11h trưa, anh Nguyễn Trọng Đạo nhận được cuộc gọi thông báo có thai nhi bị bỏ rơi. Ngay lập tức, anh cùng người bạn đời của mình là chị Nguyễn Thị Huế lên chiếc xe cứu thương ngược từ Hà Đông về phường Đức Giang, quận Long Biên đón thai nhi. Trên chuyến xe này, chúng tôi được nghe những câu chuyện về hành trình anh Nguyễn Trọng Đạo cùng người vợ của mình gian nan tìm kiếm, quy tập những sinh linh bé nhỏ chưa kịp thấy ánh mặt trời.

Ở quán nước ven đường, chúng tôi nhận ra anh Đạo với chiếc balo và chiếc mũ lưỡi trai đặc trưng. Vừa ngồi xuống, anh nhận được điện thoại đi đón một em bé vừa mất. Vậy là cuộc trò chuyện của chúng tôi thành hành trình theo chân anh đi làm nhiệm vụ.

Tiếng còi xe cứu thương réo rắt lao nhanh trên đường cao tốc, anh Đạo bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những mảnh đời xấu số...

“Ngày hôm đó tại một phòng khám tư nhân ở tỉnh Nam Định nơi tôi sinh sống. Tôi đã chứng kiến cảnh tượng mà có lẽ đến tận sau này vẫn chẳng thể nào nguôi ám ảnh. Một thứ gì đó không rõ hình thù vừa bị vứt bỏ hết sức tàn nhẫn vào nhà vệ sinh, không phải rác thải y tế cũng chẳng phải những túi đồ cũ… Đó một thai nhi còn đỏ hỏn bị nạo hút, thi thể không còn nguyên vẹn”, anh Đạo nhớ lại.

Lần đầu tiên trong đời, Đạo cầm trên tay một hài nhi không còn nguyên vẹn, bị cắt ra thành nhiều mảnh, sự thương cảm lấn át tất cả. Ngày hôm sau, Đạo cùng một vài người lớn tuổi trong xóm quyết định xin đưa thai nhi về nhà chôn cất, cho em một chỗ của riêng mình thay vì bị vứt bỏ nơi bãi rác…

Gắn bó với công việc nhặt xác thai nhi từ khi còn học phổ thông, rất nhiều lần công việc này để lại trong chàng trai trẻ những ám ảnh dù cho anh đã nhặt vô số xác thai nhi.

Anh Đạo kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cũng trong một ngày mưa như hôm nay. Anh ôm trên tay một em bé đã thành hình đến bệnh viện với hi vọng cứu sống, nhưng chỉ mấy tiếng sau, bé đã ra đi mãi mãi trong vòng tay anh.

Đến nơi, chúng tôi thấy người ta bàn giao cho anh một chiếc hộp giấy đã được dán kín, bên trong là thai nhi vừa mới mất. Anh Đạo lặng lẽ ôm chiếc hộp, đặt vào sau xe. Rồi đây sinh linh xấu số ấy sẽ được chính tay anh Đạo khâm liệm sạch sẽ, đưa về an táng cùng hơn 60 nghìn thai nhi tại quê anh.

Lật dở cuốn sổ ghi chép số lượng thai nhi xấu số, anh Đạo tính nhẩm đã hơn 60.000  thai nhi được anh và đồng đội mai táng...

Phương tiện lúc đầu của anh Đạo đi thu nhặt thai nhi chỉ là một chiếc xe máy cũ có treo túi xách, anh chị rong ruổi khắp những phòng khám tư, bệnh viện trên địa bàn Thủ đô. “Khoảng 5 giờ chiều, khi các phòng khám vứt bỏ các loại rác thải y tế, thì đó cũng là thời điểm chúng tôi lao vào bới nhặt với hy vọng tìm thấy xác thai nhi”, anh Đạo trầm ngâm. 

"Mọi người phải tận mắt chứng kiến thì mới hiểu hết được công việc chúng tôi đang làm. Nhưng tôi không thể đưa người lạ theo chân bởi đó là "nỗi khổ". Các phòng khám họ phát hiện sẽ không đưa những thai nhi tội nghiệp cho mình về mai táng nữa. Rồi người ta lại vứt các con vào những ống cống, hoặc để vào mấy bọc ni long đầy rác thải.”

Có những ngày anh cùng đồng đội tìm thấy hơn 70 thai nhi, phương pháp chủ yếu để bảo quản thai nhi là dùng đá lạnh. “Ròng rã 3 ngày một lần, tôi chở các con bằng xe máy về quê chôn cất. Sau này, nhờ một nhóm tình nguyện tài trợ cho một chiếc tủ lạnh, việc bảo quản xác thai nhi cũng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Cứ chờ khi đủ số lượng, tôi lại thuê xe chở các con về với đất mẹ", Đạo chia sẻ lại.

-         Cứ có em bé mất là bệnh viện lại báo cho anh à? Tôi hỏi

-         Bây giờ là thế. Còn trước đây, chúng tôi phải tự đi đến từng phòng khám đặt vấn đề. Có nơi người ta đồng ý, cũng có nơi từ chối. Chúng tôi ngồi chờ bên ngoài tới đêm, khi phòng khám đóng cửa mới đi bới thùng rác. Đưa các bé về.”

Trong một lần đi tìm kiếm thai nhi năm 2017, khi mở bịch nilon rác tại khu vực gần Bệnh viện Nhi Trung ương trên đường Đê La Thành, anh Đạo đã bị kim tiêm đâm vào tay chảy máu. Một thời gian dài sau đó, Đạo phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV. Người anh xanh xao, sút cân nhanh chóng nhưng công việc gom các bé thì quyết không bỏ ngày nào. 

"Hồi đó các bác sĩ nói tôi phải uống thuốc 1 tháng theo dõi trong vòng 3 tháng. Tôi nghe nhầm thế nào ra uống thuốc 3 tháng. Khi uống đến tháng thứ 2 cơ thể vô cùng khó chịu đi khám thì bác sĩ nói chỉ uống một tháng thôi. Hồi đó tôi như sống trong lo sợ tột độ, ngày ngày sợ sệt nhỡ làm sao khổ người thân. May mắn khi cầm kết quả xét nghiệm không sao, tôi thở phào nhẹ nhõm", Đạo cười nói.

Nói về những lời đồn đại xung quanh công việc mình đang làm, anh Đạo cười: “Họ bảo tôi đêm nào cũng xách túi màu đen lén lút như buôn lậu. Đến khi biết tôi đựng thi hài thai nhi để đem về mai táng, họ bảo tôi làm một việc không giống ai.” 

Khi quyết tâm đi theo con đường này, ngoài tinh thần “thép” khi đối diện với những sinh linh xấu số, anh Đạo còn phải vững vàng trước những phán xét của người đời. Bởi lẽ khi đối diện với một người làm công việc”không giống ai”, sẽ có nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao phải làm vậy? Làm vậy để làm gì? 

“Pháp luật có ý kiến gì với những việc anh đang làm không?” Tôi hỏi

“Nếu chỉ nghĩ về luật, thì trên đời này không ai làm từ thiện được. Mình chỉ nên soi vào lòng mình, làm gì cho tâm mình thanh thản, thì đó là việc nên làm.”
 

Có lần công an quận Hà Đông tìm về tận nhà anh, mở tủ bảo quản lạnh ra khám xét: “Người ta đồn tôi tích trữ thai nhi để làm bùa chú nên công an về bắt giải trình.” Vào thời điểm đó, vụ việc công an khám xét nhà anh và phát hiện hơn 1.300 thai nhi từng trở thành chủ đề tìm kiếm trên trang nhất của nhiều tờ báo. Câu chuyện của anh Đạo cũng vì thế mà được nhiều người biết đến hơn. Có người coi những bào thai bị bỏ đi đó là điều không may mắn, không muốn tới gần, cũng có những người đồng cảm. Họ bày tỏ muốn góp một phần vào cuộc hành trình của anh, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Anh Đạo đưa đôi bàn tay ra trước mặt, nghẹn ngào: “Có những thai nhi đã thành hình, người ta dùng thủ thuật lấy ra làm các bé không còn nguyên vẹn. Tôi ôm các bé trên tay mà thấy xót xa trong lòng.” 

Có lẽ với nhiều người mẹ, những sinh linh đó đến như một sự nhỡ nhàng của tạo hóa, trong một phút giây bồng bột, nhưng với anh Đạo và những người đang thực hiện công việc “không giống ai” này, đó là một sự sống, một cuộc đời bị chối bỏ. Trước khi gặp anh Đạo, chúng tôi đã hình dung sẽ viết một câu chuyện với nhiều mỹ từ cao đẹp, nhưng anh Đạo suy nghĩ đơn giản: “Các bé đã không được sống cuộc đời của con người, thì ít ra cũng nên được yên nghỉ ở một nơi sạch sẽ.” Trước khi tiễn một em bé, anh Đạo luôn thì thầm: “Nếu có duyên thì về làm con chú nhé.” Chúng tôi nhìn thấy trong đôi mắt anh tình thương và lòng bao dung để đón nhận những đứa trẻ chưa kịp thành hình.  

Trước khi chia tay chúng tôi, anh Đạo nói: “Những năm qua, tôi chỉ ao ước một ngày đi đón các bé mà được trở về tay không. Tôi chờ mãi nhưng ngày đó vẫn chưa tới…” Cuốn sổ “nam tào” mà anh dùng để ghi chép số lượng thai nhi dày lên theo thời gian.

Tại nghĩa trang - nơi anh Đạo chôn cất thai nhi bị bỏ rơi, đã nhiều lần anh chứng kiến những người mẹ tìm về, thắp cho con mình một nén nhang, nói lời xin lỗi trong nước mắt. Anh tâm sự với chúng tôi khi làm công việc này, một phần để các con có chỗ an nghỉ sạch sẽ, một phần để giúp những người làm cha mẹ vơi đi ít nhiều cảm giác day dứt về những lỗi lầm trong quá khứ.

Những người phụ nữ đến khoa “bỏ” của bệnh viện với nhiều tâm trạng, có người u uất buồn bã, có người lặng lẽ, có người bình thản như một việc đến lúc cần làm...

Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 – 19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Luật pháp Việt Nam không quy định cũng như không nghiêm cấm đối với hành vi nạo phá thai. Chỉ cần đến các cơ sở y tế được cấp phép, người có nhu cầu sẽ được thực hiện mong muốn. Xong việc, người của cơ sở y tế sẽ cho bào thai vào túi bóng xử lý như rác thải, hoặc xả trôi theo nước. Đó là cách người ta kết thúc một sinh mệnh.

Phá thai là một sự lựa chọn, để giải quyết hậu quả không mong muốn. Nhưng phá thai không đơn giản là nằm lên bàn làm thủ thuật mà để nhắc nhở những người làm cha mẹ đừng lặp lại sai lầm, để lương tâm phải gánh chịu dằn vặt.

Mời quý vị xem chi tiết bài viết tại đây: Người đi "đón" những thiên thần bị bỏ rơi

 

Đừng bỏ lỡ
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật18 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Tin nổi bật22 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc ngày 18/5, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

XEM THÊM TIN