Bánh chưng làng Tranh Khúc nức tiếng xa gần bởi bánh có vị thơm, ngon, đậm vị lại có hình vuông vức, màu sắc đẹp mắt. Thế nhưng, không ai biết chính xác nghề gói bánh chưng xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết đã có từ rất lâu và được truyền từ đời này sang đời khác. Dần dần, công việc này trở thành nghề truyền thống của người dân làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Đến thăm làng Tranh Khúc thời điểm nào trong năm cũng dễ dàng bắt gặp cảnh người dân gói bánh chưng khắp sân nhà nhưng đặc biệt nhất là vào những ngày giáp Tết. Nếu ngày thường, mỗi nhà chỉ gói 50-100 cái theo đơn đặt hàng thì dịp Tết, trung bình mỗi ngày, mỗi nhà gói và nấu khoảng 600-800 bánh.
Thời điểm Tết Nguyên Đán đang dần tới gần, chị Nguyễn Thị Trà My (Hà Nội) quyết định xin nghỉ việc sớm để về nhà phụ giúp gia đình. Chị cho biết, đơn đặt hàng bánh chưng gia tăng mạnh từ đầu tháng 12 âm lịch nên hầu hết các nhà đều phải huy động hết anh em, họ hàng đến làm cùng. Thậm chí, gia đình phải bắt đầu công việc từ 4, 5 giờ sáng.
Để kịp tiến độ công việc, nhiều hộ gia đình còn thuê thêm nhân công với giá dao động trong khoảng 300.000-400.000 đồng/người/ngày, tùy vào tay nghề.
Cô Trần Thị Đoan Trang (Thôn Tranh Khúc, Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Bánh chưng làng Tranh Khúc phần lớn cung cấp cho người dân Hà Nội, số ít sẽ được vận chuyển đến một số tỉnh lân cận phía Bắc và các tỉnh miền Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,...”.
Khách hàng chủ yếu là khách quen và khách buôn với số lượng lớn. Cũng có những khách lẻ tìm đến tận làng để mua với mong muốn được đến tận nơi và xem tận mắt quy trình làm bánh chưng của người dân nơi đây.
Nhắc đến bánh chưng làng Tranh Khúc, không ít người bị ấn tượng bởi hương vị đặc biệt của loại bánh gia truyền này. “Bánh chưng làng Tranh Khúc có tiếng từ xưa đến nay. Người dân trong làng luôn lựa chọn nguyên liệu kỹ lưỡng nên bánh mới đạt chất lượng cao. Người sành ăn chỉ cần ăn bánh chưng một lần là sẽ nhớ mãi, không lẫn vị với nơi nào khác được”, cô Trang cho biết thêm.
Gạo nếp ngon, thịt lợn tuyển chọn cùng đỗ xanh quê và lá dong đẹp là những nguyên liệu làm nên hương vị đặc biệt của bánh chưng làng Tranh Khúc. Theo cô Trang, gạo nếp phải là gạo nếp cái hoa vàng để vỏ bánh được dẻo và mềm. Đỗ xanh phải là loại hạt nhỏ, ruột vàng, được giã nhuyễn để bánh có mùi thơm bùi. Thêm vào đó, thịt lợn được lựa chọn kỹ càng sao cho thịt có cả mỡ lẫn nạc để nhân bánh được béo ngậy.
Một khâu không thể thiếu trong quy trình làm bánh chưng chính là chọn lá dong. Vào dịp Tết, đa số lá được sử dụng đều là lá dong rừng bởi nhu cầu thị trường cần số lượng lớn, còn ngày thường, người dân sẽ sử dụng lá dong quê để gói bánh. Lá dong có kích cỡ vừa phải, mềm dẻo, được lau rửa sạch sẽ trước khi được đưa vào gói.
Khác với các nơi, người dân làng Tranh Khúc không cần dùng khuôn để gói mà gói bánh trực tiếp bằng đôi bàn tay khéo léo. Những đôi bàn tay thuần thục, gấp gọn các góc, một chiếc bánh chưng vuông vức có thể được tạo thành trong chưa đầy 30 giây.
Sau khi gói xong, từng gánh bánh chưng lớn được đưa vào luộc trong khoảng 9-10 tiếng. Mồ hôi ướt nhễ nhại ra khắp áo vì luôn phải canh 3-4 nồi bánh cùng lúc nhưng lúc nào người dân nơi đây vẫn luôn nở nụ cười.
Mọi người vẫn đùa nhau rằng, vào dịp tết, làng Tranh Khúc trở thành “ngôi làng không ngủ” còn người dân trở thành những người luôn “thức giấc trước bình minh”. Bánh chín, mọi người nhanh tay vớt ra và thương lái sẽ đến tận làng chở bánh đi phân phối.
Ngày thường, người dân trong làng làm cả bánh chưng đa dạng kích thước nhưng để phục vụ thị trường những ngày Tết, người dân chủ yếu làm bánh chưng theo khổ lớn.
Bánh chưng có kích thước lớn không chỉ đẹp mắt, phù hợp để thắp hương bàn thờ gia tiên mà còn có thể đáp ứng nhu cầu ăn uống của các gia đình. Tết năm nay, giá bán bánh chưng Tranh Khúc không chênh lệch nhiều so với các năm trước với giá dao động từ 40.000-100.000 đồng/cái tùy từng loại.
Những ngày này, đi từ cổng làng vào, đâu đâu cũng thấy được một bầu không khí đoàn tụ ấm áp bao trùm. Niềm hy vọng một năm mới sung túc trào dâng trong lòng những người dân nơi đây. Đối với họ, giữ nghề làm bánh chưng là giữ nghề truyền thống của quê hương và xây dựng nên thương hiệu riêng của làng.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.