
Lê Thanh Hiền, cựu học sinh Học viện Báo chí và Tuyên truyền, là người có đam mê cháy bỏng với bộ môn leo núi. Từ khi còn là học sinh cấp 2, Hiền đã thể hiện sự yêu thích với những địa hình tự nhiên như núi, rừng,...Niềm đam mê lớn dần theo thời gian, Hiền quyết tâm đặt chân tới những đỉnh núi cao để thỏa mãn khao khát của mình. Đi kèm với hành trình đó, Hiền thực hiện các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ cho bà con vùng cao.

PV: Thanh Hiền bắt đầu nung nấu đam mê này từ khi nào? Bạn có thể chia sẻ câu chuyện về những bước chân đầu tiên trên hành trình chinh phục đỉnh cao của mình được không?
Thanh Hiền: Đam mê của mình bắt đầu được nhen nhóm từ những năm cấp 2, cấp 3, khi mình theo dõi chương trình “Nhật Ký Hành Trình”. Chương trình mang đến cơ hội khám phá những vùng đất mới, nơi các nhân vật trải nghiệm và chia sẻ lại câu chuyện của họ với khán giả. Chính khoảnh khắc đó, mình nhận ra mình muốn được đi và trải nghiệm, được viết về những hành trình như thế. Mình khá may mắn khi suốt những năm tháng đại học, mình có cơ hội đi du lịch và tình nguyện nhiều. Trong những chuyến đi, mình không chỉ đơn giản là check-in, nghỉ dưỡng, mình đi để tiếp xúc, sống chung và hòa mình vào cuộc sống thường nhật của những người dân địa phương. Những chuyến đi giúp mình nhận ra rõ hơn về sở thích cũng như mục tiêu của mình là được trải nghiệm, truyền cảm hứng và giúp đỡ nhiều người. Từ đó, mình bắt đầu đi nhiều hơn.

PV: Khi xác định được những mong muốn của mình, ý kiến từ gia đình có phải là một rào cản lớn đối với bạn?
Thanh Hiền: Gia đình mình chắc chắn phản đối rồi! Mình cũng xác định được trước tình huống này, vì đây là một sở thích khá mạo hiểm. Bố mẹ mình luôn nghĩ rằng sở thích này không phù hợp. Mình không thuyết phục bằng lời nói mà qua hành động trực tiếp, qua những giá trị mình đem lại sau mỗi hành trình. Sau này, mình làm được nhiều điều ý nghĩa hơn, bố mẹ dần thấu hiểu và ủng hộ cho đam mê và công việc của mình. Có lẽ, cả hai đã nhận thấy sự trưởng thành của mình qua những chuyến đi. Nụ cười và niềm vui của mình sau mỗi chuyến đi có thể là yếu tố để bố mẹ dần bị thuyết phục.
PV: Chắc hẳn, trong suốt hành trình khám phá dải đất hình chữ “S”, bạn sẽ có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Bạn có thể kể lại một điểm dừng chân khắc sâu trong ký ức bạn nhiều nhất không?
Thanh Hiền: Chuyến đi khiến mình nhớ mãi chính là hành trình chinh phục đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử. Đây là một trong những ngọn núi cao và nổi tiếng ở Tây Bắc với độ cao hơn 3.000m. Tổng quãng đường hơn 30km, thường mất 3 ngày để hoàn thành, nhưng mình đã hoàn thành chỉ trong hơn 1 ngày.
Mình cùng một người bạn chạy xe máy đến bản gần chân núi, rồi bắt đầu leo mà không dừng nghỉ. Chúng mình lên tới đỉnh núi là đã 18 giờ, nên khi xuống núi trời rất tối và lạnh. Hai bên đường đi là vực sâu không đáy, có những đoạn “sống lưng khủng long” rất nguy hiểm với nhiều con dốc sâu thăm thẳm. Có lúc, bạn đồng hành suýt trượt chân xuống vực, khiến mình chỉ mong nhanh chóng xuống núi an toàn.
Hành trình tuy đầy mạo hiểm nhưng đã giúp mình rút ra nhiều kinh nghiệm sâu sắc. Với nhiều người, có thể đó là trải nghiệm ám ảnh, nhưng với mình, khi vượt qua rồi lại cảm thấy thêm động lực để tiếp tục những hành trình tiếp theo.


PV: Trước những chặng hành trình đầy hiểm nguy như vậy, Thanh Hiền đã tiếp thêm nhiều động lực cho bản thân. Không biết rằng, bạn đã “bỏ túi” được những bài học quan trọng nào cho bản thân trong cuộc sống?
Thanh Hiền: Đối với mình, đi là để học, và mình đã học được rất nhiều điều quý giá. Điều đặc biệt nhất, mình được gặp gỡ nhiều con người với tính cách, suy nghĩ và lối sống khác nhau. Từ đó, mình nhận ra rằng mỗi người đều có những khía cạnh tốt đẹp riêng. Càng đi, mình càng nhận ra rằng thế giới rộng lớn và phong phú. Những chuyến đi cho mình cơ hội tiếp cận và hiểu hơn về cuộc sống của những người dân nơi mình đến. Mình có thể cảm nhận được nhịp sống, những khó khăn, và những giá trị mà họ gìn giữ qua bao thế hệ.
PV: Những thử thách lớn thường đến với những người có thể chịu đựng và thích nghi. Bạn đã học được gì về khả năng đối mặt với sự thay đổi và thích nghi với môi trường trong những chuyến leo núi?
Thanh Hiền: Leo núi là một môn thể thao tích lũy, luyện tập nhiều sẽ tích lũy được sức bền, sức khỏe. Bên cạnh việc nâng cao sức khỏe, trải nghiệm nhiều khiến mình đúc kết được những kinh nghiệm quý giá để ứng dụng trong các tình huống bất ngờ trên hành trình. Ví dụ, kỹ năng đơn giản nhất là nhóm lửa. Ban đầu mình không biết cách nhóm lửa, nhưng khi quan sát những người đi trước thực hiện, mình đã hiểu được cách làm. Dần dần mình có thể nhóm lửa ở mọi điều kiện thời tiết. Cũng giống như nhóm lửa, mọi kỹ năng đều cần thời gian rèn luyện và tích lũy.
PV: Chinh phục các đỉnh núi không chỉ là một hành trình cá nhân mà còn có thể tạo ra những giá trị cho cộng đồng. Bạn có thể chia sẻ về những cách mà bạn nghĩ mình có thể tạo ra giá trị từ những chuyến leo núi này?
Thanh Hiền: Dù chưa tạo ra những thay đổi lớn lao, nhưng mình luôn cố gắng đóng góp để cải thiện cuộc sống của người dân bản địa. Một trong những đóng góp ý nghĩa nhất là giúp họ có nguồn thu ổn định từ công việc dẫn đường leo núi.
Trước đây, đồng bào vùng cao thường sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, chăn nuôi và công việc tự cung tự cấp. Ngày nay, mỗi ngày công của một người dân bản địa làm hướng dẫn viên leo núi có thể lên đến 700.000-800.000 đồng, một số tiền không lớn so với công việc ở thành phố lớn nhưng lại ý nghĩa đối với một gia đình sống ở vùng cao. Việc làm hướng dẫn viên leo núi mang lại cho người dân nơi đây một công việc bền vững hơn, giúp họ ổn định cuộc sống, đồng thời cũng là một cách để họ gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Ngoài ra, mình và bạn bè còn xây dựng một thư viện sách cho học sinh vùng cao, tạo không gian học tập với nhiều đầu sách ngoài chương trình. Hiện tại, mình đang ấp ủ một dự án lớn hơn dành cho các em, và từng ngày nỗ lực biến nó thành hiện thực.

PV: Với niềm đam mê chinh phục địa hình, đối với bạn, thế nào là đứng trên đỉnh cao?
Thanh Hiền: Đỉnh cao cuộc sống không chỉ là sự giàu có hay hào nhoáng, mà với mình, đó là được tự do sống và khám phá theo cách gần gũi nhất với bản sắc mỗi vùng đất. Du lịch không chỉ là đến và đi, mà là hòa mình vào cuộc sống bản địa, cảm nhận văn hóa, con người và nhịp sống nơi đó. Mình không muốn những chuyến đi vội vã mà mong có đủ thời gian để sống như một người dân địa phương, hiểu về cách họ làm việc, giao tiếp và tận hưởng cuộc sống. Để làm được điều này, mình cần sự chuẩn bị và tích lũy. Qua từng hành trình, mình nhận ra được ý nghĩa thực sự của cuộc sống và giá trị mình có thể tạo ra cho bản thân cũng như thế giới xung quanh.
PV: Qua việc chia sẻ những trải nghiệm trên mạng xã hội, bạn có cảm thấy mình đang truyền cảm hứng cho những bạn trẻ khác?
Thanh Hiền: Trên mạng xã hội, mình đơn giản chia sẻ những câu chuyện chân thật từ chính trải nghiệm của bản thân, hy vọng có thể truyền cảm hứng để mọi người mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn. Mình mong muốn những người xung quanh dám thử thách bản thân, khám phá thế giới qua những chuyến đi và trải nghiệm mới mẻ.
Mình không muốn thấy ai đó chỉ quanh quẩn với công việc, từ sáng đến tối gò bó trong văn phòng, để rồi cuối ngày kiệt sức, chỉ muốn nằm dài và tạm quên đi tất cả. Thay vào đó, mình luôn khuyến khích bạn bè và những người xung quanh hãy đi – đi để học hỏi, để mở mang tầm mắt, và quan trọng nhất là để hiểu rõ hơn về chính mình.

Những chuyến đi không chỉ mở mang tầm mắt mà còn giúp mình tìm lại sự tự do và niềm vui trong cuộc sống. Mình chia sẻ hành trình của mình trên mạng xã hội như một cách lưu giữ kỷ niệm và bài học quý giá. Vô tình, những câu chuyện ấy lại trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, thôi thúc họ bước ra khỏi vùng an toàn và sống trọn vẹn hơn.
Mình hy vọng, mỗi chia sẻ sẽ nhắc nhở mọi người rằng cuộc sống không chỉ xoay quanh công việc hay áp lực thường nhật, mà còn có biết bao trải nghiệm đáng giá ngoài kia đang chờ đón.
Xin chân thành cảm ơn Thanh Hiền!
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.