(Sóng trẻ) - Từ vùng quê nghèo quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, làng Quan Độ nay “lột xác” với loạt biệt thự mọc san sát nhờ nghề "xẻ thịt" đủ loại phế liệu. Tuy nhiên, cái giá đánh đổi cho sự phồn thịnh đó là những hệ lụy đến môi trường và sức khỏe người dân.
Cách Hà Nội chừng hơn 30km về phía Đông Bắc, làng Quan Độ (Yên Phong, Bắc Ninh) được biết đến như “thủ phủ” nghề đồng nát, khủng vào loại nhất nhì miền Bắc. Theo ông Nguyễn Hoàng Gia (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Môn), hiện nay, thôn có 3.140 nhân khẩu thì khoảng hơn 200 hộ làm nghề thu mua phế liệu. Trên địa bàn thôn có 01 bãi rác thải sinh hoạt tập trung của thôn.
Từ một vùng đất nghèo khó gắn liền với nghề nông, hơn 30 năm trở lại đây, Quan Độ đã “thay da đổi thịt”, trở thành nơi “hễ ra đường gặp đại gia” nhờ vào việc buôn bán phế liệu, “xẻ thịt”các loại đồ cũ. Tại đây, những phương tiện như xe tăng, máy bay, tàu hỏa hay các thiết bị điện tử hết hạn sử dụng sẽ được “mổ xẻ”, “hóa kiếp” thành các sản phẩm mới để bán lại.
Về thôn Quan Độ, xã Văn Môn, cảnh tượng nơi đây chẳng khác gì một công trường ngổn ngang với đủ loại phế liệu chất đống. Những cỗ máy công nghiệp khổng lồ, bãi phế liệu cao như núi trải dài hai bên đường, trong khi những chiếc xe cẩu nặng hàng tấn không ngừng nối đuôi nhau di chuyển quanh làng. Ngay từ đầu ngõ, mùi nhựa cháy khen khét, mùi dầu máy hăng hắc, tiếng búa đập, tiếng máy cắt thép... hòa lẫn tạo nên một âm thanh hỗn loạn đến đinh tai nhức óc. Dọc đường kéo dài khoảng 1km, các loại máy móc hư hỏng như máy biến áp, máy xúc, ô tô... nằm ngổn ngang từ sân nhà ra ngoài ngõ.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tiến vào một xưởng thu gom dây điện phế liệu. Tại đây, những "núi" dây điện chất đầy sân, mùi nhựa nồng nặc khiến không khí càng thêm ngột ngạt. Trong không gian chật chội đó, hai công nhân ngoài 40 tuổi đang miệt mài phân loại dây điện, bỏ vào bao tải để vận chuyển đi nơi khác. Bịt kín mặt bằng khẩu trang, thậm chí phải sử dụng những chiếc khăn dày cộm, bà N.T.L cho biết: “Đây gọi là làng ung thư đấy. Tôi không phải người dân ở đây, chỉ đến để làm thuê thôi”. Lạ thay, dù biết hại cho sức khỏe nhưng công nhân hàng ngày vẫn “bán mình” tại đây, khi được hỏi lý do, bà chỉ ngậm ngùi đáp: “Vì miếng cơm manh áo chứ biết làm thế nào”.
Đi thêm một đoạn, ghé vào một khu thu phế liệu, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi) trong nhà ra tiếp đón. “Sang” thì gọi là nhà nhưng thực chất đó chỉ là một túp lều tạm bợ được dựng lọt thỏm, nép mình giữa núi “rác”, xung quanh ngổn ngang phế liệu. Dưới đất, trong nhà, cửa ra vào, thậm chí là dưới gầm giường, đâu đâu cũng thấy đủ các loại đồ điện tử hỏng. Đồ còn có thể sử dụng được, anh dọn vào một góc, còn những vật đã “hết cứu”, cái thì chới với vướng trên “núi” nhựa cao chừng 2m, cái bị kẹt trong đống đủ thứ rác, cái thì đã bị bỏ quên quẳng dưới đất, gỉ sét từ lâu.
Quệt vội những giọt mồ hôi, nhìn đống hỗn tạp đủ loại phế liệu, anh Hùng bảo so với giấy, chai nhựa thì đồ điện tử không đáng, bên thu mua không nhận nhiều nên anh cũng không hay đi kiếm, chủ yếu người dân tự mang đến. Với giá cả chỉ dao động từ 30 - 40 nghìn một chiếc ti vi cũ thì thực lòng, anh thích mua giấy nhựa hơn.
Từ khi nghỉ hết cấp 2, mưu sinh với nghề gần 2 thập kỷ, vẫn thói quen cũ, chỉ một chiếc khẩu trang, đôi khi là thêm chiếc gang tay, anh bắt đầu phân loại, nhặt nhạnh từng loại rác, hay tháo thủ công linh kiện đồ điện hỏng. Sống cùng rác thải điện tử, ăn nằm cũng cùng rác thải điện tử từ lâu, ít ai hiểu rằng, làm việc trong điều kiện không có những vật dụng bảo hộ, lại thường xuyên tiếp xúc với rác thải độc, những người làm nghề như anh Hùng sẽ chịu nhiều nguy cơ do tai nạn nghề nghiệp. Các bệnh về da do tiếp xúc với chất độc hại, hay các vết thương do sơ suất trong lúc phân loại là điều không thể tránh khỏi... Nhưng khi được hỏi về những ảnh hưởng của nó, anh cũng chỉ biết cười ngán ngẩm bởi lẽ, đây như một “thành trì kiên cố” bảo vệ miếng cơm manh áo để anh mưu sinh.
Theo ông Công Đoàn (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Môn), hiện nay, thôn có 3140 nhân khẩu, trong đó hơn 200 hộ làm nghề thu mua phế liệu, đa số kinh doanh theo hình thức tự phát. Công việc đem lại nguồn thu khổng lồ cho người dân nơi đây, nhưng đằng sau tên gọi “làng đồng nát” bạc tỷ lại là sự đánh đổi về môi trường và sức khỏe của người dân.
Bủa vây các con đường, ngõ xóm đều là những bãi phế liệu đủ thể loại. Từ tivi, máy in hay những máy phát điện cũ hỏng công suất lớn… không cần che chắn, bảo quản, tất cả đều phơi trần ngoài trời chờ ngày “hóa kiếp”. Tại đây, lớp rác cũ chưa kịp xử lý, lớp rác mới đã đổ về, “bồi đắp” lên mặt đất bởi chất thải độc từ năm này qua năm khác. Dầu mỡ cùng hàng loại rác thải khác nhau khiến màu nước kênh đổi màu đen đặc quánh và bốc mùi hôi thối.
Không chỉ ô nhiễm đất và nguồn nước, không khí dường như cũng đang “kêu cứu” giữa trận địa đồ điện tử. Tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Thụy Lâm và làng Quan Độ (xã Văn Môn), phóng viên nhận thấy trên trục đường xuất hiện hàng loạt điểm đốt trộm chất thải. Theo người dân, những đống rác ở đây thường xuyên cháy âm ỉ. Cột khói đen sì, khét lẹt mù mịt cả một góc trời đang "bóp nghẹt" không khí, khiến những khu vực này dần trở thành vùng đất chết, nặng trĩu rác thải, ủ sâu trong mình biết bao chất độc. Mức độ ô nhiễm đã “bức tử” sự sống của các loài cây, thậm chí khiến người dân ở các khu vực lân cận cũng phải kêu cứu.
Ngồi nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau một mồi lửa, tuy là người làng bên, bà T.T.H (50 tuổi) cũng không giấu nổi bức xúc: “Chính quyền đã cấm nhưng một số hộ dân vẫn đốt trộm. Dù sợ chết nhưng đất ở đây, nhà nào ở nhà ý, không đi đâu được, trẻ con cũng bắt buộc phải chịu đựng. Sống trong môi trường độc hại này lâu, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe”.
Trao đổi với nhóm phóng viên, ông Công Đoàn (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Môn) cho biết: “Xã thường xuyên lập các tổ xử lý các trường hợp vi phạm và giám sát, không cho người dân đổ và đổ đốt trộm. Chúng tôi đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động từng gia đình sản xuất, phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và môi trường, ký cam kết không đổ đốt chất thải nguy hại ra môi trường xung quanh. Mức xử phạt với đối tượng không chấp hành từ là từ dưới 5 triệu”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng dù đã có nhiều nỗ lực từ phía chính quyền, tình trạng đốt trộm vẫn xảy ra. Hiện nay, xã Văn Môn đang tích cực tuyên truyền, giám sát và xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm.
Với các em học sinh sống tại vùng “thủ phủ” phế liệu này, chứng kiến môi trường quê hương mình đang dần suy tàn trước mặt, chịu đựng thứ mùi khó chịu bám lấy cuộc sống hàng ngày là điều không hề dễ dàng. Em T.C.C (16 tuổi, xã Vân Môn) không giấu nổi sự ấm ức: “Em cảm thấy bất lực lắm! Mình không làm nhưng vẫn phải chịu ảnh hưởng từ các hoạt động của làng nghề. Lên trường thì bị kỳ thị vì mọi người cho rằng dân tại đây ý thức kém, gây ảnh hưởng đến người khác. Đi chơi chúng em cũng phải tránh xa khu làng nghề”.
Nghiên cứu của tổ chức Silicon Valley Toxics Coalition (Mỹ) đã chỉ ra rằng trong rác thải điện tử có chứa nhiều kim loại nặng và hóa chất độc hại như bari, đồng, niken, và các chất khác như berili, cadmium, chì, thủy ngân – những chất gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Cũng theo nghiên cứu của các chuyên gia Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), trong các monitor đời cũ có chứa xấp xỉ 10.000 tấn chì. Phơi nhiễm chì có thể dẫn đến các rối loạn nhận thức ở trẻ em, làm hủy hoại hệ thần kinh, tuần hoàn và hệ sinh sản ở người lớn.
Hệ lụy ai cũng rõ, tiếng kêu cứu từ nơi tận cùng ô nhiễm hàng ngày vẫn diễn ra, nhưng việc giải quyết triệt để tình trạng này vẫn là bài toán khó đối với lãnh đạo, chính quyền địa phương nơi đây.
Âm thanh cưa, đục, tiếng búa đập chan chát, khói bụi phủ trắng từng mảng cùng thứ mùi khó chịu đã bám lấy cuộc sống của người dân hàng ngày. Cả làng giờ đây như một “công trường” lớn. Hàng trăm lao động từ các làng bên di chuyển sang Quan Độ để làm thuê. Chỗ thì tấp nập tháo dỡ máy móc, tuốt dây cáp, đốt để lấy lõi đồng, nhôm, chỗ lại lại ngồi tỉ mẩn tháo từng linh kiện điện tử. Những xe chở hàng vài tấn tấp nập "ăn" hàng…
Chấp nhận sống chung, gắn bó với đồ điện tử hàng thập kỷ nay, đồ bảo hộ chỉ là chiếc khăn che mặt cùng gang tay mỏng, chị P.T.H (37 tuổi) vẫn ngày ngày làm công việc tuốt dây điện để đem bán. Tai nạn lao động, sứt chân, sứt tay, ho hay đau mắt trở thành câu chuyện bình thường với chị và người dân nơi đây.
Dù nhận thấy sức khỏe bản thân bị ảnh hưởng, chị H vẫn thản nhiên: “Chả làm sao cả! Làm nghề này cũng độc nhưng không độc và bụi bằng làng khác trong xã được”.
Được ví là một trong những “làng ung thư” trong cả nước, đáng nói, không chỉ riêng chị H mà hầu hết những người làm nghề “mổ xẻ” phế liệu ở đây đều chung một tâm lý chủ quan. Làm công việc tháo dỡ các linh kiện, tiếp xúc trực tiếp với đồ điện tử mà không có đồ bảo hộ, lạ thay, anh H.V.T (làng Quan Độ, xã Vân Môn) cũng cho rằng việc làm này là không thực sự nguy hiểm hay ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bản thân.
Có thể thấy, người dân làng Quan Độ đang đánh cược chính sức khỏe của mình với tử thần để đổi lấy một cuộc sống người ta gọi là “làng đại gia”. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), mỗi năm có 160 triệu người mắc bệnh nghề nghiệp, có khoảng 438.000 người bị chết do hóa chất nguy hiểm gây ra. Nhận định về sức khỏe của những người công nhân khi phải làm việc thường xuyên với rác thải độc, ThS.Bác sĩ Nguyễn Thị Diệp (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Người dân sử dụng tay trần hoặc bao tay không đúng quy cách để chia nhỏ thiết bị thành các phần nhỏ. Quá trình này có thể khiến những kim loại, hóa chất độc ngấm vào cơ thể, gây ra các bệnh về da, hô hấp, nhiễm độc cơ thể thậm chí ung thư và suy giảm nhận thức”.
Phát triển làng nghề, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập ở thôn Quan Độ là một việc làm cần thiết, song cần có quy hoạch hợp lý để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cho người lao động. Tại Điều 56 Luật bảo vệ môi trường 2020, vấn đề bảo vệ môi trường tại các làng nghề phải đáp đứng các quy định về: Điều kiện bảo vệ môi trường; Yêu cầu về bảo vệ môi môi trường đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề; Di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất ra khỏi làng nghề và chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn Nguyễn Công Đoàn cho biết: “Xã đã có những chỉ đạo về việc xử lý ô nhiễm môi trường ở làng nghề, đặc biệt là tình trạng đổ, đốt trộm rác thải điện tử. Theo đó, xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý việc đổ chất thải, đốt rác thải trên địa bàn; tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm; đề nghị các ngành chức năng của huyện tiếp tục tuần tra, giám sát, quản lý các phương tiện chở chất thải, nguyên vật liệu không đúng quy định về trên địa bàn xã Văn Môn đổ trộm”.
Cùng với đó, địa phương cũng đã phối hợp với Viện chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp, khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm các nguyên vật liệu để đưa ra những biện pháp, có những công văn chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Tuy nhiên, theo Luật sư Dương Lê Ước An (Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát), thực trạng ô nhiễm tại Quan Độ vẫn chưa được xử lý triệt để. Việc phế liệu, máy móc hư hỏng nằm rải rác, la liệt trên những đoạn đường kéo dài cho thấy Làng Quan Độ đã không đáp ứng điều kiện về “Điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường hay khu xử lý chất thải rắn không tuân theo quy định pháp luật”.
“Trên cơ sở đánh giá phân tích, làng Quan Độ thuộc làng nghề sản xuất ngành nghề không khuyến khích tại Phụ lục II Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Mặc dù dân cư, hộ gia đình nhận thức được rất nhiều mối tác động nguy hiểm đến sức khỏe đời sống, UBND cấp tỉnh cùng các cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra những chính sách, quy định xử phạt nhưng vẫn chưa có kế hoạch di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất ra khỏi khu vực hay chuyển đổi ngành, nghề sản xuất của cơ sở, hộ gia đình sản xuất để đảm bảo cuộc sống của người dân”, Luật sư chia sẻ.
Ông thông tin thêm: “Cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường bị xử phạt như đối với cá nhân, tổ chức hoạt động bên ngoài các làng nghề, phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm (Điều 15 Nghị định 45/2022/NĐ-CP). Bên cạnh đó, cá nhân hay hộ gia đình, tổ chức còn phải chịu các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 7 Điều này”.
(Tên nhân vật trong phóng sự đã được thay đổi)
Xem chi tiết 3 kỳ tại: Nan giải tìm hướng đi cho "dế chế" rác thải điện tử
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.