Hơn mười năm nay, căn nhà nhỏ của anh Phùng Văn Trường (sinh năm 1979, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) đã trở thành không gian học “trong mơ” của nhiều em nhỏ ở vùng quê nghèo.
Đều đặn mỗi ngày sau giờ tan trường, những đứa trẻ lại ríu rít cắp sách đến nhà của người thầy có biệt tài viết chữ đẹp bằng miệng. Lớp học ấy tuy không rộng, bàn ghế không nhiều, điều kiện ánh sáng không đủ, không có bảng đen, phấn trắng nhưng chưa bao giờ vắng bóng tiếng ê a của lũ trẻ học bài.
- Thầy ơi bài này em làm đúng chưa ạ? Em thấy chúng nó cứ díu vào nhau ấy ạ.
- Sai rồi nhé 51-20 phải bằng 31 cơ không phải bằng 32 nha. Sau Ngọc viết phải cách dòng ra nhé, dính hết vào nhau rồi này…
“Các cháu đến tíu tít cả ngày, nhoằng cái hết một buổi, có khi mình quên là bị bệnh tật, sống lạc quan hơn. Tuy mình kém may mắn nhưng hằng ngày các cháu đến học, đến mượn sách thì thấy hạnh phúc lắm, không tự ti nữa mà lạc quan sống. Số phận mình bất hạnh mà các cháu vẫn đến với mình để học tức là mình đã sống không vô nghĩa, đã sống có ích cho cuộc đời”, anh Trường chia sẻ.
Theo chia sẻ của anh Trường, hành trình tập viết bằng miệng của anh gặp muôn vàn khó khăn nhưng chưa bao giờ anh có ý định bỏ cuộc. Năm lớp 8, anh Trường phải nghỉ học vì hai tay co cứng không thể cầm được cây bút. Không những vậy, đôi chân anh cũng không thể cất bước dù đã có nạng gỗ. Chuyện học hành của anh Trường từ đó mà lỡ dở, cuộc sống của anh gắn liền với chiếc xe lăn.
“Không được đến trường học tập như bao bạn bè khác, tôi đã cố gắng bù đắp kiến thức bằng cách tìm hiểu cuộc sống qua những trang sách nhờ bạn bè mua hộ. Không thể cầm bút bằng tay, tôi học viết bằng miệng và tự viết nên những dòng chữ cuộc đời”, anh Trường nói.
Lấy Nhà văn - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký là người truyền cảm hứng, anh bắt đầu tập viết chữ. Nhưng mọi thứ không hề đơn giản, nhiều lúc miệng anh cảm thấy mỏi rã rời, thậm chí chảy cả máu vì phải cắn cây bút dài khoảng 10 cm trong thời gian quá lâu.
“Mới đầu chưa quen, cắn bút liên tục chọc vào họng đến bật máu. Tư thế viết bằng miệng buộc tôi phải cúi cả người và lưng xuống mặt bàn. Thời gian đầu tôi thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt, mỏi lưng và cổ. Có nhiều lúc đau đớn mà không viết ra chữ gì, tôi quẳng giấy bút đi, không tập viết nữa. Nhưng sau lại tiếp tục. Ròng rã hơn tháng trời, cuối cùng tôi đã làm chủ được cây bút và bắt đầu viết rõ hơn”, anh Trường nói.
Không chỉ viết lên cuộc đời mình, anh còn dùng những nét chữ miễn phí ấy viết lên cuộc đời của bao lứa học sinh vùng quê Nhân Lý mà không lấy một đồng nào. Để hỏi thăm đến lớp học đầy ắp tình thương này của “thầy” Trường, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng hào hứng chỉ về ngôi nhà nhỏ ven đường làng.
“Dạy học là niềm đam mê lớn nhất của tôi và tôi muốn được sống có ích chứ không thể sống lay lắt mãi được. Nếu có một ngày để sống, tôi vẫn chọn được làm nghề giáo”, anh Trường tâm sự.
Khi được hỏi rằng dạy học như này, anh có bị người dân nghi ngờ về trình độ và bằng cấp của mình không, anh Trường đáp: “Ban đầu thì chắc chắn là có, có những lời nói còn khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều như 'tàn tật thân mình chưa lo xong thì lo cho ai' hay 'Nghĩ mình là Nguyễn Ngọc Ký thứ 2 à mà đòi dạy học'. Nhưng về sau, mọi người nhìn vào kết quả các cháu đạt được, vào sự nỗ lực và cố gắng của tôi nên dần công nhận. Lớp học ngày càng đông hơn, lúc đấy tôi biết tôi đã làm tốt”.
Không chỉ dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo, anh Trường cùng một số người đã vận động được hơn 3.000 đầu sách từ sách giáo khoa đến sách khoa học, kỹ năng sống, truyện tranh... và mở thư viện Hallo World (Xin chào thế giới) miễn phí cho các em.
Trong 43 năm cuộc đời, anh Phùng Văn Trường đã vượt qua biết bao khó khăn, nghiệt ngã để viết nên những dòng chữ lấp lánh. Còn về tương lai, anh chỉ có ước muốn được hiến tặng thân xác cho y học để mang lại những kỳ tích và hy vọng cho những bệnh nhân khác.
“Thân mình là giả tạo, giống như cái áo, rách thì phải thay. Nhưng những phần nguyên vẹn còn sót lại trên chiếc áo đó còn có thể vá lại cho chiếc áo khác hoàn hảo hơn thì nên làm. Chuyện hiến tạng vốn là ước nguyện của tôi. Nếu như một người nào đó quanh năm sống trong bóng tối, nhờ có tôi mà họ nhìn được thì tôi ra đi còn một chút ý nghĩa cho đời”, anh Trường chia sẻ.
Đường tới nhà thầy Dương Đình Nghiệp (sinh năm 1955) tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội nằm trong ngõ sâu, ngoằn ngoèo, khó tìm. Thế nhưng hàng năm có hàng trăm học sinh ở Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên đổ về nhà thầy Nghiệp học Toán.
Buổi sáng đến nhà, thầy Nghiệp không dạy học, thầy đứng thổi sáo, viết thư pháp. Thầy chơi được 6 loại nhạc cụ bao gồm đàn ghi ta, đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt, đàn nhị, sáo trúc. Người ta ngồi chơi thảnh thơi, thế nhưng thầy vẫn đứng. Như hiểu được băn khoăn của vị khách lần đầu đến nhà, thầy cười tươi: “Hơn 30 năm nay, tôi vẫn đứng thế này cả ngày, chẳng bao giờ ngồi được”.
Trong gian phòng học nhỏ, nơi dạy học của thầy Nghiệp luôn đề dòng chữ: “Kiên Trì + Đam Mê = Thành Tài” như một lời nhắn nhủ đến các em học sinh. Đến bây giờ, thầy Nghiệp đã gắn bó với nghề dạy học hơn 40 năm.
Đôi chân run run, thầy nhích đi từng bước ngắn đi pha ấm trà nóng mời khách. Nhấp ngụm trà, thầy Nghiệp kể, bản thân bị mắc chứng cột sống dính khớp. Ngay từ thời nhỏ, đã thường xuyên bị đau chân, nhưng do gia đình nghèo, không có tiền chữa trị, nên đành phó mặc. Đến năm 28 tuổi, sau một lần trượt ngã thầy bị liệt hẳn.
Kể về cơ duyên đến với nghề dạy học, thầy Nghiệp cho biết vẫn luôn giữ hoài bão trở thành một bác sĩ. Năm 1978, thầy đỗ Đại học Y Hà Nội với số điểm cao nhưng vì sức khỏe yếu không thể theo học, thầy đã chuyển sang theo học trường Đại học Quản lý Kinh tế Hà Nội. Sau khi học xong, duyên số dẫn thầy đến với nghiệp trồng người. Thầy Nghiệp không dám nhận mình là thầy giáo mà khiêm tốn bảo bản thân chỉ là “bác Nghiệp dạy Toán”.
“Nghề dạy học đến với tôi một cách tự nhiên như là duyên phận vậy. Không phải là người chọn nghề nữa mà là nghề chọn người. Tôi luôn quan niệm giáo dục không chỉ đơn giản là học chữ, kiến thức để vượt qua thi cử, mà quan trọng là dạy cách làm người, cách sống để trở thành người tử tế trước khi thành người tài”, thầy Nghiệp nói.
Khuyết điểm không thể ngồi là một khó khăn lớn trong quá trình giảng dạy vì thầy luôn phải đứng liên tục. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm nghề, thầy Nghiệp phải thích nghi với khó khăn, luyện tập đôi chân thật nhiều để có thể đứng liên tục từ chiều đến tối và biến sự bất lợi thành thói quen.
“Do bị dính khớp từ háng trở lên nên tôi không bao giờ ngồi được mà chỉ đứng thẳng. Đây là nguyên nhân dẫn đến khi giảng bài cũng như trò chuyện, nghỉ ngơi lúc nào tôi cũng vẫn giữ nguyên một dáng đứng”, thầy Nghiệp chia sẻ.
Tại lớp học của thầy Nghiệp, học sinh không chỉ học Toán mà còn được thầy giảng về thư pháp và đạo nho, cũng như âm nhạc truyền thống. Phương pháp dạy riêng biệt, lớp học 4 trong 1, học Toán, học nhạc, họa, thư pháp tạo cảm hứng để học sinh thích thú, từ đó say mê học tập.
Một tuần hai lần đạp xe khoảng gần 10km từ xã Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ đến nhà thầy Nghiệp, bạn Nguyễn Vũ Minh Trí (học sinh lớp 8, trường THCS Trâu Quỳ) cho biết: “Hơn 1 năm theo học ở đây, em được truyền rất nhiều cảm hứng từ nghị lực sống của thầy và giá trị thật của học tập. Đối với chúng em, thầy luôn là tấm gương về nghị lực sống cho biết bao học sinh noi theo và có thái độ sống tích cực hơn”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.