Con đường nghệ thuật của ông bắt đầu như thế nào?
Từ nhỏ, tôi đã có cơ hội được học hội hoạ và âm nhạc. Với hội hoạ, tôi đam mê lắm. Đi đâu cũng đèo cái giá vẽ đằng sau. Thời đó Mỹ ném bom dữ dội, tôi và một người bạn vẫn đạp xe khắp Hà Nội để vẽ tranh. Tuy nhiên, đi tới đâu chúng tôi bị người dân xua đuổi vì nghĩ cả hai là gián điệp đi vẽ bản đồ cho địch.
Tôi cũng từng theo học âm nhạc chuyên nghiệp tại Nhạc viện. Nhưng khi mới ra trường vài ba năm, tác phẩm âm nhạc đầu tiên của tôi bị người ta đánh cắp. Tôi rơi vào cảm giác hụt hẫng, tới mức 2 năm sau đó vẫn không muốn nghe nhạc nữa. Và rồi cơ duyên tình cờ đưa tôi đến với nhiếp ảnh, một môn nghệ thuật khác khiến tôi đắm say.
Ông quan niệm như thế nào về một tác phẩm hội hoạ có giá trị?
Tới giờ, tôi vẫn không thay đổi một quan niệm: Với hội hoạ nói chung, từ khi người ta học những nét vẽ cơ bản cho đến khi đã rất sành sỏi trong nghề thì nhân tố cốt lõi của hội hoạ vẫn là vấn đề mỹ thuật. Người ta đặt vấn đề mỹ thuật lên trên hết và gần như nó thống lĩnh tuyệt đối. Mà trên thế giới này có rất ít tác phẩm chứa đựng ý tưởng mỹ thuật trong đó.
Theo đuổi nhiều lĩnh vực nghệ thuật như vậy, nhưng nhiếp ảnh đã để lại ấn tượng đặc biệt gì khiến ông chọn là điểm dừng chân của sự nghiệp?
Lần đầu tiên được sờ tay vào chiếc máy ảnh là năm tôi 12 tuổi. Khi ấy, hàng xóm của tôi có một chiếc máy ảnh phim của Liên Xô. Tôi vô cùng thích máy ảnh vì thấy nó có gì đó giống với hội hoạ. Chính vì vậy, tôi đã lén chụp nhưng chỉ nhận lại những tấm hình hỏng. Song anh hàng xóm chẳng những không giận mà còn chỉ bảo cho tôi những điều cơ bản về cách chụp ảnh.
Hơn 10 năm sau, khi miền Nam giải phóng, tôi mới có điều kiện để mua một chiếc máy ảnh phim cũ. Từ đó, tôi tự học, tự mày mò chụp ảnh. Khởi đầu của tôi cũng giống như những người khác, nếu có gì hơn họ thì có lẽ chỉ là sự ham thích. Tới năm 1989, tôi mới thực sự bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Tôi không chụp, không suy nghĩ về sự thích thú cá nhân. Trong ý thức của tôi, người chuyên nghiệp không hành nghiệp một cách bản năng, và cái hiện hữu trong tác phẩm của họ phải truyền tải được thông điệp tích cực để tác động tới cộng đồng. Ngay từ khi bắt đầu tôi đã xác định rõ như vậy; và điều đó trở thành quan điểm xuyên suốt con đường nhiếp ảnh của tôi.
Nhiều người nhận xét rằng ảnh của ông có phần khó hiểu trong cách truyền đạt thông điệp. Thậm chí, một số người còn cho rằng đó là những bức ảnh dung tục. Ông nghĩ sao về điều này?
Nhiếp ảnh không phải là chụp ảnh một cách vô thần, vô ý thức. Đối với tôi, nhiếp ảnh không chỉ là nghề nghiệp mà còn là sự nghiệp. Nó là cái đeo đuổi, là cái ý tưởng, là cái mốc mình đặt ra và mình phải đạt được bằng nỗ lực của bản thân. Tôi là người thách đố với chính bản thân mình để làm được điều ấy.
Ví dụ, tôi từng chụp tấm ảnh một cô gái mặc áo dài, cầm giỏ hoa đứng trước cổng tháp Hòa Phong (Hoàn Kiếm); đằng trước là đôi chân đang dạng ra của một anh nhiếp ảnh gia chụp cô ấy. Hồi mới công khai ảnh này, mọi người chửi tôi ghê lắm. Họ gọi tôi là thằng vô học, cô gái mặc áo dài đẹp thế mà góc chụp lại đặt cô dưới háng một người đàn ông.
Tuy nhiên, tôi muốn truyền tải thông điệp ý nghĩa qua bức ảnh đó. Đối lập với cô gái đẹp như một viên ngọc là anh nhiếp ảnh đứng giạng chân và hét lớn: “Dâu, nhìn đây!”. Cô gái trong ảnh là điểm tựa văn hoá vật thể vì có chất liệu và hình ảnh, nhưng cũng phi vật thể vì nó biểu trưng cho một nét đẹp tinh thần của văn hóa dân tộc cần được giữ gìn. Trong cuộc sống hỗn loạn thời đó, tại sao một di sản quý giá lại bị những thứ nhơ nhớp, bừa bãi trong xã hội chà đạp?
Nhiều người biết đến nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn qua những bức ảnh đen trắng. Ông muốn thể hiện điều gì khi lựa chọn tông màu này?
Đây là một luật bất thành văn trong giới nhiếp ảnh: ảnh nghệ thuật phải dùng ngôn ngữ đen trắng. Nghệ thuật bao gồm hai yếu tố: yếu tố hình ảnh chân thật và yếu tố hư cấu sáng tạo. Nếu yếu tố hư cấu sáng tạo càng nhiều thì ảnh đó càng nghệ thuật và càng có giá trị. Như vậy, nếu chụp ảnh màu, cho ra những bức ảnh giống như mắt người nhìn thì không phải là nghệ thuật nữa.
Một vấn đề sâu sắc hơn, ảnh đen trắng còn mang yếu tố phi thời gian và tính ước lệ, vừa là thực mà vừa không phải là thực. Chính tính ước lệ này mới là bản chất của nghệ thuật. Cho nên các nghệ sĩ nhiếp ảnh, không ai bảo ai, đều tuân theo một quy luật: làm nghệ thuật một thời gian, người ta cảm thấy ảnh đen trắng mới là sâu sắc, mới là cái người ta trân quý.
Đương nhiên, có những dòng ảnh cần tôn trọng sự chân thực, ví dụ như: ảnh báo chí, ảnh tư liệu,... Những dòng ảnh như vậy cần phải giữ nguyên màu sắc, nội dung ban đầu để đảm bảo tính khách quan, chính xác. Còn ảnh màu tôi chụp là ảnh nghệ thuật, màu sắc trong ảnh có thể đã qua chỉnh sửa, qua “biến hoá”.
Ông có thể chia sẻ về hành trình theo đuổi nhiếp ảnh trong hơn 3 thập kỷ qua?
Để có những bức ảnh ý nghĩa, tôi đi nhiều lắm. Riêng đi xuyên Việt thì tôi có 13 chuyến đi bằng xe máy. Chuyến đi ngắn nhất là 1 tháng 5 ngày, còn những chuyến đi dài thì khoảng 2 tháng, thậm chí hơn 2 tháng. Tôi lăn lộn với cuộc sống.
Trong mỗi chuyến đi, tôi mang 3 ba lô: một ba lô quần áo to, một ba lô đựng máy móc và một cái chuyên đựng phim; mang thêm 1 túi đồ để sửa xe máy trên chục cân và 1 cái can 5 lít đựng xăng. Cùng với đó, tôi mang theo một cái bản đồ to bằng cái chiếu con, đi theo chỉ dẫn của nó. Nhưng mà cũng hên xui lắm.
Tôi đi kiểu bụi đời, có những chuyến tôi phải ngủ trong rừng. Những chuyến ấy khoảng năm 93, 94; khi đường Trường Sơn còn gọi là đường 14A, 14B. Đường 14B có những đoạn gồng ra 56km sang đất Lào mà không có cột mốc. Tôi rất tò mò nên đi vào nhưng đó lại là đường chiến lược.
Trong hành trình rong ruổi của mình, được đặt chân đến nhiều nơi, gặp gỡ với nhiều người, ông đã tìm được nhiều nguồn cảm hứng sáng tác ảnh nghệ thuật. Phải chăng, Hà Nội - nơi ông sinh ra và lớn lên là nguồn cảm hứng lớn nhất?
Nơi chôn rau cắt rốn vẫn là nơi mình yêu quý nhất. Quan điểm này khác với quan điểm của người phương Tây. Với họ, nơi nào sống hạnh phúc nhất, an toàn nhất và tất cả mọi thứ đều thăng hoa thì nơi đó là quê hương. Nhưng Việt Nam thì khác, mình có cái riêng của mình.
Tôi thích Hà Nội cổ xưa. Khi ấy Hà Nội đẹp, yên tĩnh và thơ mộng; đặc biệt vào dịp Tết. Dù có người Hà Nội xưa quan niệm sáng mùng 1 Tết, con cháu không được đi chơi, phải ở nhà dọn dẹp nhà cửa, sau đó đi chúc Tết mọi người rồi ăn trưa với gia đình. Nhưng tôi vẫn phá lệ cầm máy đi vào trong phố.
Ekip kênh Discovery khi nhìn thấy bức ảnh này đã nói: “Chúng tôi xem một lần và đến chết cũng không quên được bức ảnh này của ông”. Họ đánh giá đây là tác phẩm nặng ký ngang với những tác phẩm của Magnum Photos - một trong những nhóm nhiếp ảnh nổi tiếng nhất hành tinh.
Theo đuổi nghệ thuật thì phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Nhiều người quan niệm rằng nghề nhiếp ảnh sẽ không mang lại sự ổn định về kinh tế cho cuộc sống. Ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Quan điểm sống của tôi là không vụ lợi. Tôi không thích bon chen. Mục đích số một không phải là tiền, tôi không lao vào kiếm tiền. Bởi vì mình còn nhiều thứ phải học, nhiều thứ hay ho mình còn phải thưởng thức.
Còn nếu mà nói về việc kiếm tiền, ngày xưa có giai đoạn tôi làm thương mại. Nhưng mà chợt một cái đêm nào đó, tôi trằn trọc việc này rất lâu, nghĩ trong đầu mình sinh ra mình không phải để làm con buôn. Mình phải trở về với bản chất thật, khả năng thật của con người mình, tức là vấn đề nghệ thuật, cuộc sống nghệ thuật. Tôi chấp nhận vứt bỏ tất cả để trở về với nhiếp ảnh.
Là một người dành trọn trái tim của mình cho nhiếp ảnh, khi bị mất thị lực, cảm xúc của ông như thế nào?
Rất buồn, rất hụt hẫng. Mắt tôi không phải tự dưng mù ngay mà tôi bị bệnh glocom (tăng nhãn áp) trên nền cận thị nặng, khiến thị lực giảm dần. Trong thời gian suy giảm thị lực, tôi cũng đã biết trước kết cục nên không quá chìm sâu vào hụt hẫng. Thay vào đó, tôi thử nghĩ cách chấp nhận và chung sống với tình trạng này.
Tôi công nhận khi đã mất thị lực thì tôi không thể cầm máy chụp ảnh như những người khác. Nhưng đối với người nhiếp ảnh, không phải chỉ cầm máy ảnh chụp mới gọi là làm việc. Tôi có thể tự tưởng tượng trong đầu thế giới của riêng mình.
Vậy thế giới ông tự tưởng tượng ra ấy cũng là một tác phẩm riêng của ông chăng?
Tôi đã từng buồn và hối tiếc vì không còn cơ hội hành nghề như ý muốn của bản thân. Tuy nhiên, tôi có thể tự đạo diễn một khung hình, ý tưởng, ý niệm, nội dung thế nào ở trong đầu, như thế là tôi có bức ảnh của mình rồi.
Dù mất đi thị lực, nhưng ông vẫn dạy nhiếp ảnh cho các bạn trẻ. Vậy, việc dạy học có phải là cách để nối dài niềm đam mê của ông hay không?
Tôi không đam mê dạy học, mà tôi ý thức việc dạy học là chia sẻ kiến thức và lan tỏa niềm đam mê nhiếp ảnh đến mọi người. Thời điểm bây giờ mất thị lực rồi, tôi chỉ truyền đạt được những điều thuộc về lý thuyết. Phần thực hành thì tôi cần có một người trợ giúp. Tôi mô tả cách sắp xếp các chi tiết, bố cục, ánh sáng, ý tưởng bức ảnh và cách lựa chọn tiêu cự,... Sau đó, trợ giảng sẽ chống chân máy, sắp đặt dụng cụ như lời tôi để làm thành một bài dạy. Với những người cùng dòng máu Việt, tôi dạy học mà không lấy tiền. Và người ta học xong khóa học của tôi thì cảm động lắm, nói rằng rất may mắn vì được gặp người như tôi.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.