Mở từng trang tài liệu từ bà Đặng Thị Mát - vợ Anh hùng liệt sĩ Đặng Bá Hát, chúng tôi lại càng hiểu rõ hơn về con người ông.
Đại đội trưởng Đặng Bá Hát sinh năm 1936 tại thôn Đồng Tái, xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông gia nhập quân đội từ năm 1954, 7 năm trong quân ngũ tham gia đánh 4 trận và trở thành xạ thủ trung liên của trung đoàn 244 quân khu Tả Ngạn. Chuyển ngành về vùng mỏ năm 1960 làm công nhân xí nghiệp bến Hòn Gai, ông được biên chế vào tổ máy trục hơi số 5 thuộc phân xưởng Cầu Đống. Chẳng bao lâu Đặng Bá Hát đã có tay nghề khá vững. Hơn 10 năm không ngừng phấn đấu, từ một công nhân ông đã trở thành phó quản đốc phân xưởng.
Năm 1967, Đại đội pháo cao xạ 37mm thuộc tiểu đoàn tự vệ bến phà Hòn Gai thành lập, Đặng Bá Hát được phân công làm đại đội trưởng. Ông mang kinh nghiệm từ những năm tháng trong quân ngũ của mình để góp phần xây dựng lực lượng tự vệ của phân xưởng. Vốn được tập thể chiến sĩ coi như người anh cả, ngay khi nhận nhiệm vụ Đặng Bá Hát đã chỉ huy đơn vị tích cực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhả đạn khi máy bay địch xâm phạm bầu trời vùng mỏ.
Dưới trận địa pháo là Vịnh Hạ Long, bến phà Bãi Cháy, liền kề bến phà là cảng than Hòn Gai cùng với hệ thống sàng tuyển, vận tải, bốc rót than xuống cảng do xí nghiệp quản lý; phía bảo vệ trước mặt là hàng vạn dân sinh sống, là cơ quan đầu não của thị xã Hòn Gai và tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên tất cả những điều này cũng không làm khó được ông. Bằng lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu quyết liệt, chỉ tính trong khoảng 2 năm từ tháng 5 đến tháng 10/1972, dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Đặng Bá Hát đơn vị đã bắn hạ một máy bay F4 và một máy bay F8, đánh 37 trận, tháo gỡ 104 quả bom, phá hơn 2500 quả bom.
Chiều 12/07/1972, không quân Mỹ đã nghi binh, dùng 2 máy bay A6 đánh lén, cắt 4 thùng bom xuyên thẳng vào trận địa. Đặng Bá Hát - người đại đội trưởng thân thương đã hy sinh anh dũng ngay tại vị trí chỉ huy. Các đồng đội của ông tâm sự: “Dòng máu anh hùng thấm sâu vào con người đại trưởng rồi nên lúc hy sinh, bàn tay anh vẫn nắm chắc lá cờ lệnh, hình ảnh ấy luôn hằn sâu trong tâm trí của chúng tôi”. Nghe những tâm sự của các “pháo thủ” năm ấy ta có thể cảm nhận được rằng: Dù hơi thở đã tắt nhưng ngọn lửa tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc vẫn mãi rực cháy trong trái tim Đặng Bá Hát.
Chiến tranh kết thúc, đại đội trưởng Đặng Bá Hát được Đảng, Nhà nước tuyên dương công trạng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. UBND Tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam ra quyết định xây dựng cụm tượng pháo đài Đặng Bá Hát ngay tại vị trí ông hy sinh; và một con đường rợp bóng cây xanh của thành phố Hạ Long được mang tên Đặng Bá Hát.
Đã hơn 50 năm kể từ trận chiến lịch sử ấy, nhưng khi được hỏi cảm nhận về người đại đội trưởng mẫu mực, ông Vũ Trọng Hiếu vẫn vô cùng xúc động, bao nhiêu cảm xúc ùa về như mới ngày hôm qua: “Rất nghiêm nghị và thẳng thắn là 2 từ miêu tả đúng nhất về con người của đại đội trưởng. Nhưng bên cạnh sự nghiêm khắc ấy, anh sống rất tình cảm, hài hước, luôn âm thầm quan tâm, chăm sóc chúng tôi như một người anh cả thực thụ”.
Trong hồi ức của bà Đặng Thị Mát, vợ Anh hùng Đặng Bá Hát: “Anh Hát là người hết lòng với công việc nhưng cũng không quên trách nhiệm của một người chồng, người bố. Rất ít khi về thăm nhà vì bận rộn luyện tập, thế nhưng mỗi lần về anh sẽ dành thời gian quấn quýt bên vợ con. Anh cũng là người rất nghiêm khắc, luôn dạy con điều hay lẽ phải, làm gì cũng phải có phép, tắc”.
Còn với chị Đặng Thị Huệ, người cha anh hùng hy sinh khi chị còn quá nhỏ nên chưa có nhiều kỉ niệm. Tuy nhiên, qua lời kể của mẹ và đồng đội của bố chị tự hào lắm. Từ sâu thẳm trong tim, người cha đã trở thành nguồn động lực to lớn, là tấm gương sáng ngời để chị Huệ không ngừng phấn đấu, vươn lên.
Hình ảnh về người đại đội trưởng anh dũng hy sinh khi trong tay vẫn nắm chặt lá cờ lệnh đã hằn sâu trong tiềm thức của mỗi người con đất mỏ Quảng Ninh.
Mặc dù đã đọc, nghe kể về những tấm gương anh dũng bảo vệ quê hương đất nước để có được ngày hôm nay. Song, khi có dịp được gặp mặt các ông, các bà, chúng tôi càng biết ơn và trân trọng những hy sinh to lớn ấy, nhất là các liệt sĩ không tiếc thân mình mà ngã xuống mảnh đất này.
Đối với trận chiến của Đại đội Đặng Bá Hát, đó là sự chiến đấu tàn khốc của những người thợ mỏ. Khói lửa chiến tranh, gây ra những mất mát, đau thương. Người ra đi để lại nỗi nhớ khôn nguôi cho người ở lại, nỗi đau mất người thân không thể nói thành lời mà chỉ có thể khắc ghi ở trong lòng.
Bà Phạm Thị Thuý - nằm trong ban chỉ huy của Đại đội làm nhiệm vụ trinh sát không cầm được nước mắt: “Trong quá trình làm trinh sát, nhiều lần tôi cùng các đồng chí tham gia trực chiến, cứu thương. Đồng đội bị thương nặng, thiếu trang thiết bị y tế nên quá trình cứu thương không được kịp thời, chứng kiến cảnh động đội ngã xuống đau đớn lắm, xót xa lắm mà không làm gì được. Trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ, cũng có lần tôi bị thương, thậm chí còn bị mảnh vụn bom ghim vào đầu. Nhưng khi nghĩ đến đồng đội đã hy sinh, tôi không còn thấy sợ sệt gì nữa mà vẫn tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ rồi mới cấp cứu. Dù biết bị thương đau đớn, nhưng thấy mình vẫn còn may mắn, hạnh phúc so với những anh em chúng tôi đã hy sinh trước đây”.
Anh Đặng Bá Dương (con trai của anh hùng Đặng Bá Hát) cũng chia sẻ: “Bố tôi mất khi tôi còn rất nhỏ, tuy chưa có kỷ niệm gì nhiều nhưng hiện rõ trong tâm trí tôi là người bố đầy yêu thương con nhưng cũng rất nghiêm khắc. Bố là động lực và là tấm gương sáng để tôi noi theo”.
Chiến trận cam go, ác liệt có thể tưởng tượng được rõ hình ảnh người mẹ già với đôi mắt thâm quầng, nỗi lo của người vợ mong ngóng các anh trở về và cả những tiếng khóc của trẻ thơ đòi cha. Họ là hậu phương vững chắc tiếp lửa để các anh chiến đấu, bởi thế khi ngã xuống anh vẫn vang lên tiếng “mẹ ơi”. Người hy sinh không thể nào lấp được những trống vắng, người mẹ mất con, người vợ mất chồng, những đứa trẻ thơ còn non nớt chưa cảm nhận hết tình yêu thương của người cha, đau đớn lắm nhưng chẳng biết phải làm thế nào.
Sau cuộc trò chuyện, chúng tôi cùng nhau đến thăm và dâng hương tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ của Đại đội đang nằm lại tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu thuộc tỉnh Quảng Ninh. Dường như khi đến đây, trong lòng mỗi người đều có cảm giác bùi ngùi, khâm phục và không khỏi xúc động bởi những gì mà chiến tranh để lại.
Đó chính là nguồn động lực to lớn thúc đẩy ý thức, trách nhiệm và lòng yêu quê hương, đất nước. Không dừng lại ở đó, nó còn truyền cảm hứng, niềm tin, lẽ sống và những hành động tốt đẹp tới mọi người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Họ là nguồn cội của đức hy sinh vì nghĩa lớn, để các thế hệ hôm nay tiếp bước, noi gương.
Buổi gặp mặt đã tái hiện những hồi ức đầy cam go và xúc động về những năm tháng bi thương mà hào hùng. Bên cạnh đó, với mong muốn dựng xây nước nhà và giữ vững giá trị của nền độc lập, những lời nhắn nhủ, gửi gắm của các đồng chí trong Đại đội tự vệ pháo cao xạ 37mm đã tiếp lửa truyền thống thế hệ trẻ, trong đó có chúng tôi.
Bà Phạm Thị Thúy – Nữ trinh sát của Đại đội tự vệ pháo cao xạ 37mm bày tỏ: “Đến nay, tuy đất nước ta đã không còn khói lửa chiến tranh, mọi người được sống trong sự hòa bình, tự do. Nhưng tôi muốn dặn dò thế hệ trẻ về trách nhiệm xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, lớn mạnh, văn minh”.
Trở về với đời thường, những người lính năm xưa vẫn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực khắc phục khó khăn, nuôi dạy con cháu trưởng thành. Chiến tranh đã lùi xa, song những ký ức về cuộc chiến tranh năm xưa vẫn còn vang vọng mãi trong tâm trí của cả đại đội. Tất cả cùng nhấn mạnh con đường tương lai của cả một đất nước, một dân tộc là vô cùng quan trọng. Nó có thể phát triển, phồn thịnh hoặc có thể lạc hậu, suy thoái mà trong đó tuổi trẻ đóng vai trò quyết định rất lớn. Bởi lẽ, tuổi trẻ với sự năng động, nhiệt huyết, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và luôn sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Không những vậy, các bạn trẻ cần có sự sáng tạo và tư duy mạch lạc sẽ làm nên những điều phi thường trong rất nhiều lĩnh vực, góp phần bộc lộ tiềm năng phát triển của quê hương mình nói riêng và cả đất nước nói chung.
Để tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng, thế hệ trẻ vùng đất mỏ đã và đang không ngừng trau dồi tri thức, luyện tập để nâng cao trình độ, phấn đấu trở thành con người toàn diện, vừa có đức, vừa có tài. Tuy nhiên, mỗi người vẫn cần cố gắng nhiều hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với những chiến công vang dội của Đại đội tự vệ pháo phòng không 37mm. Họ là những nguồn cảm hứng để khơi dậy truyền thống đoàn kết, niềm tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Quảng Ninh - vùng đất mỏ cách mạng từng chất chứa đau thương bởi khói lửa chiến tranh nhưng luôn mang trong mình tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của dân tộc. Với chúng tôi – những thế hệ người Việt Nam sau này, vẫn tin rằng thời gian có thể làm mờ đi tất cả nhưng không thể xóa nhòa đi hình ảnh “Một thời hoa lửa của chiến trường xưa”. Bởi đó là thiên anh hùng ca bất tử đã được quân và dân ta viết nên tại mảnh đất Quảng Ninh anh hùng:
“Ngày ngày chúng tôi đi đào than
Tượng Anh thành lời nhắc nhở
Một quá khứ hào hùng của những người thợ mỏ
Cho chúng tôi yêu cuộc đời này…”
https://sway.office.com/IdGjVGGkr50pHbgS?ref=Link&loc=mysways
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.