Gây ấn tượng khi đạt giải Cánh diều bạc Việt Nam ngay từ bộ phim tài liệu ngắn đầu tay “Con đi trường học”. Mười năm sau Hà Lệ Diễm lại được xướng tên ở hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim tài liệu danh giá nhất thế giới Amsterdam với bộ phim dài đầu tay “Những đứa trẻ trong sương”.

Chưa dừng lại ở đó, bộ phim tiếp tục lọt danh sách đề cử rút gọn hạng mục phim tài liệu của Oscar cùng hơn 30 giải thưởng lớn nhỏ khác. Góp tiếng nói không nhỏ về vấn nạn tảo hôn còn tồn tại rất nhiều ở nước ta. Đồng thời giúp nâng cao vị thế của nền điện ảnh Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. 

Chúng ta hãy cùng lắng nghe nữ đạo diễn trẻ chia sẻ về những điều thú vị trong hành trình làm phim của mình nhé!

Hành trình làm phim của chị bắt đầu như thế nào?

Mình là sinh viên chuyên ngành Báo Chí tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khi mình học năm thứ 2 thì các bạn của mình có rủ cùng tham gia khóa học làm phim tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD. Khi học tại TPD mình được học cách tự cầm máy quay những gì mà mình thích, kể câu chuyện mà mình muốn kể và các giảng viên sẽ góp ý thêm cho sản phẩm của mình. Thông qua phim tài liệu mình có thể kể các câu chuyện về những người bình thường, những điều bình thường trong cuộc sống mà mọi người thường bỏ qua hay không để ý đến. Mình thấy làm phim tài liệu mang lại cho mình nhiều tự do giúp mình có thể kể tất cả mọi thứ trong cuộc sống theo cách mình muốn.

Từ bộ phim đầu tay “Con đi trường học” tới bộ phim thành công nhất của chị trong thời điểm hiện tại “Những đứa trẻ trong sương”, chị đều lựa chọn chủ đề Phụ nữ và trẻ em. Vậy có lý do gì đặc biệt khiến chị lựa chọn đề tài này không?

Với mình, phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận và trò chuyện hơn. Bản thân mình cũng là phụ nữ mà nên mọi người cũng có thể cởi mở hơn trong việc chia sẻ những câu chuyện về bản thân họ. Thêm vào đó, họ cũng có những năng lượng khá thú vị và thích được trò chuyện nên mình đã chọn hai đối tượng này để làm “chất liệu” cho phim của mình. Còn những điều khác thì khó quá nên mình bỏ qua”. (cười) 

Trong bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” chị vừa là đạo diễn cũng vừa là quay phim. Vậy khó khăn lớn nhất đối với chị khi làm phim độc lập là gì?
Khó khăn lớn nhất đối với mình khi ấy là trong thời gian thực hiện một bộ phim tài liệu dài mình sẽ không thể lường trước được những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Ngay cả chính nhân vật cũng không thể biết trước được điều gì sẽ đến và bản thân họ sẽ hành xử như thế nào. May mắn là mình đã nhận được sự giúp đỡ từ chị Trần Phương Thảo - giảng viên khóa học làm phim mà mình từng tham gia năm 2016, nên quá trình xử lý hậu kỳ cho bộ phim được diễn ra khá suôn sẻ.

Còn về kinh phí, mình nghĩ đó là khó khăn chung của tất cả những nhà làm phim trẻ không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới. Ở nhiều nước trên thế giới, các nhà làm phim còn gặp phải khó khăn do chiến tranh hay sự gắt gao trong quá trình kiểm duyệt. Thế nhưng vẫn có nhiều những bộ phim hay được ra đời. Vì vậy, đối với mình tiền bạc, vật chất không phải là điều khó khăn nhất khi làm phim.

Chị từng chia sẻ bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” từng đạt được 1 giải thưởng mà chị còn yêu thích hơn cả top 15 Oscar, đó là giải thưởng đến từ những ban giám khảo trẻ. Chị có thể chia sẻ thêm về kỷ niệm này không?
Mình rất thích năng lượng của những người trẻ. Họ luôn luôn hướng tới tương lai, tìm kiếm điều mà mình muốn làm trong tương lai và tìm cách để cuộc sống của mình tốt hơn.

Phim “Những đứa trẻ trong sương” may mắn nhận được các giải thưởng từ ban giám khảo trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, cũng có những buổi chiếu phim cho các bạn trẻ từ 8 - 15 tuổi ở Campuchia, Pháp. Mặc dù mình đã xem bộ phim nhiều lần nhưng khi được ngồi xem cùng và chứng kiến phản ứng của các bạn trẻ - những người bằng tuổi Di (nhân vật chính trong phim) thì mình vẫn thấy rất thú vị. Sau khi kết thúc, các bạn cũng đặt rất nhiều câu hỏi và thậm chí mình còn không có thời gian để trả lời hết những câu hỏi đó. 

Vì sao chị lại chọn Di làm nhân vật cho “Những đứa trẻ trong sương”?

Nguồn cảm hứng của mình bắt đầu từ một chuyến đi chơi tại Sapa cùng những người bạn. Khi ấy bọn mình đã ở tại nhà của Di. Trong những ngày đó, khi người lớn trong làng đi làm việc thì mình cùng Di và các bạn đi chơi, nhìn các em chơi những trò chơi giống mình hồi bé nên mình có quay phim lại. Và mình thấy đề tài tuổi thơ cũng rất thú vị, mình cũng tò mò không biết khi Di lớn lên em sẽ thay đổi như thế nào. Vì vậy mình quyết định sẽ làm bộ phim để lưu giữ lại khoảnh khắc tuổi thơ của Di. 

Một trong những cảnh quay để lại ấn tượng cho nhiều khán giả là cảnh chị cứu Di khi bị nhà trai thực hiện tục “bắt vợ”. Chị có thể chia sẻ thêm về cảnh quay này được không?
Khi ấy mình đang đeo máy quay trên cổ và mình đã giúp Di bằng cách kéo Di lại nhưng mà mọi người khỏe quá nên kéo luôn cả mình cả Di đi ra phía bên ngoài luôn. Lúc đó mình đã không giúp được, bà nội của Di đã ngăn mình lại và bảo mình để mọi chuyện nó xảy ra theo đúng tự nhiên đi. 

Khi Di đã bị kéo đi 1 đoạn khá xa rồi. Mọi người cũng ngăn không cho mình giúp Di nữa và mình cũng không biết phải làm gì, chỉ biết cầm máy quay đi theo dù cũng rất sợ. Tuy nhiên, chính tiếng kêu cứu của Di khiến mình bừng tỉnh, nó như thôi thúc mình cần làm điều đó để cứu được em. Theo phản xạ tự nhiên mình đã quay lại tìm bố mẹ Di để cứu Di. Lúc ấy mình nhận ra là chỉ có bố mẹ Di mới có thể giúp được cô bé, may mắn là lúc đó có mẹ Di ở đằng sau và mẹ đã đến để cứu được em.  

Khi bộ phim được công chiếu đã có những ý kiến trái chiều với việc chị trực tiếp cứu Di vì cho rằng người làm phim tài liệu thì không được trực tiếp tham gia vào nội dung phim. Chị đối diện với những ý kiến đó như thế nào? 
Khi mình bắt đầu quay bộ phim, mình không nghĩ là mình sẽ phải quay như thế nào, sắp xếp ra làm sao. Như mọi người đã xem phim thì ở phần đầu mình rất ít khi giao tiếp với các nhân vật, mình chỉ cầm máy quay đi theo thôi. Nhưng dần dần, khi mình ở đó lâu hơn, thì cả Di và cả bố mẹ Di đều không coi mình chỉ là một người đến quay phim. Mọi người bắt đầu kéo mình vào những câu chuyện hàng ngày, cười đùa, tâm sự với mình về cuộc sống. Khi các nhân vật đã coi mình là một con người, không phải một cái máy quay di động thì mọi người cần gì ở mình mà mình có thể giúp thì mình giúp thôi. Lúc mình giúp Di mình cũng không suy nghĩ quá nhiều đâu, nếu mà nghĩ như thế chắc chẳng bao giờ làm phim được mất. (cười)

Còn về phim tài liệu thì cũng có những dòng phim khác nhau và cách làm phim của mình cũng chỉ là một dòng thôi. Có những dòng phim khác họ quan niệm là người làm phim không can thiệp và để cho mọi thứ tự diễn ra. Hoặc cũng có dòng phim, người làm phim trực tiếp can thiệp vào và để cho nhân vật diễn lại, dàn dựng lại những gì đã xảy ra trong thực tế. Thực tế, ngay cả những người làm phim tài liệu cũng sẽ có những ý kiến bất đồng với nhau. Mình nghĩ sự khác biệt đó xuất phát từ quan điểm làm nghề của mỗi người và chúng ta không nên áp đặt quan điểm của người khác vào bộ phim của mình.

Khi nghe tin Di vẫn gác lại việc học để lấy chồng, nhiều khán giả của phim đã tỏ ra rất tiếc nuối. Còn chị, chị có cảm xúc và suy nghĩ như thế nào?
Lúc mới biết tin thì cả mình và cả bố mẹ Di đều buồn. Nhưng mà sau đấy thì mình hiểu đó là lựa chọn của cô bé và việc học là việc cả đời, những người có gia đình rồi vẫn có thể tiếp tục học. Sau khi phim được công chiếu ở Mỹ, đã có những giáo sư, tiến sĩ ở các trường đại học lớn tại Mỹ cũng là người gốc Mông đã liên hệ và sẵn sàng giúp đỡ Di nếu em muốn học thêm ngoại ngữ, xin học bổng hay công việc kinh doanh hiện tại.

Bản thân mình thấy tương lai của cô bé đang rất rộng mở, gia đình chồng của Di cũng rất thoải mái, ủng hộ việc Di học tiếp. Di là người có chính kiến, nhiều lúc mình cũng không hiểu hết về lựa chọn của Di đâu. Nhưng khi nhìn vào thành quả của sự lựa chọn ấy thì mình mới nhận ra: “À, thì ra Di cũng có lý của Di”. Với mình, hiện tại Di đang làm tốt và hạnh phúc với những lựa chọn của bản thân.

Với thành công của “Những đứa trẻ trong sương”, chị có nghĩ điều ấy sẽ tạo áp lực cho chị trong tương lai không?
Mình thấy nó giúp mình tự tin hơn trong tương lai. Mình cho rằng mỗi bộ phim sẽ có hành trình riêng của nó và “Những đứa trẻ trong sương” hay các đứa con tinh thần về sau của mình cũng vậy. Trên tư cách là một đạo diễn phim, việc tìm ra những cái lạ hay khai thác ở một góc nhìn mới là điều vô cùng cần thiết. Mình coi bản thân là một người làm nghề, làm hết bộ phim này thì sẽ làm tiếp bộ phim khác. Đó là cách để mình rèn luyện bản thân, rèn luyện trí óc và có thể nhìn ra những thiếu sót của bản thân để học hỏi và trau dồi thêm. 

Nếu được nhắn nhủ với các bạn trẻ nói chung, và các bạn nữ nói riêng đang muốn làm phim tài liệu như chị, chị sẽ nói điều gì? 
Theo mình, điều đầu tiên mọi người nên làm là thử tìm hiểu về các dòng phim tài liệu và lựa chọn dòng phim phù hợp với bản thân mình. Và nếu có thể, mọi người nên học thêm ngoại ngữ, điều đó sẽ khiến bạn dễ tiếp cận với các chương trình học làm phim trên khắp thế giới. Hiện nay có rất nhiều khóa học, chương trình học bổng về ngành phim tài liệu bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Việc bạn biết ngoại ngữ sẽ mở ra sự tiếp cận không giới hạn cho chính bạn. 

Và điều cuối cùng mình muốn nhắn nhủ là các bạn hãy ra ngoài, gặp gỡ nhiều người và lắng nghe những câu chuyện khác nhau để tự tạo thêm sự giàu có cho vốn sống của mình. Vì việc làm phim phụ thuộc rất nhiều vào cách mình cảm nhận cuộc sống xung quanh mình ra sao.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện ngày hôm nay!

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN