“Các con tìm nhà ai thế?” 
“À thế hả, vậy đi theo bà! Rẽ ở ngõ này là đến rồi”

Người phụ nữ trung niên nhìn chúng tôi cười hiền hậu. Tay bà thoăn thoắt chất nốt tải hàng lên xe bò, đi ở phía trước dẫn đường. Men theo con đường làng uốn quanh, chúng tôi được bà dẫn tới căn nhà cuối ngõ. Đây là nơi mà 40 năm qua gia đình bà đã giữ gìn và phát triển nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống. 

Căn nhà cấp 4 nhuốm màu thời gian, một vài mảng tường vôi tróc ra, rơi xuống; mái hiên sập xệ, từng lớp ngói nghiêng ngả xếp chồng lên nhau. Có lẽ ít ai biết, trong gần nửa thế kỷ, đây là khoảng không gian mà xưởng đồ chơi Đông Hạnh dùng để “gìn giữ giá trị dân gian truyền thống”. Vừa bước vào sân chúng tôi ngửi thấy mùi sơn nồng xộc lên mũi, những đôi tay thoăn thoắt sơn sửa, tô vẽ. Những món đồ chơi trung thu cứ thế ra đời.

Hàng năm, mỗi độ tháng 8 vào thu, làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống ở làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) lại rực rỡ sắc màu. Trải qua 54 năm, làng Ông Hảo vẫn giữ được những nét đẹp làng nghề gắn liền với văn hóa dân gian xưa.

Trở về thập niên 60 của thế kỷ trước, khi ấy làng Ông Hảo còn duy trì hợp tác xã làm trống - sinh kế chính của người dân lúc bấy giờ. Sau này khi làng xã phát triển hơn, hợp tác xã làm trống dần giải thể, thay vào đó là những hộ kinh doanh riêng lẻ. Xưởng sản xuất đồ chơi trung thu Đông Hạnh là một trong số đó. 40 năm gắn bó với đồ chơi dân gian cũng là 40 năm vợ chồng nghệ nhân Vũ Huy Đông thổn thức với nghề. Những vất vả, thăng trầm ngày ấy đã trở thành vệt son trong ký ức của ông.

Trước đây, hầu như cả làng Ông Hảo đều làm đồ chơi trung thu truyền thống. Có nhà thì làm trống, nhà thì làm mặt nạ, nhà lại làm đầu lân,... Chính điều này đã khiến làng Ông Hảo một thời vang danh với những mẫu đồ chơi thủ công đa dạng và bắt mắt.

Tuy nhiên, với vận động phát triển quá nhanh của xã hội, trẻ con giờ đây dần không còn thích mặt nạ giấy bồi, trống cái, đầu lân,... Công việc vốn là kế sinh nhai nay lại trở nên ế ẩm khiến nhiều hộ gia đình phải bỏ nghề, tìm hướng đi mới. Gia đình bà Hạnh cũng không phải ngoại lệ. “Ngày trước khó khăn hơn bây giờ nhiều. Đi bán hàng là mặt nạ chất đầy trong 2 cái xe thồ 30-40kg rồi rong ruổi khắp Hưng Yên cho tới Hà Nội mà cũng có bán được bao nhiêu đâu” - bà Hạnh chia sẻ.

Lấy chồng và gắn bó với nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống đã hơn 30 năm, bà Hạnh đã đôi lần muốn bỏ quách cái nghề này đi cho xong. Đấy là thời điểm cả tháng xưởng chỉ bán được vài cái mặt nạ với 2-3 chiếc trống. Là thời điểm mùa mưa mùa bão đến, những chuyến giao hàng bị trì hoãn, hàng hóa làm ra không có nắng để phơi. Hay là thời điểm vài năm trước, khi dịch COVID-19 xuất hiện, giãn cách xã hội, hàng hóa cũng vì thế mà “giãn cách” theo. Khi đó, tiền vốn đổ vào chưa được hoàn lại, tiền công vẫn phải lo nên gia đình phải chạy vạy đủ đường.

Chăm chú nghe vợ mình kể lại những khó khăn của gia đình trong suốt khoảng thời gian theo nghề, ông Đông chỉ cười cười. Sự vất vả của năm tháng đã in hằn trên khuôn mặt người đàn ông nhưng ánh mắt lấp lánh tự hào về nghề lại không mờ đi một chút nào: “Nói bỏ nhưng mà bỏ thế nào được, cái nghề nó gắn bó với tôi từ tấm bé đến giờ. Người ta bỏ rồi, tôi cũng bỏ nữa thì mất hết, mất nghề, mất cả truyền thống. Trẻ con nó sao mà biết được thế nào là mặt nạ giấy bồi, thế nào là đồ chơi trung thu dân gian bố mẹ chúng nó từng chơi”. Có lẽ, đối với ông Đông bà Hạnh còn duy trì được nghề tới thời điểm hiện tại đã là một sự thành công lớn.

“Từ xưa tới giờ tôi đã yêu thích nghề làm đồ chơi truyền thống vì nó gắn liền với những câu chuyện dân gian. Trong suốt quá trình đó gặp vô vàn các khó khăn nhưng tới giờ cũng được đền đáp nó mang lại thu nhập kinh tế cho gia đình” - nghệ nhân Vũ Huy Đông chia sẻ.

Từ việc đơn thuần chỉ là yêu thích vẽ vời đến khi được phong nghệ nhân, mang theo sứ mệnh gìn giữ nghề truyền thống, với ông Đông đây là cả một quá trình. Ông chia sẻ, ban đầu sản phẩm ông bán chỉ đơn giản là trống và mặt nạ chú tễu. Tuy nhiên, để thích nghi với dòng chảy hiện đại, ông đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm khác như mặt nạ 12 con giáp, mặt nạ chú hề, đầu lân,... Dần dà, công việc buôn bán cũng ổn định hơn. Hiện tại, mỗi ngày xưởng nhà ông Đông sản xuất ra hàng trăm chiếc mặt nạ, đầu lân,... với đủ màu sắc và hình thù. Giá bán của những món đồ chơi này cũng đã cao hơn xưa, đủ đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Không chỉ vậy, xưởng đồ chơi trung thu Đông Hạnh còn tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người dân trong làng.

Không chỉ đơn thuần là sản xuất đồ chơi trung thu, hiện tại xưởng của nghệ nhân Vũ Huy Đông còn mở thêm dịch vụ trải nghiệm làm đồ chơi truyền thống. Ông Đông tự hào mà nói lớn: “Hôm trước tại xưởng đón hơn 100 em học sinh đến làm mặt nạ giấy bồi, ngồi chật kín cả cái sân này. Khách du lịch với người nước ngoài đến đây nhiều lắm. Nhiều người biết đến cơ sở làm đồ chơi này làm ông thấy rất vui vì nó lan truyền giá trị truyền thống được cho mọi người.”

Anh Tiến Minh (Tiktoker Vũ thong dong) đã có một buổi trải nghiệm tại xưởng sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống Đông Hạnh. “Điều mình ấn tượng khi tới đây là những chiếc mặt nạ được phơi ra từ ngoài cổng cho đến vào trong nhà và mặt nạ có rất nhiều hình dạng khác nhau mô phỏng nhiều nhân vật như là ông Địa, Thị Nở, Chí Phèo hoặc là 12 con giáp”

                                    Ảnh nhân vật trải nghiệm cung cấp
                                                                                         Ảnh nhân vật trải nghiệm cung cấp

Khi đã bước vào tuổi xế chiều, sức khỏe không còn được tốt như trước đây nhưng ngày ngày cả gia đình ông vẫn cần mẫn thắp lên lửa nghề. “Gan lì và tin vào sức sống của nghề” chính là những gì ông Đông nói với chúng tôi. 

Nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống tại Làng Ông Hảo đã được gia đình ông Đông lưu giữ hơn 5 thập kỷ. Có lẽ nó còn được tiếp nối bởi những người con của ông. Vượt qua nhiều thách thức, bền bỉ với những giá trị truyền thống, giờ đây gia đình nghệ nhân Vũ Huy Đông đang được hưởng “quả ngọt” mà mình gieo trồng.

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN