(Sóng trẻ) - Rác thải điện tử đang dần trở thành hiểm họa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, những khu vực tái chế rác điện tử gây nguy hại cho cộng đồng mà không có biện pháp xử lý tích cực thì cần cho dừng hoạt động.

Hiệp hội Chất thải rắn Quốc tế (ISWA) cho biết, số lượng chất thải điện tử đang tăng nhanh hơn 3 lần so với dân số thế giới và nhanh hơn 13% so với GDP của thế giới trong 5 năm. Vào năm 2019, GESP phát hiện ra rằng 17,4% rác thải điện tử được thu gom và tái chế đúng cách đã ngăn chặn được 15 triệu tấn CO2 tương đương thải ra môi trường. Vì vậy có thể nói, việc thu gom và tái chế rác thải điện tử hợp lý là chìa khóa để bảo vệ môi trường và giảm lượng khí thải gây hại cho khí hậu.

Để tìm lời giải cho bài toán rác thải điện tử, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với GS.TS Đặng Kim Chi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội - một trong những nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Hy vọng rằng, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia có thể góp phần vào việc tìm ra hướng đi phù hợp cho rác điện tử.

 

Hiện nay, rác thải điện tử Việt Nam đang có số lượng tăng nhanh chóng. Theo chuyên gia nguyên nhân là do đâu?

Từ bao năm nay, đất nước ta phát triển từ nước nông nghiệp nghèo, lạc hậu. Lúc đó, chất thải chúng ta không đa dạng và phức tạp như bây giờ. Ngày xưa một cái điện thoại để bàn hay cái tivi không phải nhà nào cũng có. Giờ từ thành thị đến nông thôn, nhà nào cũng sử dụng pin, ắc quy, tivi, điều hoà. Các sản phẩm điện tử trên thế giới hay Việt Nam tăng lên, tương ứng với nó chất thải điện tử cũng tăng lên nhiều. 

Thói quen ngày xưa các chất thải đem đổ đi chủ yếu là rau cỏ, thức ăn thừa, phân trâu bò gà lợn... không đòi hỏi phải phân loại. Nhưng bây giờ xã hội ngày càng phát triển và việc sử dụng sản phẩm công nghệ mới, và luôn luôn được thay đổi. Điển hình là các công nghệ điện tử, các sản phẩm điện tử đi vào đời sống gia đình chúng ta ngày một nhiều. Và lúc ấy, chúng ta thấy rõ tỷ lệ rác thải nó không chỉ đơn thuần là những chất thải dễ phân huỷ ở dạng thực phẩm mà nó là chất thải khó phân huỷ và phải được tái chế, thậm chí còn phải xử lý bằng biện pháp tốt. 

Chuyên gia đánh giá thế nào về thực trạng phân loại rác tại nguồn, đặc biệt là rác thải điện tử của người dân?

Thu gom chung rác thải điện tử với rác thải sinh hoạt, nó tồn tại từ lâu. Người ta coi chung là loại chất thải vứt bỏ, khi thu gom rác họ thu luôn tất cả. Nhưng lưu ý luật bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2020 tại điều 75 và điều 78 đã đề cập đến vấn đề rác thải sinh hoạt ở hộ gia đình cần được phân loại thành 3 loại khác nhau: Một là các loại chất thải thực phẩm hay có thể phân huỷ sinh học, hai là chất thải có thể tái chế và ba là các loại chất thải khác.

Các loại chất thải điện tử theo tôi, có thể xếp vào loại có thể tái chế, tái sử dụng, nhưng lại có tính nguy hại bởi vì một số thành phần trong chất thải điện tử chứa nhiều kim loại và những nguyên tố hiếm, có khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Sắp tới nếu theo luật bảo vệ môi trường thì yêu cầu mọi người phải tách riêng loại này ra. Đây là loại chất thải có thể tái chế, tái sử dụng nhưng cũng có tính nguy hại, nó có thể xếp vào loại như vậy. 

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 các địa phương phải phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, dù đã sắp đến thời hạn, hoạt động này hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Có nguyên nhân nào mà giải pháp vẫn chưa được phổ biến, thưa chuyên gia?

Công tác tuyên truyền rất quan trọng. Chúng tôi cũng đã trao đổi rất nhiều trong các hội thảo. Để đạt được các hiệu quả của việc thực thi theo các yêu cầu của luật và chính sách từ trên đưa xuống thì vai trò của chính quyền địa phương của nơi đó, và vai trò của người dân tại địa điểm đó là hết sức quan trọng.

Chính quyền địa phương phải có biện pháp để giải thích cho người dân hiểu, động viên họ và kiểm soát, giám sát hoạt động vi phạm người dân. Các bạn đi từng vùng không thấy phân loại rác. Nếu lồng ghép vào các hương ước làng xã, vận động các đoàn thể quần chúng Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… tham gia tích cực vào công tác phân loại rác và xử lý rác có thể thay đổi nhận thức được cả mọi người xung quanh. Nhưng nếu họ phân loại rồi thì phải được đồng bộ với việc vận chuyển và đưa đến những nơi có khả năng xử lý loại rác này. Nếu không đồng bộ thì việc phân loại hay thu gom cũng không có ý nghĩa. 

Đã có một số làng nghề tái chế rác thải điện tử. Tuy nhiên, các hoạt động còn diễn ra thủ công và chưa đảm bảo. Chuyên gia đánh giá thực trạng này như thế nào?

Đặc điểm của làng nghề Việt Nam là nơi tồn tại các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp nhưng lại nằm trong vùng nông nghiệp. Nghĩa là những hoạt động tự phát để làm ra sản phẩm. Việc tái chế, thu gom những chất thải điện tử là hoạt động tự phát, phát sinh từ những vùng quê, từ những hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình. 

Vì vậy họ làm việc không tiếp thu công nghệ tốt, không cơ khí hoá, tự động hoá cao mà chủ yếu là lao động thủ công. Những hoạt động của làng nghề nói chung trong đó có làng nghề tái chế chất thải điện tử nói riêng đều là những nơi có tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường rất nặng: môi trường không khí do hoạt động nhiệt phát sinh ra, môi trường nước do quá trình sử dụng nước và hoà tan những vật liệu trong nước, môi trường đất do chất thải tồn đọng lại trong đất nhiều năm không phân huỷ được, và đi vào chuỗi dây chuyền thực phẩm qua các cây trồng, các sinh vật sống trong đất để rồi vào cơ thể sống và ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.

Bà có thể giải thích rõ hơn về hậu quả việc tái chế rác thải điện tử không đúng cách tại các làng nghề?

Các chất thải điện tử chứa rất nhiều thành phần nguy hại. Ở các đồ điện tử, nhựa người ta có thể thu để tái chế lại thành ra những sản phẩm nhựa tái chế nhưng còn kim loại, kim loại quý và hợp chất như thuỷ ngân, barium... rất độc. Những người này làm việc trong điều kiện hết sức thô sơ, thủ công và chỉ mang tính phá dỡ và phân loại chứ không mang tính tái chế, không có công nghệ nào thu hồi những vật liệu quý đó. Rất độc hại! Hại cả với người trực tiếp lao động và những người ở xung quanh đó! 

Nếu không có những biện pháp cương quyết trong việc bảo vệ môi trường, xử lý chất thải thì sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng tới khu vực, hộ sản xuất, mà đối với những người dân ở làng bên cạnh không tham gia vào sản xuất cũng bị ảnh hưởng và xa nữa, nó còn ảnh hưởng tới những khu vực lân cận tại các làng quê có tiếp nhận những nguồn nước thải ra từ các cơ sở sản xuất và các khí độc.

Điều 4 trong Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH có quy định về việc trang bị đồ bảo hộ cho người lao động tiếp xúc với bụi và hóa chất độc. Chuyên gia đánh giá các khu vực tái chế rác thải điện tử thực hiện quy định này như thế nào? 

Đa số các chất thải điện tử hiện nay đều được đưa về các làng nghề Việt Nam để phân loại, tái chế... Hoạt động an toàn lao động ở các cơ sở là rất thấp. Chủ yếu họ thuê các công nhân lao động làm việc trong khu vực này nhưng rất ít các phương tiện bảo hộ lao động và sử dụng rất ít các biện pháp để giảm thiểu các chất thải phát sinh gây tác động trực tiếp đến người lao động. Vì vậy, cho nên hoạt động bảo vệ môi trường ở các làng nghề hiện nay đã trở thành một  trong những vấn đề rất bức xúc. Trong đó có các làng nghề tái chế và sử dụng lại chất thải điện tử mà chúng ta đang đề cập.

Bà có thể đề xuất một số giải pháp hướng đến việc giải quyết triệt để vấn đề môi trường và sức khỏe người dân tại làng nghề tái chế rác thải điện tử?

Chúng tôi biết nhiều làng nghề kim loại, tỷ lệ những người mắc bệnh ung thư, tỷ lệ trẻ em sinh ra hay tuổi thọ trung bình của họ cũng thấp. Vấn đề là có nên duy trì hoạt động làng nghề này không nếu như họ không áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường để duy trì sự phát triển bền vững.

Bản thân chúng tôi cũng đã nhiều năm quan tâm đến vấn đề môi trường tại các làng nghề. Chúng tôi cho rằng những làng nghề, đặc biệt những làng nghề tái chế gây nguy hại cho cộng đồng mà không có những biện pháp tích cực trong vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng thì phải cho ngừng hoạt động. 

Chúng ta có thể yêu cầu một nhà máy phải dừng hoạt động để cải tạo, lắp đặt thiết bị bảo vệ môi trường thì ngay đối với những cơ sở sản xuất làng nghề chúng ta vẫn có quyền yêu cầu như vậy vì họ đều là công dân của nước Việt Nam, đều phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Họ phải có trách nhiệm bảo vệ chất lượng sống của môi trường, của cộng đồng những người dân xung quanh. Muốn phát triển kinh tế tốt thì phải chú ý tới vấn đề môi trường để đảm bảo cân bằng giữa việc phát triển kinh tế xã hội và môi trường. Đó là xu thế phát triển bền vững. 

Theo chuyên gia, những thuận lợi và vướng mắc trong các quy định về xử lý chất thải điện tử ở nước ta là gì?

Theo tôi, một quy định cụ thể riêng về chất thải điện tử là chưa có. Nhưng chúng ta có những quyết định, những văn bản liên quan đến chiến lược quản lý và xử lý chất thải rắn tầm nhìn 2025, 2050, một số quyết định của chính phủ cũng đã có. Vấn đề thực thi nó như thế nào, theo tôi là sự đồng thuận của toàn dân. 

Sắp tới luật bảo vệ môi trường sẽ có số liệu liên quan đến vấn đề quản lý, các loại chất thải rắn nhưng còn cụ thể một chủ trương về xử lý chất thải điện tử theo tôi, điều ấy họ không làm. Chúng ta phải tự phải kêu gọi các nhà sản xuất, các nhà khoa học nghiên cứu các biện pháp để có thể thu hồi các kim loại, những vật liệu quý trong chất thải điện tử, sử dụng triệt để các nhựa sinh ra, sử dụng triệt để các sắt thép sinh ra và làm sao cho việc tái chế này hiệu quả thì mới bền vững được.

Vậy làm thế nào để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, làng nghề thực hiện tái chế rác thải điện tử an toàn, thưa chuyên gia?

Mọi chủ trương, chính sách trong vấn đề quản lý, xử lý các loại chất thải phát sinh phải có sự đồng bộ, và phải được sự ủng hộ không chỉ từ cấp trên, còn phải đến tận người dân nữa. Chúng ta phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ.

Ví dụ, một số cơ sở tự giác làm công tác tái chế, tái sử dụng chất thải thì chúng ta có thể hỗ trợ, kêu gọi họ hỗ trợ về mặt kinh phí, khuyến khích họ thực hiện, giảm số chi phí thuế trong giai đoạn họ bảo vệ môi trường, hoặc có thể giới thiệu họ tới Quỹ bảo vệ môi trường của Việt Nam, hỗ trợ kinh phí cho họ để được triển khai, hoàn thiện. Tuy nhiên, chúng ta xã hội hoá những hoạt động này nhưng phải mang lại hiệu quả kinh tế thì mới bền vững, chứ ngồi chờ tiền ở trên rơi xuống thì nó chỉ mang tính chất phong trào.

Xin chuyên gia cho biết quy trình đúng khi tái chế rác thải điện tử?

Hệ thống tái chế rác thải điện tử chính thức xuất hiện từ năm 2010 ở Việt Nam với một số cơ sở ở quy mô công nghiệp vừa và nhỏ cùng các kỹ thuật tái chế phổ biến như hỏa luyện, thủy luyện… Đầu tiên, linh kiện được tách rời, phân loại và thu thập theo nguồn gốc. Sau đó, các linh kiện tái sử dụng được sẽ được sửa chữa hoặc tái sử dụng. Các linh kiện không thể sử dụng lại, thường sẽ được xử lý thông qua quá trình tái chế, tái sử dụng nguyên liệu, hoặc xử lý đúng quy định để tránh tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.

Việc này đòi hỏi cả địa phương, cả chính quyền địa phương và cả chính sách từ trên xuống dưới phải có sự thống nhất, phải có sự đồng bộ giữa việc khuyến khích, giải thích cho người dân việc phân loại. Cụ thể, thu gom riêng chất thải điện tử nhưng phải có nơi tiếp nhận rác thải điện tử mà họ đã thải bỏ và phải có cơ sở sẽ tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất thải điện tử này.

Nó là sự đồng bộ của cả hệ thống chứ không phải chỉ có việc thu gom xong rồi thôi. Việc bảo vệ môi trường phải do chính người dân tại địa phương ấy tự giác thực hiện thì mới hiệu quả. Đấy là ý kiến cá nhân của tôi!

Trân trọng cảm ơn GS.TS Đặng Thị Kim Chi về những chia sẻ hữu ích vừa rồi!

Xem chi tiết 3 kỳ tại: Nan giải tìm hướng đi cho "dế chế" rác thải điện tử

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN