(Sóng trẻ) - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 184 trên 193 quốc gia thành viên đưa thuốc lá nung nóng vào diện kiểm soát dưới luật kiểm soát thuốc lá. Trong đó, 79/111 nước đưa thuốc lá điện tử chịu sự quản lý của pháp luật. Nhiều nước còn cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử.
Ở nước ta, thời gian gần đây xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử. Sự mới lạ và hình dáng bắt mắt của những chiếc pod, vape (dụng cụ hút thuốc lá điện tử) đã nhanh chóng “thôi miên” những thiếu niên đang ở lứa tuổi học trò.
Với đặc điểm đa dạng hương vị, không có mùi hôi như thuốc lá thông thường. Thuốc lá mới (TLĐT, TLNN) nhanh chóng trở thành trào lưu, len lỏi mạnh vào các trường học. Nhiều học sinh xem việc hút TLĐT như cách thể hiện sự thời thượng, bắt kịp xu hướng và nó không độc hại.
Trước thực trạng đáng báo động trên, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của con em mình. Chị Nguyễn Thị Hạnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Hiện nay, thuốc lá điện tử giả dạng giống như thỏi son, USB, bút... với nhiều hương vị khác nhau, nếu không phải người sử dụng thì sẽ rất khó nhận biết đấy là thuốc lá điện tử. Các cháu còn trẻ người non dạ, chưa hiểu hết các tác hại của thuốc lá điện tử. Ở nhà thì mình có căn dặn con nhưng nó ra ngoài, mình không thể kiểm soát được. Chỉ cần đua đòi học theo các bạn sẽ nghiện ngay. Sợ nhất là nguy cơ bệnh tật cho các con”.
Đồng quan điểm trên, anh Trương Văn Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, gần đây anh phát hiện con trai học lớp 11 đã sử dụng thuốc lá điện tử do học theo bạn bè. Mặc dù, anh đã ngay lập tức tịch thu nhưng vẫn rất lo lắng con trai sẽ giấu bố mẹ hút tiếp.
Ngoài ra, anh Hiệu cũng chia sẻ thêm: “Thuốc lá điện tử rất nguy hiểm bởi có thể sẽ chứa ma túy trá hình bên trong. Nếu nhà nước có chế tài cấm thì tốt”. Cô Nguyễn Thị Nguyên Ngân, một giáo viên bậc THCS tại Hà Nội đã làm công tác chủ nhiệm nhiều năm cho biết. Ba năm trở lại đây cô rất đau đầu với việc học sinh sử dụng thuốc lá điện tử.
“Có vài học sinh lén mang thuốc lá điện tử vào hút trong trường, trong lớp nhưng sau đó tôi phát hiện và chấn chỉnh. Tuy nhiên, các em không bỏ hẳn mà lại chọn không gian ngoài nhà trường để hút thuốc”, cô Ngân chia sẻ.Bên cạnh đó, cô Ngân đề cao việc gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ, nâng cao giáo dục giúp các em học sinh có nhận thức đúng đắn hơn về tác hại của thuốc lá điện tử.
Lo lắng của phụ huynh hoàn toàn có cơ sở. Bởi theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng tại 11 tỉnh, thành phố trong học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 cho thấy, con số tăng đột biến các em lứa tuổi học sinh hút thuốc lá điện tử khiến chúng ta phải suy ngẫm. Năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 17 tuổi chỉ chiếm 2,6%, tới nay đã tăng lên 8,1%. Đặc biệt ở nhóm nữ giới từ 11 - 18 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3%.
Số liệu mới nhất của Tổ chức y tế thế giới, vệc sử dụng thuốc lá điện tử ở những người trẻ tuổi đang vượt quá mức sử dụng của người lớn ở nhiều quốc gia. Ước tính trên toàn cầu hiện nay có 37 triệu trẻ em từ 13 - 15 tuổi sử dụng thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử.
Theo ThS Đỗ Đức Long, Giảng viên bộ môn Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) cho biết, ở nước ta, thực trạng trẻ em bị tổn thương bởi thuốc lá điện tử đang ở mức báo động. Trong khi, chúng ta vẫn loay hoay để đưa ra chính sách phù hợp thì các quốc gia khác đã khẩn trưởng triển khai biện pháp quản lý thuốc lá mới.
“Tôi hi vọng, Việt Nam chúng ta có thể cấm hoặc quản lý thuốc lá điện tử càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, phải đảm bảo có chế tài kiểm tra, giám sát đối với các nguồn hàng nhập lậu từ các nước trong khu vực xung quanh”, Ths Long nêu quan điểm.
Còn theo các luật sư, thuốc lá điện tử du nhập vào Việt Nam nhiều năm nay một phần bởi các quy định pháp luật về quản lý thuốc lá điện tử vẫn chưa theo kịp thực tế.
Chúng ta có quy định chung xếp mua bán thuốc lá vào ngành nghề kinh doanh. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính tới 15 triệu đồng. Hay trong Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017, xem hành vi kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có thể bị xử lý hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”. Mức án có thể lên tới 15 năm. Nhưng với thuốc lá mới (TLĐT, TLNN) thì chưa có quy định nào.Vì vậy, phải sớm có quy định cụ liên quan đến việc kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc lá điện tử để có thể xử lý sai phạm.
Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, Luật sư Nguyễn Minh Ngọc (Công ty luật The Light) đề xuất cần nghiêm cấm TLĐT: “Thuốc lá điện tử có thể là cánh tay nối dài cho những tội phạm buôn bán ma tuý. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mầm non tương lai đất nước dẫn đến việc các em chậm phát triển về mặt thể chất, tinh thần đi xuống, kinh tế gia đình kiệt quệ”.
Do có nguy cơ cao ảnh hưởng tới sức khỏe và tính chất đa dạng, phức tạp không thể kiểm soát, nhiều chính phủ của các quốc gia đã đưa ra biện pháp quản lý hoặc cấm hoàn toàn các hương liệu trong thuốc lá điện tử.
Theo tổ chức WHO, hiện nay, trên thế giới đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong khu vực Asean, đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn, gồm Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Có 3 quốc gia bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn điều trị theo phác đồ là Chile, Australia và Nhật. 88 quốc gia đưa thuốc lá điện tử vào diện quản lý, trong đó có 27 quốc gia thuộc khối liên minh châu Âu. Việc quản lý này được tiến hành chặt chẽ theo các biện pháp của Công ước khung (WHO FCTC).
Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia đã cấm, trong đó có 5 quốc gia thuộc Asean gồm Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei. Có 71 quốc gia đưa thuốc lá nung nóng vào diện quản lý, trong đó 27 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu.
Trong quá trình điều tra, phóng viên đã tiếp cận nhiều học sinh từ hút thuốc lá điện tử, nghiện rồi sa chân vào sử dụng các loại ma túy. Thật đau lòng khi phải chứng kiến hình ảnh, các em đang độ tuổi ăn học ngày ngày chìm vào những cơn ảo giác miên man.
Tương lai các em sẽ ra sao? Chúng ta phải làm gì để bảo vệ các em? Câu hỏi trên cứ ám ảnh trong tâm trí phóng viên. Không còn nhiều thời gian, chúng ta phải đưa ra quyết định: Cấm hay quản lý chặt thuốc lá điện tử. Dù là giải pháp nào cũng phải đạt mục tiêu phòng, phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến việc để trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử để bảo vệ những chủ nhân tương lai của đất nước.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.