(Sóng trẻ) - Mới đây, chúng tôi có dịp ghé thăm miền đất tận cùng của Tổ quốc - tỉnh Cà Mau, và có cơ duyên biết đến một lớp học hết sức đặc biệt. Hằng ngày đến lớp không phải các em nhỏ mà chính là các “học viên” U60, U70. Cứ mỗi 4 giờ rưỡi chiều, họ lại rong ruổi trên con đường quê và mang theo “chiếc cặp” nilon đầy màu sắc đến trường, để học cách đọc những con chữ, cách viết từng chữ cái trong tên của bản thân…
Hơn 9 năm qua, một lớp học đặc biệt ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đã thành công xóa mù chữ cho gần 100 học viên là những cụ già, người lớn tuổi ở địa phương. Các học viên trong lớp học đặc biệt này tìm đến con chữ khi mắt đã mờ, chân yếu, tay run và có cả con cháu đủ đầy. Thế nhưng, bằng niềm khát khao làm quen con chữ, họ vẫn tích cực, vui vẻ đến lớp mỗi ngày.
Mỗi buổi chiều, khi ánh nắng bắt đầu nhạt dần, trên con đường quê lại vang tiếng trò chuyện của “các cụ học viên” cùng nhau đến lớp, cầm trên tay là chiếc cặp đặc biệt từ những món đồ có sẵn từ nhà được trưng dụng, như chiếc giỏ nhựa thường dùng đi chợ hay chiếc túi nilon đơn giản,... Hình ảnh các cụ tuổi ngoài lục tuần mang theo những chiếc cặp đựng dụng cụ học tập bằng túi nilon để tìm đến con chữ đã khiến nhiều người dân xóm biển khâm phục.
Một buổi chiều yên ả, dọc theo con sông Sào Lưới hơn 5km, chúng tôi có mặt tại điểm trường Sào Lưới, một điểm trường lẻ của Trường tiểu học Việt Khái 2. Trường nằm ngay đoạn cuối sông, trước khi nước đổ ra vùng biển Tây Nam, có mặt tiền ngó ra sông và mặt sau là bìa rừng. Trường khá nhỏ, chỉ vỏn vẹn 10 phòng học và có phần “nghèo nàn” về cơ sở vật chất. Đây chính là địa điểm tổ chức thường xuyên của lớp học đặc biệt dành cho các học viên lớn tuổi, đứng lớp là bà Đào Thị Thanh An - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.
“Khi chứng kiến nhiều bà con do không biết chữ nên phải lăn tay khi làm các thủ tục hành chính, tôi đã trăn trở rất nhiều. Do đó, tôi đã xin mở lớp học xóa mù chữ cho người dân tại địa phương” - bà An nhớ lại nỗi lo khi bắt đầu có ý định mở lớp học tình thương, xóa mù chữ cho người lớn tuổi tại địa phương.
Sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề giáo nên ngay từ nhỏ, bà An đã được nuôi dưỡng tình yêu đặc biệt đối với nghề cao cả này. Năm 1987, bà An là giáo viên dạy Văn của một trường THCS trên địa bàn huyện Phú Tân. Tuy nhiên, vì một lý do cá nhân nên cô giáo viên trẻ phải bỏ nghề sau 15 năm gắn bó. Sau khi hết duyên với nghề giáo tại trường cũ, bà tham gia công tác tại cơ sở và giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái từ năm 2010 cho đến nay.
“Khi chứng kiến nhiều bà con do không biết chữ nên phải lăn tay khi làm các thủ tục hành chính, tôi đã trăn trở rất nhiều. Do đó, tôi đã xin mở lớp học xóa mù chữ cho người dân tại địa phương” - bà An nhớ lại nỗi lo khi bắt đầu có ý định mở lớp học tình thương, xóa mù chữ cho người lớn tuổi tại địa phương.
Sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề giáo nên ngay từ nhỏ, bà An đã được nuôi dưỡng tình yêu đặc biệt đối với nghề cao cả này. Năm 1987, bà An là giáo viên dạy Văn của một trường THCS trên địa bàn huyện Phú Tân. Tuy nhiên, vì một lý do cá nhân nên cô giáo viên trẻ phải bỏ nghề sau 15 năm gắn bó. Sau khi hết duyên với nghề giáo tại trường cũ, bà tham gia công tác tại cơ sở và giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái từ năm 2010 cho đến nay.
Lúc đầu, cả lớp học chỉ với 3 học viên tham gia nhưng bà An vẫn đều đặn lên lớp mỗi ngày. Bởi với bà, sức mình làm được đến đâu thì sẽ cố gắng đến đấy, để mang con chữ cho dân, để dân xóa được cái nạn mù chữ đeo đẳng mấy mươi năm. Và bằng sự kiên trì và lòng chân thành của bà An, ngày càng có nhiều người tham gia lớp học. “Người này về sẽ rủ người kia, cứ thế mà lớp học ngày càng đông”, bà An nhớ lại. Và rồi, ròng rã hơn 9 năm trời, với 6 lớp học, đã có gần 100 cụ già, người cao tuổi nơi xóm biển biết đến con chữ.
Nói về những điều đáng nhớ, khắc khoải nhất trong suốt thời gian gắn bó với nghề lái đò thầm lặng, bà An cho biết: “Tôi từng nghe một cặp học trò kể rằng cả 2 vợ chồng đều không biết chữ. Có lần, anh chồng chở vợ lên thành phố để nhổ răng, nhưng do không biết chữ nên anh phải kêu vợ nhìn hai bên đường, khi nào thấy bảng hiệu có vẽ hình chiếc răng thì kêu dừng lại… Hay có hôm, một cụ ngoài 70 tuổi điện thoại xin phép “nay cho nghỉ học bữa nhe, bệnh quá đi không nổi”, nghe mà vừa buồn vừa thương!”.
Giữa muôn vàn khó khăn trong việc xây dựng và duy trì lớp học đặc biệt này, động lực lớn lao nhất để người cán bộ phong trào vượt qua những lời dị nghị là sự đồng cảm sâu sắc và khao khát được sẻ chia những thiệt thòi với phụ nữ vùng nông thôn. Bà không chỉ muốn giúp đỡ người khác mà còn muốn thực hiện ước mơ dang dở trước đó của chính mình, từ đó tiếp thêm sức mạnh cho bản thân và cộng đồng.
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, cụ Nguyễn Thị Thao (75 tuổi, ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái) cho biết, cụ sinh ra trong thời khói lửa, chiến tranh, loạn lạc, thời điểm ấy ai cũng khó khăn, cộng với nhà nghèo nên không thể đi học như bạn bè cùng trang lứa. Đến khi trưởng thành, cụ lại quay quanh bao nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền, lao vào cuộc sống mưu sinh nên cụ chưa từng nghĩ có ngày sẽ được đi học, đến lớp và biết đến con chữ. Lọ mọ trong “chiếc cặp” nilon, cụ Thao lấy ra một quyển tập 5 ô ly đã sờn gáy, cụ hớn hở khoe với chúng tôi những dòng chữ ngoằn ngoèo, không ngay hàng thẳng lối và to đùng mà cụ viết được, đó là tên của cụ. Tuy cụ viết chưa được đẹp, nhưng những dòng chữ ấy chính là thành quả, là sự nỗ lực của những tháng ngày mà cụ miệt mài với con chữ, vì thế rất đáng để trân trọng. “Giờ tôi có thể đánh vần, đọc chữ và viết được tên mình. Biết chữ vui lắm! Từ giờ, khi đi làm giấy tờ hay khám bệnh, tôi có thể tự tay ký tên mình, không còn phải lăn tay như trước nữa” – cụ Thao phấn khởi nói.
Đến với lớp học, không chỉ có các bà, các mẹ mà còn có cả các ông tham gia. Là một trong những người “đẹp trai nhất lớp”, ông Nguyễn Văn Sang (62 tuổi, ấp Gò Công) cho hay, người dân nơi đây đa phần đời sống còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chính chủ yếu phụ thuộc vào nghề đi biển, làm thuê và nuôi trồng thủy sản vì thế ngày trẻ ít người có điều kiện đi học, trong đó có bản thân ông. Khi biết trong xã có lớp học tình thương của bà An, với niềm mong mỏi được đi học, được biết chữ, ông bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu “già rồi học làm gì” để rồi cứ đến 4 giờ 30 phút chiều hàng ngày, ông Sang lại rong ruổi trên con đường quê và mang theo “chiếc cặp” là túi nilon đến điểm trường Sào Lưới làm bạn với chữ.
Khi tâm sự về sự kiên trì, nhẫn nại giữa những vất vả khi dạy chữ cho cô chú lớn tuổi, bà An chia sẻ: “Lúc đầu, mình phải chỉ, viết mẫu, cầm tay kèm từng chữ cho mấy anh chị. Tuy có hơi vất vả, nhưng thấy mấy anh chị, cô chú rất chịu khó trong việc học, dạy là cố gắng làm theo nên mình cũng cố gắng dạy từ từ cho mọi người. Thêm với đó là sự ủng hộ nhiệt tình từ phía gia đình của anh chị, cô chú học viên.”
Trong phòng học cũ kỹ , có phần xuống cấp vì nhuốm màu thời gian, các “học sinh đặc biệt” dù tuổi đã cao, giọng nói cũng không còn trong trẻo nhưng không khí buổi học không vì vậy mà kém phần sôi động. Chỉ cần đứng ở hành lang bên ngoài, chúng tôi đã có thể nghe thấy tiếng đọc bài, tiếng ghép vần ê a rôm rả của các ông, các bà.
Bà An cho biết, có những ngày, đến lớp không chỉ là những học sinh lớn tuổi mà còn có thêm cháu nội, cháu ngoại của ông bà. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái đều đi làm ăn xa, không ai giữ cháu nên họ phải tay dắt, tay bồng các cháu đến lớp. Thấu hiểu những khó khăn đó, để mọi người có thể yên tâm trên con đường chinh phục con chữ, bà An không ái ngại việc trẻ con sẽ quấy khóc trong giờ học, ngược lại bà thường hay mua bánh kẹo cho các cháu và căn dặn “tụi con ngồi ngoan cho bà học nghen” mỗi khi các cháu đến. “Lúc dạy, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng í ới “bà nội, bà ngoại ơi cố lên” của mấy “cổ động viên nhí”, tôi thấy cũng vui tai, mấy ông bà nghe vậy cũng yên tâm, thấy có động lực học tập hơn” – bà An thích thú chia sẻ.
Buổi học kết thúc cũng là lúc trời sập tối, ai nấy đều thấm mệt và có phần uể oải vì phải ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ, thế nhưng các ông các bà vẫn không một lời than thở, mọi người “tan trường” trong niềm hân hoan và phấn khởi vì có được một buổi học bổ ích. Trên con đường làng vắng lặng, các học viên lại cùng nhau thảo luận về bài học hôm nay, nhắc nhở nhau về nhà ôn bài để hôm sau cô giáo kiểm tra. Ông Sang tâm sự rằng, mỗi khi về nhà sau các buổi học, ông đều chia sẻ với con mình về ngày hôm nay đến lớp ông đã học được gì, biết thêm được gì và mỗi lần như vậy, con ông đều rất kiên nhẫn lắng nghe, vui mừng ra mặt.
Những điều tưởng chừng như nhỏ bé đó chính là những niềm vui to lớn của bà An khi mở lớp học này. Nói về những dự định trong thời gian tới, bà An cho biết sẽ gắn bó với công việc ý nghĩa trên cho đến khi sức khỏe không còn cho phép. Do các thành viên trong lớp học rất đặc biệt nên bà và những người “cộng sự” chỉ có thể áp dụng cách dạy theo kiểu truyền thống. “Khi mở lớp mới, học viên cũ đăng ký học tôi vẫn chấp nhận vì đây là cách tốt nhất để mọi người không quên mặt chữ” – bà An tâm sự.
Sẽ có ý kiến cho rằng xóa mù chữ cho học viên lớn tuổi là việc làm vô nghĩa, không để làm gì. Nhưng nếu được tận mắt chứng kiến hình ảnh những mái đầu điểm bạc ngay ngắn ngồi trong lớp học để chăm chú nghe giảng bài, hay giây phút những bàn tay thô ráp, chai sạn vì sương gió run run nắn nót tên mình, lần dò từng nét chữ để đánh vần và tập đọc tròn câu thì mới thấm thía được giá trị nhân văn của việc làm này như thế nào.
Những giây phút ấy, không những bà An mà ngay cả chúng tôi cũng không khỏi xúc động, rưng rưng nơi khóe mắt. Bởi lẽ, đó không chỉ là thành quả của sự cố gắng, là sự vượt lên chính mình của các cụ mà đó còn là tấm gương sáng cho tinh thần hiếu học, vượt khó của dân tộc ta, xứng đáng để con cháu noi theo. Tuy không đem lại giá trị vật chất to lớn nhưng lớp học đặc biệt này lại chứa đựng niềm an ủi về giá trị tinh thần vô cùng quý giá.
Từ những người một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng sau khi đến với lớp học của bà An, mỗi khi đi làm giấy tờ thủ tục hành chính, các ông các bà đều có thể tự ký và viết tên của mình mà không cần lăn tay như trước, thậm chí, có người còn có thể hát karaoke và đọc được các bảng hiệu ngoài chợ, dọc đường như bao lâu nay ao ước,..
Biết đọc, biết viết là một công cụ quyền lực giúp cá nhân tự tin hơn trong cuộc sống, là yếu tố phát triển xã hội và con người. Vì thế, xóa mù chữ cho bất cứ độ tuổi nào, bất cứ cá nhân nào cũng là điều cần thiết và nên làm.
Ở nơi cửa biển nghèo và xa xôi ấy, việc các ông các bà lớn tuổi có thể học được chữ cái đã phần nào giúp họ tiếp cận nhiều hơn với các phương tiện thông tin, tri thức hiện đại và hơn hết là để mọi người bảo vệ được chính mình, gia đình mình. Đó là lý do những lớp học như thế lại càng trở nên đáng giá hơn bao giờ hết.
Mong rằng câu chuyện về lớp học đặc biệt của bà An sẽ truyền cảm hứng được đến nhiều người và nhiều nơi, để không chỉ tại địa phương mà trên cả nước đều sẽ mạnh dạn tổ chức các lớp học “xóa mù” kiểu tình thương mến thương cho người hơn tuổi. Bởi lẽ, điều ấy không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái mà còn khơi gợi những ước mơ về một xã hội tươi sáng hơn, không còn định kiến về tuổi tác trong việc học hành, một xã hội cùng đồng lòng quyết tâm đẩy xa cái dốt ra khỏi đời sống của người dân trên tinh thần để không ai bị bỏ lại phía sau, để mọi người đều có cơ hội học hỏi, vượt lên chính mình…
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.