạnh mẽ của nhân dân. Điều còn lại sau siêu bão là tinh thần kiên cường đối mặt với hậu quả nặng nề, chung tay khắc phục thiệt hại, xây dựng lại cuộc sống từ những “vết thương” của đồng bào miền Bắc. Tinh thần đoàn kết, lòng quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng nghỉ đã trở thành sức mạnh giúp họ đứng vững và hướng tới tương lai tươi sáng hơn.

 

*Trong tác phẩm sử dụng nhiều nguồn tư liệu tổng hợp

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN