Đón tiếp chúng tôi vào một buổi đầu xuân Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đưa “những vị khách lạ” tới thăm căn xưởng quen thuộc. Đứng giữa những đứa con tinh thần, anh bắt đầu câu chuyện của mình một cách chậm rãi. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, sự tâm huyết và những kỷ niệm càng trở nên sâu sắc và cuốn hút theo từng lời kể của anh. 

Từ những ngày ấu thơ, cậu bé Phát đã sớm được tiếp cận với nét văn hóa dân gian xứ Đoài. Có ông nội là nghệ nhân và bố là người đam mê, am hiểu nghệ thuật, niềm say mê với giá trị truyền thống dần nhen nhóm trong lòng người con trẻ.

Những kiến trúc đình, chùa cổ kính nơi làng cổ Đường Lâm đã vun đắp cái hồn hướng về nghệ thuật dân gian của chàng thiếu niên. Ở đấy, từng nét chạm khắc mang dấu tích thời gian góp phần định hình phong cách của Nguyễn Tấn Phát sau này.

Để được như ngày hôm nay, anh đã phải kiên trì và trải qua bao thử thách, đôi khi phải chấp nhận cả “sự khác biệt rủi ro” để tìm ra lối đi độc đáo cho riêng mình. 

Năm 18 tuổi, khi bạn bè đồng trang lứa lựa chọn ngành học theo xu hướng của thời đại như thiết kế nội thất hay thiết kế đồ hoạ, anh quyết định “rẽ hướng” sang ngành sơn mài của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

“Trong quá trình học, mọi người có thể chán nhưng tôi vẫn cảm thấy thích. Từ cuối năm nhất đại học, tôi đã kiếm được tiền bằng cách làm ra những sản phẩm thủ công. Bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ, dễ làm với vốn ít, dần dần tôi mở rộng phạm vi thực hiện và làm đa dạng thể loại hơn”, anh Phát chia sẻ.

Chủ động trong tư duy và học tập, Nguyễn Tấn Phát không ngừng tích lũy cho bản thân nhiều kiến thức và kinh nghiệm về nghệ thuật dân tộc từ khi còn trẻ. Anh tự mình tìm đến nhiều làng nghề và cơ sở làm nghề thủ công như điêu khắc, chạm bạc,... để quan sát và mày mò học hỏi. Từ đó, góc nhìn về nghệ thuật trong anh ngày càng trở nên phong phú. 

Thay vì phát triển bản thân theo con đường vẽ tranh sơn mài đơn thuần, anh thử sức chính mình ở khía cạnh khác - làm đồ vật điêu khắc kết hợp sơn mài. Với anh, nghệ thuật điêu khắc là một hướng đi riêng, nơi chất họa sĩ và chất nghệ nhân đều được tỏa sáng. Đây cũng chính là những bước đầu tiên mang đến sự thành công về sau của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.

Những năm gần đây, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát được nhiều người biết đến với các bộ sưu tập điêu khắc lấy hình tượng 12 con Giáp. Đưa mắt ngắm nhìn các tạo tác, anh cho biết: “Lối đi này gần gũi với cuộc sống hơn khi nó chạm được đến nhu cầu tinh thần của xã hội. Hơn nữa, tôi mong muốn đem đến cho những sản phẩm này một sức sống mới. 

Nếu như thời gian trước, có nhiều nghệ sĩ làm về chủ đề này theo hướng truyền thống, tức là tái hiện y nguyên mẫu với dáng hình thật thì tôi lựa chọn cách điệu chúng. Biến chúng trở nên ‘vuông thành sắc cạnh’, hiện đại và phù hợp với nội thất, bằng cách này, tôi có thể đưa được nhiều giá trị văn hóa vào từng sản phẩm”.

Để chuẩn bị cho bộ sưu tập chào xuân 2024 - “con Rồng cháu Tiên”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã ấp ủ ý tưởng và thực hiện chúng trong vòng 2 năm. Tất cả đều do anh tự mình hoàn chỉnh từng bản thiết kế và chạm khắc sản phẩm. 

“Con rồng là hình tượng thường xuất hiện trong văn hoá truyền thống và mỹ thuật Việt Nam. Đây là một trong những điều làm nên sự đặc biệt và là cảm hứng để tôi sáng tạo ra bộ sưu tập”, nghệ nhân chia sẻ.

Theo anh, bộ sưu tập được gọi là “tạo tác” vì chúng bao gồm nhiều thể loại khác nhau như: tranh phù điêu, tượng, sản phẩm ứng dụng,... Ngoài tính mỹ thuật, các sản phẩm đều đòi hỏi cả tính kỹ thuật.

“Tôi muốn gài gắm những câu chuyện cổ, những giá trị văn hoá vào các tác phẩm của mình nhiều nhất có thể, để chúng không chỉ có giá trị sử dụng, mà trong đó còn mang cả giá trị tinh thần lớn”, anh Phát tâm sự.

Những câu chuyện cổ được anh lồng ghép khéo léo qua từng nét chạm trổ, từng vân mực trên các tác phẩm rồng độc bản. Đặc biệt, chiếc ghế rồng dát 2.500 lá vàng là điểm nhấn của bộ sưu tập với tính nghệ thuật và giá trị văn hóa sâu sắc. 

Chiếc ghế được sáng tạo dựa trên hình tượng rồng thời Lý và thuyết “lão long huấn tử” lưu giữ trên bức phù điêu hàng trăm năm tuổi ở đình làng Mông Phụ. Tác phẩm này mang trong mình thông điệp về sự kế thừa những giá trị tốt đẹp của thế hệ trẻ do cha ông để lại.

Những vảy rồng được hiện lên chân thực, những móng vuốt sắc nét, sự uốn lượn mềm mại quấn lấy nhau của hai con rồng là kết quả của quá trình miệt mài sáng tạo và am hiểu sâu của nghệ nhân về hình tượng con rồng. 

“Hiện tại, tôi đang làm hai phần việc: vừa là nhà điêu khắc, vừa là nghệ sĩ sơn mài. Khi mà mình làm được vậy thì có thể chủ động hơn. Chu trình làm ra sản phẩm khép kín sẽ khiến đồ vật được tạo ra trở nên có hồn. Bên cạnh đó, sản phẩm của tôi mang tính độc bản nên có thể khơi gợi người xem sự hứng thú và không cảm thấy bị nhàm chán”, anh Phát nói.

Trong quá trình làm ra các sản phẩm, những sai sót là không thể tránh khỏi. Nhưng chính những lỗi sai ấy lại là nguồn gốc khơi gợi sự sáng tạo trên đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân và trở thành những sản phẩm đặc biệt. Anh Phát chia sẻ: “Với những sản phẩm làm hỏng, ta đều có thể sửa. Vì chúng không phải sản xuất công nghiệp hàng loạt nên ta có thể hoàn thiện lại ngay trên cái sai ấy”. 

Trước sự kiên trì và tình yêu của anh với nghệ thuật, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Anh làm việc miệt mài với niềm say mê đến mức không biết mệt. Và kết quả của quá trình đẹp đẽ ấy là những tác phẩm độc đáo, cuốn hút, mang đầy giá trị nhân văn.

Với mỗi sản phẩm, anh đều thực hiện theo chủ đề. Có đôi khi chúng được sáng tạo dựa trên tâm sự hay tâm trạng bất chợt xuất hiện của người nghệ nhân, hoặc theo một chủ đề cụ thể như Phật giáo, văn hóa dân gian,... Từ những vật thể vô tri, vô giác, anh làm chúng sống dậy bằng sự tỉ mỉ và đam mê. Nhiều sản phẩm trong số đó đã được anh mang đi thi hoặc đem triển lãm.

Anh Phát tâm niệm: “Làm nghề thủ công, đặc biệt là thiên hướng về văn hóa truyền thống như này thì điều cơ bản nhất chính là phải có tình yêu với cội nguồn. Đặc biệt, khi làm phải đặt giá trị văn hóa truyền thống lên trên thương mại thì mới thành công được”.

Tất cả những sản phẩm anh làm, anh xác định chúng ra đời để mang một thông điệp, chứ không chỉ làm theo đơn đặt hàng có sẵn. Nhưng, đây có lẽ vừa là một lợi thế, vừa là một rào cản đối với người nghệ nhân. 

Trong tương lai, anh có định hướng phát triển nhiều hơn về mảng quản lý và lý luận. Trong dự định đó, anh mong muốn có thêm nhiều hoạt động liên quan tới việc tổ chức các lớp trải nghiệm tại các trường Đại học. 

Nguyễn Tấn Phát tin sự năng động của thế hệ trẻ có thể giúp những tác phẩm về sơn mài của anh, cũng như văn hoá truyền thống dân tộc tiếp cận với công chúng theo một cách rất riêng.

“Điều này không có nghĩa là tôi sẽ rời bỏ sơn mài, hay tự nhận là ‘bước’ lên tầm cao hơn. Tôi cho rằng, đây là một hình thức nhằm truyền bá rộng rãi về sơn mài tới mọi người hiệu quả và đúng nghĩa”, anh Phát chia sẻ. 

Tại quê nhà, anh cũng mở các lớp học miễn phí dưới hai hình thức chính là lớp học trải nghiệm và lớp truyền nghề. Mỗi lớp học đều có những hoạt động riêng, phù hợp với từng đối tượng. 

Các buổi học được tổ chức trong không gian xưởng sản xuất của anh Phát. Tuy chỉ là các lớp học miễn phí nhưng người nghệ nhân đã đặt rất nhiều tâm huyết với mong muốn lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống tới những du khách khi tới thăm làng cổ Đường Lâm.

Đối với những người nghệ sĩ như anh, khát khao lớn nhất có lẽ là gìn giữ và phát triển cái hồn cốt truyền thống của dân tộc. Trên hành trình ấy, anh sẽ không ngừng “khác biệt” và tiếp tục đem giá trị nhân văn ấy tới nhiều người hơn nữa.

“Nghiên cứu về độ tuổi sáng tạo của con người, tôi biết bản thân vẫn còn đang ở ngưỡng đấy, nên tôi chưa cho phép mình dừng lại mà phải tiếp tục theo đuổi”, nghệ nhân Phát bộc bạch.

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN